Người phụ nữ bị bắt sau khi bị cáo buộc đe dọa, sách nhiễu học viên Pháp Luân Công ở Toronto
Sự việc xảy ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang tiếp tục cuộc đàn áp môn tu luyện tinh thần này; các trường hợp khác cho thấy cuộc đàn áp đã mở rộng ra hải ngoại
Cảnh sát Toronto đã bắt giữ một phụ nữ vì bị cáo buộc hành hung một tình nguyện viên đang giúp mọi người nhận thức về cuộc đàn áp Pháp Luân Công của chính quyền Trung Quốc.
Bà Chu Sáng Anh (Zhou Chuangying), 78 tuổi, thường xuyên đến Tháp CN để phân phát tờ giới thiệu nhằm giúp mọi người nhận thức về cuộc đàn áp tàn bạo của Bắc Kinh đối với nhóm tu luyện tinh thần này. Bà Chu kể, vào khoảng 11 giờ 30 sáng hôm 20/08, một phụ nữ trẻ đã đến gần bà và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, bao gồm tên, địa chỉ, và hỏi bà có giấy phép cho hoạt động của mình hay không.
Bà Chu kể rằng bà cảm thấy lo lắng và đề nghị người phụ nữ cho xem giấy tờ chứng minh rằng cô ấy có cơ sở để làm việc xét hỏi như vậy, nhưng người phụ nữ này nói bằng Hoa ngữ rằng cô ấy không có giấy tờ công vụ nào cả.
Bà Chu cho biết, có vẻ như dựa trên nguyên lý “nhẫn” của Pháp Luân Công, người phụ nữ đã hỏi bà rằng, “Bà có thể nhẫn được đến mức nào đây?” rồi tiếp tục các hành vi phá hoại, như giật lấy túi đựng tờ giới thiệu của bà, rồi rải những tờ giới thiệu xuống đất. Theo bà Chu, bà đã cố gắng chụp ảnh người phụ nữ này và những hành động của cô ta, và người này dường như cố gắng che mặt lại. Bà Chu cho biết người phụ nữ này cũng quay sang chụp ảnh bà.
Sau đó, bà Chu đã gọi cảnh sát. Bà Chu kể lại, khi cảnh sát đến, bà được biết rằng họ đang ứng phó theo một cuộc gọi từ người phụ nữ này, cô ta gọi cảnh sát để trình báo về bà Chu vì hành vi “cướp tài sản.” Sau đó, cảnh sát đã hướng dẫn cả hai bên tránh tiếp tục đụng độ. Tuy nhiên, người phụ nữ này được cho là vẫn tiếp tục nhục mạ, không chỉ nhắm vào bà Chu mà còn cả cảnh sát nữa, đe dọa sẽ tố cáo báo cảnh sát vì “thực thi pháp luật không thỏa đáng.”
Bà Chu nói với The Epoch Times rằng bà tin là người phụ nữ trẻ “cố tình đến để gây rối.” Người phụ nữ dường như ở độ tuổi 20 và [lúc đó] mặc một chiếc đầm ngắn tay màu trắng. The Epoch Times không thể xác thực được tên của người này.
Sau đó, cảnh sát đề nghị đi cùng bà Chu đến một địa điểm khác nơi bạn của bà sẽ gặp bà. Mặc dù vậy, bà Chu cho biết người phụ nữ này vẫn kiên quyết đi theo họ và cuối cùng cảnh sát đã bắt giữ cô ta ở gần khu vực Đại lộ Spadina và Bremner.
Bà Tina Triệu (Tina Zhao), một học viên Pháp Luân Công khác, đã đến hiện trường và giúp phiên dịch cho bà Chu trong lúc bà làm việc với các cảnh sát từ Đội 52 của Sở Cảnh sát Toronto. Theo bà Triệu, cảnh sát đã thông báo với bà rằng người phụ nữ trẻ kia đã được thả ra với điều kiện cô ta phải tránh xa khu vực xảy ra vụ việc và không được tiếp xúc với các học viên Pháp Luân Công. Bà Triệu cũng cho biết cảnh sát đã buộc tội người phụ nữ này.
