Nhà vi trùng học: Chính quyền Trung Quốc che đậy số liệu tử vong để chứng minh chính sách phong tỏa là thành công
Theo một cựu nhà vi trùng học của Quân đội Hoa Kỳ, căn cứ vào sự bùng nổ trong ngành tang lễ, có thể thấy được số liệu tử vong COVID-19 chính thức ở Trung Quốc vẫn còn cách quá xa so với con số thực tế. Chế độ cộng sản tiếp tục che đậy con số thực tế để ‘tuyên dương’ chính sách phong tỏa zero COVID của mình là thành công.
Khi chính quyền cộng sản Trung Quốc đột ngột chấm dứt chính sách zero COVID được thực thi nghiêm ngặt có hiệu lực trong ba năm qua, một đợt bùng phát virus chưa từng có đã bắt đầu trong những tháng cuối cùng áp dụng chính sách này.
Tiến sĩ Lâm Hiểu Húc (Sean Lin), cựu nhà vi trùng học của Quân đội Hoa Kỳ, hiện là giáo sư phụ tá tại Khoa Khoa học Y sinh của trường Đại học Phi Thiên ở Middletown, New York, và là một thành viên của Ủy ban Mối nguy Hiện tại: Trung Quốc, cho biết, “Nó [đợt bùng phát lần này] giống như một cơn lốc bom virus.”
Ông Lâm cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình “Crossroads” (Giao lộ Thông tin) của EpochTV hôm 02/02 rằng làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới ở Trung Quốc nghiêm trọng đến mức nó bao phủ một khu vực rộng lớn của đất nước.
Kể từ hôm 08/01, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CCDC) chỉ báo cáo tổng cộng 5,272 ca tử vong do COVID-19 kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Tuy nhiên, sau khi nhà cầm quyền nới lỏng các biện pháp hạn chế zero COVID, chính cơ quan này đột nhiên thông báo rằng từ ngày 08/12/2022 đến ngày 12/01/2023, Trung Quốc đã có gần 60,000 ca tử vong do nhiễm COVID-19. Con số này được lấy từ một báo cáo của CCDC.
Che đậy thông tin
Ông Lâm cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã che đậy số ca nhiễm thực tế từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát. “Vì vậy, chúng ta thực sự không biết có bao nhiêu người đã tử vong trong đợt bùng phát ban đầu đó, kể cả đợt bùng phát đầu tiên ở Vũ Hán.”
Trong ba năm qua, ĐCSTQ đã tiếp tục nhấn mạnh rằng nhờ chính sách zero COVID rất nghiêm ngặt mà họ đã “ngăn chặn thành công sự lây nhiễm” và “cứu giúp được nhiều sinh mạng,” ông Lâm nói.
Tuy nhiên, trên mạng xã hội, rất nhiều người nói về việc có bao nhiêu người bị nhiễm bệnh hoặc xét nghiệm dương tính với COVID ở thành phố của họ, và rằng vì bị COVID nên nhiều người đã đến bệnh viện, nhiều người xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng, và có nhiều người đã qua đời, ông Lâm cho hay.
Cũng có những bài báo cho thấy hàng dài người xếp hàng chờ làm dịch vụ tang lễ, còn có những người đưa thi thể của người thân đến lò hỏa táng bằng xe hơi riêng của mình, ông Lâm tiếp tục. “Tôi xem rất nhiều video khác nhau từ rất nhiều thành phố khác nhau, và số liệu [tử vong] chắc chắn không thể khớp với phiên bản của chính quyền.”
Ông Lâm chia sẻ, “Tôi tin rằng có một số lượng lớn người đã tử vong ở Trung Quốc thậm chí chỉ trong hai tháng qua, nhưng chính quyền vẫn tiếp tục nói dối về điều đó. Và đó là một tình huống rất, rất bi thảm khi có rất nhiều người tử vong và chính quyền thậm chí không chấp nhận là họ qua đời vì COVID.”
Chính quyền Trung Quốc tiếp tục hạn chế định nghĩa về trường hợp tử vong do COVID. Ngày nay, các nhà tang lễ thậm chí còn nói với những người đưa thi thể của người thân đến hỏa táng rằng họ không thể ghi COVID-19 là nguyên nhân tử vong, nếu không họ sẽ không nhận hỏa táng thi thể đó, ông Lâm giải thích. “Vì vậy, mọi người buộc phải nói dối, nếu không thi thể của người thân họ không thể được hỏa táng. Vì vậy, đó là một sự che đậy rất, rất lớn.”
Ông Lâm cho biết ông đã phân tích những số liệu mà đơn vị hành chính dân sự của Trung Quốc công bố cho thấy dịch vụ tang lễ và hỏa táng đang phát triển không ngừng, số lượng lò hỏa táng gia tăng, và nhân công làm việc trong ngành dịch vụ tang lễ cũng ngày càng tăng lên.
“Tất cả những con số này đều có tăng đáng kể trong các năm 2020 và 2021,” ông nói. Ông Lâm cho rằng chỉ có số ca tử vong gia tăng trong hai hoặc ba năm qua khi Trung Quốc thực hiện chính sách zero COVID mới có thể giải thích được cho những con số này. “Ngoài ra không lý do nào có thể giải thích được hiện tượng này.”
Mô hình của Trung Quốc
Ông Lâm cho biết nhiều quan chức y tế công cộng trên toàn thế giới, bao gồm cả các quan chức cao cấp, đã làm theo mô hình của Trung Quốc để ứng phó với đại dịch COVID-19 bằng cách thực hiện các biện pháp như phong tỏa, cách ly nghiêm ngặt, và giãn cách xã hội ở quốc gia của họ.
Họ đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu chính thức từ chính quyền Trung Quốc, nguồn thông tin duy nhất về COVID ở Trung Quốc mà họ có thể có được.
Nhiều người tin rằng mặc dù chính sách zero COVID quá hà khắc và gây ra một số thiệt hại ngoài dự kiến, nhưng chí ít thì chính sách này đã thành công trong việc ngăn chặn đại dịch, ông Lâm nói. “Đó thực sự là một ảo tưởng rất, rất sai lầm mà nhiều người mắc phải, bởi vì ĐCSTQ đã không ngừng nói dối về điều đó trong ba năm qua.”
Ông Lâm chỉ ra rằng chiến lược zero COVID khiến cho toàn bộ dân số Trung Quốc trở nên dễ nhiễm bệnh hơn vì biện pháp này đã tước đi lối sống lành mạnh của mọi người. Ông cho rằng con người cần được tiếp xúc với môi trường tự nhiên, hít thở không khí trong lành, và ăn uống theo một chế độ bình thường.
Hơn nữa, những người sống trong khu phong tỏa đều cảm thấy lo âu và căng thẳng thần kinh nghiêm trọng. Để giải tỏa căng thẳng, nhiều người bị giam hãm trong những khu chung cư cao tầng đã ra ngoài cửa sổ và ban công để la hét vào buổi tối.
Video clip dưới đây cho thấy người dân ở Thượng Hải hô vang: “Chúng tôi muốn đồ tiếp tế!” trong thời gian phong tỏa COVID kéo dài trên toàn thành phố.
Hậu quả của chính sách zero COVID
Ông Lâm cho biết toàn bộ dân số Trung Quốc thực sự đang mắc chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) sau khi trải qua những đợt phong tỏa kéo dài, và hệ thống miễn dịch của nhiều người đã bị suy yếu nghiêm trọng trong những tháng đó. Điều này dẫn đến nhiều người bị bệnh nặng khi cơn sóng thần dịch bệnh bùng nổ ở Trung Quốc.
Ông Lâm cho biết tình hình càng trở nên trầm trọng hơn do tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các loại thuốc căn bản, trong đó có thuốc hạ sốt. Ông giải thích, hoạt động sản xuất dược phẩm ở Trung Quốc hoàn toàn nằm dưới sự chi phối của nhà cầm quyền cộng sản, họ đã không sản xuất đủ số lượng các loại thuốc này trong thời kỳ áp dụng chính sách zero COVID.
Nhiều công ty dược phẩm và hiệu thuốc ở Trung Quốc sản xuất và bán thuốc cảm cúm đã bị phá sản vì các hạn chế COVID-19. Các nhà máy còn lại không được thông báo trước để chuẩn bị đầy đủ cho nhu cầu tăng đột ngột sau khi các hạn chế được dỡ bỏ.
Ngoài ra, các hiệu thuốc ở Trung Quốc đã được lệnh cấm hoặc hạn chế việc bán các loại thuốc này theo chính sách zero COVID để ngăn không cho người dân sử dụng thuốc không kê đơn để hạ sốt hoặc che giấu cơn sốt, một triệu chứng của COVID-19. Nếu có thể che giấu cơn sốt, thì người Trung Quốc sẽ tránh được các chính sách COVID khắc nghiệt, chẳng hạn như bắt buộc xét nghiệm PCR hoặc buộc phải chuyển đến các cơ sở cách ly tập trung.
Kết quả là những người bị nhiễm COVID không thể mua được thuốc hạ sốt, vì vậy nhiều người xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng hơn, nhiều người được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt hơn, và nhiều người tử vong hơn, ông Lâm giải thích.
Ảnh hưởng đến dân số cao niên
Ông Lâm cho biết, có ba công ty dược phẩm Trung Quốc sản xuất vaccine COVID-19 — Sinovac và Sinopharm sản xuất các loại vaccine sử dụng virus bất hoạt, trong khi CanSino Biologics sản xuất vaccine dựa trên virus adeno được biến đổi gene — nhưng không công ty nào trong số họ có dữ liệu về việc vaccine của họ ảnh hưởng đến những người trên 60 tuổi như thế nào. “Không có thử nghiệm lâm sàng nào [ở Trung Quốc] mời những người như vậy đến thử nghiệm.”
Bây giờ ĐCSTQ đang nói rằng chiến dịch vaccine không nhắm mục tiêu đầy đủ đến người cao niên và đó là lý do tại sao ngày càng có nhiều người già mắc các triệu chứng nghiêm trọng của COVID-19, ông Lâm nói.
Ông Lâm cho hay, mặc dù hiệu quả của các loại vaccine Trung Quốc là tương đối thấp, nhưng những vaccine này vẫn đang được quảng cáo ở cả trong lẫn ngoài Trung Quốc vì Tổ chức Y tế Thế giới đã giúp đỡ ĐCSTQ trong việc quảng bá.
Vì thực hiện chính sách một con, nên giờ đây dân số cao niên ở Trung Quốc rất cao, và những người lớn tuổi có nguy cơ mắc các triệu chứng COVID nghiêm trọng cao hơn, vì vậy việc bảo vệ họ đáng lẽ phải là trọng tâm của các chính sách y tế công cộng.
Ông Lâm cho biết, chính sách một con được đưa ra ở Trung Quốc vào năm 1979 đã kéo dài gần bốn chục năm và nếu đứng từ góc độ dân số mà nhìn thì [chính sách này] đã khiến xã hội Trung Quốc trở nên không bền vững.
Chính quyền đã nới lỏng chính sách một con vào năm 2016, cho phép mỗi gia đình được sinh tối đa hai con, sau đó đến tháng 07/2021, giới hạn này đã tăng lên thành ba con. Một năm sau, chính quyền thậm chí còn cho phép các cặp vợ chồng ở một số vùng được quyền sinh tới bốn con, theo một số điều kiện nhất định.
Dù đã rất cố gắng, nhưng năm 2020, Trung Quốc vẫn có 191 triệu người trên 65 tuổi, chiếm 13.5% tổng dân số. Đến năm 2057, số người trên 65 tuổi ở Trung Quốc dự kiến sẽ đạt mức cao nhất là 425 triệu người, chiếm 32.9% đến 37.6% tổng dân số của nước này.
