Những cám dỗ về toàn trị trong giới tinh anh cấp tiến
Trong một chương trình buổi sáng của đài CBS hồi giữa tháng Năm, người dẫn chương trình Nate Burleson đã hỏi cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng liệu có điều gì về đất nước này khiến ông thao thức hàng đêm hay không.
Ông Obama nói : “Điều mà tôi lo ngại nhất đó là mức độ chia rẽ của một cuộc đối thoại mà chúng ta hiện đang đối mặt, một phần là vì chúng ta có một hệ thống truyền thông không đồng nhất. … Khi tôi vừa đắc cử, chúng ta đã ba đài truyền hình. Và mọi người đều có cảm nhận tương tự nhau về điều gì là đúng đắn và điều gì không, điều gì là chân thật và điều gì là giả dối. Ngày nay, điều tôi quan tâm nhất là, do sự chia rẽ của các phương tiện truyền thông, chúng ta gần như nắm bắt những hiện thực khác nhau.”
Câu trả lời của ông Obama vừa gây lo lắng vừa có thể dự đoán trước được. Một số nhà bình luận tin tức phe bảo tồn truyền thống không hài lòng với câu trả lời của ông ấy, nhưng ông không bị ông Burleson phản đối và đã được các phương tiện truyền thông thiên tả của Mỹ hoàn toàn chấp thuận.
Trước thời ông Obama, người Mỹ ít kiên nhẫn hơn nhiều đối với những hành vi vi phạm Tuyên ngôn Nhân quyền. Tự do báo chí và tự do ngôn luận thường được coi là những nguyên tắc căn bản của nền dân chủ. Giờ đây những người cấp tiến có xu hướng tin tưởng rằng tự do báo chí chỉ là một trở ngại cố chấp khác đối với những người thực sự nên phát triển “ý thức như nhau về điều gì là đúng và điều gì không.”
Đây cũng chính là khuynh hướng đáng lo ngại mà học giả người Ba Lan Rysard Legutko gọi là “cám dỗ về toàn trị.” Người ta chỉ có thể kết luận từ cuộc phỏng vấn của ông Burleson rằng, ngay cả các cựu biên tập viên của Tạp chí Luật Harvard cũng không còn coi trọng các quyền của Tu chính án thứ Nhất nữa.
Một trường phái chính thống mới đen tối
Đảng Dân Chủ thiên tả đã từng mặc nhiên có ác cảm đối với việc bịt miệng các đối thủ. Tuy nhiên, trong những thập niên đầu của thế kỷ 21, họ đã áp dụng cùng một loại chiến thuật chính trị phát xít mà họ hiện đang lên án các quốc gia khác.
Trong những năm gần đây, những người tuyên bố về sự hết lòng tận tụy cho nền dân chủ tự do, chủ nghĩa đa văn hóa, nhân quyền, công bằng xã hội, sự đa dạng, bình đẳng và hòa nhập, có xu hướng ủng hộ cho chủ nghĩa tân Marxist của ông Herbert Marcuse vốn kêu gọi cho “sự khoan dung hà khắc” nhiều hơn so với trường hợp vì tự do ngôn luận được những người thiên tả ở thế kỷ 19 đề ra, như nhà triết học John Stuart Mill chẳng hạn.
Cánh tả hiện đang khẳng định rằng “tự do ngôn luận là diễn ngôn thù hận.” Họ sẽ cố gắng hết sức để cản trở việc tiếp cận các sự kiện hoặc ý tưởng không phù hợp với các quan điểm thức tỉnh của mình.
Những nhà tư tưởng như ông Marcuse đã từng khuấy đảo những phản ứng chống cộng sản một cách mạnh mẽ từ những người Mỹ thiên tả. Việc đàn áp các ý tưởng từng được xem là một hành vi phạm tội đối với lợi ích chung. Những người ủng hộ sự kiểm duyệt được coi là mối đe dọa đối với nền dân chủ.
