Ngày Nhân quyền: Hoa Kỳ trừng phạt tổ chức, cá nhân đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, mở rộng lệnh cấm nhập cảng từ Trung Quốc
‘Cam kết của chúng tôi trong việc duy trì và bảo vệ nhân quyền là bất khả xâm phạm’
Hoa Kỳ đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với hai quan chức cấp trung của Trung Quốc và một số tổ chức được coi là chịu trách nhiệm cho việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ bằng “những cuộc áp bức nhân quyền nghiêm trọng ở Tân Cương.” Chính phủ Hoa Kỳ cho rằng nạn diệt chủng đang diễn ra tại Tân Cương, khu vực phía tây của Trung Quốc.
Các quan chức Trung Quốc được các nhà chức trách Hoa Kỳ nêu tên là Hồ Liên Hợp (Hu Lianhe), phó trưởng Văn phòng Nhóm Điều phối Công tác Tân Cương của Ủy ban Trung ương Đảng, cơ quan có vai trò quan trọng trong việc thực thi các chính sách Tân Cương của Bắc Kinh, và ông Cao Kỳ (Gao Qi), phó thống đốc khu vực Y lê (Yili) và từng là lãnh đạo cục an công an địa phương.
Cả hai người này hiện đang chịu các lệnh trừng phạt đồng thời từ Bộ Ngoại giao và Bộ Ngân khố theo Đạo luật Chính sách Nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ năm 2020 được ký thành luật vào tháng Năm năm đó.
Các lệnh trừng phạt được công bố hôm 08/12 này là một phần trong hành động phối hợp với Vương quốc Anh và Canada nhắm vào 37 cá nhân ở 13 quốc gia để đánh dấu Ngày Nhân quyền Quốc tế.
“Cam kết của chúng tôi trong việc duy trì và bảo vệ nhân quyền là bất khả xâm phạm,” Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen cho biết. “Các cuộc đàn áp nhân quyền và các quyền tự do căn bản — bất cứ nơi nào trên thế giới mà những cuộc đàn áp này xảy ra — nhắm thẳng vào lòng nhân đạo chung và lương tâm tập thể của chúng ta.”
Bà nói thêm rằng các lệnh trừng phạt có chủ đích “nhấn mạnh tính nghiêm túc trong cam kết của chúng tôi trong việc thúc đẩy trách nhiệm giải trình đối với các cuộc đàn áp nhân quyền và bảo vệ hệ thống tài chính Hoa Kỳ khỏi những người thực hiện những hành vi nghiêm trọng này.”
Tương tự, Ngoại trưởng Antony Blinken cũng mô tả các hành động này là một nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm giải quyết “các hình thức vi phạm nhân quyền đầy thách thức và nguy hại nhất trên thế giới, kể cả những hình thức liên quan đến bạo lực tình dục trong cuộc xung đột, lao động cưỡng bức, và đàn áp xuyên quốc gia.”
Cùng với các lệnh này, Lực lượng Đặc nhiệm Thực thi Lao động Cưỡng bức của Bộ An ninh Nội địa đã đưa ba công ty Trung Quốc vào danh sách các tổ chức trong khu vực, hạn chế nhập cảng các sản phẩm của họ từ các hoạt động lao động cưỡng bức liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakhstan, và các nhóm bị đàn áp khác ở Tân Cương.
Cơ quan An ninh Nội địa lưu ý rằng công ty quốc doanh COFCO Sugar Holding, một trong những công ty kinh doanh đường lớn nhất ở Trung Quốc, đã tham gia vào chiến dịch xóa đói giảm nghèo do nhà nước chỉ thị và làm việc với các quan chức địa phương của Trung Quốc để tìm nguồn công nhân từ các nhóm bị đàn áp.
Thông cáo báo chí hôm thứ Sáu (08/12) lưu ý rằng COFCO đã đến thăm nhà của các nhóm thiểu số bị nhắm mục tiêu ở các làng Tân Cương để tuyển dụng công nhân cho các nhà máy của mình.
Công ty này vừa tổ chức một hội nghị trong đó một quan chức chịu trách nhiệm củng cố lòng trung thành với Đảng từ Quốc vụ viện của Trung Quốc đã lên trình bày. Quan chức Wu Xinming chúc mừng sự thành công của hội nghị và khen ngợi công ty “luôn tuân thủ chặt chẽ trách nhiệm chính trị của mình” và thực hiện các chủ trương của Đảng.
Tập đoàn Công nghệ Tứ Xuyên Kinh Vĩ Đạt (Sichuan Jingweida), nhà sản xuất các thiết bị từ tính như bộ lọc mạng, máy biến áp điện, và bộ lọc tần số vô tuyến có trụ sở tại tỉnh Tứ Xuyên, cũng nằm trong danh sách những tổ chức đã tiếp cận với những người dân tộc thiểu số bị đàn áp từ huyện A Ngõa Đề (Awati) ở địa phương để tuyển dụng họ làm công nhân.
Công ty Trung Quốc thứ ba có tên là Vật liệu Mới An Huy Tân Á (Anhui Xinya) tỉnh An Huy ở miền đông Trung Quốc, chuyên sản xuất sợi chức năng và vật liệu dệt làm từ cây gai dầu, bông, len, và Tencel.
Giống như hai công ty còn lại, công ty này đã chịu lệnh trừng phạt vì đã sử dụng lao động cưỡng bức từ người Duy Ngô Nhĩ — từ huyện Bì Sơn (Pishan) ở Tân Cương.
Các quan chức biên giới đã xem xét hơn 6,000 lô hàng trị giá hơn 2 tỷ USD theo luật lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ, và kết quả là từ chối khoảng 2,600 lô hàng.
Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas cho biết bộ của ông vẫn cam kết “xóa bỏ việc sử dụng lao động cưỡng bức,” và họ sẽ “tiếp tục truy đuổi các công ty nào không quan tâm đến luật pháp hay bóc lột những người bị lạm dụng ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.”
Nhưng một số nhà phê bình cho rằng những hành động như được công bố hôm thứ Sáu vừa qua là chưa đủ.
“Tuy rằng chúng tôi hoan nghênh tin tức này, nhưng Chính phủ Tổng thống Biden đã trì hoãn việc thực thi các lệnh trừng phạt theo Đạo luật Chính sách Nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ (UHRPA) quá lâu,” một tuyên bố chung từ Dân biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin), chủ tịch của Ủy ban Đặc biệt Hạ viện về Đảng Cộng sản Trung Quốc và Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida).
Họ kêu gọi trừng phạt một quan chức cộng sản Trung Quốc khác, ông Mã Hưng Thụy (Ma Xingrui), bí thư Tân Cương và là thành viên của Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định hàng đầu ở Trung Quốc.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times