Ngân hàng trung ương Trung Quốc bất ngờ giữ nguyên lãi suất, tăng thêm thanh khoản
Hôm thứ Hai (15/01), Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã giữ nguyên mức lãi suất chính sách trung hạn, trước kỳ vọng của thị trường về việc cắt giảm cần thiết để nâng đỡ sự phục hồi kinh tế đang khó khăn sau đại dịch của Trung Quốc.
Theo một cuộc thăm dò của Bloomberg trên 18 nhà kinh tế, các nhà phân tích đã thất vọng khi chứng kiến ngân hàng trung ương quốc gia này giữ lãi suất cho các khoản vay chính sách kỳ hạn một năm — gọi là cơ sở cho vay trung hạn (MLF) — ở mức 2.5%, thay vì mức cắt giảm đầu tiên kể từ tháng Tám có giá trị ít nhất là 0.1% mà họ đã dự đoán.
Theo một ghi chú của Everbright Securities có trụ sở tại Vương quốc Anh mà The Epoch Times thu được: “Tâm lý yếu về dữ liệu kinh tế đã khiến thị trường dự tính các biện pháp hỗ trợ lớn hơn để trung hòa, nhưng chúng tôi tin các nhà hoạch định chính sách đang tiếp tục trì hoãn trong khi đợi các dấu hiệu phục hồi trong dịp Năm mới Trung Quốc.”
Trong số 35 bên tham gia thị trường được Reuters khảo sát trong tuần này, hơn 50% dự đoán rằng PBOC sẽ hạ lãi suất đối với các khoản vay trung hạn trong vòng một năm.
Mặc dù tháng Mười Hai chứng kiến xuất cảng tăng, nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng của Trung Quốc lại kém, và áp lực giảm phát vẫn dai dẳng, do đó cần có các biện pháp kích thích bổ sung, các báo cáo cho biết.
Theo Bloomberg, dữ liệu hôm thứ Sáu (12/01) cũng đã tiết lộ thời kỳ giảm phát dài nhất của Trung Quốc kể từ năm 2009, cùng với tốc độ tăng trưởng tín dụng và cho vay đáng thất vọng.
Hành động cắt giảm lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại lớn Trung Quốc hồi cuối năm ngoái (2023) cũng đã dẫn dắt kỳ vọng.
Các nhà phân tích cho biết PBOC cũng có ít dư địa hành động hơn do đồng nhân dân tệ yếu hơn và biên lãi suất tại các ngân hàng thương mại đang thu hẹp lại.
Capital Economics lưu ý trong một ghi chú phúc đáp gửi tới khách hàng mà The Epoch Times xem được, “Yếu tố chính kìm hãm PBOC có lẽ là những lo ngại kéo dài về đồng nhân dân tệ.”
Ghi chú nói thêm rằng PBOC có lẽ muốn tránh áp lực giảm giá mới đối với đồng nhân dân tệ đang suy yếu.
Theo các nhà phân tích, sự chênh lệch lãi suất lớn giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã làm tăng thêm dòng vốn chảy ra khỏi các tài sản bằng đồng nhân dân tệ, kể từ khi Hệ thống Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ bắt đầu tăng lãi suất căn bản hồi tháng Ba năm ngoái (2023).
Kết quả là đồng nhân dân tệ đã mất giá khoảng 6% so với đồng USD vào năm 2023 và có thể tiếp tục bị giảm giá trong năm tới. Trong bối cảnh có những bất ổn xung quanh việc cắt giảm lãi suất của Hệ thống Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, đồng tiền Trung Quốc đã mất giá hơn 1% so với đồng USD trong năm nay, chạm mức chưa từng thấy trong hơn một tháng.
Việc PBOC cắt giảm lãi suất đã khiến đồng nhân dân tệ trong nước giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong một tháng là 7.18 tệ trên mỗi USD, trong khi nhân dân tệ ở ngoại quốc đã giảm tới mức 7.19 tệ trên mỗi USD, dao động gần mức thấp nhất một tháng vào thứ Sáu.
Theo các nhà phân tích, với các thước đo kinh tế quan trọng vẫn còn yếu, ngân hàng trung ương Trung Quốc đang chịu áp lực về trợ giúp cho đồng nhân dân tệ trong bối cảnh các biện pháp ổn định đồng tiền của Bắc Kinh đang gây thất vọng.
Tương tự, chứng khoán Trung Quốc kết thúc với tín hiệu khác nhau và trầm lắng hôm thứ Hai (15/01) do hành động đáng ngạc nhiên của ngân hàng trung ương trong bối cảnh có những lời kêu gọi nới lỏng chính sách để trợ giúp phục hồi kinh tế.
Trong khi Chỉ số Tổng hợp Thượng Hải đóng cửa ở 2,886.29 điểm, tăng 4.31 điểm, tương đương 0.15%, thì Chỉ số Thành phần Thâm Quyến đóng cửa ở 8,963.93 điểm, giảm 32.33 điểm, tương đương 0.36%. Chỉ số Hang Seng đóng cửa ở mức 16,216.33 điểm, giảm 28.25 điểm, tương đương 0.17%.
Thúc đẩy dịp năm mới
Trong khi đó, để duy trì sự sẵn có về tiền mặt trong nền kinh tế trước Tết Nguyên Đán vào tháng Hai, PBOC cũng bơm tiền vào hệ thống ngân hàng thông qua các hợp đồng repo đảo ngược và MLF.
Repo đảo ngược là một giao dịch trong đó ngân hàng trung ương mua chứng khoán từ các ngân hàng thương mại thông qua đấu thầu với ý định bán lại sau đó.
Ngân hàng trung ương đã thực hiện các hợp đồng repo đảo ngược kỳ hạn 7 ngày với giá 89 tỷ nhân dân tệ (khoảng 12.52 tỷ USD) ở lãi suất 1.8%. Tổng cộng 995 tỷ nhân dân tệ cũng đã được rót vào thị trường thông qua MLF, quỹ này sẽ đáo hạn sau một năm với mức lãi suất 2.5% như có trước đó.
Lưu ý của Everbright Securities cho biết, “Hành động này sẽ bơm ròng 216 tỷ nhân dân tệ vào thị trường khi 779 tỷ nhân dân tệ của MLF kỳ hạn 1 năm sắp đáo hạn hôm nay. Diễn biến này phù hợp với quan điểm của chúng tôi rằng ngân hàng trung ương sẽ đẩy mạnh bơm thanh khoản trong tháng này khi cả nước bắt đầu chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán vào đầu tháng Hai.”
Giảm tốc phía trước
Tuy nhiên, trước áp lực giảm phát và một cuộc sụp đổ nghiêm trọng trong lĩnh vực địa ốc, một cuộc thăm dò của Reuters dự đoán rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm xuống 4.6% vào năm 2024 và thậm chí thấp hơn xuống 4.5% vào năm 2025, tạo thêm áp lực lên Bắc Kinh trong việc thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế.
Dự đoán trung bình của 58 nhà phân tích được Reuters khảo sát chỉ ra rằng GDP sẽ tăng 5.2% vào năm 2023, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng hàng năm của chính quyền. Điều này một phần là do mức tác động cơ sở thấp của năm trước, được đặc trưng bởi các đợt phong tỏa do COVID-19.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times