Lân là con nào?
Tên gọi Lân theo cách của nhiều người Việt Nam hiện nay hay gọi vốn có sự nhầm lẫn dẫn đến sự hiểu biết không chính xác. Những khái niệm văn hóa truyền thống bị thay đổi, bóp méo và làm lệch lạc, đồng thời xoáy sâu vào tâm hiển thị, thích làm văn hóa bản địa, tinh thần dân tộc riêng biệt mà tách dần con người ra khỏi tinh hoa của truyền thống Thần truyền, tạo ra những thứ vô Thần len lỏi vào văn hóa của Thần để truyền bá rộng rãi thì thật là đau lòng, đó chẳng phải là hành động bất kính Thần sao?
Mỗi khi Tết đến, ở vùng Chợ Lớn bà con hay thường thấy cảnh tượng chốc chốc cứ 5 -10 phút là nghe tiếng trống Lân vang dội từ những chiếc xe tải lớn chạy ngang qua đường phố, ai ai cũng nô nức vây quanh xem đoàn Lân biểu diễn, con nít chúng tôi thì thích lắm, đứa nào mà không mê, là ấn tượng cả đời.
Kỳ Lân/麒麟/Qilin, Kirin, Kylin
Lân chính xác nhất là để gọi Kỳ Lân, là con của Rồng. Con vật này cơ bản mang hình dáng kết hợp giữa Rồng và Hươu/Ngựa. Đầu và bộ giáp giống rồng, thân hình và móng lại như Hươu. Kỳ Lân thường được thờ phụng trong miếu, đặt tượng trên mái công trình thờ cúng. Kỳ Lân nằm trong Tứ Linh gồm Long, Lân, Quy, Phụng.
Sư Tử Đá/Thạch Sư 石獅/Chinese Guardian Lions:
Ở Việt Nam người ta hay kêu đôi tượng thú canh giữ trước chùa miếu là Lân Đá, nhưng thực ra phải gọi là Sư Tử đá mới đúng. Có lẽ vì hình dáng của chúng thật quá lạ kỳ so với sư tử thật nên người ta không nghĩ đó là sư tử. Nhưng ở Trung Hoa xa xưa người ta lại hầu như không có cơ hội nhìn thấy sư tử thật nên từ những tượng đá, hình vẽ về sư tử du nhập từ Trung Á và Ấn Độ, họ đã tạo nên hình tượng Sư mang nhiều đặc điểm thần thoại.
Sư có nhiều phong cách tạo hình khác nhau ở từng thời kỳ, từng địa phương. Nhìn chung chúng ta sẽ thấy chúng thường có một cặp, con đực bên trái, con cái bên phải theo quy ước nam tả nữ hữu, cả hai cơ bản hình dáng giống nhau đều có bờm, chỉ khác ở bộ phận sinh sản (nếu có tạc) và con đực thường ôm quả cầu, con cái thường ôm con con.
Sư được dùng để canh cửa ở cả miếu tự, cung điện lẫn nhà ở. Nó có khả năng xua đuổi tà khí cũng như mang lại may mắn tiền tài.
Ở Việt Nam, có hình tượng con Nghê, nhiều người thường cho là biến thể từ kỳ lân và là sáng tạo “thuần Việt”. Tuy nhiên theo tên gọi thì nó cũng chính là con sư tử thời cổ đại khi người ta còn gọi sư tử là “Toan Nghê”. Vậy là sư tử đá đã đi vào văn hóa Việt từ rất sớm, về tạo hình ngoài sự sáng tạo bản địa thì vẫn lưu giữ tinh hoa văn hóa truyền thống Trung Hoa.
Con Lân trong Múa Lân Sư Rồng /Niên Thú 年獸 /Nian in Lion Dance
Miền Bắc Việt Nam thường gọi là “múa Sư Tử” như trong tiếng Hoa, nhưng miền Nam lại thường gọi “múa Lân”. Cách gọi này bình thường vẫn xài không sao, nhưng thực ra là do nhầm lẫn mà thành thói quen.
Trong nghệ thuật múa lân có 2 loại phát triển mạnh nhất là Nam Sư (bắt nguồn từ Quảng Đông) và Bắc Sư (ở phía Bắc Trung Quốc). Bắc Sư chính là Sư tử với quả cầu rất to. Nam Sư chính là con Niên thú (Lân theo cách gọi sai của miền Nam). Vì Nam Sư là Niên thú (con niên) trong truyền thuyết, là loài thú dữ thường xuất hiện vào đầu năm, người ta đốt pháo để xua đuổi nó, từ đó mà hình thành điệu múa lân năm mới. Có lẽ vì Niên thú có sừng nên người ta mới lẫn lộn nó với Kỳ Lân.
Trước đây ở Chợ Lớn, ngoài múa Bắc Sư, múa Nam Sư, múa Rồng còn có múa Kỳ Lân của đoàn Quần Tân (bang Khách Gia). Bây giờ thì không còn nữa, do người ta chuộng múa Nam Sư. Hình như ở Bình Dương vẫn còn múa Kỳ Lân. Ngoài ra thì múa Kỳ Lân vẫn được biểu diễn ở các cộng đồng Hoa Kiều trên khắp thế giới.
Múa Hẩu
Múa Hẩu là đặc trưng của bang Phúc Kiến. Hẩu là quái thú được Huyền Thiên Thượng Đế thu phục và cùng ngài đi trừ tà. Khác với múa Nam Sư có thể diễn ở nhiều sự kiện, Múa Hẩu chỉ được biểu diễn trong các nghi lễ cúng thần bảo hộ của người Phúc Kiến. Cách múa Hẩu cũng khác múa Nam Sư.
Đầu Hẩu tạo hình tròn, thường có hình thái cực bát quái và chữ Vương 王, miệng ngậm cờ bát quái đồ.
Theo: Hẻm Người Hoa Chợ Lớn Sài Gòn
Xem thêm: