Nguyễn Quan Quang – Trạng nguyên đầu tiên của danh hiệu tam khôi
Trạng nguyên là danh vị cao quý đứng đầu Tam khôi gồm có Trạng nguyên, Bảng nhãn và Thám hoa. Tuy nước ta từ thời Lý đã có nhiều vị thi đỗ đầu được coi như Trạng nguyên, nhưng thực chất danh vị Tam khôi chỉ bắt đầu chính thức được công nhận vào thời nhà Trần. Nguyễn Quan Quang chính là vị Trạng nguyên đầu tiên kể từ khi nước ta đặt ra danh hiệu này (năm 1246 thời Trần Thái Tông).
“Trước đây, hai khóa Nhâm Thìn [1232] và Kỷ Hợi [1239] chia làm Giáp, Ất, chưa có chọn Tam khôi. Đến khoa này mới đặt [tam khôi]” (Đại Việt sử ký toàn thư)
Thông tin về Nguyễn Quan Quang hầu như không được ghi chép trong các bộ sử cũ chính thống mà đa phần là chuyện truyền miệng trong dân gian, chúng tôi cũng xin ghi ra đây để độc giả thưởng thức.
Vị Trạng nguyên đầu tiên từ khi có danh hiệu Tam khôi
Nguyễn Quan Quang (chữ Hán: 阮觀光, 1222 – năm mất không rõ), có tài liệu ghi là Nguyễn Quán Quang hay Trần Quán Quang. Ông là một danh thần thời nhà Trần, được dân gian lưu truyền với giai thoại đỗ Tam nguyên và sứ giả Đại Việt đối đáp với tướng Mông Cổ. Theo văn bia số 1 tại Văn miếu Bắc Ninh, thì ông là người xã Tam Sơn, huyện Đông Ngàn (thời Trần thuộc châu Vũ Ninh, lộ Bắc Giang; nay thuộc thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Ông thi đỗ Trạng nguyên khoa thi Bính Ngọ 1246, tức năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 15 đời vua Trần Thái Tông, làm quan đến chức Bộc xạ, tặng hàm Đại Tư Không.
“Ông Tam nguyên” nhà nghèo, học lỏm mà sau thành tài
“Ông sinh trong một gia đình nghèo, không có tiền gạo theo học, lúc bé thường phải lân la ngấp nghé ngoài cửa lớp lúc thầy dạy bọn học trò trong làng học sách Tam tự kinh, rồi ngồi ngay trước sân dùng gạch non viết chữ xuống nền gạch. Một hôm tan học, thầy chợt để ý thấy sân nhà có nhiều chữ, nét chữ như phượng múa rồng bay. Thầy kinh ngạc nói rằng:
– Đây mới chính là trò giỏi!
Nói rồi, thầy gọi Quan Quang đến và cho vào học.
Quan Quang nổi tiếng thông minh học một biết mười. Chẳng bao lâu, ông đã lầu thông kinh sử, ứng khẩu thành thơ, luận bàn việc đời thông thái uyên thâm. Gặp khoa thi Hương, ông ứng thi đậu Giải nguyên. Đến thi Hội lại đậu Hội nguyên, khi vua Trần Thái Tông mở khoa thi Đại Tỉ thủ sĩ, ông đậu Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh (Trạng nguyên)”.
(trích sách Văn hiến Kinh Bắc)
Thời phong kiến ngày xưa, sĩ là đứng đầu trong sĩ nông công thương, người nào mà thi đậu Trạng nguyên chắc chắn là sẽ thành công trên con đường hoạn lộ, do đó mà việc thi đỗ trở thành niềm hy vọng lớn nhất cho tất cả các nho sinh muốn đổi đời. Tuy nhiên vào thời xưa thì việc giáo dục không phổ cập và đơn giản như thời hiện đại, đa phần chỉ những gia đình quyền quý và có tiền mới có thể theo đuổi việc học đến nơi đến chốn. Con em nhà nghèo nếu không có cơ duyên xảo hợp may mắn và quyết tâm mạnh mẽ thì hầu như không có cơ hội nào hết. Nguyễn Quan Quang vừa vặn lại là một minh chứng cho tinh thần ham học và thành công dù gia cảnh rất nghèo. Câu chuyện ông Tam nguyên nhà nghèo đỗ Trạng lưu truyền dân gian đã trở thành một niềm động lực to lớn đến các nho sinh trong suốt mấy thế kỷ sau.
Vị trạng nguyên lui giặc chỉ bằng một hòn đá
Ông Tam nguyên truyền kỳ thời bấy giờ còn được dân gian yêu mến kể lại một câu chuyện tài năng của ông đến mức có thể dùng một hòn đá mà tạm thời đẩy lùi quân xâm lăng.
