Mừng Lễ Tạ Ơn xưa và nay
Hoài niệm về những ngày lễ đã qua có thể giúp chúng ta trân trọng hiện tại hơn.
Vào ngày 03/10/1789, tân tổng thống của Mỹ quốc George Washington đã chỉ định ngày thứ Năm cuối cùng của tháng Mười Một năm đó là ngày “Lễ Tạ Ơn của toàn công chúng” đối với nền cộng hòa mới và Hiến Pháp. Tuy nhiên, ý tưởng này đã bất thành.
Bà Sarah Hale, tác giả bài hát “Mary Had a Little Lamb” (Mary có một chú cừu nhỏ), đã nỗ lực trong nhiều năm để khiến Lễ Tạ Ơn trở thành một sự kiện quốc gia. Cuối cùng, vào năm 1863, giữa cuộc Nội chiến, Tổng thống Abraham Lincoln đã làm sống lại ngày Lễ Tạ Ơn của Tổng thống Washington. Lần này, ý tưởng đó đã thành công.
Năm 1901, Tổng thống Theodore Roosevelt đã ấn định ngày thứ Năm của tuần thứ tư trong tháng Mười Một thành ngày lễ chính thức của quốc gia để “tạ ơn Chúa đã ban mọi điều phước lành cho đất nước chúng ta.” Năm 1939, để kéo dài mùa mua sắm trong dịp nghỉ lễ nhằm giúp đẩy lùi Cuộc Suy thoái đang diễn ra, Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã dời Lễ Tạ Ơn sớm hơn một tuần. Sự thay đổi ngày này đã vấp phải sự phản đối, và vào năm 1941, ông đã ký một dự luật chính thức tuyên bố ngày thứ Năm trong tuần thứ tư của tháng Mười Một là Ngày Lễ Tạ Ơn.
Lễ Tạ Ơn ngày nay vẫn tập trung vào lòng biết ơn, gia đình, và thực phẩm, tuy nhiên đã có những khoảnh khắc trong lịch sử của chúng ta khi hoàn cảnh và phong tục định hình ngày lễ này theo những cách khác thường. Dưới đây là một số cột mốc trong quá khứ có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn và làm sinh động các lễ kỷ niệm của chúng ta trong năm nay.
Những tháng ngày tươi sáng
Vào đầu thế kỷ 20, niềm kiêu hãnh và sự tự tin của người Mỹ đã lên đến đỉnh điểm, và những bữa tối xa hoa trong Lễ Tạ Ơn của những người giàu có phản ánh sự trù phú của đất nước. Thực đơn “Bữa tối Lễ Tạ Ơn” năm 1900 của Khách sạn Park Avenue ở New York mang đến cho thực khách sự lựa chọn các món ăn như hàu, nấm tươi phủ kem trên bánh mì nướng, cá hồi Kennebec luộc, thịt cừu với đậu tây, chim cút trong thố, rùa mai kim cương, gà tây Rhode Island, sườn bò hảo hạng, và nhiều món khác, trong đó có nhiều loại rau, khoai tây, các món tráng miệng, kẹo, phô mai, các loại hạt, rượu rum và cà phê.
Trong khi đó, cùng năm, tạp chí Good Housekeeping đã tặng độc giả một thực đơn phù hợp hơn với khả năng chi trả của một gia đình trung lưu Mỹ thời bấy giờ, với những món ăn quen thuộc hơn với chúng ta ngày nay: xốt nam việt quất, gà tây, khoai tây nghiền, và bánh bí đỏ. Rõ ràng là vào thời điểm đó, những món ăn này đã trở thành một phần của Lễ Tạ Ơn như ngày nay.
Tổng thống Theodore Roosevelt đã ở Tòa Bạch Ốc, và hai câu chuyện Lễ Tạ Ơn trong nhiệm kỳ tổng thống của ông cho chúng ta biết một chút về con người và thời đại của ông. Năm 1902, các thợ mộc và họa sĩ đang nỗ lực hoàn thành công việc ở Cánh Tây của Tòa Bạch Ốc. Khi Tổng thống biết rằng những người này đang phải làm việc xa nhà vào Ngày Lễ Tạ Ơn, ông đã đề nghị họ nghỉ ngơi và thưởng thức một số món ăn được chuẩn bị trong nhà bếp của Tòa Bạch Ốc.