Ngày nay, một trường phái chính thống mới đầy đen tối đã chiếm giữ vị trí quan trọng trong nền tảng văn hóa của Đảng Dân Chủ. Trường phái này kêu gọi một tầng lớp trí thức ảo tưởng bảo vệ một liên minh những người đồng tính chống lại các thế lực tưởng tượng như chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, kỳ thị đồng tính, kỳ thị người chuyển giới, bài ngoại, và tầng lớp trung lưu phản cách mạng của Mỹ quốc, đang hủy diệt hành tinh này.
Để bảo vệ sự cấp tiến của Mỹ quốc trước sự vu khống của dân thường, những sự thật phũ phàng phải bị dập tắt. Sự đồng thuận là điều bắt buộc và diễn ngôn cởi mở là điều không thể chấp nhận được.
Do đó, những người tố cáo phơi bày tham nhũng chính trị trong FBI đang bị sách nhiễu và trừng phạt. Công dân bị cấm đoán đọc lá thư tuyệt mệnh của một người chuyển giới bị cáo buộc sát hại một đứa trẻ. Các kênh truyền thông lớn đã giấu nhẹm công chúng về lượng người di cư bất hợp pháp, những kẻ lang thang nghiện ma túy, và những tên tội phạm mất kiểm soát. Người Mỹ bị báo chí và chính phủ của họ thường xuyên lừa dối nhiều hơn cả việc một người vợ cả tin bị người chồng ngoại tình của mình lừa gạt.
Văn hóa của người Mỹ Anglo-Saxon nên duy trì sự đối kháng
Khi còn viết bài cho cho Viện Adam Smith cách đây vài năm, tác giả người Anh Madsen Pirie đã lập luận rằng những người quá lo ngại về việc sống chung với sự chia rẽ không biết gì về giá trị của một nền lịch sử chính trị vùng sử dụng Anh ngữ.
Từ cuộc Cách mạng Vinh quang thế kỷ 17 cho đến chính thể đại nghị đương đại, nền dân chủ của người Mỹ Anglo-Saxon đã được phục vụ tốt nhờ nền văn hóa chính trị đối kháng của chúng ta. “Luật pháp và khoa học của chúng ta cũng vậy,” ông Pirie viết. “Chúng ta để cho các đảng phái phản đối nhau, đối mặt với các đối thủ của họ trong Nghị viện được ngăn cách bởi một khoảng tương đương với chiều dài của hai thanh gươm, chứ không phải trong các phòng kiểu móng ngựa được ưa chuộng ở châu Âu lục địa. Các đại cử tri đưa ra tranh luận về người chiến thắng và họ bỏ phiếu tương ứng.”
Chính trị có thể có phần gay gắt và chia rẽ. Những nhà tư tưởng thường nhận thấy mục tiêu của họ là chính đáng và cấp thiết đến mức họ không thể dung thứ cho sự đối lập. Tuy nhiên, qua trực giác, những người đàn ông và phụ nữ bình thường hiểu rằng một nền văn hóa khuyến khích tranh luận sẽ vượt trội so với các chế độ thẩm tra và kiểm duyệt.
Văn hóa chính trị của người Mỹ Anglo-Saxon nên duy trì tính đối kháng như nó vốn luôn như vậy. Một xã hội dân chủ thực sự không được phục vụ tốt bởi những kẻ chuyên quyền, những người khăng khăng nói với mọi người những gì họ có thể nghe và nói.
Người Mỹ nên thận trọng khi nghe lời khuyên từ những người lo lắng về việc cho phép công dân có một “cuộc trò chuyện chia rẽ” về “điều gì là đúng và điều gì không.”
Sự thật là, mọi người không bị chia rẽ và không hạnh phúc chỉ vì nền văn hóa của chúng ta là đối kháng. Trước giờ vẫn luôn như vậy.
Mọi người đang trở nên cáu kỉnh và bực dọc vì có quá nhiều chính trị gia đã mất đi lòng khoan dung đối với bất đồng chính kiến và sự tự do bày tỏ ý kiến của những người khác.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times