Ảnh hưởng thầm lặng của một người cha
Cha bạn đã có ảnh hưởng như thế nào tới bạn? Nếu bạn chưa từng bận tâm nhiều hoặc thảo luận về điều đó với cha mình, thì câu trả lời có thể sẽ khiến bạn giật mình. Tôi còn chưa bao giờ suy nghĩ sâu xa về điều đó huống chi là nói bất cứ điều gì với cha — ít nhất là chưa nói thành lời.
Nếu tôi hỏi cha tôi câu hỏi đó trước khi ông qua đời — nhân dịp kỷ niệm chín năm ngày mất của ông, chỉ ba tuần sau Ngày của Cha, điều cuối cùng đã thôi thúc tôi làm vậy — thì cha tôi sẽ gạt phắt câu hỏi đó sang một bên, ngầm nói rằng ông chẳng có ảnh hưởng gì cả. Nếu bị gặng hỏi, cha tôi sẽ chỉ thừa nhận rằng ông đã dựng được một mái nhà để che mưa che nắng cho tôi. Và, tất nhiên, ông cũng sẽ nói rằng mình thật sáng suốt khi cưới được một người vợ tuyệt vời, người đã hy sinh cả cuộc đời để nuôi dạy bốn cậu con trai.
Tuy nhiên, cha tôi sẽ nhanh chóng nói thêm rằng, ông không xứng đáng nhận được công trạng lớn lao nào ngay cả với quyết định trọng đại đó, vì chính ân điển của Chúa đã đặt cha và mẹ Rose ngồi cách nhau chỉ vài bàn học trong ngôi trường làng có hai phòng ở Hạt Donegal, Ireland. Thượng Đế nhân từ đã an bài cho cô gái [sinh ra] ở nhà Gallagher, cách trang trại nhà Rodden ở Terhillion chưa đầy 1 km. Cô ấy ở đó, lúc 5 tuổi, ngồi cạnh dãy bàn của ông ở Trường Curran — cha đã có được vị trí cạnh tranh thuận lợi. Vô số chàng trai khác sẽ cầu hôn mẹ nếu cha không phải là người đầu tiên có được “Bông hồng Ailen hoang dã” của mình.
Đúng vậy, đó có thể là những gì cha tôi sẽ nói. Không phải vì đã ở tuổi 88 và khá yếu nên ông không còn nhớ rõ mọi việc nữa, hoặc không thể phân tích quá lâu một cách tập trung như vậy. Mà ngay cả trong thời kỳ sung sức nhất, cha tôi cũng sẽ gạt bỏ tất cả những tuyên bố “to tát” về “tầm ảnh hưởng” của ông đối với tôi.
Tại sao vậy? Tôi tự hỏi mình ngày hôm nay.
Một người đàn ông kiệm lời
Trước hết, tầm ảnh hưởng của cha tôi có thể dễ dàng bị đánh giá thấp, vì ở một số phương diện chúng tôi dường như rất khác nhau. Tôi đã trở thành một giáo sư — còn cha chỉ là một nông dân nhập cư. Nói trước công chúng ư? Không thể tưởng tượng nổi. Sau khi nâng ly chúc mừng trong đám cưới của người anh, tôi hỏi cha rằng sao cha lại từ chối nói vài lời.
Một lần nữa — với cử chỉ quen thuộc — cha xua tay gạt đi. Việc xuất hiện dưới ánh đèn sân khấu chói lọi như vậy là một cực hình vượt quá khả năng của cha. Ông nói rằng, ông thà quay lại công việc cũ của mình hồi mới nhập cư, với “nhiệm vụ nặng nề” của người rửa bát, (và được chỉ định là người diệt chuột) ở tầng hầm của Công ty bánh Tastykake ở Nam Philadelphia, còn hơn.
Đúng, cha là người ít nói — chà, hầu như không nói gì. Nhưng bàn tay cha đặt trên vai bạn, hãy nhìn vẻ mặt đó của ông? Vẻ mặt đó có thể mạnh mẽ như bài Diễn văn Gettysburg của cựu Tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln.
Tuy nhiên, cha tôi cũng ngưỡng mộ các nhà hùng biện tài năng. Cho dù đó là cựu Tổng thống John F. Kennedy, Ronald Reagan, Bill Clinton hay Barack Obama — quan điểm chính trị của họ không thành vấn đề — cha tôi sẽ vô cùng xúc động trước một bài diễn thuyết hay.
Và cha tôi ngưỡng mộ những người “có học thức”. Ông nhận thấy rằng “lao động bằng trí óc” rất có giá trị ở Mỹ. Suy cho cùng thì bây giờ ông đang ở Tân Thế giới (New World), chứ không phải ở trang trại Donegal — nơi mà cả trong giấc ngủ ông cũng biết cách sử dụng mọi nông cụ và chăm sóc tất cả vật nuôi. Đúng vậy, cha tôi hiểu rằng mọi thứ ở đây rất khác, mặc dù ông cảm thấy “điều đó vượt quá khả năng lý giải” của mình.
Cha tôi học chưa tới lớp sáu — và đã bỏ lỡ phân nửa số ngày đi học đó, vì vừa phải làm việc ở nông trại lại vừa phải dùng chung một đôi giày với hai (trong số 11) người anh em của mình.
