Thế giới sẽ phải trả giá cho việc Trung Quốc đột ngột dỡ bỏ hạn chế du lịch quốc tế
Sau các cuộc biểu tình rộng rãi phản đối lệnh phong tỏa hồi tháng Mười Một, chính quyền Trung Quốc đã đột ngột rút lại chính sách zero COVID nghiêm ngặt của mình vào đầu tháng Mười Hai. Sự thay đổi này đã được thực hiện mà không có thông báo trước cũng như không công bố các bước để người dân từng bước thoát khỏi chính sách này.
Kể từ đó, dịch COVID đã hoành hành và tấn công một lượng lớn dân số Trung Quốc. Người dân nước này không hề được chuẩn bị tinh thần cho sự thay đổi đột ngột của nhà nước và họ cũng không có khả năng miễn dịch tự nhiên trước chủng virus này sau gần ba năm sống dưới các biện pháp zero COVID.
Dù cho số ca nhiễm COVID trên cả nước có tăng đột biến, thì Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng vẫn vội vàng tuyên bố dỡ bỏ các hạn chế đi lại quốc tế, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 08/01. Và sau sự kiện này, chắc hẳn thế giới sẽ chẳng mấy chốc mà tràn ngập du khách Trung Quốc.
Ông Bradley Thayer, giám đốc chính sách Trung Quốc tại Trung tâm Chính sách An ninh, cho biết chính sách mới này của ĐCSTQ sẽ khiến chính người dân của họ và các quốc gia khác phải trả giá.
“Vì vậy, người dân Trung Quốc sẽ phải trả giá cho điều này, và các nước khác trên thế giới cũng vậy, với số ca nhiễm COVID ngày càng tăng,” ông Thayer nói với chương trình “China in Focus” (Trung Quốc Tiêu điểm) trên kênh NTD, hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times.
Ông nói thêm: “Bởi vì khi mà các biến thể mới, cũng như các biến thể hiện có, các biến thể chủ đạo hoặc chưa biết lan rộng khắp thế giới, chúng ta sẽ lại một lần nữa phải đối mặt với áp lực đè nặng lên sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới để đối phó với loại virus này và các biến thể mới có khả năng xuất hiện.”
Theo ông Thayer, các đột biến mới của virus rất có khả năng sẽ xuất hiện “do người dân ở đó bị giam cầm quá lâu, trong những điều kiện hà khắc như vậy.”
Ông cho hay, “Một lần nữa, chúng ta nên kỳ vọng rằng chúng ta thực sự có các điều kiện chín muồi cho một đợt bùng phát mới của các biến thể hiện có cũng như các biến thể mới.”
Nói dối không ngừng
Theo báo cáo của nhà cầm quyền, chỉ có tám người tử vong vì căn bệnh này kể từ khi họ dỡ bỏ các biện pháp kiềm chế COVID vào đầu tháng Mười Hai. Con số này được tính toán dựa trên định nghĩa về số ca tử vong do COVID mới được nhà cầm quyền này định nghĩa hẹp lại, trong đó chỉ tính những trường hợp tử vong vì suy hô hấp và viêm phổi liên quan trực tiếp đến nhiễm COVID, một phương pháp tính toán chưa từng thấy ở nơi nào khác trên thế giới.
Với tư cách là đồng tác giả của cuốn sách “Hiểu Về Mối Đe Dọa Trung Quốc” (“Understanding the China Threat”), ông Thayer đã mô tả dữ liệu chính thức về số ca nhiễm và số ca tử vong do COVID mà ĐCSTQ đưa ra là “thấp một cách vô lý” và do đó, không đáng tin cậy.
Ông nói: “Chúng ta vẫn không thể tin tưởng vào dữ liệu từ Trung Quốc, nơi họ đang báo cáo các số liệu [thấp đến nực cười] về các trường hợp tử vong.”
“Ngay từ đầu họ đã che giấu nguồn gốc của đại dịch này, và đến giờ vẫn vậy, họ vẫn nói dối, họ đã lừa dối Tổ chức Y tế Thế giới, họ đã không chia sẻ thông tin với các cơ quan Y tế Thế giới như những gì mà họ đáng ra phải làm.”
Theo một bản ghi nhớ bị rò rỉ từ một cuộc họp cao cấp gần đây của các quan chức y tế, ước tính có 248 triệu người Trung Quốc đã nhiễm virus trong 20 ngày đầu tiên của tháng Mười Hai.
Vị chuyên gia này cho biết ĐCSTQ có “tội vì đã để cho COVID lây lan ngay từ đầu vào năm 2019-2020.”
Ông Thayer nhấn mạnh: “Và thực tế là chúng ta lại chứng kiến đợt bùng phát này là kết quả trực tiếp từ chính sách của [lãnh đạo Trung Quốc] Tập Cận Bình cũng như các chính sách của nhà cầm quyền Trung Quốc”.
Ông nói: “Chừng nào chế độ này còn tồn tại, thì thế giới sẽ lại một lần nữa phải hứng chịu COVID vì thực tế là họ vẫn tiếp tục nói dối, họ không ngừng nói dối, và họ tiếp tục lừa dối phần còn lại của thế giới về mục đích của họ.”
