Nam Hàn cáo buộc Hoa Kỳ phân biệt đối xử về tín thuế xe điện, cân nhắc hành động pháp lý
Đạo luật Giảm Lạm Phát (IRA) đã trở thành luật của đất nước trong vòng chưa đầy hai tuần, nhưng nó đã gây hại cho mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và các đồng minh.
Hôm 10/08, Bộ Thương mại, Công nghiệp, và Năng lượng Nam Hàn (MOTIE) đã gửi một lá thư tới Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, nêu rõ rằng một số phần trong IRA có thể vi phạm Hiệp định Thương mại Liên bang Hoa Kỳ và Nam Hàn và các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Tuy nhiên, chính phủ Tổng thống Biden đã chọn cách phớt lờ những lo ngại của Nam Hàn và ký IRA thành luật hôm 16/08, chấm dứt các khoản tín thuế cho xe điện (EV) không lắp ráp cuối cùng ở Bắc Mỹ — một trong những điều khoản mà Nam Hàn liệt vào danh sách vi phạm.
Đáp lại, một quan chức Bộ Ngoại giao Nam Hàn (MOFA) tuyên bố, “[IRA] về căn bản đặt ra rằng xe hơi sản xuất tại Hoa Kỳ sẽ được phân biệt đối xử với xe hơi sản xuất ở ngoại quốc bằng trợ cấp chính phủ.”
Quan chức này cho biết thêm rằng IRA vi phạm “các quy tắc thương mại quốc tế” và Nam Hàn dự định sử dụng “nhiều kênh khác nhau để giải thích với chính phủ Hoa Kỳ và Quốc hội Hoa Kỳ tại sao điều khoản liên quan lại mang tính phân biệt đối xử.”
Nếu những biện pháp đó không hiệu quả, Nam Hàn đang tìm hiểu hai hành động pháp lý riêng biệt, có thể là trong khi hợp tác với Nhật Bản và Đức.
Nam Hàn thực hiện các bước
Do lắp ráp bên ngoài Bắc Mỹ, 70% xe điện mất khả năng đủ điều kiện nhận khoản tín thuế liên bang lên tới 7,500 USD sau khi Tổng thống Joe Biden ký IRA thành luật.
Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến các xe EV của Hyundai và Kia (Nam Hàn), Toyota (Nhật Bản), và Porsche (Đức).
Theo một quan chức MOFA, hậu quả là “giá tương đối cho xe điện sản xuất tại Nam Hàn đột ngột tăng 10 triệu won [tương đương 7,429 USD].”
Quan chức MOFA chỉ trích thêm rằng Quốc hội đã thông qua IRA nhanh chóng như thế nào, nói rằng Nam Hàn không có thời gian để “thực hiện bất kỳ biện pháp nào” mặc dù luật có thể “đang vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế.”
Trong một nỗ lực nhằm giải quyết các vi phạm thương mại có thể xảy ra, ông An Sung-il, người đứng đầu văn phòng chiến lược về trật tự thương mại mới của Bộ Thương mại, đã hạ cánh xuống Hoa Thịnh Đốn hôm 29/08. Ông là thành viên của phái đoàn Nam Hàn đang họp với Quốc hội Hoa Kỳ để theo đuổi “việc khai triển linh hoạt [IRA]. ”
Phái đoàn cũng có kế hoạch gặp gỡ các nhà sản xuất xe hơi và công ty pin của Nam Hàn để tổ chức hợp tác công tư nhằm xem xét các luật thương mại — điều mà Hiệp hội Các Nhà sản xuất Xe hơi Nam Hàn (KAMA) kêu gọi.
Thật vậy, sau khi IRA thông qua, KAMA đã đưa ra một tuyên bố nói rằng các nhà sản xuất xe hơi Nam Hàn đã đầu tư hơn 13 tỷ USD vào Hoa Kỳ và trợ cấp cho nhập cảng xe điện theo Hiệp định Thương mại Tự do Hoa Kỳ-Nam Hàn. Họ thúc giục chính phủ Nam Hàn tìm cách khắc phục.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán giữa Nghị viện và các doanh nghiệp không phải là cách duy nhất mà Nam Hàn dự định chống lại IRA.
Tại một phiên họp Nghị viện hôm 25/08, Bộ trưởng Công nghiệp Lee Chang-yang cho biết khả năng cao là IRA vi phạm thỏa thuận thương mại tự do (FTA) song phương giữa Hoa Kỳ và Nam Hàn. Ông nói thêm rằng luật này cũng có thể vi phạm “Nguyên tắc Đối xử Tối huệ quốc” của Tổ chức Thương mại Thế giới.
Ông Lee không nói rõ IRA đã vi phạm nguyên tắc đối xử tối huệ quốc như thế nào, nhưng nói: “Chúng tôi phải chọn khiếu nại lên WTO hay giải quyết vấn đề theo thủ tục FTA. Chúng tôi sẽ xem xét kỹ lưỡng hai phương án.”
Ông Lee nói thêm rằng IRA gây thiệt hại về kinh tế cho Đức và Nhật Bản, và Nam Hàn đang theo đuổi hợp tác với các nước này.
Các mối quan hệ thương mại bị tổn hại
Theo thông tin gần đây nhất từ Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, vào năm 2020, Nam Hàn là nhà cung cấp hàng hóa nhập cảng nổi bật thứ bảy của Hoa Kỳ. Hơn nữa, danh mục nhập cảng hàng đầu là xe hơi với tổng trị giá 21 tỷ USD vào năm 2020.
Tương tự, vào năm 2020, Nhật Bản là nhà cung cấp hàng hóa nhập cảng lớn thứ tư của Hoa Kỳ, với phương tiện đi lại đứng đầu với 40 tỷ USD.
Theo Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, Đức là một trong năm nhà nhập cảng hàng đầu của Liên minh Âu Châu. Và Trung tâm Nghiên cứu Tập thể (Center for Collective Learning) báo cáo rằng vào năm 2020, Đức là nước xuất cảng xe hơi hàng đầu trên thế giới, xuất cảng 15.1 tỷ USD sang Hoa Kỳ.
Không phải tất cả các loại xe nhập cảng trên đều là xe điện. Tuy nhiên, xe điện vẫn là một phần sinh lợi của phương trình — theo Statista, trong quý 3 năm 2021, Hoa Kỳ đã chi 614 triệu USD cho xe điện từ Nam Hàn — điều này giải thích cho khó khăn mà Nam Hàn gặp phải về các điều khoản tín thuế của IRA.
Cụ thể, yêu cầu lắp ráp xe điện ở Bắc Mỹ không phải là vấn đề cấp bách duy nhất đối với xe điện của Nam Hàn.
Bắt đầu từ tháng 01/2023, để đủ điều kiện nhận tín thuế EV, một tỷ lệ phần trăm nhất định của các thành phần pin phải đến từ Bắc Mỹ hoặc quốc gia có hiệp định thương mại tự do với Hoa Kỳ.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times