Ngoại trưởng Trung Quốc, Nga gặp nhau sau khi tổng thống Iran tử nạn
Theo một nhà nghiên cứu, ‘ĐCSTQ không muốn các giao dịch của mình với các quốc gia phương Tây bị Iran phá hoại.’
Sau vụ tai nạn trực thăng khiến Tổng thống Iran Ebrahim Raisi thiệt mạng, Bộ trưởng Ngoại giao Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Vương Nghị đã gặp Ngoại trưởng Nga tại Kazakhstan để thảo luận về tình hình ở Trung Đông.
Trực thăng của ông Raisi bị rơi vào ngày 19/05, và ông được xác nhận đã tử nạn vào ngày 20/05.
Sau đó vào cùng ngày, ông Vương đã gặp người đồng cấp Nga, ông Sergey Lavrov, tại cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Astana, Kazakhstan.
Tổ chức Hợp tác Thượng Hải là một tổ chức chính trị, kinh tế, an ninh, và quốc phòng Á-Âu do Trung Quốc và Nga lãnh đạo.
Theo báo cáo chính thức của ĐCSTQ, hai ngoại trưởng đã trao đổi quan điểm về tình hình ở Trung Đông trong cuộc gặp.
Ông Vương nói với ông Lavrov rằng hai nước nên chuẩn bị cho nhiều trao đổi song phương hơn trong năm nay, tiếp tục tăng cường hỗ trợ, và củng cố nền tảng hợp tác căn bản.
Sau sự ra đi của ông Raisi, cả lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đều tuyên bố đã mất đi một “người bạn tốt” và ca ngợi vai trò của ông Raisi trong việc phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Vào giữa tháng Ba, Trung Quốc, Nga, và Iran đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung ở Biển Ả Rập. Trung Quốc cũng là khách hàng mua dầu lớn nhất của Iran.
Ông Chung Chí Đông (Chung Chih-tung), trợ lý nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Đài Loan, nói với The Epoch Times hôm 21/05 rằng các ngoại trưởng Trung Quốc và Nga thường trao đổi thông tin tình báo thông qua các cuộc gặp như vậy và chắc chắn tại cuộc họp này họ đã chia sẻ quan điểm của mỗi nước về vụ tai nạn của ông Raisi.
Ông Tô Tử Vân (Su Tze-yun), Giám đốc Bộ phận Chiến lược Quốc phòng và Tài nguyên tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Đài Loan, nói với The Epoch Times rằng ông Raisi mất đi sẽ dẫn đến một số thay đổi ở Iran.
“Suy cho cùng, nội bộ Iran có nhiều thế lực khác nhau nên sau khi vị tổng thống thân Trung Quốc và Nga hơn này qua đời, một tổng thống mới phải được bầu ra,” ông Tô nói.
“Trong tình huống này, nếu khuynh hướng ngoại giao của Iran thay đổi, thì chắc chắn đó sẽ không phải là tin tốt cho Bắc Kinh và Moscow, đặc biệt khi Bắc Kinh đang cần rất nhiều dầu từ Iran.”
Ông Chung nói rằng Iran, giống như Nga, phải đối mặt với các lệnh trừng phạt nghiêm khắc từ phương Tây và ĐCSTQ đã áp dụng biện pháp hai mặt trong việc giải quyết các mối quan hệ với Iran giống như với Nga.
“ĐCSTQ đã sử dụng Iran để hòa giải các vấn đề với các nước Ả Rập và để chứng tỏ ảnh hưởng của mình ở Trung Đông. Các quốc gia phương Tây cũng hy vọng rằng thông qua ảnh hưởng của mình đối với Iran, Trung Quốc có thể có cái gọi là ảnh hưởng đến các cuộc xung đột ở Trung Đông và vấn đề vũ khí hạt nhân,” ông nói.
“Điều đặc biệt đáng chú ý là ngay cả khi ĐCSTQ và Iran có một lĩnh vực hợp tác chung, thì ĐCSTQ cũng không muốn bị Iran ảnh hưởng tiêu cực, vì họ muốn thực hiện các thỏa thuận với các quốc gia phương Tây. ĐCSTQ không muốn các giao dịch của mình với các quốc gia phương Tây bị Iran phá hoại.”
Ông Tô cho rằng, xét đến hiệu lực của lệnh bắt giữ thủ tướng Israel và các lãnh đạo Hamas của Tòa án Hình sự Quốc tế vào ngày 20/05, tân tổng thống Iran có thể sẽ nghĩ khác và có thể có thái độ mềm mỏng hơn một chút với phương Tây.
“Nhưng ông ấy sẽ không từ bỏ hợp tác với ĐCSTQ và Nga,” ông nói. “Việc tân tổng thống nhậm chức chỉ có thể xoa dịu tình hình ở Trung Đông một chút, chỉ vậy thôi.”
Ông Chung cho biết ông tin rằng mối quan hệ đối tác và liên minh chiến lược giữa ĐCSTQ, Iran, và Nga sẽ không thay đổi.
Bản tin có sự đóng góp của Chương Hồng và Lạc Á
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times