Ủy ban lưỡng đảng đề nghị TT Biden đưa danh sách tù nhân chính trị cho ông Tập Cận Bình
‘Nhiều tù nhân trong số này đã bị tra tấn hoặc bị từ chối chăm sóc y tế quan trọng trong trại giam.’
Một ủy ban thuộc Quốc hội đã lập danh sách tù nhân chính trị ở Trung Quốc và đang yêu cầu Tổng thống (TT) Joe Biden đưa danh sách này ra khi hội đàm với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) được tổ chức vào tháng này ở San Francisco.
Dân biểu Chris Smith (Cộng Hòa-New Jersey) và Thượng nghị sĩ Jeff Merkley (Dân Chủ-Oregon), lần lượt là chủ tịch và đồng chủ tịch của Ủy ban Điều hành-Quốc hội về Trung Quốc, đã gửi thư cho Tổng thống Biden hôm 08/11, yêu cầu ông đưa danh sách này cho ông Tập và “thảo luận với ông ấy về lý do tại sao tù nhân chính trị lại là mối quan tâm hàng đầu của Hoa Kỳ” trong bang giao song phương.
“Trong thập niên qua, các quan chức CHND Trung Hoa đã từ chối chấp nhận danh sách tù nhân chính trị từ Hoa Kỳ và hạn chế quyền truy cập của chúng tôi vào thông tin về cách đối xử và địa điểm của từng cá nhân bị giam giữ,” các nhà lập pháp viết, sử dụng tên chính thức của Trung Quốc, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Trích dẫn nhóm nhân quyền Tổ chức Đối thoại (Dui Hua Foundation) có trụ sở tại San Francisco, họ nói rằng việc nêu tên các tù nhân chính trị là vấn đề quan trọng. Họ viết: “Việc nhắc đến tên một cá nhân trong danh sách tù nhân có nghĩa là họ có cơ hội được khoan hồng gấp ba lần, và các quan chức đôi khi đã hành động trong những trường hợp riêng lẻ ngay cả khi họ không hồi đáp chính thức về những danh sách này.”
“Nhiều tù nhân trong số này đã bị tra tấn hoặc bị từ chối chăm sóc y tế quan trọng trong trại giam. Chúng tôi tin rằng bằng cách nêu ra những trường hợp này, quý vị có thể tạo ra tác động tích cực đến cuộc sống của tù nhân và cuộc sống của gia đình họ, và hy vọng rằng chúng tôi có thể giúp họ được thoát khỏi tình trạng giam giữ vốn có động cơ chính trị.”
Theo các nhà lập pháp, các quan chức Trung Quốc đã ra dấu hiệu rằng họ “sẵn sàng nối lại đối thoại với các quốc gia khác về vấn đề nhân quyền.” Do đó, họ đã thông báo với Tổng thống Biden rằng “điều quan trọng hơn bao giờ hết là thông qua việc nộp danh sách các tù nhân chính trị để làm sáng tỏ các trường hợp cá nhân bị giam giữ.”
Tổng thống Biden dự kiến sẽ gặp ông Tập trong hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra từ ngày 11 đến 17/11, nhưng lịch trình cụ thể vẫn chưa được công bố chính thức. Hôm 08/11, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby từ chối xác nhận khi được phóng viên hỏi liệu có phải hai nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau vào ngày 15/11 hay không.
Danh sách tù nhân chính trị
Các nhà lập pháp lưu ý rằng có 40 người trong danh sách tù nhân chính trị, nhưng danh sách này chỉ “đại diện cho một số ít cá nhân” bị giam giữ tùy tiện tại Trung Quốc. Đứng đầu danh sách là ba người Mỹ — Kai Li, Mark Swidan, và David Lin. Những người khác trong danh sách bao gồm người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, người Hồng Kông, những người bảo vệ nhân quyền Trung Quốc, tín đồ Cơ Đốc Giáo, và các học viên Pháp Luân Công.
Ông Swidan, một doanh nhân người Texas bị giam giữ sai trái ở Trung Quốc từ năm 2012 sau khi bị buộc tội liên quan đến ma túy. Ông đã bị kết án tử hình vào năm 2019, và được hoãn thi hành án hai năm. Hồi tháng Tư, một tòa án Trung Quốc đã bác bỏ kháng cáo của ông và giữ nguyên phán quyết này.
Theo các nhà lập pháp, chính quyền Trung Quốc được cho là đã tra tấn ông Swidan về thể xác và tra tấn nghiêm trọng về tâm lý, đồng thời từ chối điều trị y tế đầy đủ cho ông.
Một số luật sư nhân quyền Trung Quốc có tên trong danh sách, bao gồm ông Cao Trí Thịnh (Gao Zhisheng), ông Đinh Gia Hỷ (Ding Jiaxi), ông Hứa Chí Vĩnh (Xu Zhiyong), ông Thường Vĩ Bình (Chang Weiping), và ông Giang Thiên Dũng (Jiang Tianyong).
Ông Cao, một luật sư tự học và là một tín đồ Cơ Đốc Giáo thành tín, đã mất tích hơn sáu năm, sau khi bị công an đến nhà bắt giữ ở tỉnh Thiểm Tây, miền bắc Trung Quốc vào tháng 08/2017.
Các nhà lập pháp viết, “Các nhà chức trách đã giam giữ ông Cao dưới nhiều hình thức giam giữ khác nhau kể từ tháng 08/2006, liên quan đến việc ông đại diện cho nông dân trong các vụ tịch thu đất đai cũng như viết thư ngỏ lên án cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công và những tín đồ Cơ Đốc Giáo.”
Ngoài ra, trong danh sách còn có ký giả công dân Trung Quốc Trương Triển (Zhang Zhan), người đã bị kết án bốn năm tù vào năm 2020 vì đăng trên tài khoản mạng xã hội của mình về cách Trung Quốc ứng phó với đại dịch COVID-19. Cô thường chỉ trích các biện pháp chống dịch mà chính quyền Trung Quốc áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.
Ba nhà hoạt động Hồng Kông cũng có tên trong danh sách: ông Lê Trí Anh (Jimmy Lai), từng là chủ báo của tờ Apple Daily hiện đã ngưng hoạt động; anh Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), người nổi lên như một nhà lãnh đạo các cuộc biểu tình dân chủ trong Phong trào Dù vàng năm 2014; và cô Trâu Hạnh Đồng (Chow Hang-tung), một luật sư nổi tiếng vì đã tham gia vào buổi cầu nguyện thường niên tưởng nhớ các nạn nhân trong vụ Thảm sát Thiên An Môn ở Hồng Kông.
Pháp Luân Công
Các nhà lập pháp cũng nêu tên của hai học viên Pháp Luân Công là bà Ngưu Tiểu Na (Niu Xiaona) và ông Chu Đức Dũng (Chu Deyong) trong danh sách của họ.
Bà Ngưu, một người phụ nữ khuyết tật nặng 47 tuổi ở tỉnh Hắc Long Giang, miền bắc Trung Quốc, đã bị kết án 15 năm tù vào tháng 09/2022 vì đức tin của mình.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần cổ xưa của Trung Hoa, bao gồm một bộ công pháp tĩnh tại khoan thai và các bài giảng tập trung vào các giá trị là chân, thiện, và nhẫn. Vào cuối những năm 1990, môn tu luyện này đã trở nên vô cùng phổ biến ở Trung Quốc, với ước tính chính thức cho thấy số lượng học viên dao động trong khoảng 70 triệu đến 100 triệu người.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xem sự phổ biến của môn tu luyện này là mối đe dọa đối với việc duy trì quyền lực của họ, vậy nên vào tháng 07/1999 họ đã phát động một chiến dịch ‘xóa sổ’ có hệ thống. Theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, kể từ đó, hàng triệu học viên Pháp Luân Công đã bị giam giữ trong các nhà tù, trại lao động, và các cơ sở khác, với hàng trăm ngàn người bị tra tấn trong khi bị giam giữ.
Theo trung tâm này, tính đến thời điểm hiện tại trong năm nay, cuộc đàn áp của ĐCSTQ đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 77 học viên và ít nhất 471 học viên đã bị kết án tù.
Hồi tháng Tư, ông Chu, một kỹ sư địa chất, đã bị kết án tám năm tù sau hai năm bị giam giữ. Vợ ông, bà Vưu Linh (You Ling), và con trai anh hiện đang cư trú tại Florida.
“Cha tôi là một người đàn ông thật thà, tốt bụng, nhưng tại sao bọn họ lại truy đuổi ông ấy đến mức này?” anh Chu Du (Zhou You), con trai của ông Chu, nói với The Epoch Times sau khi hay tin cha mình bị kết án quá nặng.
Đàn áp xuyên quốc gia
Danh sách này cũng bao gồm các trường hợp đàn áp xuyên quốc gia của Trung Quốc, đáng chú ý nhất là vụ liên quan đến bà Gulshan Abbas, một bác sĩ y khoa đã về hưu người Duy Ngô Nhĩ. Vị cựu bác sĩ này đã bị giam giữ ở Trung Quốc vào năm 2018 chỉ vài ngày sau khi chị gái bà là bà Rushan Abbas, tại Viện Hudson, đã lên tiếng về hành động ngược đãi của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ. Cựu bác sĩ này đã bị kết án 20 năm tù.
Bà Rushan Abbas, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành Chiến dịch vì Người Duy Ngô Nhĩ, gần đây đã nói với chương trình “American Thought Leaders” (Các nhà lãnh đạo Tư tưởng Hoa Kỳ) của EpochTV: “Chính quyền Trung Quốc làm điều này để uy hiếp và bịt miệng tôi. Tôi không muốn họ dùng quyền lực để uy hiếp tôi, nên tôi đã trở thành một nhà hoạt động toàn thời gian với tư cách là tiếng nói của những người dân trong cộng đồng của tôi và cho cả em gái tôi, đồng thời phơi bày tội ác của Trung Quốc.”
Chính phủ Hoa Kỳ đã chính thức tuyên bố cách Trung Quốc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ ở khu tự trị Tân Cương là “tội ác diệt chủng” và “tội ác phản nhân loại.” ĐCSTQ đã giam hãm hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung, nơi những người bị giam giữ bị cưỡng bức lao động, tra tấn, nhồi sọ chính trị, cưỡng bức phá thai, và các hình thức đối xử vô nhân đạo khác.
Để ngăn chặn cuộc đàn áp xuyên quốc gia của ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩ, các nhà lập pháp đã đề nghị Tổng thống Biden chỉ thị ngoại trưởng lập danh sách những người bị giam giữ bất công ở Tân Cương và thân nhân của họ ở Hoa Kỳ.
“Ngay cả ở Hoa Kỳ, họ cũng sợ phải lên tiếng cho người thân của mình, những người đang bị giam giữ trong các trại tập trung thời hiện đại,” các nhà lập pháp viết. “Chúng tôi yêu cầu Chính phủ của quý vị phải là tiếng nói của họ trong việc tìm ra giải pháp giúp họ có thể liên lạc được thường xuyên với các thành viên gia đình của họ, đồng thời cho phép họ có được tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, và tự do đi lại theo quy định của luật pháp quốc tế.”
Đầu tháng này, hơn 50 tổ chức — bao gồm Chiến dịch vì người Duy Ngô Nhĩ, Nhóm Nghị viên Thân hữu Pháp Luân Công, Hội đồng Dân chủ Hồng Kông, và Hội Sinh viên Quốc tế vì Tây Tạng Tự do — đã gửi thư cho Tổng thống Biden, yêu cầu ông ưu tiên vấn đề nhân quyền trong cuộc hội đàm với ông Tập tại hội nghị thượng đỉnh lần này.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times