Nhân ngày Lễ tình yêu, nói về đạo vợ chồng
Trong truyền thuyết và lịch sử của nhân loại hàng nghìn năm qua vẫn lưu truyền rất nhiều những câu chuyện về tình yêu và hôn nhân. Vô số nam nữ hữu tình đã dùng tình cảm và sinh mệnh của mình để diễn tả sự buồn vui ly hợp, yêu hận tình thù của thế gian. Qua đó đã để lại những bài học cho tương lai, khiến người đời sau phải suy ngẫm.
Nội hàm văn hóa Thần truyền
Lịch sử khác nhau, cơ duyên khác nhau, thời gian và không gian khác nhau thì nội hàm văn hóa được biểu đạt cũng khác nhau. Bi kịch của Romeo và Juliet đã nói lên rằng, một tình yêu dũng cảm có thể hóa giải oán thù và sự chia cắt của thế gian. “Ngưu Lang – Chức Nữ” nói lên rằng, phẩm đức hiếu thuận và lao động cần cù có thể có được sự quan tâm và giúp đỡ của Thần, đã lưu lại một câu chuyện kinh điển trong trời đất. “Bá Vương biệt Cơ” biểu đạt bậc anh hùng đến lúc cùng đường thì cũng lựa chọn cái chết. “Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài” biểu đạt tình yêu chân thành có thể vượt qua ranh giới âm dương, hồn phách biến thành con bướm.
Địa vị khác nhau, chủng tộc khác nhau, tình cảm khác nhau thì quy phạm xã hội được biểu đạt cũng khác nhau. Đường Thái Tông Lý Thế Dân và vợ là Trưởng Tôn Hoàng hậu, Tạng vương Tùng Tán Cán Bố và vợ là công chúa Văn Thành đã trở thành hình mẫu và sự kính ngưỡng của các bậc hậu thế Quân vương. Nhạc Vũ Mục (Nhạc Phi) đối với người vợ trước bị chia cắt do chiến tranh loạn lạc và người vợ kế không sợ bần hàn một lòng ân nghĩa thủy chung, là đặc tính của bậc hào kiệt chân chính. Trác Văn Quân và Tư Mã Tương Như bán rượu tại phố chợ sầm uất, vượt lên sự giàu nghèo và giai cấp, trở thành giai thoại nghìn thu, phong lưu của bậc tài tử giai nhân.
Vai diễn khác nhau, sứ mệnh khác nhau, cảnh giới khác nhau thì sự lựa chọn của sinh mệnh được thể hiện ra cũng khác nhau. Con gái của Tần Mục Công cùng chàng trai thổi sáo ẩn cư ở núi Hoa Sơn, phu thê hòa hợp, ý hợp tâm đầu, nghệ thuật thăng hoa, cùng cưỡi long phượng bay về thiên giới. Vợ chồng biến pháp tráng sĩ Đàm Tự Đồng cùng nhau chơi đàn múa kiếm, một người khẳng khái trượng nghĩa, một người thủ tiết đến già. Hai vợ chồng đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni là Ma Ha Ca Diếp cùng với thiện nữ Diệu Hiền cùng nhau cầu đạo, 14 năm giữ giới, cuối cùng tu thành chính quả, để lại truyền kỳ về sự tinh tấn trong tu luyện.
Ngược lại, Trụ Vương vì bị hồ ly chín đuôi mê hoặc mà buông thả dục vọng, dẫn đến kết cục hủy hoại cơ nghiệp của tổ tiên; Ngô vương Phù Sai vì đắm chìm trong mỹ sắc khiến quốc gia diệt vong, hai cha con Đổng Trác và Lã Bố tranh giành Điêu Thuyền, Tây Môn Khánh và Phan Kim Liên dâm loạn sát nhân, cuối cùng dẫn đến họa sát thân, lưu tiếng xấu muôn đời. Những câu chuyện tương tự như vậy xuất hiện vô số trong hàng nghìn năm nay.
Đạo vợ chồng trong văn hóa truyền thống
Trong mối quan hệ giữa nam và nữ, tình yêu hôn nhân là kết quả của duyên phận ở hiện tại và quá khứ, quan hệ đến vận mệnh của dân tộc, gia đình, cha mẹ và con cái, ảnh hưởng đến đạo đức, sức khỏe, lễ nghĩa, luân lý và cảm thụ của con người, tác dụng và ý nghĩa của nó là vô cùng thâm sâu và to lớn. Vì vậy, các bậc Thánh hiền xưa cho rằng đạo vợ chồng là luân thường đạo lý của nhân gian.
Tình cảm nam nữ xuất phát từ sự công bằng chính trực, từ sự thuần khiết và trong sáng, nam nữ ở cùng nhau xuất phát từ trách nhiệm, kính yêu và trân trọng. Từ kinh nghiệm của cha mẹ và sự thể nghiệm tinh thần của bản thân, cân nhắc đến thói quen sinh hoạt, cân nhắc đến sức khỏe của bản thân, cân nhắc đến sự đoan chính của ngoại hình cũng như cân nhắc đến phẩm hạnh và tài hoa…. Những điều kiện và tiêu chuẩn này là sự kết hợp giữa kinh nghiệm và giáo dục, lý trí và tình cảm, tiên thiên và hậu thiên của nhân loại, trở thành điều cần thiết tất yếu để có được hôn nhân mỹ mãn và hạnh phúc. Đây là bằng chứng của thiện hữu thiện báo, là duy hộ đối với sự phát triển và sinh tồn, là văn hóa tình yêu hôn nhân của nhân loại mà Thần cấp cho con người.
Hôn nhân là điều cần thiết cho sự sinh sôi nảy nở của nhân loại, và cũng chính là lời hứa của con người đối với Thần, đối với trời đất, đối với cha mẹ và đối với con người hữu tình. Tập tục và lễ nghĩa của hôn nhân tại phương Đông và phương Tây đều là sự thể hiện của loại ý nghĩa Thần thánh này. Hơn nữa, trong quá trình hoặc dài hoặc ngắn của hôn nhân, yêu cầu nam nữ phải trung trinh, bất luận giàu nghèo, bệnh tật, tai họa, sinh tử đều không thể phản bội và ruồng bỏ đối phương, đều cần phải tuân thủ lời thề đối với Thần, cần kính trọng và bù đắp lẫn nhau, yêu thương và giúp đỡ nhau, dìu dắt nhau đến hết cuộc đời, thực hiện lời hứa của chính mình.
Trong một mối hôn nhân thiện duyên, nam nữ thời thời khắc khắc đều cần phải cảnh giác, không vì tình ái mà buông thả dục vọng, không vì tình ái mà làm việc tự tư tự lợi, không vì tình ái đánh mất đi ý chí. Cần phải hòa hợp và chung thủy, thanh tâm quả dục, nam cương nữ nhu, âm dương tương hợp, duy trì nòi giống, kế thừa cơ nghiệp của tổ tiên, đi hết hành trình của một cuộc hôn nhân mỹ mãn.
Trong một mối hôn nhân ác duyên, nam nữ cần phản tỉnh bản thân, không vì tranh đấu mà tổn thương, không vì mỹ sắc mà phản bội, không vì phú quý mà ruồng rẫy, không vì tai ương mà chia ly. Cần phải nhẫn nhục, trách nghiệm, không tức giận, tránh xa những thứ ô trọc, chịu khổ tiêu nghiệp, trong tôi luyện mới có sự đề cao.
Từ góc độ tu hành, mối quan hệ vợ chồng của nhân loại bao hàm yêu cầu và quy phạm của Thần Phật đối với nam nữ trên phương diện sinh lý, tâm lý, luân lý, tình lý, pháp lý và thiên lý. Nam nữ trong tình yêu và hôn nhân, lời hứa trên miệng, tin tưởng trong tâm hồn, cần tuân thủ về hành vi, duy hộ sự tôn nghiêm cũng như giới hạn làm người, thăng hoa trong sự tiết chế và nhẫn nại để bảo hộ thiên tắc Thần tính, chờ đợi sự cứu rỗi cuối cùng.
Bài đăng lại từ nguồn báo Chánh Kiến.
Oanh Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