Một cơn bão đang ập đến? Hãy chuẩn bị cho năm 2024
Để chuẩn bị cho bất kỳ cú đấm nào mà năm 2024 này có thể giáng vào chúng ta, chúng ta cần gia cường tâm trí.
Khi chúng ta bước sang năm mới, ngày càng nhiều nhà bình luận giương cờ đỏ cảnh báo thay vì trải thảm chào đón.
Giống như hầu hết các bài viết thuộc chuyên mục này, nhưng sâu sắc hơn nhiều là bài “Apocalypse in the Air” (Tận Thế Trên Không) của tác giả Jeffrey Tucker. Ông Tucker cho thấy các thảm họa tiềm ẩn có thể xảy ra trong năm 2024 đang được thảo luận trong “các vòng tròn riêng tư thời nay,” trong đó gồm các vấn đề về phong tỏa khí hậu và khủng bố, các nguồn lực cạn kiệt vì những người nhập cư bất hợp pháp, và các cuộc bạo loạn liên quan đến cuộc bầu cử sắp tới. Ông mô tả những tổn hại nghiêm trọng đã xảy ra đối với niềm tin mà chúng ta từng đặt vào các tổ chức của mình, như: chính phủ, trường học, các phương tiện truyền thông doanh nghiệp, và luật pháp. Ông Tucker viết:
“Chúng ta không còn tin vào những gì đã từng tồn tại, và có một nỗi sợ hãi đang lan tỏa trong không khí về những gì sắp xảy ra. Tệ hơn là, chúng ta ngày càng có cảm giác rằng mình không thể làm gì để cứu vãn tình thế. Chắc chắn là chúng ta có thể bỏ phiếu, nhưng không rõ liệu điều đó có còn quan trọng không. Mặt khác, nếu có thì cũng có rất ít các giải pháp hữu dụng để chúng ta tự mình giải quyết vấn đề và đưa con tàu mà chúng ta từng gọi là nền văn minh này đi đúng hướng.”
Có lẽ hơi khắc nghiệt, nhưng ông Tucker nói đúng. Với tư cách cá nhân, chúng ta thực sự đang thiếu phương tiện để điều chỉnh lộ trình của con tàu mà tất cả chúng ta đang đi, hoặc [trong trường hợp] tệ hơn, là cùng nhau cứu nó khỏi bị đắm. Tuy nhiên, đây là một chút tin tốt lành. Con tàu của quốc gia này mang theo rất nhiều xuồng cứu sinh, và thuyền trưởng của những con tàu nhỏ hơn đó có ở khắp nơi. Nếu bạn muốn gặp một trong những thuyền trưởng tiềm năng này, hãy ngừng đọc bài viết và đến trước chiếc gương gần bạn nhất trong nhà.
Những điều cần thiết bị bỏ qua
Trong trường hợp xảy ra thảm họa thiên nhiên hoặc một số thảm họa do con người gây ra, những người chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ lấp đầy tầng hầm của họ bằng kho thực phẩm, thuốc men, đạn dược, và những hàng hóa khác mà họ cho là thiết yếu. Mặc dù, hầu hết chúng ta không cần làm tới mức đó, nhưng tối thiểu chúng ta cũng nên luôn dự trữ sẵn một số thứ cơ bản để giúp mình vượt qua một cuộc khủng hoảng ngắn hạn. Bạn có thể dễ dàng tìm được những lời khuyên trực tuyến cho việc chuẩn bị hoặc mua ngay một bộ dụng cụ khẩn cấp.
Tuy nhiên, các bộ dụng cụ này lại thiếu một số thứ thiết yếu cho sự an toàn của chúng ta, quan trọng không kém đèn pin, dao bỏ túi và vài lon súp. Dù bị áp đảo bởi đội quân Pháp và sắp sửa lâm trận, Vua Shakespeare’s Henry V tuyên bố: “Mọi thứ đều sẵn sàng nếu tinh thần của chúng ta sẵn sàng.” Giống như tất cả những nhà cầm quân tài ba, đức vua hiểu được tầm quan trọng sống còn của tinh thần chiến thắng, thứ mà bạn sẽ không tìm thấy trong bộ dụng cụ sinh tồn.