“Vì vậy, Trung Quốc sẽ phải vượt qua điều này và điều đó sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế, vốn sẽ gây tổn hại cho đảng.”
Một ông Tập Cận Bình hiếu chiến hơn
Ông Thayer kể chi tiết về một vài sự cố cho thấy ông Tập Cận Bình đã thành công trong việc củng cố quyền lực của mình như thế nào.
“Ông ta đã vượt qua Đại hội Đảng lần thứ 20 một cách xuất sắc. Ông ta đã có mọi thứ mà ông ta muốn tại Đại hội Đảng lần thứ 20 đó.”
“Ông Hồ Cẩm Đào đã bị làm cho bẽ mặt, còn ông Giang Trạch Dân thì đã từ trần,” ông nói, ám chỉ những người tiền nhiệm của ông Tập.
Cựu lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã bất ngờ bị dẫn ra khỏi lễ bế mạc một cuộc họp quan trọng của Đảng Cộng sản ở Bắc Kinh mà không có lời giải thích. Nhiều nhà phân tích nhìn thấy các yếu tố quyền lực được thể hiện ở màn rời đi đột ngột của ông Hồ.
Ông Thayer nói: “Vì vậy, phe cánh của ông Giang Trạch Dân, vốn đa phần là không ưa ông Tập Cận Bình, giờ mất đi thủ lĩnh và không có lực lượng hùng mạnh như trước đây.”
“Vì vậy, chúng tôi đang thấy một cá nhân có đủ an toàn, cả về mặt đối phó với các đối thủ trong đảng của ông ta cũng như các phong trào của người dân,” ông nói thêm, đề cập đến các cuộc biểu tình rầm rộ chống lại chính sách zero COVID-19 của ĐCSTQ đã nổ ra trên khắp đất nước hồi cuối tháng Mười Một.
Với việc ông Tập sắp xếp nội bộ ổn thỏa, ông Thayer tin rằng thế giới này sẽ được tiếp xúc với một nhà lãnh đạo Trung Quốc hoạt động tích cực hơn và hiếu chiến hơn trên trường quốc tế.
Ông dẫn chứng về chuyến công du của ông Tập, lần đầu tiên kể từ khi dịch COVID bắt đầu, tới Uzbekistan hồi tháng Chín để tham dự Tổ chức Hợp tác Thượng Hải — một tổ chức kinh tế và an ninh do Trung Quốc dẫn đầu, quy tụ các quốc gia từ Ấn Độ đến Iran — cũng như sự tham gia của ông tại hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Bali, Indonesia, vào tháng Mười Một.
Ông Thayer nói: “Chúng ta đang chứng kiến một ông Tập Cận Bình hoạt động tích cực hơn… Tôi nghĩ đây sẽ là một người hoạt động rất tích cực trên trường quốc tế.”
Ông nói thêm, “Chúng ta đang chứng kiến hành động gây hấn chống lại người Ấn Độ ở đường biên giới tranh chấp của nước này, chúng ta đang chứng kiến số lượng lớn nhất các phi vụ xâm phạm vào không phận của Đài Loan, và chúng ta đang chứng kiến sự bành trướng nhắm vào Nhật Bản dưới hình thức phối hợp tập trận với người Nga, cũng như việc quân đội Trung Quốc đang tiến hành các trận tấn công giả nhằm vào các mục tiêu ở Nhật Bản.”
Ông nhận xét, “Vì vậy, một ông Tập Cận Bình hoạt động rất tích cực, rất hiếu chiến, là những gì chúng ta có thể dự đoán vào năm 2023. Và khi nền kinh tế Trung Quốc chuẩn bị rơi vào suy thoái, thì chúng ta cũng đừng nên mong chờ rằng sự hiếu chiến đó sẽ giảm bớt.”
Nỗ lực chung để bảo vệ Đài Loan
Theo quan điểm của ông Thayer, Hoa Kỳ nên tập hợp sự ủng hộ của các đồng minh xung quanh Đài Loan để bảo vệ hòn đảo tự trị mà Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ của mình.
Ông nói: “Đối với Hoa Kỳ, việc phát đi tín hiệu cho thấy sự hỗ trợ quân sự mạnh mẽ của họ đối với Đài Loan, cùng với Canberra, với Nhật Bản, với Ấn Độ, cũng như với các quốc gia NATO khác, là điều rất quan trọng.”
Ông còn đề xướng thêm rằng NATO nên hiện diện ở Đài Loan. Ông nói thêm: “Sẽ không có gì lạ nếu Ấn Độ cử các tham mưu quân sự tới Đài Loan, và rõ ràng là cả Úc nữa.”
Ông nói: “Sự hiện diện của Hoa Kỳ, vốn đang hiện hữu, có lẽ đang ở hình thức ngầm hoặc bí mật, có thể được mở rộng và chuyển thành công khai ở Đài Loan.”
Bản tin có sự đóng góp của Eva Fu
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times