Nguyễn Khuyến: Sắc Thu quê hương, hồn dân tộc
Chùm thơ Thu nổi tiếng của Nguyễn Khuyến khắc họa bức tranh quê hương bình dị của xứ Bắc. Thu man mác buồn ẩn hiện tâm tình của một thi nhân chí sĩ đau đáu vận nước nhà.
Bức tranh mùa Thu mộc mạc của vùng quê Việt Nam
Trong chùm thơ nổi tiếng về mùa thu: Thu vịnh, Thu điếu, Thu ẩm của Nguyễn Khuyến, ẩn hiện trong từng câu thơ là hình ảnh làng quê yên bình. Đặc biệt trong bài Thu vịnh, cảnh vật mùa thu được khắc họa đầy thanh tao, trong trẻo và nhẹ nhàng. Bức tranh Thu xứ Bắc với không gian thoáng đãng. Bầu trời cao vút trong xanh được điểm thêm cảnh cần trúc mềm mại, khung cảnh hài hòa tôn lên vẻ thơ mộng:
Trời thu xanh ngắt mấy từng cao.
Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu.
Nước biếc trông như tảng khói phủ,
Song thưa để mặc bóng trăng vào…
(Thu vịnh)
Trong bài Thu vịnh, không khí làng quê mùa thu im ắng và phảng phất nỗi u hoài. Không gian và thời gian trở nên mông lung, thấp thoáng trong vần thơ là tâm trạng phảng phất buồn của thi nhân. Sự khéo léo tài tình của Nguyễn Khuyến là cách ông sử dụng cách tô điểm từ cảnh vật như thay thế hình ảnh liễu rủ bằng ‘‘cần trúc lơ phơ gió hắt hiu’. Không gian mở ra thăm thẳm “mấy từng cao”, một cần trúc vươn lên trên nền trời thu “xanh ngắt”. Nét cong mềm của “cần trúc” vươn lên một cách thanh cao, không uỷ mị như rặng liễu đìu hiu buông xuống. Thu vịnh mang theo tâm tư của tác giả nhưng vẫn thể hiện sự ngạo nghễ, khẳng khái của một bậc quân tử.
Nghệ thuật sử dụng âm thanh của Nguyễn Khuyến làm nổi bật lên bức tranh thu nhẹ nhàng, tưởng chừng như tĩnh lặng. Thi nhân mô tả tinh tế từng chuyển động âm thanh nhỏ làm sống động hơn cảnh thu của làng quê Việt Nam, tuy mang vẻ đượm buồn nhưng không u uất. Làn sóng biếc chỉ “gợn tí”. Lá vàng cũng “khẽ đưa vèo’’.
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
(Thu điếu)
Chỉ ở mùa thu mới có “Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt”. Trong chùm thơ Thu này, hình ảnh bầu trời xanh ngắt ấy đều được tái hiện 3 lần.
Trong bài Thu ẩm, mùa Thu được cảm nhận bằng tâm trạng của một người ngồi uống rượu. Nghệ thuật reo vần ‘eo’ khiến bức tranh Thu hiện lên như sự hoà hợp của nhiều khung cảnh với nhiều biên độ sắc màu. Cảnh sắc quen thuộc của làng quê Việt Nam đầy bình dị:
Năm gian nhà cỏ thấp le te.
Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe.
Cảnh đêm trăng in hình xuống mặt ao lóng lánh, ánh trăng Thu dường như trở nên thi vị hơn bao giờ hết:
Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt
Làn áo lóng lánh, bóng trăng loe.
Bài thơ tạo trong ta ấn tượng “phi thời gian” nhưng cũng gợi rất sâu vào không khí tĩnh mịch, trong lành và thân thuộc của vùng quê Việt Nam.
Tình yêu quê hương đất nước của Nguyễn Khuyến thể hiện ý tứ trong từng vần thơ như những nét vẽ tô điểm lên vẻ đẹp yên bình, thanh cao và hồn hậu.
Trầm tư mảnh tình quê của thi nhân
Say đắm trước cảnh đẹp mùa Thu của quê hương nhưng tâm tư trĩu nặng đau đáu về phận nước nhà lại khiến thi nhân như ngượng ngùng:
Nhân hứng cũng vừa toan cất bút,
Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào.
(Thu vịnh)
Nguyễn Khuyến cảm thấy “thẹn với ông Đào” tức là Đào Tiềm (Đào Uyên Minh), một nhà thơ nổi tiếng ở Trung Quốc thời Lục Triều. Ông đỗ tiến sĩ, ra làm quan, rồi chán ghét cảnh quan trường thối nát đã treo ấn từ quan, lui về ẩn dật:
Cất nhà trong cảnh nhân gian
Ngựa xe chẳng vướng bụi trần vào đây
Hỏi ông sao được như vầy?
Tâm hồn cao viễn, đất này hẹp thôi
Rào đông hái cúc chiều nay
Xa trông thấy núi Nam ngay trước nhà
Đẹp thay sắc núi chiều tà
Đàn chim về tổ la đà cánh bay
Bao chân ý – cảnh sắc này
Muốn tìm ngôn ngữ giãi bày, lại quên.
(Ẩm tiểu kỳ 5 – Đào Tiềm)
Cái ‘thẹn’ ở đây là về khí tiết. Có lẽ Nguyễn Khuyến cho rằng, mình thiếu cái dũng khí của ông Đào, đã không từ quan sớm để về tự tại thong dong với cuộc đời thanh đạm.
