Ngoại trưởng Đài Loan cảnh báo: ‘Nhiều khả năng’ Trung Quốc sẽ xâm lược Đài Loan vào năm 2027
Chiến tranh với hòn đảo này có thể là ‘di sản’ của ông Tập Cận Bình
Ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp (Joseph Wu) đã cảnh báo rằng “nhiều khả năng” Trung Quốc sẽ có hành động quân sự chống lại hòn đảo này vào năm 2027. Ông Ngô nói rằng lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có thể coi việc xâm lược Đài Loan là một cách để lưu lại di sản từ nhiệm kỳ thứ ba của ông.
“Đối với tôi, năm 2027 là năm mà chúng ta cần đề phòng … vì tình hình quyền lực trong nước ở Trung Quốc,” ông Ngô nói trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Sky News hôm 18/01.
“Năm 2027, ông Tập Cận Bình có thể sẽ bước vào nhiệm kỳ thứ tư. Và nếu trong ba nhiệm kỳ trước, ông ấy không thể tuyên bố bất kỳ thành tích nào trong khi nắm quyền, thì ông ấy có thể cần nghĩ về điều gì đó khác để tuyên bố là thành tích hoặc di sản của mình,” ông nói thêm.
Ông Ngô đã chỉ ra tình hình nguy nan mà chính quyền Trung Quốc đang phải đối mặt.
“Nếu quý vị nhìn vào tình hình Trung Quốc lúc này, thì nền kinh tế đang đi xuống. Người dân không hạnh phúc; ngành kinh doanh bất động sản dường như đang sụp đổ.”
“Nếu ông Tập Cận Bình không thể thay đổi tình hình trong nước ở Trung Quốc, thì [ông ấy] có thể muốn viện đến việc sử dụng vũ lực hoặc tạo ra một cuộc khủng hoảng bên ngoài để chuyển hướng sự chú ý trong nước hoặc để cho người Trung Quốc thấy rằng ông ấy đã đạt được điều gì đó.”
Bắc Kinh gần đây đã thông báo rằng tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc tăng chỉ 3% trong năm 2022, giảm từ mức 8.4% trong năm 2021.
Chỉ số Niềm tin Kinh doanh của Trung Quốc đã giảm xuống 48.1 trong tháng Mười Hai so với 51.8 trong tháng Mười Một, theo khảo sát của World Economics về các nhà quản lý bán hàng tại hơn 2,300 công ty, được thực hiện từ ngày 01 đến ngày 16/12/2022.
Con số này là thấp nhất kể từ khi dữ liệu bắt đầu được ghi nhận vào năm 2010.
Trong khi đó, dữ liệu khảo sát cho thấy niềm tin thị trường nhà ở cũng tiếp tục xu hướng giảm trong quý cuối cùng của năm 2022, bất chấp các biện pháp kích thích kinh tế của Bắc Kinh.
Theo ông Ngô, ông Tập Cận Bình có thể coi việc xâm lược Đài Loan là một cách để đánh lạc hướng khỏi các vấn đề trong nước của Trung Quốc.
“Chúng tôi lo ngại rằng Đài Loan có thể trở thành vật tế thần của ông ta,” ông nói.
Ngày càng khiêu khích
Những bình luận của ngài ngoại trưởng được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang leo thang các hành động quân sự xung quanh hòn đảo này, thường xuyên cử chiến đấu cơ đến không phận Đài Loan.
Bộ Quốc phòng Đài Loan tuyên bố rằng họ đã phát hiện 57 phi cơ và 4 tàu hải quân của Trung Quốc xung quanh Đài Loan vào lúc 6 giờ sáng theo giờ địa phương vào ngày 08/01, với 28 chiến đấu cơ bay vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan và băng qua đường trung tuyến Eo biển Đài Loan. Trong số đó, hai oanh tạc cơ H-6 mang đầu đạn hạt nhân đã bay tới phía nam Đài Loan, theo bản đồ của bộ này.
Theo bộ chỉ huy Trung Quốc, những khí tài quân sự đó đang tham gia các cuộc tập trận chiến đấu ở vùng biển và vùng trời xung quanh hòn đảo, tập trung vào các cuộc tấn công trên bộ và trên biển. Đây là cuộc tập trận thứ hai như vậy trong vòng chưa đầy một tháng.
Với những cuộc tập trận này, ông Ngô cho biết, “Trung Quốc muốn đe dọa để Đài Loan phải khuất phục vì họ muốn chinh phục Đài Loan mà không sử dụng vũ lực quân sự để tấn công Đài Loan.”