Dẫn thông tin của cảnh sát Toronto, bà Triệu cho biết người phụ nữ này là cư dân tỉnh Alberta và đang đến thăm Toronto.
The Epoch Times đã liên lạc với Đội 52 để yêu cầu bình luận, kể cả việc yêu cầu bất kỳ thông tin nào về động cơ đằng sau vụ tấn công bị cáo buộc đó, nhưng không nhận được phúc đáp trước thời điểm phát hành bản tin này.
Vụ việc xảy ra khi các học viên Pháp Luân Công tiếp tục phải đối mặt với cuộc đàn áp ở Trung Quốc cũng như các vụ việc ở các quốc gia khác cho thấy cuộc đàn áp đang mở rộng ra đến hải ngoại.
Những vụ việc khác
Hồi tháng 10/2022, ông Jeff Lee, một học viên Pháp Luân Công ở Toronto, nói với The Epoch Times rằng số vụ việc nhắm vào các học viên của một môn tu luyện tinh thần này đã gia tăng ở Ontario. Ông cho rằng ĐCSTQ có thể liên quan đến một số trường hợp.
Trong một vụ việc xảy ra vào năm 2017, hai người đàn ông đã phá rối một cuộc mít tinh của các học viên Pháp Luân Công trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở Calgary. Những người đàn ông này đã mắng chửi các học viên và xé rách các biểu ngữ trưng bày của họ. Những người đàn ông rời đi sau khi cảnh sát được gọi đến. Các nhân chứng nhìn thấy một trong những người đàn ông đó nói chuyện với những người bước ra từ Lãnh sự quán Trung Quốc.
Tháng 10/2022, ông Lee viện dẫn một vụ việc xảy ra hồi tháng 04/2022, trong đó một người đàn ông đeo khẩu trang và đội nón bóng chày đã xé biểu ngữ của một học viên đang tập các bài công pháp của Pháp Luân Công tại Quảng trường Nathan Phillips ở trung tâm thành phố Toronto. Ông Lee cho biết chính người đàn ông này đã hành hung một học viên Pháp Luân Công khác ở cùng khu vực vào ngày 22/09 năm đó.
Ông cho biết số vụ đe dọa các học viên Pháp Luân Công cũng tăng lên, trong đó có các trường hợp một người đàn ông hoặc phụ nữ gốc Hoa bất ngờ tiếp cận và chụp ảnh họ ở cự ly gần, đồng thời có lúc còn đưa ra những lời đe dọa.
Năm 2018, khi hai học viên Pháp Luân Công đang tập các bài thiền định trong một công viên ở Winnipeg, một người đàn ông đã đến gần họ và nói chuyện bằng Hoa ngữ. Các học viên đã mời người đàn ông này cùng tập với họ, nhưng ông ta đã mắng chửi họ và đe dọa sẽ đánh chết họ.
Cuộc bức hại kéo dài hàng thập niên
Trong 24 năm qua, các học viên Pháp Luân Công đã trở thành mục tiêu của chiến dịch đàn áp dai dẳng do cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Giang Trạch Dân khởi xướng kể từ tháng 07/1999. Ông Giang xem Pháp Luân Công là một thách thức đối với sự cai trị của ĐCSTQ do môn tu luyện này được phổ biến rộng rãi và số lượng lớn học viên ở Trung Quốc, thời điểm đó ước tính vào khoảng từ 70 triệu đến 100 triệu người theo học.
Để biện minh cho cuộc đàn áp môn tu luyện tinh thần này, chính quyền Trung Quốc đã phát động một chiến dịch tuyên truyền có hệ thống nhằm phỉ báng Pháp Luân Công. Vào ngày 23/01/2001, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, Tân Hoa Xã, đã phát sóng một đoạn video quay cảnh năm người tự thiêu tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh. Tân Hoa Xã tuyên bố rằng họ là những học viên Pháp Luân Công đã tự thiêu trong nỗ lực tử vì đạo. Mặc dù tự sát là đi ngược lại những lời dạy của môn tu luyện này, nhưng cái gọi là tự thiêu vẫn được ĐCSTQ sử dụng để vu khống cho Pháp Luân Công.
