Người nô bộc trung nghĩa làm nên giai thoại tại nhân gian
Người xưa làm người xem trọng phẩm hạnh đạo đức, trong mọi ngành nghề đều có rất nhiều nhân sĩ trung nghĩa, đã để lại những điển cổ xúc động lòng người. Sử sách đã lưu lại một vài mẩu chuyện về những người nô bộc có tấm lòng trung nghĩa.
A Ký trung thành hầu hạ chủ mẫu
Vào thời nhà Minh, ở huyện Thuần An (nay gần Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang) có nhà họ Từ tương đối giàu có, trong nhà có một người tên là A Ký, thuở nhỏ vì gia cảnh bần hàn nên bị bán vào nhà họ Từ làm nô bộc. Từ lão gia là một người tốt bụng lương thiện nên đối xử với A Ký rất tốt, A Ký trong lòng luôn cảm thấy biết ơn, vì vậy hết mực siêng năng làm việc chăm sóc cho cả gia đình. A Ký ở nhà họ Từ mấy chục năm thì Từ lão gia qua đời.
Từ lão gia có ba người con trai, con trai cả và con trai thứ mỗi ngày chỉ biết ăn chơi hưởng thụ, chỉ có người con trai thứ ba là siêng năng chăm chỉ. Vì lo lắng cho nhà họ Từ , sau khi Từ lão gia qua đời, A Ký đã từng khuyên nhủ hai người con trai đầu nhưng họ đều bỏ ngoài tai. Không còn cách nào khác, ông chỉ có thể cùng với người con trai thứ ba san sẻ gánh vác mọi chuyện trong nhà.
Thế nhưng, vài năm sau, người con trai thứ ba đột ngột mắc trọng bệnh qua đời, để lại người vợ Từ thị cùng với 5 đứa con thơ. A Ký vô cùng buồn bã. Điều không thể ngờ được chính là người con trai cả và con trai thứ vì không muốn cô nhi quả mẫu trở thành gánh nặng cho mình nên đã đưa ra ý kiến: Phân chia gia sản.
Khi phân chia gia sản, con trai cả và con trai thứ đã chia nhau một con ngựa và một con bò, để lại người nô bộc đã 56 tuổi cho gia đình người con trai thứ ba, người vợ Từ thị lúc này chỉ biết khóc than bất lực.
Đối diện trước hoàn cảnh khó khăn này, A Ký không hề oán trách, mà ngược lại còn hạ quyết tâm giúp đỡ mẹ con Từ thị có được cuộc sống tốt đẹp. Vì vậy, ông liền nói với Từ thị rằng muốn ra ngoài làm ăn buôn bán. Nghĩ đến lòng trung thành suốt mấy chục năm của A Ký, Từ thị vô cùng tin tưởng ông, do đó đã đem hết trang sức vàng bạc cầm cố đổi lấy mười mấy lượng bạc toàn bộ đưa hết cho A Ký để làm vốn liếng.
A Ký dò la khắp nơi để tìm kiếm cơ hội làm ăn, qua khảo sát, ông nghe nói trên núi có rất nhiều cây sơn, sơn sống sau khi được thu hoạch có thể dùng để sơn vật dụng trong nhà, thứ này trong thị trấn được bán rất chạy, vì vậy ông bèn vào núi mua sơn sống rồi đem đến Tô Châu để bán. Sau một năm, ông kiếm được số tiền gấp mấy lần khoản tiền vốn ban đầu. Sau khi về nhà, ông nói với Từ thị rằng: “Chủ mẫu không cần phải lo lắng, phú quý không còn xa nữa”
Dưới sự nỗ lực kinh doanh của A Ký, sau 20 năm, gia sản của Từ thị đã lên đến hàng vạn lượng bạc, trở thành phú hộ trong vùng. Trong thời gian này, A Ký trợ giúp Từ thị sắp xếp hôn sự cho 3 người con gái và 2 người con trai, mỗi người đều đem theo sính lễ hàng nghìn lượng bạc. Ngoài ra, A Ký còn mời thầy đến nhà để dạy học cho 2 vị công tử, đồng thời thông qua việc cống nạp lương thực để họ được vào học ở trường thái học. Cả hai sau này đều trở thành những bậc trí thức thấu đạt lễ nghĩa.
A Ký đã có rất nhiều cống hiến to lớn cho nhà họ Từ nhưng ông không vì vậy mà kêu ngạo, mà ngược lại vẫn nghiêm túc làm tròn trách nhiệm và bổn phận của mình. Bất cứ khi nào nhìn thấy người nhà họ Từ, dù cho đó là trẻ nhỏ thì ông cũng hành lễ. Ngay cả khi gặp trong lúc đang cưỡi ngựa thì ông cũng giữ chặt dây cương dừng ngựa để chào hỏi. Mỗi khi gặp chủ mẫu là Từ thị thì ông cũng không bao giờ ngó lơ, thậm chí chưa bao giờ dám ngồi ngang hàng với bà. Hành vi cử chỉ của A Ký không khác gì những người tri thức đọc sách hiểu lễ nghĩa, tấm lòng của ông quả thật là “ đại trung thuần hiếu dã”
A Ký một đời vất vả cực nhọc, trước khi qua đời đã đưa cho Từ thị những sổ sách trong nhà đã được phân chia cẩn thận tỉ mỉ và nói: “Những thứ này giao cho hai vị tiểu chủ, họ đã có thể quản lý việc nhà được rồi”, nói xong thì qua đời.
