Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen: Chính phủ TT Biden muốn duy trì một số chính sách cắt giảm thuế thời cựu TT Trump
Tòa Bạch Ốc quy kết rằng chính sách cắt giảm thuế thời ông Trump là nguyên nhân khiến nợ quốc gia ngày càng phình to.
Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen nói với các phóng viên rằng chính phủ Tổng thống (TT) Biden đang tìm cách duy trì một phần những chính sách cắt giảm thuế thời cựu Tổng thống Donald Trump cho những người có thu nhập dưới 400,000 USD.
Bà Yellen đã xác nhận với các phóng viên trước khi xuất hiện tại Câu lạc bộ Kinh tế Chicago rằng Tổng thống Joe Biden sẽ gia hạn một số phần trong Đạo luật Việc làm và Cắt giảm Thuế (TCJA) năm 2017 của người tiền nhiệm, dự kiến sẽ hết hạn vào năm 2025.
“Tổng thống rõ ràng là đang tập trung vào sự công bằng về thuế,” bà nói. “Ông ấy sẽ tập trung vào việc bảo đảm rằng việc cắt giảm thuế sẽ không xảy ra đối với những tập đoàn đó, và chúng tôi sẽ không thương lượng về các khoản giảm thuế mới cho những cá nhân giàu có.”
Trong bài diễn văn đã chuẩn bị sẵn hôm 25/01, bà Yellen tuyên bố rằng những khoản cắt giảm thuế đó đã khiến thâm hụt ngân sách tăng thêm 2 ngàn tỷ USD mà không thúc đẩy đầu tư.
Cựu chủ tịch Hệ thống Dự trữ Liên bang cho biết: “Chính sách này ưu tiên cắt giảm thuế cho các tập đoàn, mang lại lợi ích không tương xứng cho những người có thu nhập cao nhất, và không sửa chữa được hệ thống thuế quốc tế hỏng hóc vốn khuyến khích các công ty chuyển việc làm và lợi nhuận ra ngoại quốc.”
Trong năm qua, đã có nhiều thông điệp đa dạng từ Tòa Bạch Ốc về vấn đề chính sách thuế.
Hồi tháng 03/2023, chính phủ đã đề nghị trong ngân sách là tiếp tục chính sách cắt giảm thuế thời ông Trump cho các gia đình có thu nhập dưới 400,000 USD mỗi năm sau năm 2025.
Đồng thời, các quan chức Hoa Kỳ lập luận rằng việc cắt giảm thuế của cựu tổng thống đã là nguyên nhân chính dẫn đến chênh lệch ngân sách ngày càng tăng và nợ quốc gia tăng vọt.
Trong cuộc họp báo cuối cùng về năm 2023, Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre đã cho rằng việc cắt giảm thuế của Đảng Cộng Hòa trong 20 năm qua là nguyên nhân gây ra khoảng 90% mức tăng nợ.
Bà Yellen nói với các phóng viên ở Virginia hồi đầu tháng này rằng việc gia hạn các khoản cắt giảm thuế của chính phủ tiền nhiệm sẽ dẫn đến “những lo ngại nghiêm trọng” xung quanh thâm hụt liên bang.
Bà nói: “Tất cả những thứ trong TCJA sắp hết hạn mà không tìm được nguồn doanh thu mới để trang trải mọi thứ còn lại trong đó sẽ là mối lo ngại nghiêm trọng trước những dự báo về thâm hụt.”
Các nhà kinh tế đã tranh luận về các yếu tố góp phần gây ra nợ quốc gia.
Ủy ban Ngân sách Liên bang Có trách nhiệm (CRFB) cho biết sự kết hợp giữa chi tiêu liên bang tăng vọt và cắt giảm thuế đã dẫn đến khoản nợ quốc gia lên tới 34 ngàn tỷ USD.
“Một số người cho rằng sự suy giảm tài khóa này hoàn toàn là do cắt giảm thuế hoặc hoàn toàn là do tăng trưởng chi tiêu. Trên thực tế, cả việc tăng chi tiêu và giảm doanh thu đều có thể giải thích sự gia tăng thâm hụt và nợ,” CRFB viết trong một bài báo ngày 10/01. “Sự gia tăng thâm hụt và nợ có thể được giải thích bằng sự tăng trưởng tự động trong chi tiêu bắt buộc và bằng việc ban hành cắt giảm thuế và tăng chi tiêu.”
“Nếu không có bất kỳ hiện tượng nào trong số này, thì nợ sẽ đi theo con đường bền vững hơn nhiều.”
Trong một phân tích riêng, tổ chức này ước tính rằng cựu Tổng thống Trump đã bổ sung thêm khoảng 8.4 ngàn tỷ USD kèm lãi suất, vào nợ quốc gia. Báo cáo đã liệt kê các biện pháp trong thời kỳ đại dịch, Đạo luật Ngân sách Lưỡng đảng năm 2019, và Đạo luật Việc làm và Cắt giảm thuế như là những nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng nợ.
Để so sánh, nợ quốc gia đã tăng khoảng 6.4 ngàn tỷ USD trong ba năm đầu tiên của Tổng thống Biden.
Mức nợ hiện ‘có thể quản lý được’
Khi được hỏi liệu mức nợ và thâm hụt hàng năm có bền vững hay không, bà Yellen trả lời rằng tình trạng tài khóa của quốc gia “có thể quản lý được.”
Thay vì đánh giá tỷ lệ nợ trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP), bà muốn xem xét chi phí lãi vay liên quan đến khối lượng nợ ngày càng tăng.
Bà Yellen nói trong một phiên hỏi đáp ngắn gọn, “Chúng ta đã trải qua thời kỳ mà lãi suất rất thấp. Mặc dù thực tế là tỷ lệ nợ trên GDP tăng lên nhưng chi phí trả khoản nợ đó lại vô cùng thấp.”
“Đôi khi, nếu nói ra một con số tuyệt đối về nợ công thì đó là một con số đáng sợ. Nhưng chúng ta cũng có một nền kinh tế rất lớn, và tôi nghĩ rằng tập trung vào chi phí lãi vay liên quan đến khoản nợ đó, chi phí lãi vay thực, là một cách tốt hơn để xem xét vấn đề về nợ. Và cho đến nay, mức nợ vẫn có thể quản lý được.”
Trước đó, bà từng bày tỏ lo ngại về tỷ lệ nợ trên GDP vào năm 2017.
Tại một phiên điều trần của Ủy ban Kinh tế Liên hợp vào tháng 11/2017, bà Yellen đã cảnh báo rằng khoản nợ quốc gia 20 ngàn tỷ USD và tỷ lệ nợ trên GDP “nên khiến mọi người phải thao thức trong đêm.”
“Tôi rất lo lắng về tính bền vững của quỹ đạo nợ của Hoa Kỳ,” bà nói. “Tỷ lệ nợ trên GDP hiện tại của chúng ta là khoảng 75%, không đáng sợ nhưng cũng không thấp.”
Ngày nay, tỷ lệ đó đã là 120%.
Bà Yellen thừa nhận rằng các nhà hoạch định chính sách cần áp dụng các biện pháp để cắt giảm thâm hụt liên bang xuống mức có thể quản lý được.
Các khoản thanh toán lãi nợ hàng năm, đại diện cho khoản chi tiêu ngân sách lớn thứ tư, tổng cộng ở vào khoảng 1 ngàn tỷ USD. Các nhà kinh tế cảnh báo rằng lãi suất sẽ tăng trong thời gian dài hơn.
“Động lực nợ của Hoa Kỳ đang phát triển theo hướng đòi hỏi sự chú ý,” ông Darrell Spence, nhà kinh tế của công ty quản lý tài sản Mỹ Capital Group, cho biết trong một báo cáo nghiên cứu. “Trong năm năm tới, khoản thanh toán lãi ròng cho khoản nợ này dự kiến sẽ vượt qua chi tiêu quốc phòng.”
Trong ba tháng đầu năm tài khóa hiện tại, các khoản thanh toán lãi gộp và lãi ròng đã vượt quá 500 tỷ USD.
‘Bidenomics’
Sự xuất hiện của bà Yellen diễn ra ngay sau khi GDP quý 4 đạt mức ổn định và tốt hơn mong đợi là 3.3%. Năm ngoái, nền kinh tế Hoa Kỳ đã tăng trưởng 2.5%.
Tòa Bạch Ốc đã tán dương dữ liệu mới nhất, cho biết những con số gần đây thể hiện “ba năm liên tiếp nền kinh tế phát triển từ giai tầng trung lưu trở ra và từ dưới lên dưới sự giám sát [của Tổng thống Biden].”
Bộ trưởng Ngân khố cũng nhân cơ hội này để khen ngợi “Bidenomics.”
“Chúng ta đã bắt đầu với sự phục hồi kinh tế đáng chú ý cả về tốc độ và tính công bằng,” bà Yellen cho biết trong phần trình bày đã được soạn sẵn của mình. “Sự phục hồi là rất mạnh mẽ và được chia sẻ rộng rãi bởi vì Bidenomics không chỉ xoay quanh sự phục hồi về nhu cầu sau đại dịch. Chúng tôi cũng tập trung vào việc giải quyết sự chậm trễ trong các chuỗi cung ứng và thu hút nhiều người Mỹ hơn tham gia vào lực lượng lao động, điều làm tăng nguồn cung.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times