Nghị viên ở châu Âu cảnh báo: ‘Thế giới dân chủ đang nuôi dưỡng kẻ thù nguy hiểm nhất’
Hôm 04/08 và 05/08, các học viên Pháp Luân Công tại nhiều quốc gia Âu Châu đã cùng nhau diễn hành tại hai thành phố lớn là Vienna ở Áo và Bratislava ở Slovakia. Các nhân sĩ cũng như du khách và người dân bản xứ tham dự đã lên án vai trò chính của chính quyền cộng sản Bắc Kinh trong cuộc bức hại Pháp Luân Công đang diễn ra tại Trung Quốc. Không còn hoài nghi, đây là một chế độ chống lại nền dân chủ của thế giới.
Tại Quảng trường Hviezdoslav của thủ đô Bratislava, Slovakia, ông František Mikloško đã có bài diễn văn về mối nguy hiểm của chủ nghĩa cộng sản. Từng là cựu Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Cộng hòa Slovakia và là nghị sĩ Đảng Phong trào Dân Chủ Cơ Đốc Giáo (KDH), ông kể lại câu chuyện lịch sử về việc đàn áp đức tin một cách tàn ác của chính quyền cộng sản tại vùng Rozňava vào năm 1958 khi họ không cho phép các nữ tu làm việc trong bệnh viện, và chính quyền này sau đó đã sụp đổ ra sao. Nhưng giờ đây chúng ta lại đang chứng kiến bi kịch tương tự xảy ra ở Trung Quốc.
Ông Mikloško nói: “Chúng ta phải đoàn kết với những người đang bị bức hại chỉ vì họ tin vào Pháp Luân Công. Tự do là không thể chia cắt … Pháp Luân Công mang lại sự yên bình, hòa giải, thật không thể hiểu nổi khi Trung Quốc cộng sản bức hại những người tốt hoàn toàn vô tội như thế này.”
Sau đó, ông Peter Osuský, nghị viên Quốc hội Slovakia, đã nói về một số nhóm người bị bức hại tại Trung Quốc “Trong một thập niên trong Quốc hội, nơi tôi làm việc về mảng kiến trúc chính sách ngoại giao, thì những điều tôi quan tâm là chúng ta phải bảo vệ cái thiện trước những cái ác. Và tôi đã chăm lo tới Georgia từ năm 2008, Ukraine từ năm 2014, Belarus vào khoảng thời gian đó, và cũng luôn quan tâm tới Tây Tạng, Đài Loan và Pháp Luân Công. Tất cả đều là những nhóm người tốt mà cái ác cố ý bức hại. Đó là bổn phận của nhân loại chúng ta để quan tâm tới những điều tưởng chừng như ở rất xa”.
Ông tiếp tục: “Tôi không ngồi trong tư thế hoa sen như các bạn được, nhưng những giá trị chân, thiện và nhẫn in trên lưng áo khoác của các bạn là những giá trị của toàn nhân loại, không cần thiết phải là một học viên mới có thể hiểu rằng đó là một thế giới tốt hơn.”
Với kiến thức chuyên sâu của một giáo sư đại học, ông nhận xét, trước những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đang diễn ra tại quốc gia viễn đông này, các quốc gia phương Tây đã cúi đầu im lặng để đổi lấy lợi ích kinh tế. “Tất cả những điều này đang xảy ra ở một đất nước mà thật không may, nền dân chủ đang bị suy sụp.” Ông thẳng thắn đưa ra nhận xét của mình: “Thế giới dân chủ đang nuôi dưỡng kẻ thù nguy hiểm nhất.” Kết thúc bài diễn văn, ông đã sử dụng một tiêu ngữ của người La Mã cổ đại để thể hiện sự ủng hộ đối với các học viên Pháp Luân Công: “Dum spiro spero — Miễn là tôi còn thở, thì tôi còn hy vọng.”
Bức hại tàn khốc gây ra vô số thảm kịch đau khổ và thương tâm
Trước đó một ngày vào hôm thứ Sáu (04/08), các học viên Pháp Luân Công đã tuần hành tại thủ đô Vienna, Áo.
Ông Vương Dũng (Wang Yong) đến từ Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Áo, đã giới thiệu cho du khách và người dân bản xứ về Pháp Luân Công và cung cấp thông tin về cuộc bức hại tàn khốc đang diễn ra tại Trung Quốc. Ông nói: “Ba nguyên lý ‘Chân-Thiện-Nhẫn’ là trọng tâm của môn tu luyện này. Pháp Luân Đại Pháp được truyền dạy miễn phí và mang lại sức khoẻ về thể chất cũng như tinh thần cho hơn 100 triệu người.”
Mặc dù môn tu luyện này chỉ mang lại lợi ích cho người dân và xã hội đồng thời không có một điểm có hại nào, “nhưng cố chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân lo sợ ngày càng có nhiều người Trung Quốc hơn chọn Pháp Luân Công thay vì hệ tư tưởng vô thần của Đảng Cộng sản.” Và cuộc bức hại bắt đầu từ 24 năm về trước, hiện vẫn đang kéo dài tới tận hôm nay “đã gây ra vô số thảm kịch đau khổ và thương tâm.”
Xuất phát từ nhà thờ Stephansdom và bắt đầu với Thiên Quốc Nhạc Đoàn Âu Châu gồm hơn 80 thành viên dẫn đầu, đoàn diễn hành đã đi qua các địa điểm chính như Cung điện mùa đông Hofburg, Nhà hát Opera Quốc gia Vienna (Wiener Staatsoper), phố đi bộ Kohlmarkt, …
‘Điều xảy ra tại Trung Quốc là có liên quan với toàn thế giới’
Cô Marie Therese cùng con gái hiện đang sống tại Áo. Họ đã đi qua quảng trường Stephansplatz vào ngày hôm đó và được cho biết về cuộc bức hại Pháp Luân Công tại Trung Quốc. Cô từng nghe nói về điều này trước kia, nhưng chưa được giải thích kỹ lưỡng hơn. Đây không phải là một chủ đề hoàn toàn mới tuy nhiên cô “chưa từng được nghe cặn kẽ hơn về điều này.” Bởi vì sau khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu thì chủ đề bức hại này không được đăng tải trên truyền thông tại Trung Quốc cũng như ở phương Tây. “Tôi rất vui khi được nghe giải thích về cuộc bức hại này, điều đang diễn ra trên thế giới của chúng ta,” cô nói. “Tôi có biết về cuộc bức hại người Tây Tạng, người Hồi Giáo, nhưng về Pháp Luân Công thì không.”
Khi được nghe kể sâu hơn về các hình thức bức hại mà các học viên phải trải qua, cô nói: “Khi biết đến cuộc bức hại Pháp Luân Công, tôi cảm thấy rất tiếc rằng mọi người đã không biết đến nó…” Cô tiếp tục cho biết, “Việc đăng tải rộng rãi những thông tin này để nhiều người, nhiều quốc gia biết hơn nữa là rất quan trọng. Bởi vì thế giới này là nhỏ bé, tiến trình toàn cầu hoá đã xóa bỏ biên giới giữa các quốc gia. Điều xảy ra tại Trung Quốc là có quan hệ với toàn thế giới.”
Anh Mayowa là một du khách đến từ tiểu bang Texas, Hoa Kỳ. Trong lúc đang khám phá Vienna, thành phố của âm nhạc, anh đã ghé thăm quảng trường Stephansplatz và nhận được thông tin về Pháp Luân Đại Pháp từ các học viên.
Lần đầu tiên được nghe về cuộc bức hại này, anh cảm thấy “chấn động, bối rối, đau buồn, và sợ hãi” trước một sự kiện tàn ác đến như vậy vốn đã bắt đầu từ 24 năm trước và vẫn đang diễn ra. Anh đồng ý rằng đây là điều hoàn toàn không nên xảy ra trên trái đất này.
Phượng Hoàng thực hiện