Nghĩ lớn, hành động nhỏ – Hành trình dẫn lối Thành công
Để hoàn thành tốt công việc cần có vài thực hành và thực hiện theo từng bước nhỏ.
Để ước mơ trở thành hiện thực cần làm việc chăm chỉ, vì vậy, nên tận dụng tối đa quỹ thời gian hạn hẹp của chúng ta, kể cả lúc ở ngoài đường, trên cánh đồng, khi trên mạng hay trong văn phòng, sao cho hiệu quả nhất.
Làm việc chăm chỉ mang lại cảm giác thỏa mãn. Hoàn thành tốt công việc đem lại cảm giác nhẹ nhõm và vui vẻ, thành tựu từ nhiệm vụ càng khó khăn bao nhiêu thì mức độ vui sướng càng cao bấy nhiêu. Cảm giác tích cực này là điều mà ai cũng đã từng trải qua. Nhưng không chỉ cá nhân tôi đưa ra khẳng định về mối liên hệ giữa làm việc chăm chỉ và hạnh phúc – các nghiên cứu khoa học cũng đã chứng minh điều này.
Vào đầu thập niên 1980, nhà tâm lý học nổi tiếng Mihaly Csikszentmihalyi đã tiến hành một loạt các nghiên cứu nhằm tìm hiểu tác động tâm lý của những hành vi mà chúng ta thường thực hiện hàng ngày. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng: chiều sâu hành động tạo ra ý nghĩa.
Ông phát hiện ra rằng người ta có cảm giác hạnh phúc hơn khi hòa mình vào công việc, nó tốt hơn cả thư giãn. Dựa trên những phát hiện của mình, ông kết luận: “Những khoảnh khắc tuyệt vời nhất thường xảy ra khi cơ thể hoặc tâm trí của một người được kéo căng đến giới hạn trong nỗ lực tự nguyện để hoàn thành một điều gì đó khó khăn hoặc đáng giá.”
Csikszentmihalyi đã đưa thuật ngữ “trạng thái dòng chảy” trở nên phổ biến, nó dùng để diễn tả cảm giác mà những người đạt thành tích cao đã trải qua – từ nhà văn, nghệ sĩ sáng tạo cho đến vận động viên đều dễ dàng trải nghiệm được – Cảm giác này xuất hiện khi họ nỗ lực làm việc với hiệu suất cao nhất. Và đó là sự làm việc cật lực.
Lý do gọi nó là “Làm việc cật lực” bởi vì, khi bạn đang nỗ lực học một kỹ năng mới hay làm ra thứ gì đó có giá trị, thì đó là một quá trình vất vả và gian nan. Hầu hết chúng ta bắt đầu tận hưởng thành quả sau khi chúng ta đã thành thạo, nó đòi hỏi một quá trình chuyên tâm luyện tập và làm việc chăm chỉ.
Việc học chơi đàn guitar là một ví dụ. Người học sẽ phải chịu sự đau đớn (về thể chất và cảm xúc), cảm giác đau nhức ngón tay và sự bực bội khi không thể nạp nổi các hợp âm vào đầu xảy ra trong vài tháng đầu. Tuy nhiên khi thông thạo những điều cơ bản và trên tay có những vết chai sạn thì kỹ năng được cải thiện, việc chơi guitar bắt đầu trở nên hấp dẫn, thú vị.
Sức bật tinh thần (tính kiên cường) được hình thành từ những gian khổ, từ sự nỗ lực kiên trì và nó đóng vai trò là chiếc cầu dẫn lối Thành công.
Tiền đề của niềm đam mê: thực hành
Nếu bạn muốn làm điều gì đó để bản thân cảm thấy toại nguyện thì đa số việc làm ấy xuất phát từ sự tự nguyện.
Vấn đề là, loại công việc cường độ cao dẫn đến thành tích cao không chỉ mang lại lợi ích vật chất mà còn là phần thưởng về mặt tinh thần. Xét toàn diện, bạn nên làm việc theo cách hiệu quả nhất có thể để đạt được những lợi ích lớn nhất.
Để hoàn thành công việc điều quan trọng là phải giảm thiểu tối đa sự phân tâm. Chỉ khi đó, bạn mới có thể tạo ra không gian, thời gian để làm việc tích cực và nhất quán dựa trên những ưu tiên quan trọng.
Dưới đây là ba yếu tố được tóm tắt và phân loại mà bạn có thể áp dụng.
Giảm thiểu sự phân tâm
Khi còn là Giám đốc điều hành của Microsoft, trong một năm Bill Gates sẽ ngắt kết nối hai lần để dành cho “Tuần Suy Nghĩ”, vào thời gian đó ông dành trọn thời gian để đọc sách và suy ngẫm.
Năm 1845, Henry David Thoreau sống hai năm trong rừng để viết tác phẩm hàng đầu “Một mình sống trong rừng” (Walden).
Một trong những ngòi bút được hâm mộ nhất thế kỷ 20 là George Orwell đã chạy trốn khỏi nhịp sống ồn ào và vội vã của London để đến một ngôi nhà hẻo lánh trên đảo Jura, ở Scotland để sáng tạo tác phẩm kinh điển “1984”. Và thánh địa viết lách này ông mô tả là “cực kỳ khó có được”.
Sau mùa giải 2014 nổi bật, tiền vệ phòng ngự All-Pro J.J. Watt của NFL’s Houston Texans đã mua một căn nhà gỗ tối giản ở một vùng hẻo lánh tại phía bắc Wisconsin tự cô lập để tăng cường chế độ luyện tập cá nhân trong thời gian nghỉ thi đấu.
Và chúng ta, những con người bận rộn – tôi không gợi ý bạn nên đến một địa điểm hẻo lánh để ẩn cư- nhưng để liên tục tạo ra những thành phẩm có giá trị, bạn cần phải giảm thiểu sự phân tâm trong ngày.
Sự phân tâm (hay gián đoạn) có nhiều dạng. Tại văn phòng là những thứ như: Emails gửi đến không ngừng; các cuộc họp căng thẳng kéo dài, đồng nghiệp tán gẫu; các cuộc điện thoại. Ở nhà thì: nào con cái, thú cưng; rồi quần áo chưa giặt, bát đĩa bẩn, Tivi, Facebook, chiếc sofa thoải mái.
Bạn đã từng truy cập Internet với ý định ban đầu là kiểm tra “một thứ” sau đó bàng hoàng thấy rằng hai mươi phút đã trôi qua và tự hỏi chuyện gì vừa xảy ra? Trên thực tế, “một hoặc hai phút” mà bạn định dành để kiểm tra trực tuyến Facebook sẽ khiến bạn mất nhiều thời gian hơn thế rất nhiều.
Tiến sĩ Gloria Mark khi nghiên cứu về sự phân tâm do kỹ thuật số tại Đại học California phát hiện rằng: trung bình mất 23 phút 15 giây chúng ta mới có thể quay trở lại công việc ban đầu sau khi bị gián đoạn. Nếu lấy con số này nhân lên trong suốt 8 giờ mỗi ngày bạn sẽ thấy lý do tại sao gián đoạn không phải là một phiền toái nhỏ – chúng là những kẻ hủy hoại năng suất.
Để tránh chu kỳ “làm việc/gián đoạn, làm việc/gián đoạn” khiến cho công việc không hiệu quả, bạn cần thiết lập những ranh giới vững chắc đối với bản thân và những người khác. Bạn cần tạo ra một môi trường có mức độ tập trung tốt nhất để đạt được năng suất lớn hơn trong công việc.
Làm việc chăm chỉ, bền bỉ
Nghĩ lớn là nghĩ rộng, là suy xét đến tất cả các khả năng. Nghĩ nhỏ chính là suy nghĩ hạn hẹp, dường như chỉ thấy những điều cản trở và hạn chế. Với những ước mơ lớn bạn cần phải có tư duy lớn.
Tuy nhiên, những ước mơ lớn lại là điều khiến chúng ta dễ dàng bỏ cuộc, thậm chí là không dám bắt đầu vì ý nghĩa lớn lao của nó. Chúng ta cho rằng cần phải nỗ lực trong một khoảng thời gian dài liên tục và vì không có nhiều thời gian cho nó nên chúng ta đành từ bỏ.
Tất nhiên, thực tế là cần thiết, nhưng để đạt được những thành tựu lớn lao thì phải có ước mơ lớn và phải dám nghĩ lớn. Tuy nhiên, để đạt được những điều to lớn thì nên bắt đầu từ những việc làm nhỏ. Thành công là một quá trình nỗ lực. Nó không phải là việc cố gắng giải quyết mọi thứ trong cùng một lúc, mà là kết quả của việc xử lý những việc nhỏ trên cơ sở có trình tự và nhất quán, nó tương tự phản ứng dây chuyền của hiệu ứng Domino.
