Nghệ thuật vẽ tranh hoa và chim qua các triều đại Trung Quốc
Dòng tranh chim và hoa thời Trung Quốc cổ đại đã làm nổi bật sự phong phú của nền văn hóa và triết học truyền thống Trung Hoa. Từ triều đại nhà Tống đến triều đại nhà Thanh, dòng tranh này là chủ đề yêu thích của các nghệ sĩ Trung Hoa cổ xưa, đồng thời thể hiện giá trị của việc trân trọng và hòa hợp với thiên nhiên.
Tranh vẽ về chim dường như bắt nguồn từ triều đại nhà Thương (1600–1046 TCN) và nhà Chu (1046–256 TCN), khi các hình ảnh trừu tượng của loài chim được khắc trên đồ gốm đồng. Tuy nhiên, vào thời nhà Ngụy (220–265 SCN), các nghệ sĩ bắt đầu chuyên vẽ về hoa và chim để tạo ra một dòng tranh mới.
Khi các nghệ sĩ hoàn thiện kỹ thuật của mình, dòng tranh này đã đạt đến đỉnh cao ở triều đại nhà Tống (960–1279) phát triển hơn nữa tại triều đại nhà Nguyên (1206–1368), và tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong triều đại nhà Minh (1368–1644) và nhà Thanh (1644–1911).
Những tác phẩm nghệ thuật này không chỉ đơn thuần là khắc họa thiên nhiên mà được dùng để truyền tải ý nghĩa ẩn dụ phong phú. Ví dụ, sự nở rộ tươi tốt của hoa mẫu đơn tượng trưng cho sự giàu có và sang trọng. Hoa sen vươn lên không bị vấy bẩn từ bùn lầy tượng trưng cho sự thuần khiết và đức hạnh vẹn toàn. Khả năng chữa bệnh của hoa cúc biểu thị một cuộc sống mạnh mẽ với năng lượng tích cực. Hoa mận không khô héo trong mùa đông khắc nghiệt là hiện thân của sự kiên trì và quyết tâm.
Với các bức tranh vẽ chim: chim công tượng trưng cho sự thần thánh và sức mạnh, chim hạc tượng trưng cho sự trường thọ, đôi thiên nga tượng trưng cho tình yêu.
Triều đại nhà Tống
Kỹ thuật vẽ chim và hoa đã đạt đến độ điêu luyện vào thời nhà Tống, có nhiều họa sĩ chuyên về thể loại này. Triều đình Tống sở hữu nhiều tranh chim và hoa hơn bất kỳ dòng tranh nào.
Để kỹ thuật khắc họa được đa dạng, chân thực và có chiều sâu, các nghệ sĩ đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu về đời sống của các loài chim. Vì vậy, các họa sĩ thời kỳ này đã trau dồi kỹ thuật vẽ tỉ mỉ và tinh xảo.
Hoàng đế Huizong (Zhao Ji là tên riêng của ông) là một người bảo trợ nhiệt tình cho nghệ thuật và có ảnh hưởng lớn trong sự phát triển phong cách học thuật hội họa của triều đình nhà Tống.
Ông là một họa sĩ lừng danh, các tác phẩm của ông nổi tiếng với màu sắc phong phú, sống động với phong cách vẽ chi tiết. Tác phẩm “Bồ câu trên cành đào” của ông thể hiện một chú chim bồ câu đầy màu sắc đang đậu trên cành hoa đào nở rộ. Hoàng đế Huizong chỉ miêu tả một bông hoa đang nở rộ còn lại là những nụ hoa để tập trung sự chú ý vào chú chim bồ câu.
Trong tranh vẽ “Hoa phù dung và chim thiên đường” (Phù dung cẩm kê đồ), Hoàng đế Huizong miêu tả một chú chim thiên đường đậu trên cành phù dung nở rộ. Nó ngoẹo cổ để nhìn hai con bướm đang bay lượn trên luống hoa cúc bên dưới. Ông cũng đã viết lên tranh một bài thơ ca ngợi năm đức tính của loài chim này: tinh tế, oai phong, nhân từ, dũng cảm và đáng tin cậy.
Từng chi tiết tỉ mỉ trong cả hai tác phẩm cho thấy rằng các họa sĩ hàn lâm thời Tống đã đạt đến trình độ kỹ thuật cao.
Triều đại nhà Nguyên
Trong khi triều đại nhà Tống đặt ra thị hiếu nghệ thuật về màu sắc thì triều đại nhà Nguyên chứng kiến sự xuất hiện và thống trị của một trào lưu phóng khoáng hơn. Cuộc chinh phạt đất nước Trung Quốc của người Mông Cổ đã hạn chế cơ hội của các nghệ sĩ, họ không còn được sự bảo trợ của triều đình. Tìm kiếm một hướng đi mới, những họa sĩ này bị ảnh hưởng bởi các học giả tự do và bắt đầu quay lưng lại với chủ nghĩa hiện thực.
Các nghệ sĩ kiêm học giả đã phát triển các kỹ thuật khác nhau, như phong cách vẽ tranh tự do, và tránh phong cách quá bóng bẩy. Họ tìm cách truyền tải tinh thần bên trong của chủ thể và đưa cảm xúc của mình vào trong tác phẩm nghệ thuật.
Trong tác phẩm “Hoa sen tàn và thiên nga” của Zhang Zhong, miêu tả một đôi thiên nga trên bờ ao sen. Con trống oai vệ dường như đang đi về phía mặt nước, trong khi một con mái nép phía sau. Những cành hương bồ uốn cong trong gió bên cánh sen tàn.
Theo phong cách văn nhân, Zhang Zhong sử dụng nét vẽ tự do, đơn giản và kết hợp nét cọ đẹp, tinh tế để khắc họa những tán lá. Việc ông sử dụng loại mực đơn sắc với tông màu sáng tối xuyên suốt tác phẩm cũng là đặc trưng của phong cách hội họa thời kỳ đó.
Triều đại nhà Minh
Các họa sĩ vẽ chim và hoa trong triều đại nhà Minh kế thừa phong cách hàn lâm của nhà Tống, nhưng có sự biến tấu. Kỹ thuật vẽ nét cọ tỉ mỉ rõ ràng có nguồn gốc từ học viện nhà Tống, nhưng các bức tranh thuộc dòng này ở thời nhà Minh có kích thước lớn hơn nên bố cục cũng phức tạp hơn, các bức tranh có màu sắc tươi sáng và chi tiết phong phú.
Tác phẩm “Hàng trăm loài chim ngưỡng mộ chim công” của Yin Hong mô tả hai con công được bao quanh bởi chim hoàng đế, chim sơn ca, chim gõ kiến, chim sẻ, gà lôi và chim ác là, khiến cây anh đào và khóm hoa mẫu đơn trở nên sống động. Hầu hết các loài chim được minh họa theo cặp. Cặp công tượng trưng cho hoàng đế và hoàng hậu, trong khi những con chim khác đại diện cho các cận thần trong triều đình bày tỏ lòng tôn kính đối với gia đình hoàng gia.
Bức tranh “Cò trắng và hoa phù dung ngày thu”, Họa sĩ Lu Ji miêu tả một ngày mùa thu tuyệt đẹp bên bờ ao, với những chiếc lá sen và đám phù dung nở rộ. Đôi cò trắng bay đến nhập đàn với con thứ ba đang đứng bên bờ nước. Hai chú chim bạc má đậu trên một cành dương liễu dài đung đưa trong gió.
Nét vẽ của Lu Ji thể hiện một kĩ thuật tinh xảo, mềm mại rất phù hợp với khung cảnh trữ tình của tác phẩm – đây là một ví dụ điển hình về phong cách vẽ hoa và chim của triều đại nhà Minh.
Triều đại nhà Thanh
Các họa sĩ trong thời nhà Thanh ban đầu cũng đi theo phong cách truyền thống của nhà Minh. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều sự tiếp xúc với phương Tây thông qua thương mại và các nhà truyền giáo Dòng Tên. Hoàng đế Càn Long thậm chí còn thuê một họa sĩ truyền giáo người Ý tên là Giuseppe Castiglione để vẽ tranh cho triều đình. Sự giao lưu văn hóa này đã tạo ra một trường phái hội họa mới.
Chỉ dụ của Hoàng đế Càn Long khi vẽ bức tranh “Chim công khoe bộ lông sặc sỡ” là họa sĩ Castiglione nên thể hiện được sự kết hợp giữa hai nền hội họa Đông phương và Tây phương. Vì vậy, bức tranh cho thấy bộ lông đuôi sặc sỡ thể hiện qua hoa văn rực rỡ. Bối cảnh được đặt trong một khu vườn hoàng gia với hoa mộc lan, hoa mẫu đơn và hoa anh đào giữa những tảng đá màu ngọc bích. Nếu quan sát kỹ sẽ thấy việc sử dụng kỹ thuật biến đổi độ sáng tối của phương Tây trong phần miêu tả những chiếc lá và cổ của chim công, trong khi những tảng đá được khắc họa bằng kỹ thuật bút lông và mực của Trung Quốc.
Thiên nhiên và động vật là nguồn cảm hứng vô tận cho các họa sĩ Trung Quốc và Âu Châu. Tuy nhiên, các dòng tranh cho thấy sự khác biệt đáng kể giữa các nền văn hóa. Đặc biệt, vẽ hoa đã trở thành một phong cách độc đáo được đề cao trong thời đại Baroque thế kỷ 17. Các họa sĩ Hà Lan đã chịu ảnh hưởng của cuộc cách mạng khoa học khi xuất hiện những tiến bộ quan trọng trong lĩnh vực thực vật học. Họ đã nghiên cứu cách minh họa chính xác dựa trên khoa học để vẽ ra các tác phẩm hoa tĩnh vật.
Ngược lại, các họa sĩ Trung Quốc cổ đại luôn miêu tả các loài hoa ở trong môi trường thiên nhiên nơi chúng sinh ra, thể hiện cảm xúc lãng mạn mà kết hợp cả ba lĩnh vực hội họa, thơ ca và thư pháp lại với nhau — được gọi là “Ba điều hoàn hảo”.
Mike Cai tốt nghiệp Học viện Nghệ thuật Phi Thiên New York và Đại học California–Berkeley.
Mike Cai
Hồng Anh biên dịch
Xem thêm: