Nhân sinh cảm ngộ: Chuông xe đạp
Tôi thích đạp xe đạp, đặc biệt là thích đạp xe trên con đường nhỏ gần nhà.
Hai bên đường có rất nhiều loài hoa và cây cối muôn màu muôn vẻ. Vào mùa hoa nở, thường có vô vàn cánh hoa rơi xuống nhẹ bay theo chiều gió. Đạp xe đi trong không gian ấy, tựa như đang đi vào một thế giới mộng ảo, nên thơ. Hai bên đường còn có những tòa nhà nhỏ hai hoặc ba tầng mang phong cách Tây Âu, mang hơi hướng và màu sắc cổ xưa. Những ngôi nhà này còn sót lại từ thời chiến tranh. Cho nên, khi đi ngang qua nơi đây, tôi có cảm giác như đang nhìn vào một giai đoạn lịch sử vậy.
Nhiều khách du lịch thích đến nơi đây đi dạo. Mỗi lúc đạp xe đi trên con đường này nếu có ít người, tôi thường cảm thấy thoải mái và thanh thản. Mỗi khi du khách nhiều lên, việc đạp xe đạp sẽ khó khăn hơn. Họ thường dừng lại chụp ảnh, hoặc là tụ tập tốp năm tốp ba trò chuyện cười đùa, hoàn toàn không để ý xem phía sau có người đang đi xe đạp hay không.
Con đường thật sự quá hẹp, chỉ cần vài người thôi đã có thể chặn kín con đường. Những lúc như vậy, đại khái tôi có ba sự lựa chọn. Một là nhấn chuông, nhắc du khách nhường đường; hai là nhắm chuẩn thời cơ, nhìn thấy khoảng trống liền phi xe thật nhanh qua; ba là kiên nhẫn chờ đợi, im lặng không lên tiếng, nhẹ nhàng đi theo ở phía sau. Nhưng theo tôi, cả ba lựa chọn này đều có mặt hạn chế.
Nếu như nhấn chuông kêu thì sẽ làm phiền du khách. Nhất là khi họ đang chụp ảnh, hoặc là đang lúc nói chuyện say sưa, đột nhiên bị tiếng chuông xe vang lên cắt ngang, chắc chắn họ sẽ cảm thấy khó chịu. Hơn nữa, khi tiếng chuông xe vừa vang lên, sự chú ý của họ sẽ hướng về phía tôi, mà tôi vốn không muốn thu hút bất kỳ sự chú ý nào, tôi chỉ muốn yên lặng đi qua mà thôi.
Nếu tìm khoảng trống để phi xe lách qua, tuy rằng có thể tránh việc nhấn chuông, thế nhưng việc này có thể có nguy hiểm, lỡ như du khách đang đi phía trước không biết tình hình phía sau, đột nhiên người này chuyển hướng, như vậy không chừng sẽ bị xe đạp đang chạy nhanh qua làm hoảng sợ hoặc bị va phải. Nếu phát sinh chuyện không may như vậy, không bằng lựa chọn cách thứ ba, yên lặng chậm rãi đi theo phía sau họ.
Tuy nhiên, sự lựa chọn thứ ba là cách giải quyết khó khăn nhất. Bị tốc độ chậm chạp của du khách phía trước ngăn cản, khiến xe đạp di chuyển chậm như ốc sên bò, rất nhàm chán. Một lần nọ, có vài du khách đi phía trước chắn hết đường đi, tôi phải đạp xe chậm rì rì đi theo phía sau. Mãi đến cuối cùng không thể đi chậm hơn được nữa, tôi đành phải xuống xe dẫn bộ.
Bạn của tôi nghe tôi nói về những điều khó xử của việc đạp xe đạp thì bật cười lớn và nói rằng, từ trước tới giờ chưa từng nghĩ đến những chuyện vốn không cho là chuyện này, lại làm cho người ta phiền não như vậy.
Tôi hỏi bạn tôi, nếu như lúc đang đạp xe trên đường mà gặp phải người đi bộ chắn hết lối đi thì nên làm gì. Bạn tôi không cần suy nghĩ liền trả lời rằng, tất nhiên là nhấn chuông để họ nhường đường. Tôi lại tiếp tục hỏi, như vậy sẽ không làm phiền người đi đường sao? Bạn tôi nói, ở đây không hề tồn tại vấn đề làm phiền. Vì sự tồn tại của cái chuông xe đạp chính là để nhắc nhở người khác nhường đường.
Nghe xong câu trả lời của bạn tôi, tôi đột nhiên ý thức được rằng, mọi phiền não của tôi thực ra đều bắt nguồn từ chính mình. Đó là vì tôi để ý đến quá nhiều thứ, vừa sợ sẽ làm phiền đến người khác lại vừa sợ hấp dẫn sự chú ý của người khác. Kết quả là ngay cả việc nhấn chuông, tôi cũng không muốn nhấn.
Quả đúng như bạn tôi nói, chuông xe đạp có chức năng của riêng nó, mà những băn khoăn của tôi sẽ làm cho chức năng của chuông xe đạp mai một đi. Có lẽ, cách suy nghĩ bộc trực đơn giản của bạn tôi rất có đạo lý. Việc nhấn chuông xe cũng sẽ không quá làm phiền du khách, ngược lại còn có thể dễ dàng giải quyết vấn đề.
Lãnh Vọng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