Nhà nghiên cứu: ĐCSTQ đã thất bại trong cuộc đàn áp đức tin
“Ngay cả với tất cả sự tàn bạo này, thậm chí với hàng tỷ USD, ĐCSTQ đã không thể nào” thay đổi tín ngưỡng của người dân được,” chuyên gia về Trung Quốc Sarah Cook cho biết.
NEW YORK — Theo một nhà nghiên cứu nhân quyền, các chiến dịch kéo dài hàng thập niên qua nhằm đàn áp đức tin đã không thỏa mãn được mục tiêu của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mà thay vào đó đã biến một nhóm lớn thường dân Trung Quốc trở thành những nhà hoạt động cơ sở.
“Cho đến nay, xét về nhiều phương diện, điểm nổi bật là sự vô ích trong nỗ lực đàn áp của ĐCSTQ nhắm vào các tín đồ tôn giáo,” bà Sarah Cook, một nhà phân tích lâu năm về Trung Quốc, cho biết trong một hội thảo trực tuyến hôm 25/04.
Một trường hợp điển hình là Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, một môn tu luyện lấy nguyên lý chân, thiện, và nhẫn làm trọng tâm. Ngày 25/04/1999, khoảng 10,000 học viên Pháp Luân Công đã đứng gần trụ sở lãnh đạo Bắc Kinh, Trung Nam Hải, thỉnh nguyện cho quyền thực hành tín ngưỡng của mình mà không phải lo sợ.
Chính quyền, mặc dù vào thời điểm đó đã chấp nhận yêu cầu của họ, nhưng chỉ ba tháng sau đã bắt đầu cuộc đàn áp Pháp Luân Công trên quy mô lớn, bắt các học viên phải lao động khổ sai, bỏ tù, và cưỡng bức thu hoạch nội tạng.
Bà Cook cho biết, ông Giang Trạch Dân, nhà lãnh đạo quá cố của chính quyền, là người khởi xướng chiến dịch đàn áp này, chắc chắn đã không mong đợi rằng 25 năm sau, “Pháp Luân Công vẫn còn tồn tại,” và thậm chí còn không ngờ rằng sẽ có những người khác giúp đỡ — các luật sư nhân quyền, hàng xóm, hoặc ngay cả công an địa phương — để bảo vệ các học viên Pháp Luân Công.
“Trong nhiều phương diện, chiến dịch bài trừ Pháp Luân Công là một thất bại của bộ máy đàn áp của đảng này,” bà nói.
Bà cho hay, khi cuộc đàn áp ngày càng gia tăng, hàng chục triệu học viên Pháp Luân Công “vốn chỉ muốn sống cuộc sống của mình” đã trở thành những người thỉnh nguyện và sau đó là “những nhà hoạt động cơ sở cung cấp thông tin,” cho dù họ là “những người trẻ am hiểu công nghệ” hay là “những ông bà” cần “học cách sử dụng máy điện toán để vượt tường lửa và in ấn [thông tin] để đưa cho hàng xóm.”
Từ việc phát tờ giới thiệu, thu thập chữ ký từ hàng xóm, nói chuyện trực tiếp với người dân ở chợ, cho đến viết thư cho các quan chức nhà tù, nhóm bị bức hại này không ngừng xoay xở theo bộ máy đàn áp đang thay đổi khi họ tìm cách khiến tiếng nói của mình được lắng nghe. Theo Minghui.org, một trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên theo dõi chiến dịch đàn áp này, đến năm 2009, có khoảng 200,000 trang web in ấn đã xuất hiện ở Trung Quốc.
Khi ĐCSTQ xây dựng và củng cố “Vạn Lý Tường Lửa” (“Great Firewall”), các học viên đã tạo ra phần mềm vượt tường lửa và chia sẻ công nghệ này với người dân Trung Quốc để giúp họ truy cập thông tin miễn phí. Họ sử dụng điện thoại ghi dữ liệu để bảo vệ danh tính và di chuyển khắp nơi để khiến việc theo dõi vị trí trở nên khó khăn hơn. Khi chính quyền dàn dựng vụ tự thiêu tại Quảng trường Thiên An Môn năm 2001 và đổ lỗi cho các học viên Pháp Luân Công, các học viên đã phân phát các đĩa DVD trong đó cho thấy sự không nhất quán của từng cảnh quay trên truyền thông nhà nước [về vụ tự thiêu được dàn dựng này.]
‘Ý chí kiên cường’
Bà Cook lưu ý, theo tổ chức China Dissent Monitor, một dự án của Freedom House ghi lại các hoạt động bất đồng chính kiến ở Trung Quốc, Pháp Luân Công đại diện cho đội ngũ lớn nhất, nhưng còn có những vụ việc liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, và những thành viên của các nhóm giáo hội kín.
Bà nói rằng đó là một dấu hiệu cho thấy “ý chí kiên cường.”