Theo một cuộc khảo sát gần đây, số người già cần được chăm sóc ở Trung Quốc đã vượt quá 45 triệu và dự kiến sẽ đạt 60 triệu vào năm 2030.
Ông Lâm tin rằng “chính quyền Trung Quốc [đang] thực sự lợi dụng đợt bùng phát dịch bệnh này như một chiến lược mới để tái điều chỉnh cấu trúc của xã hội.”
Ông Lâm cho biết chính sách chung của chính quyền Trung Quốc hiện nay dường như là để mặc người dân lây nhiễm cho nhau, bị nhiễm bệnh, và thậm chí tạo ra các hoàn cảnh để cố gắng khiến nhiều người bị nhiễm bệnh hơn.
Nhiều người lớn tuổi có một số bệnh lý nền, vì vậy nhiều người trong số họ sẽ tử vong vì COVID-19. Căn cứ vào các bài đăng bị kiểm duyệt trên mạng xã hội mà chúng tôi thấy từ Trung Quốc với các video về đám tang và nhiều gia đình để tang ở các thành phố và nông thôn, chúng tôi biết rằng có rất nhiều người cao niên đã qua đời ở Trung Quốc.
Ông Lâm cho biết nhiều người già bị nhiễm bệnh, và nhiều người trong số họ có các triệu chứng nghiêm trọng nhưng không thể điều trị vì bệnh viện quá tải. “Ở nông thôn, việc hệ thống hỗ trợ y tế nhìn chung thậm chí còn yếu hơn.”
Tại sao các biện pháp COVID-19 lại có hiệu quả khác nhau?
Ông Lâm nói: “Một trong những bài học lớn nhất mà chúng ta đáng lẽ phải rút ra được trong ba năm dịch bệnh vừa qua đó là những gì chúng ta hiểu biết về chủng virus này còn rất hạn chế.” Dịch bùng phát từ khi nào, biến thể nào sẽ xuất hiện, và cách mà các biến thể đó chiếm ưu thế ở các vùng khác nhau là điều không thể tiên liệu trước.
Nhà vi trùng học này giải thích, không ai biết được có bao nhiêu loại virus thực sự nhắm mục tiêu vào từng khu vực trong thời kỳ đỉnh điểm của dịch bệnh, và không có mô hình nào có thể dự đoán điều này.
Ông ví sự lây lan của virus này với một cơn bão cát, nơi các hạt cát đổ bộ vào một khu vực cụ thể, chỉ không giống một điểm đó là virus có kích thước siêu nhỏ, nhỏ hơn nhiều so với các hạt cát và mắt người không nhìn thấy được.
Ông Lâm cho biết tải lượng virus này lớn đến mức khi nó đổ bộ vào Trung Quốc, tải lượng này bao phủ gần như mọi thứ trên toàn quốc, nhưng mọi người không thể nhìn thấy nó.
Người dân ở Trung Quốc rất dễ bị nhiễm bệnh. Những người phần lớn sống ở trong nhà đã xét nghiệm dương tính với COVID sau khi hầu như không bước chân ra ngoài đường.
Ông Lâm cho biết mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh ở các khu vực và quốc gia khác nhau là rất khác nhau và phụ thuộc vào lượng virus tấn công vào một khu vực cụ thể. Do đó, hiệu quả của các biện pháp được áp dụng để đối phó với dịch bệnh cũng khác nhau, ông giải thích.
Ông Lâm cho biết một số quốc gia như châu Phi — nơi áp dụng các biện pháp rất lỏng lẻo — lại không bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch, trong khi những quốc gia khác, bao gồm một số quốc gia phương Tây áp dụng chính sách giãn cách xã hội và phong tỏa rất nghiêm ngặt, vẫn phải đối mặt với các đợt bùng phát dịch.
Bản tin có sự đóng góp của Rita Li, Jenny Li, Sean Tseng, Anne Zhang, Angela Bright, Makai Allbert, Stephanie Zhang, và Yuhong Dong
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times