Truyền thuyết kể rằng văn hóa truyền thống Trung Hoa là một món quà từ Thiên thượng. Theo đó, nhiều biểu tượng và họa tiết được tìm thấy trên các văn vật Trung Quốc thuở sơ kỳ khắc họa các chủ đề về Thiên thượng như Thần Phật, tiên nữ, và các sinh vật thiên giới. Và thấm nhuần trong những thiết kế cổ xưa này là nguyên lý truyền thống hài hòa thiên nhân hợp nhất.
Ngày nay, chính những họa tiết này đã truyền cảm hứng cho các họa tiết của trang phục Shen Yun, thiết kế kiến trúc trong các hình ảnh phông nền, và nhiều mẫu thiết kế khác. Tự các họa tiết này cũng là một phương tiện tinh tế kể câu chuyện về nền văn minh Hoa Hạ 5,000 năm.
Chúng ta hãy xem một số chủ đề sau đây.
1. Họa tiết mây
Mây, đặc biệt là mây cát tường, là một trong những chủ đề phổ biến nhất. Ban đầu, mây cát tường là đề cập đến những đám mây bảy màu trong thần thoại Trung Hoa, báo trước sự xuất hiện của những vị thần bất tử và là phương tiện di chuyển của họ (liên tưởng đến tấm thảm bay). Theo truyền thuyết, những đám mây rực rỡ này cũng bảo vệ hoàng đế Trung Hoa, người được mệnh danh là Thiên Tử.
Theo thời gian, “mây cát tường” (祥雲, tường vân) trở thành đồng nghĩa với dấu hiệu của may mắn. Những đám mây cát tường này được vận dụng nhiều trong thi ca và văn học.
Người xưa tin rằng vượt trên những đám mây cát tường là các cõi thiên giới, các vị Thần và tiên nữ trên thiên giới. Có lẽ đó là lý do vì sao những họa tiết mây lại được yêu thích đến vậy — chúng khơi dậy một cảm giác say mê vốn có với thiên đường và thế giới bí ẩn bên kia.
2. Họa tiết sấm chớp và mây
Họa tiết sấm chớp và mây là một thiết kế hình học lặp lại. Có rất nhiều biến thể, nhưng theo một quy tắc, họa tiết này bao gồm các đường hình khối (tượng trưng cho sấm chớp) và các đường tròn (tượng trưng cho mây).
Trong suốt chiều dài lịch sử Trung Quốc, phần lớn dân số sống ở các làng mạc và làm nông nghiệp để kiếm sống. Mây và sấm chớp báo hiệu trời sắp mưa, mang lại cho nông dân một vụ mùa bội thu. Do đó, họa tiết mây và sấm tượng trưng cho sự thịnh vượng vĩnh cửu.
3. Họa tiết chim phượng hoàng
Phượng hoàng trong thần thoại Trung Hoa là một loài chim thần đến từ Thiên thượng. Loài thiên điểu này được gọi là phượng hoàng (鳳凰) trong tiếng Trung, với phượng là con trống, và hoàng là con mái.
Mặc dù thường được gọi là “chim phượng hoàng” (phoenix) trong tiếng Anh, nhưng thực ra chúng không giống với sinh vật huyền bí trong thần thoại Tây phương tự thiêu và phục sinh từ đống tro tàn của mình.
Các kinh điển Đạo gia như Sơn Hải Kinh và Nam Hoa Kinh của Trang Tử mô tả phượng hoàng rất chi tiết sống động. Phượng hoàng là tổ tiên của tất cả các loài chim trên thế gian. Những chú chim cao quý này chỉ đậu trên cành cây ngô đồng Trung Quốc và uống nước từ những dòng suối ngọt. Tuy nhiên, chim phượng hoàng hiếm khi xuất hiện trong nhân gian — và chỉ hiển lộ trong thời thái bình thịnh thế.
Hình ảnh tương tự như chim phượng hoàng đã được tìm thấy trên nhiều di vật có từ thời nhà Thương (1600-1046 TCN) trở đi. Một hiện vật nổi tiếng là một chú chim phượng hoàng bằng ngọc được dùng làm vật chôn cất cách đây hơn ba nghìn năm.
Kể từ đó, nghệ thuật và đồ thủ công đã khắc họa chim phượng hoàng ngày càng tinh xảo hơn, bao gồm khi bay, đậu, theo đàn, và theo cặp. Khi kết hợp với rồng, chim phượng hoàng đại diện cho hoàng hậu.
4. Họa tiết rồng
Những lần nhìn thấy rồng đã được ghi chép trong biên niên sử Trung Hoa từ thời thượng cổ. Các họa phẩm và điêu khắc Trung Hoa về rồng qua các thời đại phần lớn là nhất quán, miêu tả những con vật uy nghiêm có sừng như sừng của hươu, vảy như vảy cá chép, móng vuốt như của đại bàng, và thân giống thân rắn.
Theo truyền thuyết, rồng được xem là thần thú với quyền năng cao nhất, có khả năng bay lượn trên trời và hô mưa gọi gió. Rồng tượng trưng cho năng lượng dương tích cực, sức mạnh, giàu có, và là biểu tượng của hoàng đế.
Trong tác phẩm nghệ thuật và trang trí, rồng thường được trang hoàng bằng châu ngọc, kết hợp với các họa tiết phượng hoàng, mây trời và nước.
“Long sinh cửu tử, mỗi con đều độc đáo,” là một câu nói xưa của Trung Hoa. Thật vậy, có rất nhiều loại rồng khác nhau. Chẳng hạn, rồng Bàn Ly được phát hiện trên đồ đồng thời Xuân Thu Chiến Quốc (771-221 trước Công Nguyên) là một con rồng cuộn tròn, không sừng, đuôi cong vút. Trong khi, rồng Quỳ chỉ có một chân, một sừng và miệng há rộng.
Trong thời triều Thanh (1644-1911), rồng có năm vuốt trên mỗi móng, “rồng đứng thẳng” oai vệ, chỉ dành riêng cho hoàng đế. Tuy nhiên, rồng ba, bốn móng được quần chúng cả nam lẫn nữ đeo và sử dụng. Hình ảnh “Rồng thăng thiên” mãi mãi bay vút lên trời cao được dùng để trang trí trên Cửu Long Trụ tráng lệ. Trong văn hóa Phật giáo, rồng là một trong Thiên Long Bát Bộ — những vị thần hộ pháp.
Ngoài rồng, còn có nhiều họa tiết Trung Hoa truyền thống khác lấy cảm hứng từ cõi tiên:
Biểu tượng chữ Vạn tượng trưng cho lòng từ bi và thánh đức vĩ đại của Đức Phật.
Kỳ lân giống như hươu thần, báo hiệu may mắn.
Họa tiết “phóng sinh” được mô tả trên chiếc mão độc nhất của Tây Vương Mẫu…
Danh sách họa tiết đa dạng bất tận.
Lần tới nếu có dịp tham dự một buổi biểu diễn Shen Yun, hay mua các món quà lưu niệm từ Shen Yun Shop, hãy xem liệu quý vị có nhận ra những họa tiết được nhắc đến trong bài viết không!