Mua GDP ‘ngoạn mục’ bằng 2.7 ngàn tỷ USD
Số liệu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mới vừa được công bố, và đó là một con số bùng nổ. Loại bùng nổ mà chỉ khoản thâm hụt 2.7 ngàn tỷ USD của chính phủ mới có thể mua được trong lúc nền kinh tế tư nhân đang sụp đổ xung quanh con số hào nhoáng này.
Thêm một vài báo cáo GDP bùng nổ như thế này nữa và rồi người Mỹ sẽ phải sống dưới gầm cầu vượt.
Phép màu GDP của ông Biden
Đầu tiên hãy xem những con số. Cục Phân tích Kinh tế (BEA) loan báo rằng GDP đã đạt mức tăng trưởng 3.3% hàng năm trong quý 4. Con số này đã thổi bay mức ước tính 2.0%.
Và con số này đã kéo tỷ lệ tăng trưởng cho cả năm ngoái lên mức 2.5%.
Đó là một mức tăng trưởng rất lành mạnh.
Trên giấy.
Lưu ý rằng những con số này chỉ là sơ bộ, nên chúng sẽ có thể bị thay đổi.
Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông của chính phủ vẫn mô tả số liệu này bằng những tính từ mĩ miều nhất của họ: CNN gọi mức tăng GDP này là “chấn động” — theo chiều hướng tốt. Tờ New York Times gọi nó là “tuyệt đẹp và ngoạn mục.”
Vậy vấn đề ở đây là gì? Là mức nợ.
Con cháu của quý vị đã trở thành những mạnh thường quân chi trả cho toàn bộ mức nợ này. Và còn thêm một vài khoản nữa.
Để biết lý do tại sao, trong 12 tháng qua, thâm hụt liên bang đã tăng thêm 1.3 ngàn tỷ USD. Tuy nhiên, chúng ta chỉ nhận lại được một nửa số tiền đã chi đó dưới dạng GDP — khoảng 600 tỷ USD.
Nói cách khác, mọi thứ khác đều thu hẹp lại.
Tỷ lệ chuyển đổi nợ sang GDP tệ hại này thậm chí còn yếu hơn trong quý 4 đầy dũng cảm và tuyệt vời đó — trong khoảng thời gian đó chúng ta chỉ có thêm 300 tỷ USD GDP để đổi lấy — hãy chờ nghe tôi tuyên bố con số này — 834 tỷ USD nợ liên bang mới.
So sánh giữa GDP và sự giàu có
Hãy nhớ rằng GDP không đo lường sự giàu có, mà đo lường chi tiêu — sản lượng được bán ra.
Như ký giả Megan McArdle từng nói, GDP “tính sản lượng của chúng ta ra giá trị bằng tiền, chứ không tính đến sự cải thiện thực tế trong cuộc sống của chúng ta, hoặc thậm chí là điều kiện kinh tế của chúng ta.”
Ví dụ, nếu quý vị đào những cái hố ra rồi lấp chúng lại, thì đó được tính là GDP. Trên thực tế, quý vị có thể chế tạo một hỏa tiễn, cho nổ tung Cầu Cổng Vàng và mọi ngôi nhà trong vòng bán kính năm dặm xung quanh đó, thì việc này cũng sẽ biểu hiện ra dưới dạng GDP. Rốt cuộc thì hỏa tiễn cũng tốn tiền, và chính phủ đã trả tiền cho món vũ khí này.
Tất nhiên, các hãng truyền thông chính thống — quả là kinh tế học chính thống – cho rằng GDP đồng nhất với sự giàu có. Sản xuất ra những bài báo tôn vinh GDP là sự thịnh vượng.
Dữ liệu GDP đó là đủ sát với thực tế khi các công ty tư nhân hoặc cá nhân sản xuất nhiều hơn để bán ra được nhiều hơn — trong trường hợp đó, thì GDP tăng có nghĩa là quốc gia ngày càng giàu hơn. Bởi vì ngày càng có nhiều thứ được sản xuất.
Nhưng sự thực lại là ngược lại khi GDP chỉ xoay quanh chi tiêu của chính phủ. Bởi vì công việc của chính phủ là lấy đi của cải để đem đốt. Điều đó có nghĩa là khi GDP tăng lên do chi tiêu của chính phủ thì việc GDP tăng đó không đo lường mức độ giàu có.
Tốt nhất thì GDP tăng do chi tiêu chính phủ đo lường sự tiêu tán của cải, tệ nhất thì là đo lường sự phá hủy của cải.
Về căn bản, thì là ở tốc độ mà chúng ta đang hướng tới như Liên Xô, thay thế của cải tư nhân bằng sự lãng phí của chính phủ.
Vì vậy, nếu diễn giải mức tăng trưởng GDP dũng cảm và đáng kinh ngạc đó sang thế giới thực, thì là chúng ta đang hủy hoại sự giàu có với tốc độ chưa từng thấy kể từ năm 2008.
Lập luận này thực sự phù hợp với những gì chúng ta đã chứng kiến trong số liệu việc làm — trong một video gần đây, tôi đã đề cập rằng hơn một nửa số việc làm năm ngoái thực ra là việc làm trong khu vực chính phủ và các công việc phục vụ xã hội liên quan đến chính phủ.
Ở một số tiểu bang, số công việc loại này thực sự nhiều hơn tất cả số việc làm được tạo ra — nói cách khác, khu vực tư nhân đang thu hẹp lại.
Tất nhiên, tất cả những công việc này của chính phủ đều không năng suất — chúng không làm cho xã hội chúng ta trở nên thịnh vượng hơn.
Ngược lại, những công việc này đang lấy đi của cải kiếm được từ các hoạt động sản xuất và phung phí số tiền này vào việc mua chuộc phiếu bầu hoặc tệ hơn — hãy nghĩ đến sự hủy hoại tài sản khi chi tiền cho chỉ một vị công chức quan liêu trong Cục Bảo vệ Môi trường (EPA).
Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo
Các hãng truyền thông thân hữu sẽ tiếp tục chơi trò tảng lờ với các nhà thống kê của chính phủ và các học giả thao túng tâm lý.
Họ sẽ tiếp tục chỉ trích những người Mỹ bình dân vì đã đăng hóa đơn thực phẩm và các khoản thanh toán vay nợ mua nhà, cầu nguyện rằng dân chúng có thể duy trì ảo tưởng đủ lâu cho cuộc bầu cử tiếp theo.
May thay, có hàng triệu người trong chúng ta có thể nhìn thấu rằng hoàng đế trên thực chất đang không mảnh vải che thân.
Bài viết này được xuất bản lần đầu trên trang Substack của tác giả, sau đó được Viện Brownstone đăng lại.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times