Nếu chẳng một phen sương lạnh giá, hoa mai đâu dễ ngát hương thơm!
Từ tiết Tiểu hàn đến Xuân phân có đến 24 loài hoa báo tin tức, và tiết trời gió lạnh thấu buốt được báo tin sớm nhất bởi Hoa mai.
Sau ngày Đông chí, khí trời bắt đầu chớm ấm lên giữa khoảng trời ảm đạm, hoa mai là loài cây đầu tiên cảm nhận được dương khí, dẫn đầu nhóm các loài hoa nở vào tiết Tiểu hàn, mang theo chút lạnh lẽo cùng sương tuyết mà hé nở. Nhìn thấy hoa mai nở rồi, có người vui mừng đón gió xuân về, có người lo sợ năm cũ qua mau, một năm mới sắp đến, thi nhân nói “kinh thời tối thị mai”, ý là viết ra cái tâm tình lo lắng ấy.
Người xưa và nay đều ngợi ca vẻ đẹp của hoa mai không chỉ ở vẻ bề ngoài mà còn ở biểu tượng tinh thần ngạo nghễ giữa trời đông, báo hiệu xuân về. Người xưa vịnh “tuế hàn tam bằng” (ba người bạn trong gió lạnh), khen ngợi “tứ quý tứ quân tử” (bốn loài tượng trưng cho quân tử trong bốn mùa), trong đó đều có hoa mai với vẻ đẹp và hương thơm nổi bật. Bài thơ “Tuyết mai” của Lư Mai Pha viết:
“Hữu mai vô tuyết bất tinh thần,
Hữu tuyết vô mai tục liễu nhân”
Tạm dịch:
Có mai không tuyết đâu tinh thần,
Có tuyết vắng mai ấy tục nhân.
Bẻ mai gửi tặng một nhành xuân
Từ xưa đến nay, ở Trung Quốc có rất nhiều tác phẩm thi, từ ca ngợi hoa mai. Lục Khải, người thời Tống ở Nam Triều, đã viết bài thơ “Tặng Phạm Diệp thi”, bẻ cành mai tặng bạn, trong lịch sử gọi là nâng chén rượu đầy vịnh mai gửi tình. “Cổ thi ký” kể rằng Lục Khải và Phạm Diệp có mối giao hảo thân thiết, Lục Khải đã gửi một cành hoa mai từ Giang Nam đến cho Phạm Diệp ở Trường An, và tặng một bài thơ kèm nhành hoa, thơ rằng:
“Chiết mai phùng dịch sứ,
Ký dữ Lũng Đầu nhân
Giang Nam vô sở hữu,
Liêu tặng nhất chi xuân”
Tạm dịch nghĩa:
Bẻ mai gửi trạm dịch,
Đến người ở Lũng Đầu
Giang Nam đâu chẳng có,
Bèn tặng một nhành xuân.
Gửi gắm người ở trạm dịch chuyển nhành mai đến bạn ở Lũng Đầu (tức Trường An), một nhành mai xuân tuy “vô giá”, nhưng bông hoa vừa chớm nở ấy lại nở rộ vào mùa xuân ở Giang Nam.
Hoa mai vừa chớm nở mang theo tấm chân tình của người bạn phương xa, đây quả thực là chuyện ngàn vàng khó mua nổi! Nhành xuân Giang Nam đẹp đẽ như thế, đã thể hiện được tâm ý chân thành của người quân tử. Người xưa thường nói: “Quân tử chi giao đạm như thủy” (tình cảm giao hảo của người quân tử nhạt như nước), nếu lấy ví dụ tương tự “quân tử chi giao hương như mai” (tình cảm giao hảo của người quân tử ngạt ngào như hoa mai), biểu đạt mối quan hệ bạn bè tuyệt diệu giữa khoảng trời đất, vừa lâu dài vừa bền bỉ thì thực không gì sánh bằng.
