Nghiên cứu: Thành kiến chính trị ảnh hưởng đến cách người Mỹ cảm nhận về lạm phát giá lương thực
Lạm phát đang ảnh hưởng nặng nề tới những người đến cửa hàng thực phẩm và phá vỡ ngân sách chi tiêu của hàng triệu người, tuy nhiên không phải ai cũng phàn nàn về việc giá cả tăng cao ở mức độ giống nhau. Một nghiên cứu mới cho thấy cách người Mỹ cảm nhận về lạm phát giá lương thực phụ thuộc vào quan điểm chính trị của họ.
Một cuộc khảo sát của Trung tâm Phân tích Nhu cầu Thực phẩm và Tính bền vững của Đại học Purdue đã phát hiện rằng những người thiên tả và những người theo phái bảo tồn truyền thống có nhận thức khác nhau về việc gia tăng chi phí. Theo nghiên cứu được thực hiện với 1,200 người trên khắp Hoa Kỳ này, những người thiên tả tỏ ra lạc quan hơn nhiều về lạm phát giá lương thực.
So với những người theo phái bảo tồn truyền thống, những người thiên tả nói rằng họ đã chứng kiến giá lương thực tăng ít hơn năm ngoái, và họ dự đoán lạm phát giá lương thực sẽ tăng ít hơn trong tương lai.
Theo ông Jayson Lusk, người đứng đầu và là giáo sư ưu tú về kinh tế nông nghiệp tại Đại học Purdue, người đứng đầu Trung tâm Phân tích Nhu cầu Thực phẩm và Tính bền vững, thật thú vị khi quan sát “nhận thức khác nhau về lạm phát giá lương thực giữa những người thiên tả và những người theo phái bảo tồn truyền thống.”
Ông Lusk nói trong một tuyên bố: “Không chỉ những người thiên tả đánh giá rất không đúng mức mức tăng giá lương thực so với năm ngoái mà dự đoán về lạm phát của những người theo phái bảo tồn truyền thống cũng có thể cao hơn tỷ lệ lạm phát trong năm tới — ít nhất khi so sánh với dự đoán của Bộ Nông nghiệp.”
Tuy nhiên, những người theo phái bảo tồn truyền thống và thiên tả có một số điểm chung khi nói đến chi tiêu. Người tiêu dùng cho biết đã chi trả trung bình 114 USD mỗi tuần cho cửa hàng thực phẩm và 67 USD mỗi tuần cho nhà hàng và bữa ăn mang đi. Theo nghiên cứu, chi tiêu cho thực phẩm gần như giống hệt nhau trên toàn bộ phổ chính trị. Tuy nhiên, những người thiên tả đánh giá lạm phát giá lương thực thấp hơn những người theo phái bảo tồn truyền thống khoảng 3-4 điểm phần trăm.
Ví dụ, dựa trên dữ liệu khảo sát được thu thập từ tháng Một đến tháng Tám, những người thiên tả cho rằng lạm phát giá lương thực đã ở mức 6% trong 12 tháng qua, so với những người theo phái bảo tồn truyền thống cho biết là 9%. Ngoài ra, những người thiên tả cho rằng giá thực phẩm sẽ tăng 3% trong 12 tháng tới, trong khi những người theo phái bảo tồn truyền thống cho rằng sẽ tăng 7%.
Những dự báo này thấp hơn nhiều so với các số liệu chính thức gần đây. Báo cáo lạm phát tháng Tám do Cục Thống kê Lao động công bố hôm 13/09 cho thấy chỉ số giá lương thực tăng với tốc độ hàng năm là 11.4%. Giá cả tại cửa hàng thực phẩm tăng 13.5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi thực phẩm không nấu tại nhà tăng 8%. Nhìn chung, chỉ số giá lương thực có mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ năm 1979.
Người Mỹ đã bắt đầu cảm thấy tác động của việc chi phí canh tác tăng mạnh trong năm nay. Giá phân bón đã tăng bởi vì chi phí đầu vào tăng vọt và do cuộc xung đột ở Ukraine gây ra gián đoạn nguồn cung. Do việc các nhà máy ở Âu Châu ngừng kinh doanh đã thắt chặt nguồn cung toàn cầu nên giá phân bón dự kiến sẽ tiếp tục tăng, gây thêm áp lực lên chi phí lương thực.
Kết quả là, tuy người Mỹ đang thấy mức giá tại trạm xăng thấp hơn, nhưng về thực phẩm và các lĩnh vực khác thì họ không được an ủi như vậy. Hồi tháng trước, hầu hết mọi thứ ngoài chỉ số giá năng lượng đều tăng.
Lạm phát cao cũng khiến nhu cầu hỗ trợ lương thực tăng lên. Cuộc khảo sát nói trên của Đại học Purdue tiết lộ rằng 25% những người tự nhận mình là thiên tả cho biết đã nhận hàng tạp hóa miễn phí từ quầy thực phẩm hoặc ngân hàng thực phẩm, so với 18% những người ôn hòa và 16% những người theo phái bảo tồn truyền thống.
Những người thiên tả cũng quan tâm nhiều nhất đến tính bền vững về mặt xã hội và môi trường của thực phẩm. Và theo cuộc khảo sát, có một sự bất đồng sâu sắc về việc liệu “ăn ít thịt có tốt hơn cho môi trường hay không.” Những người thiên tả có khả năng xác định là ăn chay hay thuần chay cao khoảng gấp đôi so với những người ôn hòa và bảo tồn truyền thống.
Theo cuộc khảo sát, những người theo phái bảo tồn truyền thống ít dựa vào Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm, The New York Times, CNN, hoặc các tổ chức học thuật khi tìm kiếm thông tin về thực phẩm, thay vào đó họ thích các nguồn truyền thống hơn, chẳng hạn như gia đình, bác sĩ, bạn bè, và Bộ Nông nghiệp.
Khi được yêu cầu chọn ra ba điều là những căng thẳng ngân sách hàng đầu của họ, những người mua sắm cho biết chi phí thực phẩm đứng đầu danh sách, tiếp theo là tiền xăng và tiền thuê nhà/thế chấp. Việc xếp hạng này nhấn mạnh vai trò quan trọng của thực phẩm trong ngân sách của các gia đình. Điều này cũng giải thích tại sao trong năm qua lạm phát giá lương thực lại được thảo luận rộng rãi.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times