Hai năm sau, tờ Boston Herald, không phải tờ báo ủng hộ Tổng thống Roosevelt, đưa tin rằng khi nhận được con gà tây trong Lễ Tạ Ơn từ nông dân Horace Vose ở Rhode Island, Tổng thống đã thả con gà tây ra khỏi lồng và sau đó vui vẻ reo hò khi những đứa con nhỏ của ông đuổi theo chú gà chạy khắp nơi quanh bãi cỏ của Tòa Bạch Ốc, la hét, giật lông, và khiến sinh vật tội nghiệp suýt chết. Một số người Mỹ bày tỏ sự ngạc nhiên và thất vọng khi Tổng thống Roosevelt, một người yêu động vật hoang dã, lại cho phép hành vi này diễn ra.
Hóa ra, câu chuyện trên hoàn toàn là bịa đặt. Khi được đưa đến Tòa Bạch Ốc, chú gà tây đã được tẩm ướp và sẵn sàng cho vào lò, và thư ký của Tổng thống Roosevelt đã giận dữ lên án cuộc tấn công từ tờ báo này. Trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ tổng thống, ông đã từ chối làm việc với tờ Boston Herald.
Không có gì mới ở đây cả. Một số người làm việc trong lĩnh vực đưa tin tức và mạng xã hội của chúng ta vẫn phạm phải cách đưa tin tương tự câu chuyện về “gà” này.
Thời điểm khó khăn
Trong cuốn “Bữa tối Lễ Tạ Ơn trông như thế nào trong thời kỳ Đại Suy thoái”, bà Kirstie Bingham viết rằng vào năm 1933, giá gà tây là 0.23 USD một pound (0.45 kg). Ngày nay, người tiêu dùng phải tốn khoảng 1.27 USD cho 1 pound. Từ thế kỷ trước, gà tây có vẻ rẻ cho đến khi bà Bingham nhắc nhở chúng ta rằng mức lương theo giờ vào thời điểm đó, thậm chí đối với những người có thể tìm được việc làm, là khoảng 0.53 USD và một bữa tối Lễ Tạ Ơn cho sáu người sẽ có giá khoảng 5.5 USD, có thể tương đương với 10 giờ làm việc hoặc hơn.
Vì vậy, những người đó, như một số người trong chúng ta có thể làm trong năm nay, đã thay thế những thực phẩm rẻ tiền hơn cho Lễ Tạ Ơn. Gà già được nấu kỹ để thịt chín mềm. Hàu hầm được đổi bằng các món phụ như khoai lang. Các loại rau đóng hộp giá rẻ như đậu Hà Lan và đậu xanh đã được thêm vào danh sách các món ăn Lễ Tạ Ơn. Một loại bánh kem Indiana, thường được gọi là “bánh kem Hoosier” gồm chủ yếu là sữa, đường và bơ, đã được dùng để thay thế cho những chiếc bánh bí đỏ đắt tiền hơn.
Đối với những gia đình này, thực đơn đã thay đổi, nhưng tinh thần Lễ Tạ Ơn vẫn sống mãi.
Thời chiến
Đệ nhị Thế chiến mang đến những thách thức mới cho các đầu bếp và người tổ chức lễ hội. Mặc dù các nhà máy và trang trại đã sớm bùng nổ nhưng tình trạng thiếu hụt đã hạn chế khả năng tiếp cận một số loại thực phẩm nhất định, và việc cắt giảm khí đốt đồng nghĩa với việc đến thăm người thân có thể là không khả thi. Với rất nhiều người đàn ông đang phải đóng quân trong các trại quân sự ở ngoại quốc, nhiều gia đình cũng đã phải chứng kiến những chiếc ghế trống quanh bàn ăn.