Người xưa dùng hoa mai tặng bằng hữu, cũng lấy hoa mai để thưởng thức, vui chơi, để lại bao nhiêu lời thơ dí dỏm, hóm hỉnh, để người đời nay suy ngẫm. Một trong bốn nhà thơ lớn thời Nam Tống là Dương Vạn Lý từng trong lúc đọc sách mơ màng nhập vào mộng mị, được hoa mai thổi vào làn hương thơm mà sực tỉnh lại. Ông dí dỏm nói rằng “Vô đoan khiếp bị mai hoa não, đặc địa xuy hương phá mộng hồn” (Chẳng ngờ lại bị hoa mai giận, dưới đất thổi hương phá mộng hồn) (“Điếu tuyết chu quyện thụy”). Có lẽ sẽ có rất nhiều người yêu thích cụm từ “mai hoa não” này.
Bạch Cư Dị từng có nhã hứng tìm hoa mai năm trước, viết xuống những lời cảm động vừa vui vừa ngạc nhiên “Niên niên chỉ thị nhân không lão, xứ xứ hà tằng hoa bất khai”. Hoa nở hoa tàn, hoa tàn hoa lại nở năm này sang năm khác tuần tự chẳng dứt, mà cõi nhân sinh lúc nào mới có thể hồi xuân đây? Không có gì ngạc nhiên khi nhiều người ngộ Đạo trên thế gian này lại muốn bước vào con đường tu luyện.
“Mai tu tốn tuyết tam phân bạch, tuyết khước thâu mai nhất đoạn hương”, (Mai nên nhường ba phần trắng cho tuyết, Tuyết phải chịu thua mai một phần về hương thơm). Đây là câu thơ nổi tiếng trong bài “Tuyết mai” của nhà thơ Lư Mai Pha, khiến nhiều người không quên trò đùa dí dỏm giữa tuyết và mai, làm tăng thêm ý vị thưởng thức hoa mai, nhà thơ cũng vì thế mà trở nên nổi tiếng.
Bản sắc của thi nhân ái quốc Lục Du
Người xưa có vô số bài thơ ngâm vịnh hoa mai, miêu tả hương thơm của hoa mai thanh khiết tựa như người quân tử, người yêu hoa tự nhiên cũng có cốt cách phong nhã như người quân tử vậy.
Có một câu trong bài thơ “Bốc toán tử – Vịnh mai” của Lục Du [1] viết:
“Vô ý khổ tranh xuân,
Nhất nhiệm quần phương đố,
Linh lạc thành nê niễn tác trần,
Chỉ hữu hương như cố”
Tạm dịch nghĩa:
Không có ý khổ sở tranh mùa xuân,
Một lòng gánh vác chịu tranh phần,
Rơi rụng thành bùn, nghiền thành bụi,
Chỉ có hương thơm vẫn như xưa.
Câu thơ viết rõ vẻ tự tại không tranh giành của hoa mai vào dịp đầu xuân, cũng khen ngợi bản chất sinh mệnh có hương thanh khiết của hoa mai, mặc cho có hóa thành bùn xuân, nghiền nát thành bụi, thì trong vi lạp sinh mệnh vi quan tại tầng không gian khác, vẫn là “ta” của xưa cũ. Kỳ thực, nhìn lại cuộc đời của thi nhân ái quốc Lục Du, bài thơ này chính là phản ánh chân thực cuộc đời ông.
Lục Du một đời tài khí siêu dật, năm 12 tuổi đã có thể làm thơ viết văn, cả đời “sáu mươi năm làm ngàn bài thơ” đứng đầu giới văn đàn thời lưỡng Tống, là một trong “tứ đại thi nhân thời Nam Tống”. “Tống thư” chép Lục Du “học rộng và trông mong có được sự hưng thịnh”, sinh ra vào lúc đất nước đang ở thời cuộc suy tàn, nhưng chí hướng muốn khôi phục giang sơn nhà Bắc Tống và khí tiết của bậc tôi trung thành sắt son vẫn biểu lộ thường trực trong thơ của ông. Ông qua đời năm 85 tuổi, trong lòng vẫn tâm tâm niệm niệm không quên, đó là không thể trông thấy núi sông Đại Tống được thu phục về một mối, “đãn bi bất kiến cửu châu đồng” (nhưng buồn vì không thấy chín châu quy về một), người đời yêu mến gọi ông là “thi nhân ái quốc.”
