Nhục thân bất hoại của vị Lạt ma Phật Giáo người Nga
Nhục thân của Đức Hambo Lama Itighelov – ngài từng là một vị lãnh đạo tinh thần của các Phật tử người Nga từ năm 1911 đến năm 1927 – lần đầu tiên được khai quật khỏi mộ vào năm 1955, theo yêu cầu của vị Lạt ma. Sau khi khai quật lần thứ 3 vào năm 2002, 75 năm sau khi Lạt ma viên tịch, nhục thân ngài vẫn không có dấu hiệu bị hư hoại, các chuyên gia y khoa đã quyết định nghiên cứu về kỳ tích này.
Theo Pravda.ru, ngôi mộ có chứa một quan tài gỗ và [bên trong] là một vị Lạt ma Phật giáo đang ngồi tọa trong tư thế “kiết già” (tư thế “hoa sen”). Nhục thân ngài được bảo quản như thể đã được ướp xác, nhưng không phải vậy. Cơ thể ngài được phủ quần áo và vải lụa.
“Các mẫu vật được lấy ra 75 năm sau khi nhục thân ngài được chôn cất, đã cho thấy rằng các bộ phận cơ thể ngài như da, tóc và móng tay không khác gì với của một người đang sống,” một giáo sư lịch sử tại trường Đại học Nhân văn Quốc gia Nga, bà Galina Yershova đã phát biểu trong một cuộc họp báo ở văn phòng trung tâm “Interfax” tại Moscow.
Bà Yershova nói “Các khớp của ngài vẫn cong gập được, các mô mềm đàn hồi giống như ở một người sống, và sau khi họ mở quan tài, nơi mà thi hài của Lạt ma đã ở [đó] trong suốt 75 năm, có một mùi hương rất dễ chịu [tỏa ra].” Bà Yershova tin rằng điều này hoàn toàn không giống như những gì người ta nghĩ về một thi hài đã được chôn cất trong 75 năm.
Nhục thể này đã trở nên linh thiêng đối với các Phật tử vùng Buryatia của Nga, di thể của vị Lạt ma hiện đang yên nghỉ trong Tu viện Phật Giáo Ivolgin ở thủ phủ Ulan-Ude của vùng này.
Đức Hambo Lama Itighelov là một người có thật và nổi tiếng trong lịch sử nước Nga. Ông đã học tại Anninsky Datsan, trường Đại học Phật Giáo ở Buryatia. Lạt ma Itighelov có bằng y học và triết học (về bản chất của tánh không). Ông cũng đã biên soạn một bộ bách khoa toàn thư về dược lý học.
Năm 1911, Lạt ma Itighelov trở thành một vị Hambo Lama (người đứng đầu Phật Giáo ở Nga). Trong giai đoạn từ năm 1913 đến năm 1917, ngài đã mở ngôi chùa Phật Giáo đầu tiên tại St. Petersburg. Lạt ma Itighelov đã xuất bản các luận văn và giáo lý tôn giáo, đồng thời cũng thống nhất nhiều chi phái tôn giáo. Ngài được mời đến dự lễ kỷ niệm lần thứ 300 của Vương tộc Romanov, và vào ngày 19/03/1917, Sa hoàng Nga Tsar Nikolai II đã trao cho ngài giải thưởng Thánh Stanislav.
Trong suốt Thế chiến thứ Nhất, Lạt ma Itighelov đã trợ giúp quân đội về tiền bạc, quần áo và thuốc men. Ngài cũng đã xây dựng một loạt các bệnh viện, nơi các bác sỹ Lạt ma giúp chữa trị cho những chiến binh bị thương. Với những đóng góp của mình, Lạt ma Itighelov được trao tặng huy chương Thánh Anna.
Năm 1926, ngài đã cảnh báo các nhà sư Phật Giáo về khủng bố “đỏ” sắp diễn ra và khuyên họ hãy đến Tây Tạng. Nhưng bản thân ngài không bao giờ rời khỏi Nga. Năm 1927, Lạt ma Itighelov nói với các Lạt ma rằng ngài đang chuẩn bị rời khỏi thế gian. Ngài bắt đầu thiền định và không lâu sau thì viên tịch.