“Những nỗ lực này nhằm thay đổi tín ngưỡng thực sự của người dân — ngay cả với tất cả sự tàn bạo này, thậm chí với hàng tỷ dollar, ĐCSTQ đã không thể làm được điều đó,” bà Cook nói.
Những nỗ lực khởi đầu đã tạo được dấu ấn. Năm 2017, khi đang thực hiện một báo cáo nghiên cứu về Pháp Luân Công, bà Cook đã biết về một trường hợp liên quan đến một học viên tên là Bàng Hữu (Pang You), một người gốc Bắc Kinh. Để chuẩn bị bào chữa cho ông ấy, một luật sư nhân quyền đã gặp một công an, người này đã cho luật sư xem một xấp thư, tất cả đều từ bằng hữu của người bị giam giữ. Viên chức cho biết điện thoại của họ liên tục đổ chuông.
“Ông có biết tất cả những người này không? Hãy bảo bằng hữu của ông ấy đừng gọi cho chúng tôi nữa,” bà kể lại lời viên chức nói. Bà lưu ý rằng ông Bàng đã được thả sau khi bị giam giữ trái pháp luật hồi tháng 06/2015. Hơn 1,000 thường dân ở Bắc Kinh đã ký đơn thỉnh nguyện yêu cầu trả tự do cho ông.
“Cái Đảng này quá tà ác; không để cho thường dân được sống,” báo cáo dẫn lời một người đàn ông nói khi ký đơn thỉnh nguyện nói.
Năm 2015, một người dân làng Bắc Kinh khác, họ Ngụy, nói với The Epoch Times rằng “tất cả những người tu luyện Pháp Luân Công đều là người tốt.”
Trong nỗ lực đàn áp những nhà bất đồng chính kiến, chính quyền Trung Quốc đã mở rộng chiến dịch ra hải ngoại. Các đặc vụ Trung Quốc bị nghi ngờ đã đột nhập vào nhà các học viên và sách nhiễu họ bằng những cuộc điện thoại đe dọa. Công an đã bắt giữ người nhà của họ ở Trung Quốc.
Sau khi tham dự buổi biểu diễn tại Trung tâm Kennedy, ông Lưu Ninh Bình (Larry Liu), phó giám đốc Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp (FDIC), quay lại và phát hiện chiếc hơi đang đậu của mình bị đột nhập và chiếc máy điện toán xách tay trong cốp xe bị đánh cắp.
“Đó là một khu phố khá an toàn,” ông nói tại hội thảo trực tuyến.
Ông nói thêm rằng chiếc xe của ông là một chiếc Toyota Corolla lỗi thời, một trong những chiếc xe rẻ tiền nhất. Điều mà khiến chiếc xe của ông trở nên đặc biệt là một bông hoa sen treo trên gương chiếu hậu với dòng chữ “chân, thiện, nhẫn.”
‘Những chiến binh ôn hòa’
Những chiến thuật như vậy, còn được gọi là đàn áp xuyên quốc gia, đã nhận được phản ứng dữ dội ngày càng tăng trên phạm vi quốc tế khi các quốc gia tìm cách chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Tại Hoa Kỳ, các nhà lập pháp đã đưa ra các dự luật hình sự hóa những hành vi như vậy và tổ chức các phiên điều trần nhằm nêu bật hành vi bạo lực của các phần tử Trung Quốc.
Mới đây, Texas, Utah, và Idaho đã thông qua luật chống lại nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ và để bảo đảm rằng người dân không vô tình đồng lõa với hành vi áp bức của chính quyền này.
Quốc hội Hoa Kỳ đã nỗ lực giải quyết vấn đề cưỡng bức thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ.
Một dự luật mang tính bước ngoặt đã được Hạ viện thông qua hồi tháng 03/2023 nhằm áp đặt các lệnh trừng phạt đối với những cá nhân liên quan đến nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng. Dự luật vẫn đang chờ một cuộc bỏ phiếu của Thượng viện.
Trong lần xuất hiện gần đây tại Đại học Harvard, đại sứ Trung Quốc Tạ Phong (Xie Feng) đã nhiều lần bị gián đoạn trong khi đọc diễn văn khai mạc vì những người biểu tình đại diện cho Tân Cương, Tây Tạng, và Hồng Kông tố cáo chính quyền đàn áp cộng đồng của họ.
Trong khi đó, phong trào bất tuân dân sự đã phát triển trong cộng đồng người Hoa.
Trong một cuộc mít tinh gần đây kỷ niệm cuộc thỉnh nguyện Pháp Luân Công ngày 25/04/1999, những người tổ chức đã lưu ý rằng gần 430 triệu người Hoa đã chọn cách thoái xuất khỏi các tổ chức trực thuộc ĐCSTQ mà họ từng gia nhập.
Hân Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times