Một quan chức tiết lộ: Khối BRICS có thể mở rộng khi có đến 19 quốc gia yêu cầu trở thành thành viên
Trong bối cảnh chỉ còn vài tuần nữa là Nam Phi sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh thường niên kéo dài hai ngày của các quốc gia thuộc khối BRICS vào tháng Sáu, một quan chức tiết lộ rằng nhiều quốc gia đã yêu cầu trở thành thành viên để tham gia vào khối các thị trường mới nổi này.
Khối BRICS bao gồm năm quốc gia — Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi — với các nền kinh tế thị trường mới nổi đáng chú ý.
Hôm 24/04, ông Anil Sooklal, đại sứ Nam Phi tại tổ chức này, đã xác nhận với Bloomberg rằng 19 quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm.
“Những gì sẽ được thảo luận là việc mở rộng BRICS và việc mở rộng này sẽ diễn ra theo những phương thức như thế nào,” ông Sooklal nói. “Mười ba quốc gia đã chính thức yêu cầu tham gia, và sáu quốc gia khác đã yêu cầu một cách không chính thức. Chúng tôi đang nhận được các đơn ghi danh tham gia mỗi ngày.”
Hồi tháng Hai, ông Sooklal nói với mạng lưới truyền hình về kinh doanh này rằng đã có “hơn một chục quốc gia đã cố gắng tham gia.” Những quốc gia này gồm có Iran và Saudi Arabia, hai nước đã đệ trình chính thức cho việc gia nhập.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng xác nhận rằng trước đó trong năm nay, một chục quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập BRICS, bao gồm Bangladesh, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), và Venezuela.
Kể từ cuộc họp năm ngoái (2022), đã có một số tranh luận về việc mở rộng liên minh kinh tế này.
Trung Quốc đã đề nghị tăng số lượng các nước BRICS và lập luận rằng điều đó sẽ làm tăng sức mạnh ngoại giao của mình. Tuy nhiên, một số thành viên phản đối đề xướng này, sợ rằng các quốc gia gia nhập thêm sẽ làm giảm tầm ảnh hưởng của họ.
Lần cuối cùng khối này tiếp nhận thêm một thành viên là vào năm 2006, khi họ cho phép Nam Phi gia nhập.
Có vẻ như Argentina là một trong những bên quan tâm.
Gần đây, Đại sứ Argentina tại Trung Quốc Sabino Vaca Narvaja đã gặp cựu Tổng thống Brazil Dilma Rousseff và Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương (Qin Gang) về việc gia nhập Ngân hàng Phát triển BRICS, hay còn được gọi là Ngân hàng Phát triển Mới.
Theo các bản tin của truyền thông địa phương, tại một diễn đàn hôm 21/04 ở Thượng Hải, ông Vaca Narvaja cho biết, “Như [Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva] đã nói trong chuyến thăm Trung Quốc gần đây, tại sao chúng ta không thể giao dịch bằng đồng tiền của mình? Tôi nghĩ rằng các tổ chức giống như NDB sẽ giúp chúng ta suy nghĩ khác đi, và cuộc họp với bà Dilma là một sự trợ giúp tuyệt vời theo nghĩa đó.”
Hãng thông tấn Tass của Nga đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman Al Saud cũng đã nói về một số vấn đề trong một cuộc điện đàm hôm 21/04, bao gồm “các triển vọng hợp tác” giữa BRICS và Riyadh.
Tình trạng của BRICS hiện nay
Trong một bài báo hôm 26/03 đăng trên tạp chí Global Policy, ông Jim O’Neill, từng là nhà kinh tế trưởng tại Goldman Sachs, đã khuyến nghị khối này củng cố liên minh. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng thỏa thuận này nên tuân thủ các tiêu chí ban đầu và căn bản về các nền kinh tế đầy triển vọng và các [nước có] dân số đông.
Ông O’Neill đã lập luận rằng đồng dollar Mỹ đang duy trì “một vai trò quá chi phối trong tài chính toàn cầu,” và một thỏa thuận BRICS nâng cao có thể cho phép tạo ra một hệ thống tài chính quốc tế đa tiền tệ.
Theo dữ liệu từ Acorn Macro Consulting, các quốc gia BRICS đã vượt qua các đối tác G7 về GDP toàn cầu khi tính toán về sức mua tương đương (giá hàng hóa và dịch vụ ở các quốc gia khác nhau).
Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng nhấn mạnh rằng tốc độ tăng trưởng GDP thực tế ở nhiều thị trường mới nổi và đang phát triển sẽ mạnh mẽ hơn so với các nền kinh tế tiên tiến vào năm 2023 và năm 2024.
Năm nay, Trung Quốc và Ấn Độ được dự đoán sẽ tăng trưởng lần lượt là 5.2% và 5.9%. Trong khi đó, Hoa Kỳ và Khu vực đồng Euro được dự báo sẽ tăng trưởng lần lượt là 1.6% và 0.8% vào năm 2023.
Các chuyên gia cho rằng sức mạnh ngày càng tăng của BRICS có thể cho phép khối này thiết lập một loại tiền tệ. Một trong những chủ đề chính tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới sẽ là phát triển một loại tiền tệ mới để giúp làm xói mòn quyền bá chủ của đồng dollar Mỹ.
Rất nhiều lời đồn đoán về cách thức hoạt động của một loại tiền tệ BRICS tiềm năng đã xuất hiện. Tuy nhiên, trong hội nghị thượng đỉnh năm 2022, ông Putin đã nói với một diễn đàn rằng một đồng tiền dự trữ quốc tế có thể sẽ giống như một “rổ tiền tệ của các quốc gia chúng ta.” Những người khác cho rằng vàng có thể đóng một vai trò quan trọng.
Số liệu thống kê mới từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho thấy các nước BRICS đã bổ sung vào các nguồn dự trữ vàng của họ hồi tháng Hai, bao gồm Trung Quốc (25 tấn) và Ấn Độ (3 tấn). Hơn nữa, ông Krishan Gopaul, một nhà phân tích cao cấp của WGC, ước tính rằng vàng đang chiếm gần 1/4 nguồn dự trữ quốc tế của Moscow.
Ông Frank Holmes, Tổng giám đốc, kiêm Giám đốc Công nghệ thông tin (CIO) của U.S. Global Investors, tin rằng thế giới đang chuyển đổi sang một xã hội đa cực, và “vàng đóng một vai trò quan trọng trong sự đa cực này.”
“BRICS cần thứ kim loại quý giá này để trợ giúp cho đồng tiền của họ và chuyển đổi từ đồng dollar Mỹ, vốn đã đóng vai trò như là đồng tiền dự trữ ngoại hối toàn cầu trong khoảng một thế kỷ,” ông viết trong một ghi chú nghiên cứu. “Ngày càng có nhiều giao dịch thương mại toàn cầu được thực hiện bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, và có các báo cáo rằng BRICS — về cuối cùng bao gồm các nền kinh tế mới nổi quan trọng khác như Saudi Arabia, Iran, v.v. — đang phát triển các phương tiện thanh toán của riêng họ.”
Ông cũng nói thêm: “Đồng thời, các nước BRICS sẽ tiếp tục là những người mua ròng khi họ tìm cách có thêm nhiều loại tiền tệ ngoài đồng dollar.”
Theo Cơ cấu Tiền tệ của Dự trữ Ngoại hối Chính thức (COFER) của IMF, tỷ lệ dự trữ ngoại hối toàn cầu của Hoa Kỳ đã giảm trong hai thập niên vừa qua, từ khoảng 70% xuống còn khoảng 58% trong quý 4/2022.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times