Lục Du vô cùng yêu thích hoa mai, và dùng nó để biểu đạt tâm chí của bản thân, thơ ông viết về hoa mai có đến hơn 600 bài. Thời trẻ, Lục Du được tiến cử, đứng thứ nhất trên bảng danh sách, cháu trai của Tần Cối là Tần Huân chỉ xếp sau ông, lúc ứng thí vào bộ Lễ ông cũng lọt tốp đầu, vì vậy lúc nào cũng bị Tần Cối ghen ghét, bài trừ khắp nơi, không cách nào nhận được một chức vị trong quan trường, mãi đến sau khi Tần Cối chết ông mới được nhậm chức. Trên triều lúc ấy, ông cực lực ủng hộ kế sách Bắc phạt của phe chống Kim, dám lên tiếng can gián, nhưng gặp phải sự phản đối và tấn công của phe chủ hòa. Câu thơ của Lục Du, “Vô ý khổ tranh xuân, nhất nhiệm quần phương đố” thể hiện nhiệt huyết cứu nước cho đến chết vẫn không hề suy suyển của ông, và không ai có thể lay chuyển được, ngay cả khi gặp phải sự tấn công tàn khốc, “rơi rụng thành bùn, nghiền nát thành bụi, thì chỉ có hương thơm vẫn như xưa cũ”. Bản sắc anh hùng, tiết khí của bậc trung thần, hương thơm thanh khiết chẳng hề đổi thay.
Như đóa hoa mai trắng rời chốn bụi trần, tu luyện nơi tịnh thổ
Vương Miện, một danh họa với thuật vẽ hoa nổi tiếng thời nhà Nguyên, thuở nhỏ đã vang danh vẽ hoa mai. Con người này tựa như đóa bạch mai xuất trần, một đời không ra làm quan, nhân phẩm lỗi lạc. Bài thơ “Bạch mai” (Hoa mai trắng) của Vương Miện giống như bài thơ tự họa chân dung của ông:
Băng tuyết lâm trung trước thử thân,
Bất đồng đào lý hỗn phương trần.
Hốt nhiên nhất dạ thanh hương phát,
Tán tác càn khôn vạn lý hương.
Tạm dịch nghĩa:
Băng tuyết trong rừng phủ lên thân,
Không cùng đào lý lẫn hương trần.
Bỗng nhiên một đêm nở hương ngát,
Bay khắp trời đất vạn dặm thơm.
Vương Miện xuất thân trong cảnh thanh bần, bản tính vô cùng trong sáng, phảng phất như cây mai lạnh lẽo sinh ra trong rừng băng tuyết, không giống với cây đào, cây mận nhiễm bụi trần.
Theo “Chiết Giang thông chí 192 nhân vật thập” ghi chép, Vương Miện là con nhà nông dân, rất hiếu học nhưng nhà quá nghèo, không thể đến lớp nên đến sống trong chùa. Đêm đến, ông lặng lẽ lẻn vào Phật điện, ngồi quỳ bên tượng Phật, mượn ánh đèn trường minh (đèn cháy mãi không tắt) mà đọc sách cho đến rạng sáng. Hàn Tính, một bậc đại Nho thời nhà Nguyên (người Thiệu Hưng, nhà lý luận học của Chiết Giang), nhận Vương Miện làm học trò nhập môn, sau khi Hàn Tính qua đời, các đệ tử khác đối đãi với Vương Miện như thầy.
Ông phụng dưỡng mẹ già, sống chung trong thành, sau khi mẹ ông sống được một thời gian liền muốn quay về quê. Vương Miện mua con bò trắng kéo xe đưa mẹ về, ông tự mình mặc áo quần thời xưa theo hầu sau xe. Trên đường, Vương Miện gặp đứa trẻ chặn đường cười giễu cợt, Vương Miện cũng cười với đứa trẻ, trong lòng không chút vướng bận gì. Có thể thấy được cảnh giới tâm tính của ông, thành thực vô tư chính là biểu hiện của tu luyện trong chốn nhân gian, không khó để hiểu cây bạch mai trong ca phú cũng như ông vậy, “Bỗng nhiên một đêm nở hương ngát, bay khắp trời đất vạn dặm thơm.”