Lạt ma Itighelov để lại một di chúc, trong đó yêu cầu về nơi chôn cất ngài và vẫn để ngài ngồi tọa thiền trong tư thế “hoa sen” trong một cỗ quan tài bằng gỗ tuyết tùng tại một nghĩa trang truyền thống. Ngài cũng có một tuyên bố, trong đó ngài dặn dò các nhà sư hãy khai quật di hài của ngài sau vài năm.
Di nguyện của ngài được các nhà sư Phật Giáo thực hiện lần lượt vào năm 1955 và năm 1973. Nhưng điều này được giữ bí mật, bởi vì tất cả các loại tín ngưỡng tôn giáo đều bị cấm dưới chế độ cộng sản.
Liên Xô dưới thời Stalin đã đàn áp hầu hết các loại hình tín ngưỡng tôn giáo, hành hình hàng trăm vị Lạt ma và phá hủy 46 ngôi đền và tu viện Phật Giáo.
Kể từ khi Liên bang Xô viết sụp đổ, trên khắp nước Nga, Phật Giáo bắt đầu hưng thịnh trở lại, xây dựng lại các ngôi chùa bị phá hủy và thu hút thêm nhiều tín đồ.
Vào ngày 11/09/2002, 75 năm sau khi Lạt ma Itighelov viên tịch, di hài ngài được khai quật lần thứ ba. Sự kiện lần này đã được ghi chép lại: Một tá các nhân chứng, gồm cả hai chuyên gia pháp y và một nhiếp ảnh gia.
Không lâu sau, di hài của vị Lạt ma được chuyển đến Ivolginsky Datsan (nơi cư ngụ của Đức Hambo Lama ngày nay). Ở đây di hài đã được các nhà sư, các nhà khoa học và chuyên gia bệnh lý học nghiên cứu chặt chẽ.
Được sự cho phép của các Tu sĩ Phật Giáo, các nhà khoa học đã khám nghiệm các mẫu mô của “nhục thân bất hoại”. Họ so sánh chúng với những mẫu mô của người sống. Khi một trong số các nhà khoa học đến gần di hài, bà có thể cảm nhận rõ hơi ấm [tỏa ra] từ tay ngài.
Giáo sư Viktor Zvyagin từ Trung tâm Pháp y Liên bang đã khám nghiệm nhục thể của Lạt ma Itighelov ở Ivolginsk vào tháng 11 năm ngoái, và tiến hành nhiều phân tích về các mẫu tóc, da và móng tay sau khi ông trở lại Moscow. Ông đã đưa ra kết luận rằng nhục thân của Lạt ma Itighelov ở trong trạng thái của một người mới tử vong cách đây 36 tiếng đồng hồ. Những kết quả cho thấy cấu trúc protein của cơ thể không hề bị tổn hại và giống hệt như của một người còn sống.
Các nhà khoa học không nói nên lời trước những kết quả phân tích thành phần hóa học trong di thể ngài. Họ không thể lý giải được sự thật là các thành phần hóa học trong nhục thể Lạt ma Itighelov đã biến mất hoặc hiện hữu với số lượng nhỏ không đáng kể.
Hai năm đã trôi qua. Hiện tại, nhục thể của Lạt ma Itighelov được đặt ngoài trời mà không có bất kỳ giới hạn nhiệt độ hay độ ẩm nào. Không ai hiểu được làm sao mà nhục thân của ngài lại có thể trụ giữ được trong điều kiện này.
Tuyên bố chính thức được đưa ra về nhục thân của vị Lạt ma là – được bảo quản tốt, không có bất kỳ dấu hiệu hư hoại, các bắp cơ và mô bên trong, các khớp mềm và da còn nguyên vẹn. Người ta xác nhận rằng di thể ngài chưa bao giờ được tẩm liệm hoặc ướp xác.