“Sau khi vinh quy bái tổ, ông vào chầu vua để được ra xuất chính. Bấy giờ quân xâm lược Mông Cổ tiến đến biên giới, lăm le đợi ngày xâm chiếm nước ta. Vua ra chiếu cử Nguyễn Quan Quang sang thương nghị với giặc. Tên tướng giặc nổi tiếng là kiêu hùng và thâm thúy cho rằng, Quan Quang đến là để mang ba tấc lưỡi thuyết khách, hắn bèn nghĩ cách dùng uy để chế áp ông.
Nhân đi qua ao bèo, hắn vớt một cây bèo lên, nắm gọn trong lòng bàn tay rồi bóp chặt. Lát sau, hắn mở ra chìa cho Quan Quang xem: Cây bèo đã nát vụn, thế rồi hắn cười sằng sặc ra chiều đắc ý lắm. Quan Quang hiểu rằng tướng giặc tỏ ý coi nước Việt như những cánh bèo non yếu chỉ cần khẽ đánh là tan. Ông liền nhặt một hòn đá rất to, rồi ném xuống giữa ao. Bèo dạt ra một khoảng trống, nhưng chỉ giây lát sau những cánh bèo tụ lại kín mặt ao. Tướng giặc tái mặt hiểu thâm ý của Quan Quang: Người Việt bao giờ cũng đoàn kết toàn dân để bảo vệ giang sơn, không một sức mạnh nào có thể khuất phục được. Sau đó, tướng giặc đã hoãn binh mà không dám tiến quân sang xâm lược nước ta ngay”.
Theo như đoạn trích dưới đây:
“Đinh Tỵ, [Nguyên Phong] năm thứ 7 [1257], (Tống Bảo Hựu năm thứ 5) Mùa thu, tháng 8, chủ trại Quy Hóa là Hà Khuất sai chạy trạm tâu [vua] là có sứ Nguyên sang.
Tháng 9, xuống chiếu, lệnh tả hữu tướng quân đem quân thủy bộ ra ngăn giữ biên giới, theo sự tiết chế của Quốc Tuấn.
Mùa đông, tháng 11, lệnh truyền cả nước sắm sửa vũ khí. Tháng 12, ngày 12, tướng Nguyên Ngột Lương Hợp Thai xâm phạm Bình Lệ Nguyên”
(Đại Việt sử ký toàn thư)
Chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra là quân Mông Cổ trước khi sang đánh ta khoảng 1 năm có cho sứ giả sang để đe dọa vào tháng 8, có lẽ Nguyễn Quan Quang là một sứ thần Đại Việt đã tiếp đón những tên sứ giả ngạo mạn của đế quốc Mông Cổ hùng mạnh đó chứ không phải là chủ tướng như dân gian truyền khẩu. Tuy nhiên câu chuyện này đã cho thấy thanh danh và tài năng của Nguyễn Quan Quang đã rất sâu đậm trong lòng người dân nước ta thời đó, quả thật là đáng khâm phục.
Từ ông Tam Nguyên đến vị Thành hoàng muôn dân kính ngưỡng hàng mấy trăm năm
Dù cho sử sách chính thống không hề ghi chép nhiều về ông, nhưng công tích của ông vẫn được nhân dân ghi nhận và lưu truyền bằng cách phụng thờ, một hình thức cao nhất trong văn hóa tâm linh dân gian.
“Khi làm quan ông hết lòng vì dân vì nước, thanh liêm, trung thực, được trong triều ngoài dân mến phục cả về tài lẫn về đức. Khi tuổi già, ông về quê hương mở trường dạy học, sống một cuộc đời thanh đạm. Người dân Tam Sơn cho rằng, ông là người khai sáng nền Hán học của quê hương, mở đường cho đất “Ba Gò” sau này có “một kho nhân tài”… Nơi Nguyễn Quan Quang dạy học về sau dân dựng lên một ngôi chùa để tưởng nhớ đến người “sống như tu”, gọi là chùa Linh Khánh.
Ngôi chùa ấy nay không còn nữa, nhưng vẫn còn một cây hương đá tạc vào năm Chính Hòa thứ 18 (1697), trong đó ghi công đức của Trạng nguyên Nguyễn Quan Quang với dân làng. Sau khi Nguyễn Quan Quang mất, dân làng lập đền trên núi Viềng, để thờ ông làm Thành hoàng, gọi là Bản thổ thành hoàng, đại vương phúc thần. Triều đình cũng truy phong ông là Đại tư không.
Hằng năm cứ vào dịp 22 tháng chạp âm lịch, dân làng lại tổ chức “Tế phong mã” để tưởng nhớ tới vị trạng nguyên tài năng và đầy ân đức, cũng là để nhắc nhở các thế hệ con cháu nối tiếp truyền thống hiếu học, yêu dân, yêu nước của tổ tiên”.
(Nguồn: Hồng Đức – Bee.net.vn )