Học vấn của Vương Miện vang xa truyền đến hậu thế, gặp được không biết bao nhiêu cơ hội tiến cử, ông đều nhanh chóng ẩn thân thoái thác. Ông dắt theo vợ con đến núi Cửu Lý sống ẩn dật, ở nơi đó ngoài việc trồng rau, đậu, lúa tự cung tự cấp, thì thứ ông trồng nhiều nhất chính là hoa mai, có cả ngàn gốc cây, vườn nhà ông chính là rừng mai. Vương Miện rất mến mộ cổ phong, cuộc sống phỏng theo lễ giáo xưa. Minh Thái Tổ muốn trao cho ông chức vụ Tham quân, nhưng Vương Miện đã qua đời đợt ngột. Một đóa hoa mai bay khắp nhân gian nhưng nhan sắc vẫn giữ nguyên vẹn, hương thơm thanh khiết của bạch mai lưu giữa trời đất, đây phải chăng chính là tâm nguyện của người tu hành Vương Miện viết ra chiếu rọi cõi nhân sinh!
Nếu chẳng một phen sương lạnh giá, hoa mai đâu dễ ngát hương thơm
Ngoảnh đầu nhìn lại câu nói nổi tiếng của Đoạn Tế thiền sư thời Đường, “Bất kinh nhất phiên hàn triệt cốt, yên đắc mai hoa quải tị hương” [2]. Từ xưa đến nay, lời thơ này rất phổ biến, đã làm rung động tâm can của biết bao trí thức tiếng tăm của Hoa Hạ, khích lệ vô số người vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Hoa mai truyền cảm hứng cho trai gái Trung Hoa, có được cốt cách khí tiết xuất sắc, cùng đồng hành cùng lớp trẻ Trung Hoa vượt qua niềm vui, nỗi buồn của cuộc sống. Cõi nhân sinh tầm thường, mọi lúc mọi nơi đều cách biệt với hoa mai.
Chú thích:
[1]: Lục Du (tên chữ là Vụ Quan, tự hiệu Phóng Ông), sinh vào năm Tuyên Hòa thứ 7, thời Tống Huy Tông triều đại Bắc Tống (1125-1210), người huyện Sơn Dương, Việt Châu. Cha của ông, Lục Tể, là một vị quan và là một học giả có khí tiết dân tộc, sau khi triều đình dời về phía Nam, ông từ chức và trở về quê nhà, đóng cửa sáng tác. Lục Du từ khi còn nhỏ đã tiếp nhận sự ảnh hưởng sâu sắc từ cha mình, ông nuôi hoài bão chống nhà Kim, khôi phục đất nước. Tuy nhiên khi Hiếu Tống lên ngôi, Sử Hạo và Hoàng Tử Thuấn tiến cử Lục Du là thi nhân tài năng, thông hiểu điển cố. Hiếu Tông triệu kiến và nói: “Đã nghe tài học của Du, lời nói rất sát thực”, rồi ban cho học vị Tiến sĩ xuất thân, làm quan đến chức Đãi chế Bảo Chương các. Ông vì hết lòng ủng hộ kế sách Bắc phạt của phái chống Kim mà gặp phải sự bài xích, tấn công của những người thuộc phái chủ hòa, từ đó ông từ chức, xin cáo lão hồi về quê nhà.
[2]:“Uyển lăng lục” của Hoàng Bích Sơn, tức thiền sư Đoạn Tế thời Đường:
Trần lao quýnh thoát sự phi thường,
Khẩn bả thằng đầu cố nhất trường;
Bất kinh nhất phiên hàn triệt cốt,
Yên đắc mai hoa quải tị hương.
Tạm dịch: