Trung Quốc đặt ra các quy định vốn chặt chẽ hơn cho các công ty mới trong bối cảnh niềm tin kinh tế sụt giảm
Doanh nghiệp gấp rút giảm vốn ghi danh trước khi Luật Công ty mới có hiệu lực. Luật này bổ sung thêm một loạt các yếu tố đang thúc đẩy tâm lý kinh tế tiêu cực ở Trung Quốc.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đưa ra những thay đổi đối với Luật Công ty của nước này, thắt chặt các quy định về vốn đối với các công ty mới. Luật mới, áp đặt thời hạn 5 năm để thanh toán vốn ghi danh, đã gây ra làn sóng cắt giảm vốn trên cả nước.
Vốn ghi danh là khoản đầu tư ban đầu được các cổ đông cam kết đầu tư vào một công ty. Tại Trung Quốc, số tiền này phải được khai báo với Cục Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường Trung Quốc (SAMR) tại thời điểm thành lập công ty. Số tiền này được ghi trong giấy phép kinh doanh của công ty, các điều khoản của điều lệ công ty, và giấy chứng nhận đầu tư cấp cho các cổ đông.
Luật Công ty mới sẽ có hiệu lực từ ngày 01/07. Luật này được cho là sẽ yêu cầu các cổ đông của công ty trách nhiệm hữu hạn phải thanh toán số vốn đã kê khai trong vòng năm năm kể từ ngày thành lập. Đối với một số ngành trọng điểm, thời hạn có thể ngắn hơn.
Quy định mới này thay đổi quy định trước đó có từ năm 2013, cho phép các cổ đông thanh toán vốn theo thời hạn riêng của họ.
Theo cô Tiểu Hoa (Xiao Hua, bí danh), người làm việc cho một công ty tài chính ở Thâm Quyến, một thành phố thuộc tỉnh Quảng Đông ở phía nam Trung Quốc, chủ doanh nghiệp phải đối mặt với mức phạt từ 50,000 đến 200,000 nhân dân tệ (7,000 đến 28,000 USD) nếu họ không thanh toán vốn ghi danh theo yêu cầu của Luật Công ty mới. Công ty của cô cung cấp các dịch vụ liên quan đến điều chỉnh vốn ghi danh.
Sau thông báo ngày 28/12, các công ty Trung Quốc đã phải nỗ lực giảm vốn ghi danh.
Cô Hoa nói với The Epoch Times hôm 11/01 rằng công ty của cô thường giải quyết từ 12 đến 20 trường hợp điều chỉnh vốn cho các công ty Thâm Quyến mỗi ngày. Tuy nhiên, chỉ trong vòng hai tuần kể từ khi Luật Công ty sửa đổi được công bố, đã có tới 40,000 công ty đang tìm cách giảm vốn ghi danh.
Trang web của Cơ quan Giám sát Thị trường Thâm Quyến cho thấy các thông báo giảm vốn của các công ty trách nhiệm hữu hạn đang xuất hiện hàng ngày. Ví dụ, hôm 12/01, một công ty quản lý tài chính thông báo đã giảm vốn ghi danh xuống 10,000 nhân dân tệ (khoảng 1,400 USD) từ 1 triệu nhân dân tệ (khoảng 140,000 USD); một công ty xây dựng và dịch vụ lao động đề nghị giảm vốn ghi danh xuống 30,000 nhân dân tệ (khoảng 4,200 USD) từ 48 triệu nhân dân tệ (khoảng 6.75 triệu USD); và một nhà thầu xây dựng công trình đã giảm vốn ghi danh xuống 50,000 nhân dân tệ (khoảng 7,000 USD) từ 10 triệu nhân dân tệ (khoảng 1.4 triệu USD).
Một bài đăng gần đây trên X bao gồm ảnh chụp màn hình từ một tờ báo của tỉnh An Huy, liệt kê khoảng 20 thông báo giảm vốn. Trong một trường hợp, một công ty tuyên bố rằng họ sẽ giảm vốn ghi danh tới 99.4%, từ 5 triệu nhân dân tệ (khoảng 700,000 USD) xuống chỉ còn 30,000 nhân dân tệ (4,200 USD).
Cô Hoa cho biết công ty của cô đang thấy các công ty cắt giảm vốn “đáng kể”; thường giảm xuống số vốn ghi danh tối thiểu là 10,000 nhân dân tệ.
Không mấy bất ngờ khi cô Hoa cho biết thủ tục giảm vốn còn rắc rối hơn thủ tục tăng vốn. Quá trình này liên quan đến một số cơ quan chính phủ và một loạt giấy tờ. Các công ty yêu cầu giảm vốn có thời hạn thông báo bắt buộc là 45 ngày. Ngoài ra, các công ty có vốn ghi danh từ 100,000 nhân dân tệ (14,000 USD) trở lên phải trải qua quá trình kiểm tra trước khi được cho phép giảm vốn. Thực tế rằng quy định này được áp dụng với hiệu lực hồi tố cho các công ty được thành lập trước các quy định của luật mới cũng làm tăng thêm tính khẩn bách đối với các công ty có nhu cầu giảm vốn.
Cô Hoa cho biết, giúp doanh nghiệp giảm vốn ghi danh là một công việc kinh doanh có lời. Ở Thâm Quyến, chi phí là khoảng 800 nhân dân tệ (khoảng 110 USD) mỗi trường hợp, trong khi ở Quảng Châu thì cao hơn, ở mức 1,500 nhân dân tệ (khoảng 210 USD), do sự giám sát chặt chẽ hơn của thủ phủ tỉnh.
Thiếu niềm tin vào sự phục hồi kinh tế
Cô Hoa cho biết sự gia tăng các trường hợp giảm vốn phản ánh tình trạng suy thoái kinh tế của Trung Quốc. “Nhiều chủ doanh nghiệp không có nhiều tiền để thanh toán đầy đủ vốn ghi danh nên họ chuyển sang giảm bớt.”
Nhà kinh tế sinh sống tại Hoa Kỳ Lý Hằng Thanh (Li Hengqing) đồng ý rằng người Trung Quốc đang trở nên thận trọng hơn với các khoản đầu tư của họ. “Nền kinh tế Trung Quốc đang suy thoái và các doanh nhân thiếu niềm tin vào tương lai, vì vậy họ muốn cắt giảm vốn hoạt động.”
Ông Lý giải thích, trước khi có luật sửa đổi, việc ghi danh với số vốn đầu tư cao được xem là thực tế vì vốn ghi danh cao sẽ giúp có được các khoản vay. “Ví dụ: nếu quý vị có vốn ghi danh là 10 triệu nhân dân tệ và yêu cầu khoản vay 1 triệu nhân dân tệ, các ngân hàng có thể cấp nhiều tín dụng hơn vì tin rằng quý vị sẽ có thể trả được khoản vay.”
Ông Lý cho biết, trước đây, các công ty Trung Quốc, đặc biệt là các công ty thuộc khu vực tư nhân, là khó vay vốn hơn. Khi nền kinh tế Trung Quốc suy yếu, thì tình hình lại đảo ngược. “Với nền kinh tế suy yếu, đặc biệt là vào năm 2023, các ngân hàng đang tìm cách [cho vay], nhưng người dân không sẵn lòng vay tiền.”
Một ‘năm đầy lo ngại’
Hiện tại, “người Trung Quốc không tự tin về nền kinh tế nói chung; họ không lạc quan về triển vọng kinh tế,” ông Lý nói thêm.
Ba năm áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp zero COVID hà khắc và tác động lan tỏa của các biện pháp đó đã khiến nhiều công ty phá sản và đẩy lùi các nhà đầu tư ngoại quốc. Thêm vào đó là sự suy thoái của ngành địa ốc, vốn đang lan sang các lĩnh vực công nghiệp, tài chính, ngân hàng, và các lĩnh vực khác của nền kinh tế.
Hôm 08/01, Eurasia Group, một công ty tư vấn rủi ro chính trị nổi tiếng có trụ sở tại Hoa Kỳ, đã công bố “Báo cáo về Những rủi ro Hàng đầu” thường niên của mình. Nhóm gọi báo cáo này là “dự báo hàng năm về những rủi ro chính trị có nhiều khả năng xảy ra nhất trong năm.” Với tiêu đề “một năm đầy lo ngại”, báo cáo năm nay dự đoán rằng Trung Quốc — cụ thể là “Trung Quốc không phục hồi” — là rủi ro toàn cầu hàng đầu vào năm 2024.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times