Về mặt thực tế, chúng ta cần chia các nhiệm vụ lớn và khó khăn thành những công việc nhỏ để có thể dễ dàng xử lý, sau đó bền bỉ và nhất quán hoàn thành từng nhiệm vụ. Có thể bạn đã nghe câu nói bất hủ của Brian Tracy: Làm thế nào để ăn hết một con voi? Cần ăn từng miếng một.
Thiết lập thứ tự ưu tiên
Thời gian 24 giờ/ngày không bao giờ đủ với người có nhiều việc cần làm và chúng ta còn đảm trách nhiều thứ khác ngoài công việc, vậy nên làm việc chăm chỉ chưa đủ, cần làm việc thông minh. Một người quản lý giỏi cần phải biết thiết lập thứ tự ưu tiên trong một đống công việc hỗn loạn. Do đó, những người làm việc năng suất đều áp dụng phương pháp “phân bổ thời gian” thay vì “quản lý thời gian”.
Họ thực hiện phân tách và lựa chọn rất kỹ càng. Họ không làm việc đa nhiệm mà sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, và sau đó họ dành toàn bộ tâm sức để thực hiện. Nói cách khác, họ chính là những người chỉ làm những công việc thiết yếu” (còn được gọi những người theo chủ nghĩa hiệu dụng).
Đây là lập luận chính trong cuốn sách bán chạy nhất thế giới theo xếp hạng của New York Times, “Chủ nghĩa hiệu dụng – Kiên trì với số ít” do Greg McKeown viết. Cuốn sách giới thiệu kim chỉ nam trong cuộc sống là việc tập trung vào những công việc cần thiết và quan trọng nhất, làm ít hơn nhưng tốt hơn. McKeown mô tả phương pháp luận của mình là “theo đuổi kỷ luật của số ít.” Về cốt lõi, chủ nghĩa hiệu dụng chính là về việc thiết lập các ưu tiên. Theo McKeown: “Chủ nghĩa này thực chất không phải là làm thế nào để hoàn thành nhiều việc hơn; đó là về cách hoàn thành những việc phù hợp.”
Ví dụ: nếu bạn có một ý tưởng kinh doanh, bạn chưa cần lo lắng về biểu tượng, trang Web hoặc tên miền sẽ như thế nào, trước tiên bạn nên xác định những thứ thiết yếu hơn, ví dụ như: sản phẩm hoặc dịch vụ là gì, đối tượng khách hàng, giá thành và các chi phí sẽ như thế nào, từ đó bạn tính toán và đánh giá liệu ý tưởng đó có khả thi về mặt tài chính ngay từ đầu hay không.
Làm việc chăm chỉ là tốt, nhưng nếu không đúng cách thì sẽ không có hiệu quả. Triết gia Henry David Thoreau có câu: “Bận rộn không là không đủ. Kiến cũng bận rộn. Câu hỏi là: Chúng ta bận rộn vì cái gì?”
Như vậy, trước khi nghĩ đến cách loại bỏ sự phân tâm và phát triển một thói quen làm việc hiệu quả, bước quan trọng nhất để hoàn thành những việc lớn là dành thời gian cần thiết để xác định những ưu tiên quan trọng nhất của bạn.
Suy nghĩ lớn, hành động nhỏ
Không phải tất cả những điều lớn lao, táo bạo mà chúng ta làm đều dẫn đến thành công. Chính những hành động nhỏ thực hiện hàng ngày là nền móng của sự khác biệt và tạo nên giá trị cộng dồn của một kết quả to lớn.
Bậc thầy marketing Seth Godin đã viết trên blog của mình: “Sự tiến bộ gia tăng hàng ngày (tiêu cực hoặc tích cực) là những gì thực sự tạo ra sự biến đổi. Cứ dần dần, từng bước một, từng bước một. Thực hiện từng ngày và ngày càng mạnh mẽ, sẵn sàng với một hành trình dài đầy thử thách, luôn tạo dựng kết nối và kiên trì giữ vững mục tiêu – những công việc khó khăn nhưng tinh tế này chính là văn hóa thay đổi.”
Mục tiêu rõ ràng. Các ưu tiên đúng đắn. Hành động nhỏ, nhất quán. Đây chính là công thức đòn bẩy sức mạnh của quá trình làm nên những điều lớn lao.
Ngân Hà biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times