Nhà lập pháp EU: Trung Quốc tìm cách ‘chia rẽ’ châu Âu và Hoa Kỳ
Theo một nghị sĩ Âu Châu, các nhà lãnh đạo Âu Châu đang tìm cách tạo dựng tương lai của chính họ khi chính quyền Trung Quốc tiếp tục tìm cách “chia rẽ” châu Âu và Hoa Kỳ.
Theo ông Reinhard Butikofer, một thành viên của Nghị viện Âu Châu, tuy rằng các nhà lãnh đạo của Liên minh Âu Châu đề phòng với mối đe dọa từ Trung Quốc cộng sản, nhưng toàn bộ châu Âu không ủng hộ việc hoàn toàn cắt đứt mối quan hệ Trung Quốc-Âu Châu, một hành động thường được các nhà lập pháp Hoa Kỳ khuyến khích.
Ông Butikofer cho biết hầu hết người dân Âu Châu ủng hộ chính sách “giảm thiểu rủi ro,” nhắc đến một thuật ngữ do Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen hay sử dụng. Một chiến lược như vậy sẽ khuyến khích sàng lọc nghiêm túc hơn các khoản đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu mà không hoàn toàn cắt đứt mối quan hệ với chế độ này đồng thời sẽ tìm cách mở cửa châu Âu cho các hoạt động thương mại và ngoại giao nhiều hơn với các cường quốc tầm trung — những nước không muốn bị cuốn vào mối thù địch ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Ông Butikofer nói trong cuộc thảo luận hôm 03/04 tại Hội đồng Đại Tây Dương, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, “Điều đó thể hiện khá rõ quan điểm rất phổ biến của châu Âu.”
“Khái niệm này không phải là để cắt đứt mối quan hệ. Khái niệm này là tiếp tục phát triển mối quan hệ đó nhưng để bảo đảm rằng chúng ta không phải là bên thua cuộc.”
Ông Butikofer cho biết chế độ cộng sản ở Bắc Kinh sẽ tiếp tục “cố gắng chia rẽ” EU và Hoa Kỳ nhưng cả hai cường quốc lớn này sẽ cần phải làm nhiều hơn nữa để không lôi kéo châu Âu vào cuộc cạnh tranh của họ và công nhận EU là một cường quốc thông qua nỗ lực của EU.
Ông nói, có nhiều hơn hai cường quốc mà tương lai của họ đang bị đe dọa.
Ông Butikofer cho hay, “Đây không chỉ là một cuộc chơi giữa hai người chơi chính, trong đó những người khác được đặt vào vị trí của họ để chờ đợi để được bảo [phải làm gì].”
“Sẽ rất hữu ích nếu Hoa Thịnh Đốn tránh dùng ngôn ngữ có vẻ trùng khớp với ngôn ngữ mà chúng ta đã nghe suốt từ Bắc Kinh, rằng đây là tất cả về hai cường quốc.”
Trung Quốc tìm cách thiết lập lại trật tự toàn cầu
Những nhận định của ông Butikofer được đưa ra trước thềm chuyến thăm Bắc Kinh ngày 04/04 của bà von der Leyen và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Bà Colleen Cottle, phó giám đốc Trung tâm Trung Quốc Toàn cầu của Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình có thể sẽ sử dụng sự kiện này để nâng cao hơn nữa hình ảnh của ông với tư cách là một người đưa ra các quyết định quốc tế quan trọng đồng thời khiến EU và Hoa Kỳ chia rẽ.
Bà Cottle nói: “Sự kiện này mang lại [cho ông Tập] một cơ hội tiếp tục đóng vai trò của một chính khách quốc tế.”
“Đây là một phần trong tầm nhìn chiến lược của ông ấy nhằm… thiết lập lại trật tự toàn cầu.”
Theo bà Cottle, ông Tập có thể lo ngại rằng chiến lược giảm thiểu rủi ro của bà von der Leyen là một hành động tiến tới phạm vi ảnh hưởng của Hoa Kỳ, và do đó, ông ấy có thể sẽ cố gắng chia rẽ Hoa Kỳ và châu Âu, cũng như giữa các cường quốc Âu Châu.
Ông Cottle nói: “Ông ấy hẳn đã xem bài diễn văn của bà von der Leyen như một sự chuyển dịch tiến đến gần hơn với lập trường của Hoa Kỳ.”
