Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật: Danh tướng nhà Trần tài đức vẹn toàn
“Nếu nó giáo giở với ta thì triều đình
còn có vương khác đến”
Trần Nhật Duật (chữ Hán: 陳日燏, 1255 – 1330) tước hiệu Chiêu Văn đại vương (昭文大王). Ông là con trai thứ sáu của Trần Thái Tông và là một danh tướng nhà Trần. Ông là một trong những vị tướng kiệt xuất nhất cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai và thứ ba, đặc biệt là chiến thắng Hàm Tử, công lao hiển hách không thua kém Trần Quốc Tuấn hay Trần Quang Khải.
Đồng tử giáng trần, hộ quốc chiêu văn
Trần Nhật Duật là một vị đại tướng đa tài hiếm thấy trong sử Việt, ông thông thạo nhiều ngoại ngữ, võ công binh pháp cao cường mà ca nhạc thi họa đều tinh thông. Vì trí huệ to lớn như thế, nên tương truyền rằng ông chính là do người trời giáng sinh chứ chẳng phải người phàm. Sách “Đại Việt Sử ký toàn thư” chép như sau:
“Đạo sĩ cung Thái Thanh tên là Thậm cầu tự cho vua. Đọc sớ xong tâu với vua: “Thượng đế đã y lời sớ tấu, sắp sai Chiêu Văn đồng tử giáng sinh, ở trần thế bốn kỷ”. Thế rồi hậu cung có mang. Sau quả nhiên sinh con trai, hai cánh tay có chữ “Chiêu Văn đồng tử” (昭文童子) nét chữ rất rõ, vì thế đặt hiệu là Chiêu Văn (tức là Nhật Duật). Lớn lên, nét chữ mới mất đi”.
Trong tước hiệu của ông, ta cũng có thể thấy rõ về sứ mệnh cũng như tài năng của ông vốn đã được Thiên thượng định trước.
Chữ Chiêu 昭 gồm có bộ Nhật 日, chữ Đao 刀 và chữ Khẩu 口 ghép lại. Nhật mang ý nghĩa sáng sủa thông minh, còn có ý là trí huệ lớn, thuộc về Trời. Vậy chữ Chiêu này thể hiện cho việc ông mang trí tuệ lớn do trời phú cả về võ (chữ Đao) và ngoại ngữ (chữ Khẩu – cái miệng), vì rõ ràng lợi thế ngoại ngữ của ông là điều chưa từng thấy ở triều Trần. Ngoài ra, ông sẽ lại nổi danh về văn hóa văn chương do hiệu Chiêu Văn, nghĩa là làm sáng tỏ văn hóa, tài năng của ông ngoài võ công binh pháp ra thì văn chương âm nhạc cũng là đệ nhất ở nước Nam thời đó vậy.
Trong sử còn ghi ông nổi tiếng là người hiểu nhiều biết rộng, rất tôn sùng Đạo giáo, thâm sâu kinh điển Đạo gia. Nếu chẳng phải căn duyên từ xưa khi còn là Chiêu Văn đồng tử trên trời, thì làm sao ông lại nghiên cứu Đạo gia kinh điển làm gì khi Phật giáo đang là quốc giáo vào thời Trần?
“Ông lại thiệp liệp sử sách, rất hâm mộ huyền giáo, thông hiểu xung điển, nổi tiếng đương thời là người uyên bác. Hồi Thượng hoàng còn nhỏ, bị ốm, từng sai ông làm phù phép trấn áp cho yên. Ông mặc áo lông đội mũ, trông như đạo sĩ.”
(Đại Việt sử ký toàn thư)
Có thể coi ông là một cao nhân đắc Đạo cũng chính vì ông tôn sùng Đạo giáo, thâm sâu kinh điển, và vì cách hành xử cũng như cách sống của ông có thể coi là mẫu mực cho các vị đại thần nắm trọng quyền muôn đời sau.
“So với Quách Tử Nghi tột cùng xa xỉ mà không ai chê, ông (tức Nhật Duật) cũng gần được như thế”.
(Đại Việt Sử ký toàn thư)
Binh pháp nhân nghĩa, thu phục lòng người
Không chỉ giỏi về văn hóa nghệ thuật và ngoại ngữ, Trần Nhật Duật còn là một danh tướng có khả năng trấn giữ và tài dùng binh rất xuất sắc.
Nhưng ông không phải là một danh tướng bình thường, mà là một vị đại tướng cầm quân bằng trí tuệ uyên thâm và đầy mưu lược. Kiến thức về văn hóa ngoại ngữ của ông đã giúp cho ông trở thành một trong những vị tướng tài danh giá nhất thời nhà Trần. Binh nghiệp của ông chỉ có thể dùng 2 chữ “hoàn hảo” để nhận định, tiến thì lập đại công với tổn thất thấp nhất, lui thì giữ vững lãnh thổ, vỗ yên dân chúng, trong quân thì hòa hoãn thanh bình, quả là bậc nhân tướng và trí tướng của mọi thời.
Binh pháp có câu “Thượng binh phạt mưu” nghĩa là dùng quân thì quan trọng mưu trí vì mưu trí có thể đem đến thắng lợi mà ít tổn thất và hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên người viết lại cho rằng đó cũng không phải là trình độ cao nhất của binh gia. Binh pháp cao nhất có lẽ phải nói đến “tín nghĩa” và “trí dũng”, người làm tướng chỉ cần tu dưỡng bản thân sao cho đạt được 2 chữ đó thì có thể “không đánh mà thắng”, có thể dùng đức mà quy phục kẻ thù vậy. Trần Nhật Duật chính là một vị tướng như thế.
“Canh Thìn, [Thiệu Bảo] năm thứ 2 [1280], (Nguyên Chí Nguyên năm thứ 17).
Trịnh Giác Mật ở đạo Đà Giang làm phản.
Vua sai Chiêu Văn Vương Nhật Duật đi dụ hàng. Bấy giờ, Nhật Duật coi đạo Đà Giang, ngầm đem quân thuộc hạ đến. Trịnh Giác Mật sai người đến quân doanh, bày tỏ lòng thành: “Mật không dám trái mệnh. Nếu ân chúa một mình một ngựa đến thì Mật xin hàng”.
Nhật Duật nhận lời, chỉ đem 5, 6 tiểu đồng cùng đi. Quân sĩ ngăn lại, Nhật Duật nói: “Nếu nó giáo giở với ta thì triều đình còn có vương khác đến”.
Khi tới trại, người Man dàn vây mấy chục lớp và đều cầm đao thương chĩa vào phía trong. Nhật Duật đi thẳng vào, trèo lên trại. Mật mời ông ngồi. Nhật Duật thạo biết tiếng nói và am hiểu phong tục của nhiều nước, cùng ăn bốc, uống bằng mũi với Mật. Người Man thích lắm. Khi Nhật Duật trở về, Mật đem gia thuộc đến doanh trại đầu hàng. Mọi người đều vui lòng kính phục vì không mất một mũi tên mà bình được Đà Giang. Đến khi về kinh sư, [Nhật Duật ] đem Mật và vợ con hắn vào chầu, vua rất khen ngợi ông. Sau đó, vua cho Mật về nhà, giữ con hắn ở lại kinh đô. Nhật Duật mến nuôi hết lòng, xin triều đình ban tước thượng phẩm và cho vào trông ao cá, sau cũng cũng cho về nhà.”
(Đại Việt sử ký toàn thư).
Ông còn dùng khả năng ngoại ngữ và tài thu phục nhân tâm để đưa một đạo quân Tống đầu hàng ra chiến trường giết giặc lập công, góp phần chủ đạo trong chiến thắng Hàm Tử quan.
“Quan quân giao chiến với quân Nguyên ở Hàm Tử Quan. Các quân đều có mặt. Riêng quân của Chiêu Văn Vương Nhật Duật có cả người Tống, mặc quần áo Tống, cầm cung tên chiến đấu. Thượng hoàng sợ các quân có thể không phân biệt được, sai người dụ rằng: “Đó là quân Thát của Chiêu Văn đấy, phải nhận kỹ chúng.
Vì người Tống và người Thát, tiếng nói và y phục giống nhau. Quân Nguyên trông thấy [quân Tống] đều rất kinh hãi, bảo nhau là người Tống sang giúp, vì thế thua chạy. Trước kia, nhà Tống mất, nhiều người Tống theo ta, Nhật Duật thu nạp họ, có Triệu Trung làm gia tướng. Cho nên chiến công đánh bại giặc Nguyên, Nhật Duật lập được nhiều hơn cả.”
(Đại Việt sử ký toàn thư).
Nhân giả vô địch, hễ đánh là thắng
Nhờ vào sự tu dưỡng bản thân uyên thâm, Chiêu Văn Vương trị quân vô cùng hiệu quả. Quân công của ông tuy không nổi bật trong sử sách vì Trần triều có quá nhiều danh tướng như Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão hay Hưng Đạo Vương nhưng trong đời cầm quân của mình, hễ Chiêu Văn ra quân tức là chiến thắng rực rỡ. Kể cả khi chiến đấu thất lợi, ông cũng dùng tài trí của mình mà bảo toàn cho tổn thất thấp nhất.
“Cuối niên hiệu Thiệu Bảo, ông giữ trại Thu Vật ở Tuyên Quang. Khi Tuyên Quang thất thủ, Nhật Duật thuận dòng rút về xuôi, quân giặc theo hai bên bờ sông đuổi ông. Nhật Duật ngoảnh lại thấy giặc đi thong thả, bảo quân lính: ‘Truy kích thì phải nhanh, nay chúng lại đi thong thả, sợ có quân phía trước đón chặn’. Vội sai người dò xem, quả nhiên thấy giặc đã chặn ngang ở hạ lưu. Ông liền lên bộ chạy thoát”
(Đại Việt sử ký toàn thư).
Sau lần thất lợi hiếm hoi đó, Chiêu Văn liền chứng tỏ tài năng trong những trận đánh quyết định mang tính bước ngoặt của chiến tranh. Sau chiến thắng của ông, quân Đại Việt đã phản công mạnh mẽ và giành thắng lợi chung cuộc trước quân Nguyên Mông xâm lược.
Trận đầu tiên trong chiến công của ông là chiến thắng ở Hàm Tử quan, mở đường cho chiến dịch quang phục Thăng Long lừng danh ở bến Chương Dương của Thái sư Trần Quang Khải.
“Nhân Tông nghe lời, sai Chiêu Văn Vương Trần nhật Duật làm tướng và Trần quốc Toản làm phó-tướng cùng với tướng-quân là Nguyễn Khoái đem 5 vạn quân ra đón đường đánh Toa Đô ở mặt Hải-dương. Tháng tư năm Ất-Dậu (1285) Trần nhật Duật ra đến Hàm Tử (thuộc huyện Đông-an, Hưng-yên) thì gặp chiến thuyền của Toa Đô, Nhật Duật liền phân binh ra đánh. Quân Nhật Duật bấy giờ có bọn Triệu Trung là tướng nhà Tống sang xin tùng chinh, mặc áo đeo cung như quân nhà Tống. Đến khi giáp trận, quân Nguyên trông thấy bọn Triệu Trung, tưởng là nhà Tống đã khôi-phục được nước Tàu, rồi cho quân sang cứu An-nam, đứa nào cũng sợ hãi bỏ chạy. Quân ta đuổi đánh, quân giặc thua to chết hại rất nhiều. Toa Đô phải lùi ra ở bãi Thiên-trường.
Trần nhật Duật thắng trận, cho Quốc Toản đưa tin về Thanh-hóa.
Hưng Đạo Vương được tin mừng ấy, vào tâu với vua rằng: “Quân ta mới thắng, khí lực đang hăng, mà quân Nguyên mới thua, tất cũng chột dạ. Vậy nên nhân dịp này mà tiến quân đánh Thoát Hoan để khôi phục Kinh thành”.
Vua nghe lời truyền sắp sửa tiến binh. Sực có Thượng tướng Trần quang Khải ở trong Nghệ An ra, xin đi đánh Thoát Hoan. Vua liền sai Quang Khải thu xếp quân sĩ để ra đánh Thăng-long và truyền hịch sai Trần Nhật Duật đóng quân giữ chặn đường không cho bọn Toa Đô kéo lên hợp với Thoát Hoan.”
(Việt Nam sử lược – Trần Trọng Kim)
Sau chuỗi chiến thắng “Hàm Tử bắt quân Hồ” và “Chương Dương đoạt giáo giặc”, quân đội Đại Việt dùng thế lôi đình vạn quân như sét đánh không kịp bưng tai, lập tức hội quân để quét sạch đoàn quân Thoát Hoan còn lại ra khỏi bờ cõi.
“Quân An Nam từ khi đánh được trận Hàm Tử và trận Chương Dương rồi, quân thế phấn chấn lắm. Hưng Đạo Vương mừng rỡ, vào tâu với Nhân Tông xin một mặt sai Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, hợp với Thượng tướng Trần Quang Khải dẫn quân chặn các đường, không cho Thoát Hoan, Toa Đô đi lại thông tin với nhau, và một mặt xin tự tiến binh ra đánh Toa Đô, rồi đánh Thoát Hoan. Nhân Tông nghe lời ấy, cho Hưng Đạo Vương tùy ý mà sai khiến. Khi quân ra đến Tây Kết, Hưng Đạo Vương chia quân ra đánh trại quân Nguyên, và đặt phục binh để bắt Toa Đô.”
(Việt Nam sử lược- Trần Trọng Kim)
Và quả đúng như mong đợi, quân đội Đại Việt đã mạnh mẽ hoàn tất cuộc chiến một cách nhanh chóng trong các trận chiến chớp nhoáng sau đó với vô số chiến công lừng lẫy.
“Quân ta đánh hăng quá, quân Nguyên không địch nổi, Toa Đô và Ô mã Nhi đem binh lên bộ chạy ra mặt bể, nhưng khi chạy đến mé sau một dãy núi, thì bị quân An Nam vây đánh, Toa Đô trúng tên chết, còn Ô mã Nhi thì tìm đường chạy vào Thanh-hóa, nhưng bị quân ta đánh đuổi ngặt quá, phải một mình lẻn xuống chiếc thuyền con chạy ra bể, trốn về Tàu được.
Trận Tây-kết đánh vào tháng năm, năm Ất Dậu (1285) quan quân bắt được quân Nguyên hơn 3 vạn người, và chiến thuyền khí giới không biết bao nhiêu mà kể. Hưng Đạo Vương được trận toàn thắng, mở tiệc khao thưởng ba quân, rồi lên đánh mặt bắc, để tiễu trừ Thoát Hoan.”
Tu thân trị quốc, danh thần bốn triều
Dù quân công cái thế, tước vị cao sang nhưng sự nghiệp của Trần Nhật Duật không chỉ có thế. Ông còn được coi là một tấm gương chuẩn mực nhất các thời về nghệ thuật sống, cách xử thế và sự nghiệp viên mãn trải 4 triều vua.
Sử sách còn chép về câu chuyện xử thế tuyệt vời của ông như sau.
Độ lượng với người dưới, ân uy rõ ràng, công tư phân minh.
“Trần Nhật Duật vốn là người nhã nhặn, độ lượng, khoan dung, mừng giận không lộ ra sắc mặt. Trong nhà không chứa roi vọt để đánh gia nô, nếu có đánh thì trước khi đánh bao giờ ông cũng vạch tội rõ ràng.”
Vợ ông là Trinh Túc phu nhân từng có việc xin riêng với ông, ông gật đầu. Đến khi ra phủ, người thư ký đem việc ấy trình lên ông, ông lại không cho.
Hòa nhã với đồng liêu, giữ hòa khí trong triều.
“Một lần có kẻ kiện gia tỳ của ông với Quốc phụ thượng tể Trần Quốc Chẩn. Quốc Chẩn sai người đến bắt. Người gia tỳ chạy vào trong phủ. Người đi bắt đuổi đến giữa nhà, bắt trói ầm ỹ. Phu nhân khóc, nói: “Ông là tể tướng mà Bình Chương cũng là tể tướng, chỉ vì ân chúa nhân từ nhu nhược nên người ta mới coi khinh đến nước này”.
Ông vẫn tự nhiên, chẳng nói gì, sai người bảo gia tỳ rằng: “Ngươi cứ ra, đâu đâu cũng đều có phép nước”.
Trong một lần khác, một gia nô của ông đang giữ thuyền thì bị gia đồng của Quốc Chẩn đánh. Khi có người thuật lại việc này với ông, ông chỉ hỏi: “Có chết không?”, và sau khi biết là người gia nô chỉ bị thương, ông trả lời: “Không chết thì thôi, mách làm gì!”.
(Đại Việt Sử ký toàn thư)
Lời bàn:
Đại Việt sử ký toàn thư nhận xét về ông như sau:
“Ông là bậc thân vương tôn quý, làm quan trải bốn triều, ba lần coi giữ trấn lớn, trong nhà không ngày nào không mở cuộc hát xướng, làm trò, mà không ai cho là say đắm. So với Quách Tử Nghi tột cùng xa xỉ mà không ai chê, ông cũng gần được như thế.”
Cuộc đời Trần Nhật Duật có thể nói là “sinh ra ở vạch đích”, sinh ra là thân vương, tài năng chiến công đều lừng lẫy. Sự nghiệp lại gắn liền với giai đoạn vinh quang nhất của nhà Trần, thế mà còn có thể làm quan trải 4 triều, thọ đến 77 tuổi. Trong lịch sử quả thật không có ví dụ nào hoàn hảo hơn cho chữ “phúc thọ song toàn” như cuộc đời của ông.
Thường trong lịch sử, sự nghiệp của các danh tướng hiếm khi được toàn vẹn như thế, vì người có tài lớn thường sẽ gặp tai vạ lớn, nhưng Chiêu Văn Đại Vương là một ngoại lệ hiếm có khi có thể đắc được cả vinh hoa phú quý lẫn trường thọ. Danh tiếng ông còn lưu truyền đến ngày nay không có một vết nhơ. Vậy chúng ta có thể rút ra bài học gì để có được một sự nghiệp giống như Chiêu Văn Đại Vương? Câu trả lời nằm trong chính những gì ông đã thể hiện trong suốt đời mình.
Đầu tiên là thái độ tôn trọng tri thức và không ngừng học hỏi, kiến văn rộng rãi sẽ giúp người ta bớt đi sai lầm khi làm việc và là một công cụ hiệu quả giúp ta kiến công lập nghiệp.
Thứ hai là thái độ xử thế khiêm cung và bao dung với cả trên lẫn dưới. Đây chính là bí quyết tối hậu cho một cuộc đời phú quý trường thọ viên mãn. Trừ phi là người đức cao tài lớn, chứ kẻ tầm thường ắt không đạt được đến mức này. Khi đọc lại cách Trần Nhật Duật xử thế, ta có thể thấy hình dáng của một cao nhân đắc Đạo, coi danh lợi như mây trôi, khoan dung tự tại mà đầy trí huệ. Nếu không phải một thân Đạo tâm trong sáng do tinh tu Đạo gia, nghiên cứu kinh điển thì có thể đạt được như vậy hay không?
Nên nói rằng dù làm quan to đến đâu, phú quý cao tột thế nào, thì chỉ khi đạt đến cái tâm thanh tĩnh, thì mới là có thể đạt đến sự nghiệp một đời viên mãn, ra đi không có gì hối tiếc vậy.
Tác giả tranh: ML
Tác giả bài viết: Minh Bảo
Xem thêm: