‘Mối đe dọa là rất thực đối với chúng ta mỗi từng ngày’: Thống đốc Noem nói về mối nguy hiểm từ Trung Quốc cho ngành nông nghiệp Mỹ
Đảng Cộng sản Trung Quốc xem chiến tranh lương thực là một hình thức ‘chiến tranh không đối xứng.’
Hơn 2,500 năm trước, một chiến lược gia nổi tiếng của Trung Quốc đã phát động các cuộc chiến thương mại – cụ thể hơn là chiến tranh lương thực – để chế ngự các quốc gia khác.
Một kịch bản tương tự, trong đó Trung Quốc cộng sản thống trị thế giới thông qua an ninh lương thực, là điều mà các nhà lập pháp Hoa Kỳ đang cố gắng tránh để cho xảy ra bằng cách tổ chức một phiên điều trần hôm thứ Tư (20/03) về “mối nguy hiểm mà Trung Quốc gây ra cho nền nông nghiệp Mỹ quốc.”
Thống đốc South Dakota Kristi Noem nói với các nhà lập pháp, “Mối đe dọa này là rất thực đối với chúng ta mỗi từng ngày.”
Bà cho biết, hồi mùa hè năm ngoái (2023), các công dân Trung Quốc đã liên lạc với Sở Nông nghiệp và Tài nguyên Thiên nhiên ở tiểu bang của bà [bày tỏ] “mong muốn gặp gỡ, đi thăm đây đó, và trò chuyện về cách chúng tôi chế biến và trồng trọt lương thực.” Bà cho biết nhân viên của bà đã từ chối các cuộc gặp đó và vài ngày sau biết được từ Sở Nội vụ rằng những người Trung Quốc đó là gián điệp “đang cố gắng đánh cắp Tài sản Trí tuệ và di truyền cây trồng của chúng ta.”
‘Chiến tranh không đối xứng’
Cục Dự trữ Ngũ cốc và Nguyên liệu Hà Bắc, tỉnh bao quanh Bắc Kinh, đã liệt kê các hành động của chiến lược gia Trung Quốc là những bài học lịch sử sớm nhất về “chiến tranh lương thực.”
Chẳng hạn, vua nước Tề đặt ra xu hướng mặc đồ vải bông. Người dân nước Tề bắt đầu mua bông từ hai nước láng giềng là Lỗ và Lương, khiến giá bông tăng cao. Kết quả là các nước đó đã từ bỏ nông nghiệp và tập trung vào sản xuất bông để tạo ra lợi nhuận.
Tuy nhiên, một năm sau, nước Tề ngừng mua bông và cắt đứt giao thương với nước Lỗ và nước Lương, khiến cho những nước này không thể nuôi sống người dân của họ. Nhiều người ở hai nước Lỗ và Lương đã di cư đến nước Tề. Ba năm sau, 2 nước Lỗ và Lương hàng phục nước Tề mà không cần chiến tranh.
Gọi chiến tranh lương thực là một hình thức “chiến tranh không đối xứng,” bài báo do Cục Dự trữ Ngũ cốc và Nguyên liệu Hà Bắc xuất bản nói rằng: “Chiến tranh lương thực là một hình thức chiến tranh thay thế, đặc trưng chủ yếu là vây hãm lâu dài và dẫn đến nạn đói.
“Người khởi xướng [chiến lược này] sử dụng hình thức cắt đứt nguồn lương thực, hạn chế giao thương lương thực, phá hủy kho dự trữ lương thực, và cưỡng bức chiếm đoạt khẩu phần ăn của người dân để đạt được mục tiêu bằng cách tạo ra nạn đói, hỗn loạn, và bất ổn do con người gây ra.”
Bà Noem lo ngại về việc ngành nông nghiệp của Hoa Kỳ phụ thuộc vào Trung Quốc.
Tại phiên điều trần, bà cảnh báo các nhà lập pháp rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có ý định “mua hết toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm của chúng ta.” Bà cho biết bà đã chứng kiến việc Trung Quốc mua các công ty phân bón, công ty chế biến thực phẩm, và bây giờ là đất nông nghiệp.
“Khi nước Mỹ không thể tự nuôi sống mình, và chúng ta dựa vào các thành viên khác của quốc gia khác để nuôi sống mình, thì điều đó sẽ trở thành một vấn đề an ninh quốc gia. Quốc gia nào nuôi sống chúng ta sẽ kiểm soát chúng ta,” bà nói thêm.
Giảm phụ thuộc vào Trung Quốc
Các thành viên của Ủy ban Nông nghiệp Hạ viện Hoa Kỳ bày tỏ sự đồng thuận lưỡng đảng về mối đe dọa mà ĐCSTQ đặt ra. “An ninh lương thực là an ninh quốc gia,” các nhà lập pháp ở cả hai đảng liên tục lặp lại trong suốt phiên điều trần.
Ông Josh Gackle, chủ tịch Hiệp hội Đậu nành Mỹ quốc, đã chia sẻ với các nhà lập pháp về sự thống trị của Trung Quốc khi là một điểm đến xuất cảng cho nông dân trồng đậu nành Hoa Kỳ.
Trung Quốc chiếm hơn một nửa tổng lượng xuất cảng đậu nành của Hoa Kỳ trong năm tiếp thị 2022/2023 của loại nông sản này, tức từ ngày 01/09/2022 đến ngày 31/08/2023. Tổng trị giá là 32.6 tỷ USD trong năm 2023, trong đó Trung Quốc đã mua 18.8 tỷ USD, và điểm đến xuất cảng lớn thứ hai là khoảng 3.3 tỷ USD.
“Quy mô lớn về nhu cầu đậu nành của Trung Quốc – hơn 60% lượng đậu nành nhập cảng toàn cầu – không thể thay thế được. Cứ một trong ba luống đậu nành trồng ở Hoa Kỳ sẽ được xuất sang Trung Quốc,” ông Gackle cho biết, mô tả mức độ phụ thuộc hiện nay vào Trung Quốc.
Để đa dạng hóa thị trường, ông xác định Đông Nam Á là điểm đến tiềm năng. Tuy nhiên, việc phát triển thị trường mới có thể khá tốn kém. Do đó, ông ủng hộ mối quan hệ đối tác công-tư ở Hoa Kỳ và các khoản phân bổ ngân sách tương ứng trong dự luật nông trại tiếp theo, dựa trên lịch trình cập nhật 5 năm theo quy định của pháp luật.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times