Vậy thì, trạng thái tinh thần và sức mạnh nội tâm của chúng ta sẽ như thế nào? Nếu năm 2024 mang đến những tai họa mà hiện nay rất nhiều nhà quan sát đang lo lắng, liệu tâm và trí của chúng ta có sẵn sàng để đương đầu với những thách thức đó không?
Tinh thần đồng đội
Để chuẩn bị cho bất kỳ cú đấm nào mà năm 2024 có thể giáng vào chúng ta, chúng ta cần phải gia cường tâm trí. Hãy nghĩ một chút về trại huấn luyện Thủy quân lục chiến năm xưa. Những huấn luyện viên trên Đảo Parris không chỉ có mục tiêu là giúp các tân binh của họ có thể lực tốt. Thông qua việc truyền đạt liên tục, họ giúp những thanh niên này thấm nhuần tinh thần tự hào và lý tưởng. Họ muốn người lính thủy quân lục chiến có thể chịu đựng được sự khắc nghiệt của chiến trường; và những người đàn ông mà họ đào tạo ra đã đương đầu được với những áp lực đó, thậm chí, còn hơn thế nữa trên các chiến trường như Belleau Wood, Iwo Jima và Hồ Chosin.
Giống như những người lính thủy quân lục chiến đó, chúng ta cần có tư duy giúp chúng ta đứng vững và tiến về phía trước khi mọi thứ trở nên khó khăn. Chúng ta cần tự mình hun đúc cho mình, tiêm chủng cả về tinh thần lẫn tâm hồn nếu muốn chống lại sự tuyệt vọng và thất bại. May mắn thay, những loại dược phẩm này luôn sẵn có mà không cần kê đơn.
Bạn hãy đọc những cuốn tiểu thuyết về những người phải đối mặt với thời kỳ khó khăn, như “Young Pioneers” (Những Người Tiên Phong Trẻ Tuổi) của nữ văn sỹ Rose Wilder Lane, và chia sẻ chúng với con cái của mình. Bạn hãy nghiên cứu những câu chuyện về những người đàn ông và phụ nữ trong quá khứ từng đấu tranh chống lại chế độ chuyên chế, như “Ngài John Adams” của sử gia David McCullough. Hãy dạy con về những hành động của cựu Tổng thống Theodore Roosevelt, nữ phi công Amelia Earhart, nhà giáo dục và nhà lãnh đạo cộng đồng người Mỹ gốc Phi Châu Booker T. Washington, cũng như bất kỳ ai trong hàng trăm anh hùng Mỹ quốc khác, và chính bạn trong quá trình hướng dẫn con mình cũng sẽ tiếp nhận được nhiều bài học từ đó. Hãy xem những bộ phim mà các anh hùng chiến thắng những thử thách cam go. Và hãy nghe các podcast đề cao lòng can đảm, nghị lực, và đức hạnh.
Hãy làm những điều này, và bạn đang thêm đá và vữa vào pháo đài nội tâm của mình, pháo đài của lòng dũng đảm và khả năng phục hồi.
Khi khó khăn cần có người đồng hành
Một trận bão tuyết đã làm mất điện, và người hàng xóm sang gõ cửa và mời bạn qua nhà ông để tận hưởng hơi ấm bên bếp củi. Một người bạn cao niên bị ngã đau, và bạn đề nghị giúp đỡ bằng cách nhận và giao hàng tạp hóa cho đến khi bà hồi phục sức khỏe. Chính phủ lại đóng cửa các trường học, cho bọn trẻ về nhà học qua máy điện toán, và bạn cùng một số bằng hữu đứng lên phản đối quyết định này đồng thời mở một cơ sở cho con cái tới học.
Câu tiếng Pháp “Sauve qui peut” được dịch đại ý là “Hãy tự cứu mình nếu bạn có thể.” Nó được dùng trong tiếng Anh để mô tả sự tháo chạy, sự hoảng loạn nói chung, tình trạng chạy tán loạn đến nơi an toàn. Và trong một thảm họa thì đây chính là công thức chắc chắn dẫn tới sự thất bại và khó nạn.
Chúng ta cần người khác, và họ cũng cần chúng ta. Đừng quá kiêu căng khi yêu cầu sự giúp đỡ trong lúc cần thiết, và đừng ngại ngần đề nghị giúp đỡ người khác khi bạn thấy ai đó đang gặp khó khăn. Những cơ hội sẻ chia này không chỉ giúp củng cố thêm mối quan hệ giữa chúng ta và những người khác mà còn giữ cho cảm nhận về lòng nhân ái của chúng ta luôn nguyên vẹn.
Nội lực
Trong bộ phim “Chariots of Fire” (Những Cỗ Xe Rực Lửa), vận động viên điền kinh người Scotland Eric Liddell, một tín đồ Cơ Đốc Giáo sùng đạo mà sau này sẽ trở thành nhà truyền giáo, đã phát biểu trước đám đông sau khi chiến thắng trong một cuộc đua. Khi kết thúc bài diễn văn ngắn gọn của mình, ông đã so sánh đức tin với việc chạy đua rằng: “Tôi không có công thức nào để chiến thắng trong cuộc đua này. Mọi người đều chạy theo cách riêng của mình. Vậy sức mạnh để nhìn thấy đích đến trong cuộc đua này đến từ đâu? Từ bên trong mỗi người”.
Sức mạnh nội tại để chúng ta nhìn ra con đường trong những khó khăn đến từ cùng một nơi.
Cùng với bằng hữu, gia đình, và những tấm gương mẫu mực [dù] có thật hay hư cấu, thì niềm tin vào một điều gì đó đáng giá và tốt đẹp vượt ra ngoài bản thân chúng ta là điều rất then chốt nếu thời khắc khó khăn và nghịch cảnh ập xuống trên “Lộ trình năm 2024”. Có lẽ chúng ta là những tín đồ kiên định như vận động viên Liddell. Có lẽ chúng ta là những người thực hành một số triết lý như chủ nghĩa khắc kỷ, vốn rất phổ biến ngày nay. Hoặc có lẽ, chúng ta sống theo một quy tắc về danh dự và lòng tốt, những người phụng sự cho những đức hạnh cổ điển như thận trọng, chừng mực, dũng cảm, và công bằng.
Khi chúng ta đặt niềm tin và hy vọng của mình vào điều gì đó xứng đáng được thờ phượng, ngọn lửa đó trong tâm chúng ta sẽ soi sáng con đường chúng ta đi.
[Tuy nhiên,] ở đây có một điều cần lưu ý, đặc biệt là với kỳ bầu cử sắp tới. Chúng ta có thể đặt niềm tin này vào những người mà chúng ta biết và yêu mến, nhưng chúng ta không bao giờ được mở rộng mức độ tận tâm tương tự cho các ứng cử viên hoặc các đảng phái chính trị. Xung quanh chúng ta ngày nay, chúng ta có thể nhìn thấy sự hủy diệt khủng khiếp mà những kẻ cuồng tín biến chính trị thành chúa của họ đã làm ra.
Gần cuối bài viết “Apocalypse in the Air” (Tận Thế Trên Không), ông Tucker viết, “Tất cả những điều này nói lên rằng cảm giác tuyệt vọng không mang lại điều gì cả, trong khi niềm hy vọng thúc đẩy chúng ta tìm kiếm và nhận ra ý nghĩa đích thực trong cuộc sống của mình”.
Minh Châu biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times