Mọi chuyện lớn nhỏ trong đời, phải chăng đều do Thần an bài?
Có câu nói rằng “mệnh do trời định.” Điều này có thật hay không? Nói đến đại sự trong cuộc đời thì không có gì lớn hơn sinh tử, phải chăng số mệnh từ lúc sinh ra đã được định sẵn rồi? Nếu là vậy, những sự việc lớn nhỏ trong đời, Thần sẽ quản đến mức độ nào? Có phải mọi việc, từ những việc lớn như quan lộc, phúc ấm, đến việc nhỏ như báo ứng cho một ý nghĩ, đều do Thần an bài? Trong sách cổ có rất nhiều ghi chép, dưới đây là ba ví dụ để độc giả cùng tham khảo.
Thời khắc tử vong của con người có thể đoán trước
Trương Điền là người Đan Dương (nay thuộc phía Nam tỉnh Giang Tô), sống vào thời nhà Thanh, giỏi xem tướng số và có thể đoán được giờ qua đời của người khác. Một hôm, Trương Điền đang nói chuyện với khách thì con trai của nhà hàng xóm đến trả nợ. Trương Điền không nhận tiền, mà ngược lại bảo cậu ta hãy nhanh chóng về nhà.
Sau khi con trai nhà hàng xóm rời đi, vị khách nghi ngờ hỏi Trương Điền đã xảy ra chuyện gì?
Trương Điền nói: “Cậu bé này sắp mất.” Ông còn nói thêm một câu: “Cậu ấy không thể qua được miếu Thái Úy.”
Sau đó, lúc con trai người hàng xóm đi đến miếu Thái Úy, quả thực đã ngã xuống đất tử vong. Không chỉ vậy, Trương Điền còn đoán được thời điểm qua đời của con trai mình.
Trương Điền có một người con trai làm nghề mua bán hàng hóa. Có một lần, anh ta chuẩn bị qua sông mua hàng. Vào ngày xuất hành, Trương Điền chuẩn bị rượu và thức ăn để tiễn con trai mình. Lúc đó, Trương phu nhân thấy đồ ăn và rượu trên bàn nhiều hơn bình thường, cảm thấy thắc mắc.
Biết thê tử nghi ngờ, Trương Điền nói với bà: “Con trai đi chuyến này, sẽ rơi xuống nước không qua khỏi. Phụ tử ân tình, sao có thể không nói lời từ biệt với nó?” Trương phu nhân lo lắng hỏi: “Vậy tại sao không ngăn nó lại?”
Trương Điền đáp: “Đây là số mệnh, có thể trốn được sao?” Trương phu nhân nghe xong vô cùng lo lắng, sao có thể làm ngơ trước cái chết của con trai mình, bà lập tức ngăn cản con trai đi chuyến này. Tuy vậy, vài ngày sau, người con trai trượt chân ngã vào một cái vại nước lớn và chết đuối. Số mệnh đã định anh ta sẽ chết đuối, nước sông đổi thành nước trong vại, tai họa khó tránh khỏi. Tuổi thọ có định số, con người muốn kéo dài cũng không thể.
Phúc họa thiên định, Ngụy Trưng tự thân nghiệm chứng
Phải chăng chuyện bổng lộc quan chức là phúc vận mà mọi người hằng mơ ước cũng được trời định trong mệnh?
Vào thời nhà Đường, khi Ngụy Trưng nhậm chức Bộc xạ (tương đương với chức Tể tướng), dưới ông có hai viên quan phụ trách các việc. Có một lần, Ngụy Trưng muốn nghỉ ngơi một chút. Ông vừa mới nằm xuống, liền nghe thấy hai người này đứng trước cửa sổ thảo luận gì đó. Một người nói: “Chức vụ của chúng ta, đều là do vị lão tiên sinh này quyết định.” Người kia nói: “Đều là do trời định.”
