Nhìn thế sự mà ngẫm lại lời của Đức Hưng Đạo Vương – Trần Quốc Tuấn
Trong bối cảnh kinh tế thế giới cũng như nước nhà có nhiều biến động, cùng nhau đọc lại những lời vàng ngọc của Đức Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, biết đâu lại có thể ngẫm ra điều gì có ích lợi cho thế cuộc hiện nay chăng?
“Khoan sức dân làm kế rễ sâu gốc vững, ấy mới là thượng sách giữ nước”.
(Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn)
Làm thế nào để quốc gia luôn thịnh vượng trường tồn, để cuộc sống của người dân sung túc, đủ đầy là tâm nguyện của các bậc cầm quyền nhân đức.
Sử xưa có chép:
“Canh Tý, [Hưng Long] năm thứ 8 [1300] Tháng 6, ngày 24, sao sa. Hưng Đạo Vương ốm. Vua ngự tới nhà thăm, hỏi rằng:
– Nếu có điều chẳng may, mà giặc phương Bắc lại sang xâm lược thì kế sách như thế nào?
Vương trả lời:
– Ngày xưa Triệu Vũ dựng nước, vua Hán cho quân đánh, nhân dân làm kế “thanh dã”, đại quân ra Khâm Châu, Liêm Châu đánh vào Trường Sa, còn đoản binh thì đánh úp phía sau. Đó là một thời. Đời Đinh, Lê dùng người tài giỏi, đất phương Nam mới mạnh mà phương Bắc thì mệt mỏi suy yếu, trên dưới một dạ, lòng dân không lìa, xây thành Bình Lỗ mà phá được quân Tống. Đó lại là một thời. Vua Lý mở nền, nhà Tống xâm phạm địa giới, dùng Lý Thường Kiệt đánh Khâm, Liêm, đến tận Mai Lĩnh là vì có thế. Vừa rồi Toa Đô, Ô Mã Nhi bốn mặt bao vây. Vì vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức, giặc phải bị bắt. Đó là trời xui nên vậy. Đại khái, nó cậy trường trận, ta dựa vào đoản binh. Dùng đoản [binh] chế trường [trận] là sự thường của binh pháp. Nếu chỉ thấy quân nó kéo đến như lửa, như gió thì thế dễ chế ngự. Nếu nó tiến chậm như cách tằm ăn, không cầu thắng chóng, thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế, có được đội quân một lòng như cha con thì mới dùng được. Vả lại, khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy.”
(Trích: Đại Việt sử ký toàn thư).
Lời bàn :
Hưng Đạo Đại Vương là bậc thánh nhân thiên cổ. Đọc lại những lời giáo huấn của ngài mà thực sự thấy lo cho cái gốc rễ của sơn hà xã tắc. Nếu ở một xứ nào đó mà người ta phải thốt lên: “Nay có người ăn của dân không từ cái gì hết!” thì quả là đáng quan ngại!…Cổ nhân có câu: 民以食为天 tức “Dân dĩ thực vi Thiên”, nghĩa là dân lấy miếng ăn làm trọng, nên muốn trị dân trước hết phải làm cho dân no ấm vì dân đói thì nước loạn. Ấy thế mà “Thiên” của dân cũng bị người ta ăn hết mất rồi thì điều gì đón đợi chúng ta đây?