Bất chấp nhiều sơ hở khác nhau trong đoạn video này, mà sau đó đã được các nhà nghiên cứu và truyền thông quốc tế vạch trần, phát hiện ra rằng vụ việc này đã được dàn dựng, nhưng tuyên truyền của Tân Hoa Xã đã được nhiều người ở Trung Quốc xem và tin tưởng, góp phần vào cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở quốc gia do chế độ cộng sản cai trị.
Để truyền tải câu chuyện của họ đến người dân Trung Quốc và nâng cao nhận thức về cuộc đàn áp nhân quyền trắng trợn của ĐCSTQ, các học viên Pháp Luân Công thường xuyên đến các điểm du lịch toàn cầu để phát tờ giới thiệu thông tin và thu hút khách du lịch, đặc biệt là những người đến từ Hoa lục, những người mà học viên nói rằng họ thường có quan điểm sai lầm về môn tu luyện. Việc tiếp cận này nhằm mục đích làm rõ sự thật và xóa tan mọi quan điểm sai lầm do thông tin sai lệch và thông tin giả.
Tuy nhiên, các học viên Pháp Luân Công bên ngoài Trung Quốc vẫn phải tiếp tục đối mặt với những lời đe dọa, sách nhiễu, và thậm chí là các vụ tấn công. Trong một số trường hợp, thân nhân của họ ở Trung Quốc cũng bị công an đe dọa và sách nhiễu vì dường như công an biết về hoạt động liên quan đến Pháp Luân Công của những học viên ở hải ngoại.
Trong một cuộc phỏng vấn trước đây với The Epoch Times, cô Hoàng Hoa (Huang Hua), một học viên Pháp Luân Công sống ở Toronto, cho biết các thành viên trong gia đình cô sống ở Trung Quốc đã nhiều lần bị công an Trung Quốc sách nhiễu như một phần trong chiến thuật uy hiếp của họ đối với cô.
Cô Hoàng nói rằng cha cô hiện sống ở tỉnh Chiết Giang, đã nhận được cảnh báo từ công an địa phương vì cố gắng liên lạc với cô. Vào tháng 10/2019, công an Trung Quốc đã đột kích vào nhà ông, có lẽ là để tìm bằng chứng kết tội ông tu luyện Pháp Luân Công.
“Là một người dân [ở Trung Quốc], quý vị không thể thoát khỏi khi chính quyền nhắm vào quý vị. Quý vị sẽ luôn thua cuộc,” cô Hoàng bày tỏ, và nói thêm rằng gia đình đã từ bỏ việc cố gắng thuê luật sư. “Ở Trung Quốc, pháp quyền không tồn tại.”
ĐCSTQ mở rộng hoạt động trị an ra hải ngoại
Trong một báo cáo hồi tháng 09/2022, tổ chức phi chính phủ (NGO) về nhân quyền Safeguard Defenders có trụ sở tại Tây Ban Nha đã nêu bật cuộc đàn áp xuyên quốc gia của Bắc Kinh và việc mở rộng hoạt động trị an nhắm vào những người bất đồng chính kiến sống ở hải ngoại.
Hồi tháng Năm, Nghị viên Đảng Bảo Thủ Michael Cooper đã nêu vấn đề đàn áp xuyên quốc gia của Trung Quốc tại Hạ viện. Ông đặt nghi vấn tại sao chính phủ không trục xuất các đặc vụ Trung Quốc, những người được cho là có liên quan đến các mối đe dọa đối với các học viên Pháp Luân Công và những công dân Canada khác.
“Trong ba năm qua, Chính phủ biết rằng một nhà ngoại giao thuộc lãnh sự quán của Bắc Kinh tại Toronto đang theo dõi người Canada gốc Hoa và gửi thông tin lại cho công an chìm của Bắc Kinh,” ông Cooper nói hôm 12/05. Ông Cooper đang đề cập đến ông Triệu Nguy (Zhao Wei), một cựu nhân viên ngoại giao Trung Quốc tại Toronto. Kể từ đó, ông Triệu đã bị trục xuất khỏi Canada sau khi có báo cáo cho rằng ông có liên quan đến các mối đe dọa chống lại các thành viên gia đình của Nghị viên Đảng Bảo Thủ Michael Chong.
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times