Sau khi Ngụy Trưng nghe vậy, trong lòng nảy ra một ý nghĩ. Ông bèn viết một bức thư, sau đó sai viên quan từng nói “lão tiên sinh này quyết định” đưa thư đến chỗ Thị lang. Trong thư nói, “Xin hãy ban cho người này một chức quan tốt,” và tất nhiên viên quan này không biết nội dung bức thư. Tuy nhiên, người này vừa ra khỏi cửa thì cảm thấy bị đau ngực, nên đành ủy thác cho người đã nói “trời định” đi chuyển thư.
Sang ngày hôm sau, người nói “trời định” được lưu lại, còn người nói “lão tiên sinh quyết định” bị chuyển đi nơi khác làm quan địa phương. Ngụy Trưng rất khó hiểu, mãi sau khi hỏi hai người họ thì mới biết được chuyện “khéo hợp” xảy ra vào ngày hôm đó. Ngụy Trưng cảm thán nói: “Bổng lộc quan chức là do trời định, quả đúng không sai!”
Khởi một niệm ghen tị liền bị báo ứng
Vào thời nhà Thanh, ở thành phố Dương Châu có một người mù họ Nghê (Nghê hạt tử) không người thân thích, sống nương nhờ trong miếu Thành Hoàng ở phủ Cựu Thành, kiếm sống bằng nghề bói toán. Nếu gặp trời mưa gió, không có khách đến xin bói, thì rất có thể ông ta sẽ phải nhịn đói qua đêm.
Một hôm, có một người trẻ tuổi làm ăn phát đạt dẫn theo thê thiếp đến miếu thắp hương. Xe ngựa của anh ta lộng lẫy, xung quanh có rất nhiều người hầu hạ. Nghê hạt tử trong lòng cảm thấy chua xót, liền thầm nói trước Thần: “Anh ta hạ tiện như vậy, nhưng lại giàu có; tôi vốn là thế gia đại tộc, lại đói lạnh như thế này. Ông trời không có mắt, Thần cũng không linh!”
Đêm đó, ông nằm mộng thấy đức Thành Hoàng đến thẩm vấn. Thần nói: “Tại sao ngươi kiện cáo? Mệnh anh ta là được hưởng phúc, còn ngươi trong mệnh phải chịu khổ, đều đã có định số. Ngươi còn dám ghen ghét mà oán trời trách người? Ngươi sẽ bị đưa đến huyện Nghi Chinh đánh 20 roi để trừng phạt.” Nghê hạt tử giật mình tỉnh dậy, sợ đến mức toàn thân đổ mồ hôi lạnh. Tuy nhiên, sau một năm sợ hãi lại không có chuyện gì xảy ra, ông ta cảm thấy nhẹ nhõm, nghĩ rằng đó chỉ là một giấc mộng thôi.
Vào mùa đông năm sau, chị gái của Nghê hạt tử vốn lấy chồng ở Nghi Chinh ốm bệnh qua đời. Nghê hạt tử đến đó chịu tang. Hôm đó, ông ta ở nhà chị gái, ngủ đến canh ba nửa đêm thì đột nhiên đau bụng quặn thắt không chịu nổi. Tuy nhiên, mắt nhìn không thấy, cũng không có thời gian dò dẫm nhà vệ sinh, liền mở cửa đi vệ sinh trên phố.
Vừa lúc đó có một Tuần dạ quan (quan đi tuần ban đêm) đi ngang qua. Tuần dạ quan hỏi ông ta đang làm gì, nhưng vì ông ta bị mù, không nhìn thấy người đến là ai, cho nên trì hoãn không trả lời. Tuần dạ quan thấy nghi ngờ, liền lột quần áo của ông ta và đánh hai mươi roi, làm ông ta đau đớn thống thiết. Không ngờ an bài “đưa đến huyện Nghi Chinh đánh 20 roi để trừng phạt” vào một năm trước của Thần đã được thực thi vào thời khắc này.
Toàn Phong biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