Nhận ra sự tà ác của ĐCSTQ, thanh niên nông thôn tỉnh Quảng Đông vượt biên sống lưu vong ở Đức
Anh Trần Chấn Quý (Chen Zhengui), một thanh niên đến từ vùng nông thôn Trung Quốc, đã trốn sang Đức vào cuối năm 2022 để thoát khỏi sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Chàng trai 17 tuổi nhận ra sự tà ác của ĐCSTQ
Anh Trần Chấn Quý là một thanh niên nông thôn sinh sau năm 1995. Anh lớn lên trong một gia đình đơn thân, nên đã dưỡng thành tính cách tự ti và hướng nội. Anh nói rằng anh thường trốn học để tránh bị các bạn cùng lớp bắt nạt. Năm anh 14 tuổi, khi đang học năm nhất trung học, do không thể chịu đựng sự bắt nạt của các bạn cùng lớp nên anh Trần đã chủ động bỏ học.
Sau khi rời trường, anh Trần đến làm việc kiếm sống tại nhà máy ở khu vực đồng bằng Châu Giang, Quảng Đông. Anh từng làm công nhân trong dây chuyền sản xuất tại Foxconn ở Thâm Quyến. Mỗi ngày làm việc từ 11 đến 12 tiếng, thường xuyên làm việc hai ca ngày và đêm.
Năm 2013, anh bắt đầu đến làm việc ở đồng bằng Châu Giang và học được cách vượt qua tường lửa. Từ việc xem Epoch Times, Đài truyền hình NTD và các chương trình khác, cũng như cuốn sách “Cửu Bình Cộng sản Đảng” và nhiều tin tức khác vạch trần chân tướng về ĐCSTQ, nên anh đã biết được sự thật về nạn thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công. Anh cũng biết sự thật trong sự kiện Lục Tứ (06/04), ĐCSTQ đã điều động xe tăng quân sự để đàn áp những người dân thường biểu tình ôn hòa và không có vũ khí.
Anh nói: “Chưa nhắc đến tham nhũng, các loại hành vi xấu xa của ĐCSTQ đã khiến tôi kinh hoàng. Trong hiện thực, tôi cũng cảm thấy rằng ĐCSTQ không có dân chủ, tự do và giàu mạnh như họ tuyên truyền. Ngược lại, chúng đều là những từ trái nghĩa với những gì họ nói.”
“Các mạng xã hội như Google, YouTube, X, Facebook, WhatsApp và Instagram đều có thể mở được ở Việt Nam và Afghanistan, nhưng đều bị chặn và không thể truy cập được ở Trung Quốc. Ngoài Bắc Hàn ra, tôi không thể tìm thấy quốc gia nào trên thế giới phong bế và thiếu tự do như Trung Quốc.”
Chọn cách chạy trốn vì không muốn bị ĐCSTQ cai trị
Sau khi dịch COVID-19 (virus Trung Cộng) bùng phát vào năm 2020, ĐCSTQ đã bắt đầu chính sách phong tỏa và zero COVID cực đoan. Ở hầu hết địa phương trên khắp cả nước, nếu mỗi ngày người dân không bị buộc làm xét nghiệm acid nucleic thì chính là đang bị cách ly.
Anh Trần Chấn Quý cho biết, “Tháng 03/2022 là đỉnh điểm của đợt phong tỏa toàn quốc. ĐCSTQ sử dụng chiêu bài đừng rời khỏi đất nước trừ phi cần thiết. Kỳ thực, họ đã phong tỏa đất nước dưới danh nghĩa dịch bệnh, hạn chế phi pháp quyền tự do xuất cảnh của công dân. Vào thời điểm đó, thị thực công dân nếu không phải là lý do lao động hoặc du học thì đều không được cơ quan kiểm tra biên giới cho phép rời khỏi đất nước.”
Lúc đó, anh Trần cũng đang tìm cơ hội ra ngoại quốc. Anh không muốn tiếp tục là ‘bó rau hẹ’ dưới sự cai trị độc tài và tà ác của ĐCSTQ. Anh đã nộp đơn xin thị thực lao động tại Singapore thông qua một tổ chức môi giới. “Tổ chức này đã tìm cho tôi công việc trong một công ty vệ sinh ở Singapore. Dù là người dọn dẹp nhưng điều đó không thành vấn đề với tôi. Mục đích của tôi là trốn khỏi Trung Quốc. Có thể giải quyết vấn đề này là được rồi”, anh nói.
Vào cuối tháng 03/2022, anh Trần đã xin nghỉ việc ở nhà máy điện tử tại Hạ Môn và đến Singapore với thị thực lao động vào ngày 06/04/2022. Lúc làm thủ tục hải quan tại phi trường Hạ Môn, thanh tra biên giới đã lấy điện thoại của anh và xem suốt nửa giờ. Anh Trần rất vui vì đã xóa tất cả phần mềm nhạy cảm trước đó.
Làm việc ở Singapore không phải là mục tiêu cuối cùng của anh Trần, anh dự định xin tị nạn ở Đức.
Vào đầu tháng 11/2022, anh nghỉ việc ở Singapore và đến Serbia. Từ Serbia đến Đức cần phải đi qua Croatia, Slovenia, Ý, Áo, và các nước khác nhưng anh Trần lại không có giấy phép. “Mặc dù có cảnh sát biên giới tuần tra, nhưng sau ba, bốn lần cố gắng, cuối cùng tôi cũng đã may mắn đến được Đức vào ngày 20/11/2022.
Nộp đơn xin tị nạn tại Đức
Vào cuối tháng 11/2022, anh Trần đã vào được nước Đức thông qua đường bộ, sau đó anh nộp đơn xin tị nạn.
Trong thời gian này, anh tham gia một số hoạt động biểu tình kháng nghị đối với ĐCSTQ ở Đức và Hà Lan. Ngày 04/06/2023, anh đã tham gia hoạt động kỷ niệm 34 năm vụ thảm sát Thiên An Môn trước Đại sứ quán Berlin.
Vào Ngày Nhân quyền Thế giới 10/12/2023, anh đã đến Quảng trường Amsterdam ở Hà Lan để cùng người dân Hồng Kông, Tây Tạng, và Duy Ngô Nhĩ lên án cuộc đàn áp nhân quyền của ĐCSTQ.
Anh nói: “Hôm 06/01/2024, tôi đã một mình đứng trước Đại sứ quán Berlin giơ biểu ngữ với nội dung ‘Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình từ chức.’ Tôi hy vọng rằng, Trung Quốc sẽ thực hiện tam quyền phân lập, đặc biệt là ở đó nên có những cuộc bầu cử tự do và độc lập.”
Mặc dù anh Trần đã sống lưu vong ở Đức, mọi thứ dường như diễn ra suôn sẻ, nhưng việc xin tị nạn ở Đức không hề dễ dàng. “Tôi vẫn chưa thành công trong việc nộp đơn, vì chính phủ Đức tin rằng Trung Quốc là cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới, nên không thể tồn tại ‘người tị nạn.’”
Anh kể: “Để kháng nghị ĐCSTQ tôi mới chọn cách ra đi. Khi tôi biểu tình phản đối ĐCSTQ ở Đức, ĐCSTQ đã cử người tìm đến gia đình tôi. Sau đó, gia đình tôi khuyên tôi không nên phản đối ĐCSTQ. Đó là vì họ chưa nhận ra sự xấu xa của ĐCSTQ!”