Trong những người cháu của Từ thị có người đã âm thầm điều tra xem liệu A Ký có cất giữ tiền của riêng hay không, nhưng phát hiện ra rằng trong nhà ông không hề có chút gia sản nào, vợ con của ông cũng có một cuộc sống khó khăn eo hẹp.
Vào thời điểm đó mọi người sau khi nghe chuyện về A Ký thì đều cảm động trước tấm lòng trung nghĩa của ông. Vì vậy, một văn học gia nổi tiếng triều Minh lúc bấy giờ đã viết câu chuyện về A Ký có tên là “A Ký truyện”. A Ký, một cái tên của một người nô bộc hết sức bình thường nhưng đã lưu lại một giai thoại trong dòng sông dài của lịch sử.
Tôn Minh nuôi dưỡng hậu duệ của Đinh thượng thư
Đinh Nhữ Quỳ là một chính trị gia dưới thời Gia Tĩnh triều Minh, ông từng đảm nhiệm chức vụ Tả bố chính sứ Sơn Tây, Tuần phủ tỉnh Cam Túc, Bảo Định, Ứng Thiên, Tham chính tỉnh Hồ Quảng, Tuần phủ tỉnh Hà Nam, Sử bộ tả hữu thị lang, và binh bộ thượng thư kiêm giám sát đoàn doanh. Vào năm Gia Tĩnh thứ hai mươi chín (1550), quân đội Tác-ta Mông Cổ tiến đến kinh thành, Đinh Nhữ Quỳ đệ trình “Bị biên thập yếu” cùng với việc hơn mười độc quân bị gian thần Nghiêm Tung giữ chân theo sách lược “thối lỗ trường sách”, cũng bởi do Nghiêm Tung đã đề nghị Đinh Nhữ Quỳ truyền lệnh cho chư tướng không được tùy tiện xuất chiến, Tác-ta nhờ vậy mà trong vòng tám ngày đã mặc sức thẳng tay cướp bóc khắp kinh thành. Mọi người đều cho rằng Đinh Nhữ Quỳ là tội đồ, Nghiêm Tung nhân cơ hội đổ hết tội lỗi lên người ông. Gia Tĩnh Hoàng đế đã chặt đầu Đinh Nhữ Quỳ với tội danh “Ngự khấu vô sách, thủ bị bất nghiêm”, lúc hành hình ông đã hét lớn rằng: “Nghiêm Tung hại ta”. Sau khi Nghiêm Tung bị lật đổ, vào năm Long Khánh thứ nhất, Đinh Nhữ Quỳ được phục chức.
Tôn Minh là quản gia của Đinh Nhữ Quỳ. Sau khi Đinh Nhữ Quỳ gặp nạn, Tôn Minh đi theo con trai thứ của Đinh Nhữ Quỳ là Đinh Mậu Chính, người từng là Lễ bộ chủ sự, sau bị giáng chức đến Liêu Dương. Tuy nhiên, nửa năm sau, Đinh Mậu Chính cũng bị hãm hại dẫn đến mất mạng. Không lâu sau, vợ của Đinh Mậu Chính cũng qua đời, để lại con thơ mới được 5 tháng tuổi.
Để nuôi đứa bé, Tôn Minh đi khắp nơi tìm nhũ mẫu hoặc ra chợ mua sữa dê và sữa bò cho đứa bé. Cùng với việc nuôi dạy đứa bé, Tôn Minh cũng không quên việc minh oan cho chủ nhân của mình. Mỗi khi nghe tin có giám sát ngự sử đến địa phương, ông lại tìm đến khóc lóc đau khổ kể lể oan tình. Có vị quan vì thương xót ông nên đã bãi bỏ tội danh và cho phép ông được quay trở về kinh thành.
Quãng đường từ Liêu Đông đến kinh thành xa xôi khiến ông không đủ tiền thuê xe, đành phải đi bộ. Ban ngày ông cõng đứa bé đi xin ăn dọc đường, thà bản thân chịu nhịn không ăn chứ nhất mực không để tiểu chủ nhân chịu đói, ban đêm thì tìm nơi khô ráo ấm áp để nghỉ ngơi.
Cứ đi như vậy hơn một tháng hai người mới về đến kinh thành. Tôn Minh hỏi thăm về gia sản của nhà họ Đinh thì được biết gian sản đã bị người thân trong tộc Đinh gia chiếm mất, ông bèn kiện lên quan phủ.
Tôn Minh hầu hạ tiểu chủ nhân tận tâm hết mình không khác gì như hầu hạ Đinh Nhữ Quỳ khi xưa. Khi hậu duệ Đinh gia trưởng thành, Tôn Minh đã giao lại toàn bộ gia sản của nhà họ Đinh cho cậu. Hậu duệ Đinh gia sau đó đỗ đạt tú tài, về phần Tôn Minh thì qua đời khi tuổi đã cao.
Tư liệu tham khảo: