Nghiên cứu cho thấy COVID khiến các tế bào não ‘kết dính và rối loạn chức năng’
Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng mặc dù SARS-CoV-2 gây bệnh chủ yếu ở đường hô hấp, virus này cũng có thể làm các tế bào não kết dính lại và bị rối loạn chức năng, dẫn đến các triệu chứng kinh niên ở hệ thần kinh.
Vào hôm 07/06, tập san Science Advances đã công bố một nghiên cứu mới, theo lời của các tác giả Massimo Hilliard và Ramon Martinez-Marmol từ Viện Bộ Não Queensland. Nghiên cứu này khám phá cách mà virus làm thay đổi chức năng não.
Ông Hilliard, giáo sư sinh học thần kinh phân tử và tế bào tại Đại học Queenland cho biết, “Chúng tôi phát hiện rằng COVID-19 làm các tế bào thần kinh trải qua một quá trình kết dính tế bào, đây là điều chưa từng có trước đây.”
“Sau khi tế bào thần kinh bị nhiễm SARS-CoV-2, protein gai xuất hiện trong các tế bào thần kinh, và khi các tế bào thần kinh kết dính lại, những protein này sẽ không chết đi.”
“Các tế bào có thể bắt đầu rối loạn hoạt động cùng lúc hoặc ngừng hoạt động hoàn toàn.”
Để giải thích cho điều này, ông Hilliard đã gợi ý hình ảnh các dây điện kết nối với mỗi công tắc đèn trong phòng bếp và phòng tắm tượng trưng cho các tế bào thần kinh.
Ông nói, “Khi các dây này nối liền lại với nhau, mỗi công tắc sẽ bật đèn ở nhà bếp và phòng tắm cùng một lúc hoặc không bật đèn ở phòng nào cả.”
“Đây là tin xấu cho hai chu trình độc lập.”
Các nhà nghiên cứu giải thích rằng kết luận của nghiên cứu cung cấp một lời giải thích tiềm năng cho vô số hội chứng tâm thần kinh, xuất hiện trong giai đoạn đầu của bệnh và tiếp diễn nhiều tháng sau khi nhiễm bệnh, gần đây được gọi là COVID kéo dài.
Ông Martinez-Marmol, nhà nghiên cứu hậu tiến sĩ cấp cao cho biết, “Theo hiểu biết hiện tại về những gì xảy ra khi virus xâm nhập vào não, có hai kết quả là chết tế bào hoặc viêm nhiễm.”
“Nhưng chúng tôi đã chỉ ra kết quả thứ ba có thể xảy ra: sự kết dính các tế bào thần kinh.”
Ông cho biết sự kết dính các tế bào có thể gây ra các tác động thần kinh dai dẳng giống với [các triệu chứng] sau nhiễm virus HIV, bệnh dại, viêm não Nhật Bản, virus herpes simplex, và virus Zika.
Ông Martinez-Marmol cho biết, “Nghiên cứu của chúng tôi khám phá một cơ chế mới giải thích cho các sự kiện thần kinh xảy ra trong quá trình nhiễm virus.”
“Đây có khả năng là nguyên nhân chính của các bệnh về thần kinh và các triệu chứng lâm sàng vẫn chưa được khám phá.”
Phát hiện tổn thương não sau khi chích vaccine COVID-19
Trong một số trường hợp, các nhà khoa học phát hiện rằng không chỉ riêng việc nhiễm COVID-19, việc chích vaccine mRNA COVID-19, cũng có thể gây ra tổn thương thần kinh.
Một vài trường hợp trong số đó đã được ghi lại trong Unseen Crisis, một tài liệu mới đi sâu vào cuộc sống của những người phải sống chung với hậu quả suy nhược của việc chích vaccine COVID-19, là những vaccine được khai triển dưới sự cho phép sử dụng khẩn cấp sau thời gian thử nghiệm ngắn hơn nhiều so với bình thường trong bối cảnh đại dịch toàn cầu.
Tiến sĩ Paul Marik nói với The Epoch Times rằng, “Vấn đề đáng nói là protein gai có lẽ là một trong những hợp chất độc hại nhất mà con người tiếp xúc, và độc tính của loại protein này đi theo nhiều con đường khác nhau mà chúng ta chỉ mới bắt đầu biết được.”
Ông Marik, bác sĩ chăm sóc tích cực, lưu ý rằng một nghiên cứu đã tìm thấy mRNA của vaccine tồn tại trong cơ thể trong vòng 60 ngày.
Theo ông Marik, bộ não dường như cũng rất dễ bị tổn thương. Điều này có thể giải thích tại sao nhiều người chích vaccine có các phản ứng bất lợi đã báo cáo về các triệu chứng thần kinh.
Ông nói, “Vật chất mRNA được đặt trong một hạt nano lipid. Trên thực tế, các hạt nano lipid được thiết kế để đưa hóa chất trị liệu đến não. Vì vậy các hạt này có thể vượt qua hàng rào máu não.”
“Hơn 80% bệnh nhân sau chích vaccine có các triệu chứng thần kinh. Đây quả là một phát hiện đáng chú ý. Các triệu chứng thần kinh gồm sương mù não, rối loạn nhận thức, và rối loạn trí nhớ, đều là các triệu chứng rất nguy hiểm.”
Ngay cả những trường hợp COVID-19 nhẹ cũng có thể dẫn đến những thay đổi của bộ não
Một nghiên cứu của Úc đăng trên Nature, cho thấy thậm chí các trường hợp nhiễm COVID-19 nhẹ đều có liên quan đến những thay đổi trong bộ não.
Khoảng 785 người đã làm quét não, và sau đó khoảng một nửa số người này có kết quả dương tính đối với COVID-19. Tất cả những người tham gia đều được quét não lần hai, bao gồm cả những người đã khỏi bệnh.
Các nhà nghiên cứu từ Trung tâm hình ảnh thần kinh tích hợp Wellcome (Wellcome Centre for Integrative Neuroimaging) tại Đại học Oxford đã phân tích các hình ảnh não và phát hiện rằng những người tham gia bị nhiễm COVID-19 có độ dày chất xám (thành phần giúp con người thực hiện các chức năng khác nhau như khả năng đưa ra quyết định) bị giảm và các kết quả đáng ngại khác.
Tác giả chính của nghiên cứu, giáo sư Gwenaëlle Douaud cho biết, “Mặc dù 96% người tham gia chỉ bị nhiễm bệnh ở mức độ nhẹ, chúng tôi nhận thấy khối lượng chất xám bị mất lớn hơn, và tổn thương mô nhiều hơn ở những người đã chích vaccine, trung bình 4.5 tháng sau nhiễm bệnh.”
“Họ cũng bị suy thoái nhiều hơn về khả năng tư duy để thực hiện các nhiệm vụ phức tạp, và nguyên nhân trí tuệ giảm sút một phần có liên quan đến những bất thường bộ não này. Tất cả những tác động không tốt này biểu hiện còn nhiều hơn ở người cao tuổi.
Các lần quét não được thực hiện cách nhau trung bình 38 tháng, do UK Biobank (một cơ sở dữ liệu y tế quy mô lớn chứa thông tin của khoảng 500,000 cư dân Vương quốc Anh) tài trợ.
Phân tích này gồm những người đã làm quét não từ độ tuổi 51 đến 81. Ông Douaud nói với The Epoch Times trong một email rằng, nghiên cứu không bao gồm những người trẻ tuổi là do tất cả những người tham gia quét não đều từ 40 tuổi trở lên.
Vân Hi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times