Ông Tập và ông Putin liên kết để định hình lại trật tự toàn cầu
Chuyến thăm sắp tới diễn ra sau khoảng 13 tháng kể từ khi Nga cố gắng chinh phạt Ukraine, sự kiện vốn gây ra làn sóng sợ hãi khắp châu Âu về khả năng xảy ra một kỷ nguyên xung đột toàn cầu mới.
Do đó, Trung Quốc cộng sản đã trở thành một ưu tiên chiến lược then chốt đối với châu Âu, trong bối cảnh chính quyền này đã luôn tìm cách thắt chặt mối quan hệ với Nga trong suốt cuộc chiến.
Hồi tháng 02/2022, vài tuần trước khi Nga tiến hành cuộc xâm lược Ukraine, ông Tập và Tổng thống Nga Vladimir Putin lần đầu tiên tuyên bố về mối quan hệ đối tác “không giới hạn.” Kể từ đó, hai nhà lãnh đạo này đã hành động để gắn kết tương lai của họ bằng cách hợp tác trong các vấn đề ngoại giao, kinh tế, và quân sự.
Hồi cuối tháng Ba, hai nhà lãnh đạo này đã gặp nhau tại Moscow để phát triển hơn nữa sự liên kết chiến lược của họ nhằm nỗ lực “thay đổi” trật tự quốc tế và phù hợp hơn với tầm nhìn độc đoán của họ về tương lai.
Hôm 20/03, ông Putin đã đưa ra một tuyên bố rằng Trung Quốc và Nga sẽ tạo ra một “trật tự thế giới đa cực” công bằng hơn để thay thế “những quy tắc” của trật tự quốc tế hiện tại.
Sau đó, hôm 21/03, ông Tập và ông Putin đã cam kết tăng cường hợp tác về kinh tế và chiến lược, ký một tuyên bố chung nhằm làm sâu sắc hơn “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” giữa hai quốc gia.
Tương tự như vậy, ĐCSTQ cho biết trong một tuyên bố vào thời điểm đó rằng hai quốc gia “có cùng quan điểm rằng mối quan hệ này đã vượt xa phạm vi song phương và có tầm quan trọng thiết yếu đối với bối cảnh toàn cầu và tương lai của nhân loại”.
Trung Quốc có thể trang bị vũ khí cho Nga chiếm Ukraine
Hiện vẫn chưa rõ ĐCSTQ đã trực tiếp giúp đỡ cho các nỗ lực chiến tranh của Nga ở châu Âu ở mức độ nào, nếu có.
Hôm 30/03, ông Đàm Khắc Phi (Tan Kefei), một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng ĐCSTQ, cho biết rằng “tình hữu nghị Trung – Nga đã phát triển mạnh mẽ hơn theo thời gian” và quân đội hai nước Trung Quốc và Nga sẽ “làm việc cùng nhau… để thực hiện đầy đủ sự đồng thuận quan trọng mà nguyên thủ hai nước đạt được.”
Về phần mình, Hoa Kỳ đã cảnh báo rằng ĐCSTQ có thể cung cấp vũ khí hoặc đạn dược cho quân đội Nga đồng thời nhấn mạnh rằng chính quyền này đã không từ bỏ một thỏa thuận như vậy.
Mặc dù Hoa Kỳ chưa nhận thấy có bất kỳ chuyến tiếp viện sát thương trực tiếp nào như vậy, nhưng một số bản tin cho thấy ĐCSTQ đang cung cấp cho quân đội Nga các năng lực nhằm sử dụng trên chiến trường Ukraine.
Một bản tin hồi tháng Hai của hãng truyền thông Đức Der Spiegel đã tuyên bố rằng Trung Quốc trước đây đã làm giả các tài liệu vận chuyển để ngụy tạo thiết bị hàng không quân sự được vận chuyển đến Nga dưới dạng dân dụng và sử dụng các hãng trung gian ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất để giao phi cơ không người lái lưỡng dụng cho Nga.
Cũng theo bản tin đó, ĐCSTQ hiện cũng đang chuẩn bị một chuyến hàng phi cơ không người lái tự sát đưa đến Nga để sử dụng ở Ukraine.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times