Trong “Thu ẩm” – mùa thu uống rượu. Hình ảnh trung tâm của bài thơ là “Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe”. Câu thơ đã diễn tả trạng thái ngà ngà say… đến “say nhè”:
“Rượu tiếng rằng hay hay chả mấy
Độ năm ba chén đã say nhè”
“Say nhè” là say nhẹ, say rồi ngủ quên đi lúc nào chẳng biết, Nguyễn Khuyến chỉ có “năm ba chén” đã đủ say. Say bởi cảnh đẹp của sắc Thu quê hương hay say để quên đi nỗi buồn thế sự?
Trong sáu câu thơ đầu của bài Thu ẩm, thì đã có đến năm câu đều có màu sắc thể hiện sự cô đơn khi ngồi uống rượu một mình. Có màu đen thẫm mịt mùng của đêm sâu “ngõ tối”. Có ánh sáng “lập loè” của bầy đom đóm. Có sắc trắng nhờ của “màu khói nhạt” nhẹ bay “phất phơ” trên lưng giậu cúc tần trước sân của năm gian nhà cỏ bình dị. Có màu vàng của bóng trăng loe tan ra “lóng lánh” trên làn ao “sóng biếc theo làn hơi gợn tí” trong veo. Có da trời màu “xanh ngắt” rất đẹp. Và sắc “đỏ hoe” của đôi mắt ông lão, của thi nhân đang uống rượu âm thầm.
Cảnh vật có đường nét cao, thấp, xa, gần, mỏng và nhẹ. Độ “thấp le te” của ngôi nhà cỏ năm gian. Độ sâu của đêm khuya và “ngõ tối” nơi làng quê vùng đồng chiêm trũng. Độ nhẹ vờn bay “phất phơ” của màu khói nhạt. Chiều đo “thấp” của “lưng giậu”, nét gợi của “làn ao”, vòng tròn của “bóng trăng loe” trên mặt “ao thu lạnh lẽo”, độ xa, cao, rộng của bầu trời, chân trời và đôi mắt “đỏ hoe” đã “say nhè”.
Phải chăng thi nhân rơi lệ? Tới đây, người đọc thấm đượm được nỗi buồn mênh mông của Nguyễn Khuyến. Tình yêu quê hương trong ông lớn bao nhiêu, ông say đắm trước vẻ đẹp của đất nước bao nhiêu, thì ông lại trĩu nặng tâm tư bấy nhiêu.
Nguyễn Khuyến đứng đầu trong 3 cuộc thi: thi Hương, thi Hội, thi Đình nên được gọi là Tam Nguyên Yên Đổ, là người tài năng xuất thế bậc nhất thời bấy giờ. Ông là người có phẩm chất trong sạch, mặc dù ra làm quan nhưng nổi tiếng thanh liêm, chính trực. Ông nguyện đem tài đức của mình cống hiến cho quê hương nước nhà. Thế nhưng, ông ra làm quan giữa lúc nước mất nhà tan, cơ đồ nhà Nguyễn như sụp đổ hoàn toàn nên giấc mơ trị quốc bình thiên hạ của ông không thực hiện được.
Nguyễn Khuyến bất lực vì không làm được gì để thay đổi thời cuộc nên ông xin cáo quan về ở ẩn. Nguyện vì nước non của Nguyễn Khuyến không thành, nên thơ ông cũng nhuốm đầy nỗi buồn, bất mãn và bế tắc.
Có thể nói, chí lớn nghiệp lớn của bậc quân tử tan tành như mây khói, để rồi phải ngồi đây bó gối ôm cần. Ông là người thấu hiểu hơn ai hết lời dạy của Mạnh Tử: “Cùng tắc độc thiện kỳ thân, đạt tắc kiêm tể thiên hạ’’, tức có tài đức thì đem năng lực thực hiện đạo của người quân tử: ‘‘bình thiên hạ’’ tạo phúc cho thế nhân. Mệnh trời không trọn thì giữ mình trong sạch, tu dưỡng đạo đức, thanh đạm cuộc đời. Bởi vậy mà ngẫm nhìn thế sự, nâng chén rượu tiêu sầu mắt ‘‘đỏ hoe’’.
Tâm tư của Nguyễn Khuyến gói trọn trong ‘‘Thu ẩm’’. Một bài thơ khéo khoe nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ của Nguyễn Khuyến vô cùng tinh luyện, đầy hình tượng và biểu cảm qua các cách dùng từ láy.
Chùm thơ Thu của Nguyễn Khuyến mang đầy thi vị, vẻ đẹp của bức tranh Thu thể hiện nguồn cảm hứng dồi dào với mùa Thu, với quê hương. Chính cảm hứng ấy với tài năng của thi nhân đã tạo nên giá trị đặc sắc của những bài thơ này. Lịch sử thi ca nhân loại từng để lại không ít vần thơ về mùa thu nhưng hiếm có những trường hợp nổi tiếng như chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến. Xuân Diệu đã nhận xét: “Nguyễn Khuyến nổi tiếng nhất trong văn học Việt Nam là thơ Nôm. Mà thơ Nôm của Nguyễn Khuyến nức danh nhất là ba bài thơ mùa thu Thu điếu, Thu ẩm, Thu vịnh”.