“Lúc đó vị Lạt ma đã 75 tuổi, và ngài hứa sẽ quay trở lại với các tín đồ của mình sau 75 năm nữa,” bà Yanzhima Vasilyeva, Giám đốc Viện Itigilov chia sẻ. “Điều đáng kinh ngạc nhất là ngài vẫn ngồi thẳng. Các nhà khoa học cho biết sau hai tuần, một thi thể không thể tự ngồi thẳng,” bà Vasilyeva nói tiếp.
Vị Bimbo Lama chăm sóc cho ngài Lạt ma Itighelov gần như luôn ở bên thầy mình. Thỉnh thoảng, vị Bimbo Lama thay y phục cho ngài Lạt ma Itighelov, và vào lúc đó, các khớp của cơ thể ngài trở nên linh hoạt hơn. Vị Bimbo Lama đã để ý rằng lúc thay y phục, ông có thể ngửi thấy một mùi thơm tỏa ra từ cơ thể thầy.
Các Lạt ma mặc cho di hài một chiếc áo choàng vàng, với một chiếc khăn màu xanh lam được đặt trên đùi ông. Đôi mắt ngài nhắm lại, các đường nét đã mờ đi, nhưng hình dạng khuôn mặt và chiếc mũi của ngài hoàn toàn giống với bức ảnh ngài được chụp năm 1913. Đôi tay vẫn linh hoạt, móng tay được cắt tỉa hoàn hảo. Da ngài mềm và [trên] đầu vẫn là một mái tóc ngắn sát [da đầu].
Theo Giáo sư Yershova, đây là trường hợp duy nhất được xác nhận và ghi lại về một nhục thể bất hoại qua một khoảng thời gian lâu như vậy trên toàn thế giới.
Việc tẩm liệm và ướp xác được biết đến nhiều ở các quốc gia và các chủng người khác nhau như những xác ướp Ai Cập, các vị Thánh Cơ Đốc giáo, những lãnh tụ cộng sản và những nhân vật khác. Một số thi thể được tìm thấy trong lớp băng vĩnh cửu, nhưng khi được tiếp xúc với môi trường có oxy, chúng đã hư hỏng chỉ trong vài giờ.
Các Lạt ma ở ngôi đền kể lại nhiều kỳ tích xoay quanh “Thánh thể”. Một số người được chữa khỏi bệnh một cách thần kỳ khi nhìn thấy Thánh thể của Đức Hambo Lama.
Lạt ma Itighelov trước khi viên tịch đã nói rằng ngài đã để lại một thông điệp cho tất cả mọi người trên Trái đất. “Có một cuộc khủng hoảng đạo đức nghiêm trọng ở Nga ngày nay,” bà Vasilyeva nói, “sự trở lại của ngài Itighelov là một cơ hội tuyệt vời để giúp mọi người có đức tin.”
Một đoạn trong cuộc phỏng vấn với vị Hambo Lama Ayusheyev, vị lãnh đạo tinh thần kể từ năm 1955, cũng đã được trình bày ở cuộc họp báo. “Nhiều người không nhìn thấy những điều hiển nhiên,” ông nói. “Nhiều người sẽ không hiểu được ngay cả khi họ thấy ngài (Hambo Lama Itighelov).”
Mặc dù có các mô tả về những điều như vậy trong các kinh sách Phật Giáo, không có ví dụ nào được xác nhận trong thực tế. Còn bây giờ thì có vẻ như chúng ta có một [ví dụ] rồi. Và đã đến lúc chúng ta giải mã thông điệp không lời của vị Lạt ma.
“Đối với tôi, đó là kỳ tích tuyệt diệu nhất trên đời,” vị Hambo Lama Ayusheyev cho biết. “Hóa ra có những thứ không chịu sự tàn phá của thời gian.”
Nhã Liên biên dịch
Quý vị xem bản gốc từ The Epoch Times