Ngày Nhân quyền Quốc tế ở Nürnberg: Diễn hành phơi bày những vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc
Ngày 10/12/1948, phu nhân của cố Tổng thống Mỹ Roosevelt đã ban hành Nghị quyết 217A, văn kiện này về sau đã trở thành Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền. 74 năm sau, các học viên Pháp Luân Đại Pháp ở thành phố Nürnberg, nước Đức, đã chỉ ra rằng việc vi phạm Tuyên ngôn này vẫn đang diễn ra trên thế giới.
Hôm thứ Bảy (10/12), khoảng 200 học viên của môn tu luyện Phật gia Pháp Luân Đại Pháp đã tập trung tại Hallplatz ở Nürnberg, Đức. Pháp Luân Đại Pháp cũng được biết đến với tên gọi khác là Pháp Luân Công. Vào Ngày Nhân quyền Quốc tế này, bất chấp nhiệt độ gần như đóng băng, họ đã thu hút sự chú ý đến cuộc đàn áp đẫm máu vẫn đang diễn ra ở Trung Quốc.
Đoàn nhạc Thiên Quốc (Tian Guo Marching Band) của khu vực Âu Châu đã có mặt tại nơi đây. Với các thành viên đều là học viên Pháp Luân Đại Pháp, đoàn nhạc đã dẫn đầu đoàn diễn hành, sau đó là đến nhóm mang biểu ngữ và những phụ nữ trong trang phục màu trắng. Một khán đài diễn thuyết đã được dựng lên để thông báo cho mọi người biết về bối cảnh của môn khí công này cũng như tình hình nhân quyền ở Trung Quốc cho đến tối. Sự kiện kết thúc với một buổi thắp nến tưởng niệm.
Chính trị gia: Cuộc bức hại là một dấu hiệu của sự suy yếu
Sự kiện cũng đã nhận được sự ủng hộ từ phía các chính trị gia. Nghị viên Quốc hội Liên bang Đức (Bundestag) đến từ Nürnberg, ông Michael Frieser, đã gửi lời chào đến ban tổ chức. Nói về cuộc đàn áp ở Trung Quốc, ông cho biết: “Thực ra khi một hệ thống chống lại bất kỳ một tín ngưỡng, tôn giáo hay lòng tin không liên hệ đến Đảng Cộng sản, thì đó là một dấu hiệu của sự suy yếu và bất ổn.”
Do đó, Đức và Âu Châu không nên nhắm mắt làm ngơ trước những tội ác đang diễn ra của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Ông Frieser kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại đối với những người tu luyện Pháp Luân Công và các nhóm tín ngưỡng khác.
Các nhân sĩ cao cấp khác như GS. TS. Heiner Bielefeldt đến từ Đại học Erlangen-Nürnberg đã thể hiện sự ủng hộ hoàn toàn đối với những người tham gia. “Sự phản đối của quý vị là vô cùng chính đáng,” ông viết cho ban tổ chức. Tuy nhiên, do có một buổi diễn thuyết khác vào ngày hôm đó nên ông đã không thể trực tiếp tham gia sự kiện.
Chiến dịch tuyên truyền quốc tế
Trưởng Văn phòng Nhân quyền Nürnberg, bà Martina Mittenhuber, cũng gửi lời chào đến sự kiện. Trong đó, bà đề cập đến các quyền cơ bản được áp dụng trong Hiến Pháp Đức và trong hiến pháp của nhiều quốc gia khác. Ngay cả ở nhà nước độc đảng Trung Quốc, theo hiến pháp của họ, công dân vẫn được hưởng quyền tự do tín ngưỡng.
“Tuy nhiên công dân chỉ được hưởng quyền tự do trong hạn chế. Chính quyền bảo vệ những gì họ xem là ‘hoạt động tôn giáo bình thường.’ Mà hạn chế này không phù hợp các tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ quyền tự do tôn giáo,” bà Mittenhuber nói.
Do đó, Bắc Kinh đã cấm Pháp Luân Công hơn 20 năm trước và đã đàn áp môn tu luyện thiền định này kể từ khi đó. “Đảng Cộng sản không giới hạn chiến dịch tuyên truyền chống lại Pháp Luân Công chỉ ở Trung Quốc. Họ còn mở rộng những tuyên truyền của mình sang các quốc gia khác,” bà Mittenhuber giải thích.
Hơn nữa, bà đề cập đến sự nghi ngại mà Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ từ năm 2008 về hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ các học viên Pháp Luân Đại Pháp “đến mức sát hại có tính nhắm thẳng vào những người bị giam giữ cho mục đích này. Hồi tháng 12/2013, Nghị viện Âu Châu cũng đã thông qua một nghị quyết lên án việc thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm Pháp Luân Công.”
Vì những tội ác phản nhân loại kể trên, thay mặt cho văn phòng nhân quyền của mình, bà Mittenhuber kêu gọi chính quyền Trung Quốc “bảo đảm cho nhân quyền của các học viên Pháp Luân Công … được duy trì theo tiêu chuẩn quốc tế.”
Bạo lực đối với các học viên Pháp Luân Công chưa bao giờ thuyên giảm ở Trung Quốc
Trong cuộc tập hợp, ông Hubert Körper, phát ngôn viên của Ủy ban Trung Quốc thuộc Hiệp hội Nhân quyền Quốc tế, đã trình bày tóm lược về tình hình của Pháp Luân Đại Pháp. Cuộc đàn áp Pháp Luân Công không chỉ là cuộc đàn áp của một nhóm người chống lại một nhóm người khác. Thay vì thế, đó là một cuộc tấn công vào các giá trị căn bản của nhân loại.
“Sự chân thành, lòng tốt, và tấm lòng khoan dung là những giá trị cao thượng bị ĐCSTQ chà đạp lên.”
Ngày nay, Pháp Luân Công đã hoàn toàn vắng bóng trên các phương tiện truyền thông ở Trung Quốc và thật không may, cả ở phương Tây cũng vậy, “như thể Pháp Luân Công không tồn tại nữa. Nhưng trên thực tế, mức độ bạo lực trong đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc chưa bao giờ giảm bớt.”
Góc nhìn chi tiết hơn
Ngày nay màu trắng vẫn là màu đại diện cho sự đau thương ở Á Châu và các quốc gia Phật giáo. Trong cuộc diễn hành, những người phụ nữ vận y phục trắng đã thu hút sự chú ý của công chúng vào các học viên Pháp Luân Đại Pháp bị sát hại.
Một trong những phụ nữ trong phục trang màu trắng là cô Jennifer Abraham ở gần Erfurt. Cô nói với The Epoch Times rằng cô muốn nâng cao nhận thức về cuộc bức hại ở Trung Quốc bằng cách tham gia cuộc diễn hành. Cô bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp khoảng hai năm trước, điều đã có những tác động “rất tốt” đối với cô. Nhà kinh tế tài chính này nói: “Việc tu luyện đã giúp cuộc sống cũng như toàn bộ hoàn cảnh của tôi hài hòa hơn rất nhiều.”
Phải mất một thời gian cô mới hiểu hết về cuộc bức hại ở Trung Quốc, và cô đã bị chấn động khi biết rằng các phương tiện truyền thông lớn không để mọi người biết về một vấn đề lớn như vậy. Ngoài ra, đối với cô, đó không phải việc làm đúng đắn khi một môn tu luyện tốt như vậy cùng các nguyên lý Chân, Thiện, Nhẫn lại bị đàn áp. Cô vận trang phục màu trắng khi tham gia cuộc diễn hành là để “khiến người dân Đức chú ý đến vấn đề này, điều mà rõ ràng là chúng ta không được nghe qua các phương tiện truyền thông thông thường.”
Pháp Luân Đại Pháp đã loại bỏ rất nhiều vấn đề của tôi
Anh Arno Siegel, một thanh niên trẻ cũng đồng hành cùng sự kiện trong nhiều giờ. Vài năm trước, anh đã tự tu luyện Pháp Luân Đại Pháp và cũng đã đọc quyển sách chính của môn tu luyện này, sách “Chuyển Pháp Luân”. Vào thời điểm đó, việc tu luyện đã giúp anh thoát khỏi nghiện rượu và ma túy.
“Tôi đã có được một cơ thể rất khỏe mạnh, một tâm trí cũng rất lành mạnh và không còn mâu thuẫn với chính bản thân nữa,” anh Arno nói. Theo anh, các nguyên lý và lời giảng của môn tu luyện này là “rất rộng lớn.”
Anh từng tìm hiểu chi tiết về nhiều đảng phái, chính phủ, và quan điểm khác nhau. Mặc dù anh có ấn tượng rằng nhiều đảng thường đại diện cho lợi ích của chính họ hơn là lợi ích của người dân và đàn áp người dân, nhưng anh đặc biệt cảm thấy “sợ” khi nghiên cứu về chính quyền Trung Quốc. ĐCSTQ có “thái độ quá dửng dưng đối với những gì mà họ đã làm.” Công an ở đó đã đánh đập người dân ngay trên đường phố “vì họ giữ vững niềm tin vào Pháp Luân Đại Pháp hoặc làm điều gì đó ‘sai trái’ trong con mắt của ĐCSTQ.”
‘Khiến cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn’
Trong suốt ngày hôm đó, các cư dân ở thành phố Nürnberg và những vị khách bộ hành đi ngang qua sự kiện đã thông qua cơ hội này ký vào đơn thỉnh nguyện kêu gọi chấm dứt tội ác vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ. Ba người trong số họ là cô Josephine, cô Andrea, và anh Simon.
“Rất nhiều người đã cùng nhau đến đây để khiến cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Đó là lý do tại sao tôi muốn ủng hộ hoạt động này,” cô Andrea nói. Cô cảm thấy kinh hãi về tình hình ở Trung Quốc. “Tôi nghĩ người dân Trung Quốc hiện giờ sinh sống thực sự cũng không dễ dàng. Nếu tất cả chúng ta có thể cùng nhau chung sức, có lẽ chúng ta sẽ tạo ra thay đổi,” cô nói với The Epoch Times.
Vào buổi tối, những người tham gia sự kiện tiếp tục bày tỏ mối lo ngại của họ thông qua buổi thắp nến tưởng niệm. Bất chấp cái lạnh, họ thỉnh nguyện rằng sự bạo ngược và cuộc đàn áp này phải chấm dứt.
Ngày Nhân quyền là một lời nhắc nhở mọi người hãy trân trọng các giá trị của tự do và nhân quyền.
Do Maurice Forgeng thực hiện
Việt Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Tiếng Đức