Tuy nhiên, người Mỹ lại một lần nữa cố gắng làm cho ngày lễ này trở nên tươi sáng hơn. Rau trồng trong “khu vườn chiến thắng” được đóng hộp và đưa vào bếp. Nếu có căn cứ gần đó, quân nhân thường được mời vào các gia đình dự bữa tiệc lớn của kỳ nghỉ lễ. United Service Organizations (USO) và các tổ chức tình nguyện khác đã nỗ lực làm việc để khiến Lễ Tạ Ơn trở nên đặc biệt đối với những người lính ở các tiểu bang. Chẳng hạn, ở Olympia, Washington, câu lạc bộ YMCA của trường trung học, cùng với nhiều nhà thờ, đã đồng loạt tổ chức các buổi Lễ Tạ Ơn để quyên tiền cho các tù nhân chiến tranh, trong khi câu lạc bộ USO tổ chức tiệc ăn tự chọn trong Ngày Lễ Tạ Ơn cùng với các trò chơi và khiêu vũ.
Lễ Tạ Ơn trong những năm tháng chiến tranh cũng được tưởng nhớ trong bức tranh “Freedom From Want” của họa sĩ Norman Rockwell, mà ngày nay nhiều người trong chúng ta gọi đơn giản là bức tranh Lễ Tạ Ơn. Ở đây, họa sĩ Rockwell mô tả một gia đình vui vẻ quây quần quanh bàn khi món gà tây được đưa ra. Bức tranh vô cùng nổi tiếng với hàng triệu bản sao đã nhắc nhở cả người dân lẫn các quân nhân về lý do họ chiến đấu.
Đến tháng 11/1944, rõ ràng Hoa Kỳ và các đồng minh đã giành chiến thắng trong cuộc chiến này. Nhận thức được cái giá phải trả và những hy sinh mà rất nhiều người Mỹ đang phải gánh chịu, một tờ báo đã viết bài xã luận vào Lễ Tạ Ơn như sau: “Trên hết, chúng ta biết ơn không chỉ vì sự thành công của chính nghĩa mà còn vì lòng quả cảm và sự hy sinh của những người con dũng cảm của chúng ta, những người anh em, và những người chồng đã giúp chúng ta giành chiến thắng.
“Và rồi chúng ta phải luôn biết ơn ngày mai khi cuộc sống sẽ trở lại bình thường và thời gian sẽ chữa lành vết thương của nhân loại một cách nhân từ.”
Trong bài xã luận đó có từ ngữ liên quan đến Lễ Tạ Ơn cũng như gà tây và các trận bóng bầu dục ở sân sau: biết ơn.
Cảm ơn vì những phước lành
Tổng thống Washington đề nghị Mỹ quốc tạ ơn sau 14 năm biến động và chiến tranh. Tổng thống Lincoln đã đưa ra lời tuyên bố ngay giữa cuộc chiến tranh đẫm máu nhất mà đất nước chúng ta từng tham gia. Thế hệ trước gần đây của chúng ta đã tổ chức Lễ Tạ Ơn qua một thập niên khó khăn, và sau đó là bốn năm nữa của cuộc chiến tranh thế giới tàn khốc khiến hàng trăm ngàn gia đình đau buồn trước sự mất mát những người thân.
Giờ đây, chúng ta là những người đang sống trong một khoảnh khắc lịch sử khi gian nan thử thách lại hiện diện trên đất nước chúng ta, để khi tụ họp vào Lễ Tạ Ơn năm nay, chúng ta có thể gặp khó khăn trong việc khơi dậy lòng biết ơn và cảm kích. Chúng ta có thể biết ơn bạn bè và gia đình mình, nhưng khi chúng ta nhìn quanh bàn ăn, nhìn con cháu mình và tự hỏi những thế hệ này sẽ kế thừa một thế giới như thế nào.
Vì vậy, có lẽ đây là một năm tốt để tạm dừng, nhìn lại và cảm ơn những thế hệ đi trước. Có lẽ nếu chúng ta nhớ đến lòng biết ơn mà họ đã cảm nhận và bày tỏ, cũng như sự kiên trì của họ khi đối mặt với những thử thách của chính mình, thì chúng ta có thể nhớ rõ hơn về những phước lành trong cuộc sống của chúng ta, và nhờ đó tiếp thêm sức mạnh và lòng can đảm.
Nhạc sĩ kiêm ca sĩ Willie Nelson từng nói : “Khi tôi bắt đầu đếm những phước lành của mình, cả cuộc đời tôi rẽ sang một hướng khác.”
Đó là một bước đi đúng đắn.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times