Chỉ số khốn khổ hé lộ chính sách kinh tế của ông Biden đang thất bại ở các tiểu bang chiến địa
Một trong những điều nguy hiểm nhất mà một chính phủ có thể làm là vẽ ra một bức tranh bóng bẩy về nền kinh tế vào đúng thời điểm mà các gia đình và doanh nghiệp nhỏ đang gặp khó khăn. Các chính phủ luôn lạc quan, nhưng việc gửi đi những thông điệp hưng phấn lại có xu hướng phản tác dụng, đặc biệt là khi tình hình của giai tầng trung lưu đang phức tạp.
Tại Hoa Kỳ, thông điệp của chính phủ ông Biden về “nền kinh tế mạnh nhất trong nhiều thập niên” không chỉ là một sự cường điệu — trên thực tế, thông điệp đó có thể khiến những cử tri phải chịu gánh nặng của việc tiền lương thực tế tăng trưởng âm, lạm phát tích lũy, và thuế cao hơn phải giận dữ.
Theo một nghiên cứu của Trung tâm Chính sách Thuế, 20 đến 30% số gia đình có thu nhập trung bình đã phải chịu thuế cao hơn vào năm 2022, và theo Tax Foundation, người đi làm hiện phải gánh chịu khoảng 70% mức tăng thuế thu nhập doanh nghiệp. Thuế gián thu chỉ là một nguồn gây tổn thất sức mua cho các gia đình. Việc tăng thuế đánh vào năng lực sản xuất làm giảm khả năng có việc làm trong ngành sản xuất, hạn chế tăng trưởng tiền lương thực tế, và gây ra chi phí cao hơn cho người tiêu dùng.
Một cách để đo lường hoàn cảnh của các gia đình ở Hoa Kỳ là chỉ số khốn khổ II, được tính bằng tỷ lệ thất nghiệp hiện tại cộng với chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thước đo của lạm phát tích lũy, trong vòng bốn năm qua. Trong lịch sử, theo Bloomberg Economics, chỉ số khốn khổ II là 17.65% trong những năm tổng thống đương nhiệm thắng cử. Tuy nhiên, thực tế là nền kinh tế Hoa Kỳ hiện nay còn tệ hơn nhiều.
Chỉ số khốn khổ II của Hoa Kỳ hiện đang ở mức 23% trên toàn quốc, và Bloomberg Economics ước tính rằng con số này sẽ còn chạm đến mức đáng kinh ngạc 24% vào thời điểm diễn ra cuộc bầu cử.
Điều này có nghĩa là trung bình một công dân Hoa Kỳ đã mất đi một lượng lớn của cải và sức mua từ tiền lương do lạm phát tích lũy, và tỷ lệ thất nghiệp thấp có thể không tạo ra được sự ủng hộ trong cử tri vì thực tế là mức độ tăng trưởng tiền lương thực tế cũng cho thấy những người đi làm thông thường của Hoa Kỳ đang gặp khó khăn. Như nhà kinh tế học Ryan McMaken đã nêu ra, mức tăng rất nhỏ gần đây của tiền lương thực tế hầu như không phải là tin tốt, khi xét đến việc mức tăng đó xuất hiện sau khi mức lương thực tế giảm so với cùng thời kỳ năm ngoái trong suốt 25 tháng liên tiếp (từ giữa năm 2021 đến giữa năm 2023). Điều này có nghĩa là mức lương trung bình mỗi giờ chỉ tăng 0.76% trong bốn năm qua, trong khi trong bốn năm trước đó, tiền lương thực tế đã tăng với tỷ lệ cao hơn thế gấp ba lần, tương đương với tăng 2.8%.
Một chỉ số khốn khổ II như vậy không chỉ là tin xấu đối với toàn bộ nước Mỹ. Theo Bloomberg, nền kinh tế của các tiểu bang chiến địa hoạt động tương đối kém trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden, đặc biệt là kể từ giữa năm 2022, với chỉ số khốn khổ II của các tiểu bang chiến địa cao hơn gần 2% so với các tiểu bang khác.
Chúng tôi không biết liệu chỉ số này có tạo ra sự khác biệt lớn trong quyết định của cử tri hay không, nhưng sự suy thoái trong điều kiện kinh doanh và hoàn cảnh của người đi làm là những biển báo giải thích tại sao người Mỹ thông thường đang nhận thấy nền kinh tế yếu hơn nhiều so với những gì báo chí đưa tin.
Có một bài học ở đây mà chưa một chính phủ nào học được: Các chính sách gây lạm phát sẽ không bao giờ có tác dụng và có thể khiến chính phủ thất bại trong một cuộc bầu cử. Các kế hoạch kích thích chi tiêu có tên gọi không giống như tác động chỉ để lại dấu vết nợ nần lớn và sự bần cùng hóa cho người dân.
Chính phủ cố gắng đổ lỗi cho lạm phát về mọi thứ, ngoại trừ chính sách tài khóa và tiền tệ điên rồ trong những năm qua. Không có cái gọi là lạm phát hàng hóa, lạm phát do lòng tham của doanh nghiệp, lạm phát do chi phí đẩy, hay tăng giá do thu nhỏ dung lượng hàng hóa. Lý do duy nhất có thể làm cho giá cả tổng thể tăng đồng loạt, làm kiên cố mức tăng, và tiếp tục tăng hơn nữa — ngay cả khi tăng với tốc độ chậm hơn — là sự phá hủy sức mua của đồng USD thông qua chính sách quản lý tiền tệ sai lầm gây ra bởi việc in tiền tài trợ cho một mức thâm hụt công không bền vững và và đang ngày càng gia tăng.
Nếu lạm phát là do bất kỳ yếu tố nào được đề cập ở trên gây ra, thì ngày nay chúng ta sẽ có tình trạng giảm phát, chứ không phải là lạm phát dai dẳng, tình huống mà chỉ có nghĩa là tốc độ tăng giá chậm hơn. Lạm phát luôn là sự hủy hoại sức mua của đồng tiền, và đó là điều mà người Mỹ nhận được khi họ được hứa hẹn những thứ miễn phí: lương thực tế thấp hơn và sức mua của tiền gửi tiết kiệm giảm dần.
Cái gọi là chính sách kinh tế Biden (Bidenomics) đã đưa nợ lên mức cao nhất trong lịch sử, và không có mức tăng lương thực tế, với tỷ lệ thất nghiệp chính thức thấp để ngụy trang cho việc tỷ lệ tham gia lao động và việc làm trên dân số dưới những con số của năm 2019.
Đúng, chính phủ phải chịu trách nhiệm về lạm phát, và một nền kinh tế mạnh thì không cho thấy mức tăng lương thực tế trung bình là 0.7% trong bốn năm, thâm hụt chi tiêu chính phủ hàng năm là 2 ngàn tỷ USD với khoản nợ 34 ngàn tỷ USD, và lạm phát CPI tích lũy chính thức là 17.6%. Đó là mức 33.7% nếu chúng ta xét theo giá thực phẩm, 18.7% nếu xét theo chi phí chỗ ở, và 32.8% nếu xét theo năng lượng, và ước tính là khoảng 30% nếu xét theo tất cả các loại hàng hóa không thể thay thế, theo dữ liệu của Cục Thống kê Lao động trong khoảng thời gian từ năm 2021 đến năm 2023.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times