Nhân sinh cảm ngộ: Kỳ tích trong cuộc sống thường ngày
Trong cuộc sống của mỗi con người, đều sẽ không thiếu những chuyện lặt vặt, cỏn con và tầm thường, và nó khiến chúng ta phải lao tâm lo lắng…
Khoảng thời gian trước đây, con trai tôi luyện tập nhảy dây để tham gia kỳ thi kiểm tra thể lực. Tôi chưa từng nghĩ rằng, nhảy dây là một việc gì đó quá khó khăn, trong trí nhớ của tôi, từ khi tôi còn nhỏ hễ cầm dây lên là có thể nhảy. Hoàn toàn không có người dạy cho tôi về cách nhảy dây, tôi cũng không nhớ đã cố gắng luyện tập như thế nào. Nhưng con trai tôi thì không như vậy, dường như cậu bé không thể học được cách làm sao để phối hợp tay chân nhịp nhàng.
Tôi quan sát các động tác của con trai, phát hiện có mấy vấn đề. Khi vung dây, cánh tay của cháu vung quá rộng; Khi nhảy dây, chân lại bật lên quá cao, làm cho hơi thở bị hao tổn quá nhiều; Sau một lần nhảy qua dây, thì không thể nhảy tiếp, mà cần phải chuẩn bị làm lại động tác để nhảy một lần mới. Cứ theo cách nhảy này, thì cả một phút cũng chẳng nhảy được mấy cái, về cơ bản là không thể nào tham gia kỳ thi kiểm tra thể lực được.
Tôi tìm mọi cách để dạy cậu con trai chỗ mấu chốt nhất của việc nhảy dây, thậm chí là chia nhỏ và tập từng động tác. Tôi dạy cháu cách vung dây sao cho ít tốn sức nhất, cách làm sao để nhảy qua dây nhẹ nhàng nhất, cách quyết định bước nhảy tiếp theo dựa vào âm thanh của dây khi chạm xuống đất… Thế nhưng, dẫu cho tôi có dạy như thế nào, cậu con trai vẫn không thể nào tiếp thu được, vẫn chỉ có thể nhảy giống y như ban đầu. Hơn một tháng trời, hai mẹ con vẫn phải vật lộn với môn nhảy dây, mãi cho đến cuối cùng tôi đành bỏ cuộc.
Giống như người ta thường nói, phải biết chấp nhận những điều bình thường của con trẻ, đó là một bài học bắt buộc phải rèn luyện đối với các bậc phụ huynh. Tôi thường hay tự nhủ rằng, cho dù kỳ thi kiểm tra thể lực không đạt yêu cầu, thì cũng không có gì quá nghiêm trọng, cùng lắm là tôi phải giải thích một chút cho giáo viên hiểu. Mỗi trẻ em đều có một sở trường riêng biệt của mình, có những điều trẻ làm rất tốt, nhưng cũng có những điều trẻ không thể làm tốt được. Con trai tôi giỏi về tư duy trừu tượng, nhưng đối với bộ môn nhảy dây cần phải phối hợp tay chân nhịp nhàng này, có lẽ không phải là sở trường của cậu bé.
Mặc dù tôi không còn vướng bận vào chuyện nhảy dây nữa, nhưng chỉ cần nhớ đến nó, trong tâm vẫn cảm thấy có chút khó chịu. Trái ngược hẳn với tôi, cậu con trai chẳng mảy may quan tâm đến sự việc này, bình thường cứ lúc nào nhàn rỗi sẽ lại cười đùa nhảy nhót lăng xăng, động tác vẫn vụng về, lóng ngóng như trước đây. Tôi nhìn theo, chỉ thấy con bật cười, không ngừng chỉ trỏ. Đôi khi cậu bé lại nói với tôi rằng: “Bây giờ con có thể nhảy liên tiếp 5 cái hoặc 8 cái.” Tôi nhẹ nhàng gật đầu và nói: “Có tiến bộ là tốt rồi.” Thực tế thì tôi lại thầm nghĩ rằng, để nhảy dây đạt được kết quả theo yêu cầu thì con vẫn còn cách xa lắm.
Cho đến hôm nay, tôi đã thấy được một kỳ tích. Khi tôi đang đọc sách, còn cậu bé thì đang nhảy dây. Tôi nghe thấy âm thanh của chiếc dây chạm đất một cách đều đặn. Tôi chợt nhận ra rằng, con mình có lẽ đã nắm được kỹ thuật nhảy dây rồi, thế là tôi ngước đầu lên nhìn. Quả nhiên, cậu con trai không còn nhảy quá cao như trước, cánh tay cũng không vung quá rộng như trước nữa, không những tổng thể các động tác đều đã phối hợp nhịp nhàng, mà miệng không ngừng đếm liên tiếp mấy chục cái. Với tình hình trước mắt, bài kiểm tra thể lực hoàn toàn có thể vượt qua và đạt tiêu chuẩn.
Bất giác nhìn thấy sự thay đổi kỳ diệu này của cậu con trai, tôi vui mừng bước đến ôm lấy con. Cậu bé nhẹ nhàng đẩy tôi ra và nói: “Con vẫn có thể nhảy được nhiều hơn nữa.” Tôi hào hứng gật đầu, thầm cảm ơn vì những điều kỳ diệu ẩn giấu trong cuộc sống thường ngày này.
Ngay từ lúc ban đầu tôi đã vô cùng nhiệt huyết, nhưng về sau cùng, chính tôi lại là người bỏ cuộc. Còn cậu bé, từ đầu đến cuối dường như vẫn dậm chân tại chỗ. Mặc dù tôi đã chỉ bảo đủ cách để giúp con trai có thể nhảy dây, nhưng vẫn không hề có chút tiến bộ nào. Khi tôi bỏ cuộc, không muốn nói nhiều nữa, cậu bé cũng chẳng mảy may để ý. Có lẽ cậu bé từ trước đến nay chưa hề đặt ra bất kỳ một mục tiêu nào cho mình, rằng nhất định mỗi phút phải nhảy được bao nhiêu cái. Thế nhưng mỗi khi cháu vụng về nhảy sai, là có thể cảm nhận được lỗi sai đó. Chính vì thế, cháu đã có thể tích lũy từng chút từng chút một, cho đến một ngày nắm được tất cả các kỹ thuật, thì liền có thể nhảy liên tục và thành thục rồi.
Phương Viễn biên tập
Lãnh Vọng biên dịchQuý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