“Giá mà cha được học hành tử tế, cha có thể làm được điều gì đó ở đất nước này,” đôi khi cha tôi sẽ nói như vậy. “Đây là vùng đất của cơ hội. Johnny, con không cần phải giống cha. Con có thể được hưởng một nền giáo dục tốt và tiến thân.” Tôi thường nghe những lời đó hồi lúc 6, 7 tuổi, khi đang làm bài tập về nhà cho buổi học tiếp theo ở Trường St. Martin’s of Tours, Philadelphia. Tôi nghe thấy chúng khi cha trở về nhà vào những buổi tối mùa đông — nhất là trong thời kỳ suy thoái kinh tế — sau một ngày tìm việc ở nhiều công trường xây dựng khác nhau mà không có kết quả, khi trời quá lạnh để làm việc ngoài trời và cũng không tìm được công việc nào làm trong nhà.
Tuy nhiên, lý do chính khiến cha tôi tuyên bố mình không có ảnh hưởng gì đến con cái, hoặc chỉ đơn giản là mang đến cho tôi một người mẹ tốt và những nguồn lực cơ bản để “làm được điều gì đó” ở “vùng đất của cơ hội” — không phải vì chúng tôi có những nghề nghiệp khác nhau. Lý do sâu xa và quan trọng hơn khiến ông phủ nhận tầm ảnh hưởng của mình là vì ông là một người vô cùng khiêm tốn. Cha tôi kiên nhẫn, khiêm nhường, và tốt bụng. Làm sao cha vẫn giữ được [những đức tính] như vậy với cuộc sống đầy rẫy khó khăn mà ông trải qua — đầu tiên là trong các nhà máy và đường hầm tàu điện ngầm ở Anh và xứ Wales, sau đó là một người Ireland nhập cư thuộc tầng lớp lao động ở Mỹ (“Cha cậu nói chuyện buồn cười quá!” Các bạn học thường nói như thế với tôi về chất giọng “Ireland” của ông) — cho đến hôm nay, tôi vẫn rất đỗi kinh ngạc. Bất cứ khi nào họp mặt cùng gia đình hay đến thăm cha ở nơi làm việc — hoặc khi tôi trò chuyện với những người chăm sóc ông trong những năm tháng cuối đời đó — Tôi chưa từng nghe thấy một lời tiêu cực nào về ông. Thay vào đó, mọi người đến gặp tôi và nói, “Cha anh — đó là một người đàn ông rất mực tử tế.”
Chín năm sau khi cha tôi qua đời, bất cứ khi nào tôi không làm theo tấm gương khiêm nhường, độ lượng, và quên mình của ông, tôi đều lắc đầu — hệt như cách cha tôi vẫn thường làm — và tự nhủ thầm nửa đùa nửa thật rằng: “Vậy sao?! Anh nghĩ anh là John Rodden à? Tin tôi đi! Anh chẳng giống John Rodden chút nào!”
‘Cha thân yêu’: Bức thư chưa bao giờ được gửi
Còn bạn và cha mình thì sao? Vào Ngày của Cha năm nay, có lẽ việc suy ngẫm về những di sản của cha — theo kiểu khó diễn đạt hơn nhưng lại có ý nghĩa hơn này — sẽ là điều đáng giá. Và cũng là dịp thích hợp để bày tỏ đôi lời tri ân đến ông.
Ngay cả khi cha không có mặt ở đây để lắng nghe điều đó. Hoặc có lẽ: đặc biệt là nếu như ông không còn tại thế. Bạn có thể đã nợ ông rất nhiều — Tôi biết tôi cũng vậy. Như câu ngạn ngữ cổ, “Trẻ em học hỏi từ những trải nghiệm cuộc sống của mình.”
Đúng vậy. Thế thì, tại sao chúng ta không thì thầm một lời cảm ơn với cha nhân Ngày của Cha này?
Tôi nhận ra rằng dù cha tôi không còn ở cạnh tôi bằng xương bằng thịt nữa, nhưng những khoảnh khắc hồi tưởng về “Di sản cuộc đời” mà ông dành cho tôi vẫn luôn quý giá. Có thể bạn cũng vậy — Hơn thế, nếu bản thân bạn cũng là một người cha. Tôi đã soạn sẵn trong đầu một lá thư để gửi đến cha tôi, mà giờ đây tôi ước gì mình gửi nó cho ông sớm hơn — hay tốt hơn là, đọc to cho ông nghe trong những ngày cuối cùng chúng tôi còn được ở bên nhau. Và tôi viết bức thư ở đây với hy vọng rằng, cha tôi sẽ mỉm cười và vui vẻ khi thấy dòng nhan đề: “CHA ƠI, CHA CÓ THƯ NÀY!”
Cha ơi, mong cha biết rằng tấm gương thầm lặng của cha vẫn luôn ở bên con. Đó là số phận và may mắn của con khi có cha là cha. Cha rất hào phóng với những lời khen ngợi, tiết chế những lời chỉ trích, và không ngừng tận tâm. Trên hết, cha chính là người đã truyền cảm hứng cho con “có được học thức.”
Con nợ cha thế nào đây? Hãy để con đong đếm — nhưng con lại không thể. Hãy tin con, nếu ảnh hưởng của cha đối với con khó đo đếm, thì đó chỉ là vì không thể đo đếm được.
Nếu khó đong đếm thì chỉ là vì không thể đong đếm được.
Cha ơi, ảnh hưởng của cha đối với con đã — và đang — hiện diện theo những cách không thể kể hết.
Cuối cùng thì — con đã nói được với cha điều đó rồi.
Lê Đào biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times