“Hãy nhìn vào khoảng cách tiếp cận của phi cơ Trung Quốc với phi cơ của chúng tôi,” ông nói.
“Nếu họ vượt qua khu vực 24 hải lý, một số trong số các hệ thống vũ khí của chúng tôi có thể phải nhắm mục tiêu vào những phi cơ Trung Quốc đó, và điều đó có thể gây ra tai nạn, mặc dù phi công Trung Quốc có thể không cố ý vượt qua khu vực 24 hải lý.”
Ông Ngô mô tả những bước đi này là “những hành động” rất “khiêu khích và nguy hiểm” có thể dẫn đến “tình huống xấu nhất.”
“Rất thường xuyên, quý vị thấy chỉ một tai nạn rất nhỏ thôi gộp lại cũng có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh lớn,” ông cho biết.
“Chúng tôi lo lắng điều đó có thể xảy ra,” ông nói thêm.
Đài Loan sẵn sàng cho chiến tranh
Ngoại trưởng thừa nhận rằng hòn đảo này trước đây đã chậm trễ trong việc chuẩn bị cho một cuộc chiến tiềm năng với Trung Quốc về khía cạnh đạn dược và lực lượng vũ trang.
Ông nói: “Chúng tôi hiểu rằng trong những năm trước, chúng tôi có thể đã không mua đủ đạn dược.”
“Trong những năm trước, chúng tôi có thể [đã] không đào tạo đầy đủ cho quân nhân của mình. Và trong những năm trước đó, chúng tôi hiểu rằng số lượng binh sĩ đang bảo vệ Đài Loan của chúng tôi có thể [đã không] đủ,” ông nói thêm.
Ông Ngô trích dẫn việc gia hạn thời gian tòng quân mà hòn đảo này công bố gần đây như một ví dụ về các biện pháp cải tiến.
Hôm 17/12, Tổng thống Thái Anh Văn thông báo Đài Loan sẽ kéo dài thời gian tòng quân bắt buộc lên một năm vào năm 2024. Hiện tại, thời gian tòng quân bắt buộc ở Đài Loan là bốn tháng.
Bà Thái cho biết những người đến tuổi tòng quân sẽ trải qua khóa huấn luyện khốc liệt hơn, bao gồm các bài tập bắn súng, hướng dẫn chiến đấu mà quân đội Hoa Kỳ sử dụng, và vận hành các vũ khí mạnh hơn bao gồm cả các hỏa tiễn phòng không Stinger và hỏa tiễn chống tăng.
Tháng Tám năm ngoái, Đài Loan đã đề nghị chi tiêu quốc phòng 19 tỷ USD cho năm 2023, một mức tăng hai con số so với cùng thời kỳ năm ngoái, trong đó bao gồm cả các khoản chi cho các chiến đấu cơ mới, Reuters đưa tin.
“Chúng tôi đang cố gắng làm mọi thứ có thể để chuẩn bị cho Đài Loan, để giúp Đài Loan có khả năng tự vệ,” ông Ngô cho biết.
Sẵn sàng đàm phán mà không có các điều kiện tiên quyết
Ông Ngô nói rằng Đài Loan sẽ giải quyết tình hình leo thang bằng việc “tự kiềm chế” và “có trách nhiệm.”
“Chúng tôi hiểu trách nhiệm của mình mặc dù chúng tôi cam kết tự [kiềm chế] bản thân, nhưng đồng thời, chúng tôi không muốn thấy chiến tranh xảy ra. Và do đó, chúng tôi đã thực hiện các bước rất, rất có trách nhiệm để ngăn chặn cuộc khủng hoảng [để không leo thang] thành một cuộc khủng hoảng lớn,” ông nói.
Ông Ngô khẳng định rằng đảo quốc này sẵn sàng đàm phán với Trung Quốc nhưng việc đàm phán sẽ không đi kèm với “các điều kiện chính trị.”
Ông chỉ ra một bài diễn văn của lãnh đạo Trung Quốc hôm 02/01/2019, trong đó ông Tập nhấn mạnh Đài Loan phải công nhận nguyên tắc “một Trung Quốc” — rằng Trung Quốc, dưới sự cai trị của ĐCSTQ, có quyền cai trị hợp pháp đối với Đài Loan — và rằng mô hình “một quốc gia, hai chế độ” có thể được áp dụng cho hòn đảo này.
Ông Ngô nói rằng những điều kiện tiên quyết đó là không thể chấp nhận được.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters và Annie Wu
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times