Mexico vượt Trung Quốc trở thành cơ sở sản xuất mới cho Hoa Kỳ
Mối bang giao của Hoa Kỳ với Trung Quốc đã rạn nứt trong những năm qua, khiến việc kinh doanh ở ngoại quốc trở nên đắt đỏ hơn, và vì vậy các chuyên gia tin rằng Mexico có thể vượt Trung Quốc, trở thành quốc gia sản xuất hàng đầu cho các công ty Mỹ Quốc.
“Các công ty Mỹ và quốc tế (trong đó có các công ty Mexico) đang thiết lập và đã thiết lập hoạt động sản xuất ở Mexico trong 5 đến 7 năm qua vì quốc gia này gần với thị trường Hoa Kỳ,” ông Ricardo Rubiano, người sáng lập công ty đầu tư địa ốc RubiGroup Capital, nói với The Epoch Times. “Các sản phẩm được phân phối nhanh chóng vào thị trường Hoa Kỳ. Chúng ta có mối quan hệ văn hóa với Mexico mà chúng ta hiểu rõ hơn, 30% dân số ở Hoa Kỳ sẽ là người gốc Tây Ban Nha. Vì vậy, có rất nhiều sự kết nối liên thông với một quốc gia như Mexico.”
Hiện tượng các công ty chuyển cơ sở sản xuất của họ sang Mexico và đến gần thị trường Hoa Kỳ hơn là một phần của xu hướng được gọi là “nearshoring” (Sản xuất gần quê nhà.) Đó là trường hợp một công ty cắt giảm chi phí vận chuyển bằng cách kinh doanh ở một quốc gia lân cận thay vì ở hải ngoại.
Ông Rubiano có công ty hoạt động dọc biên giới Hoa Kỳ-Mexico cho biết, “Nếu các công ty sản xuất ở Mexico thì không cần vận chuyển đường biển, không có đại dương nào phải đi qua. Quý vị có thể sản xuất một thứ gì đó và vận chuyển đến vùng đông bắc chỉ trong vài ngày thay vì mất nhiều thời gian vượt qua Kênh đào Panama để đến Houston hoặc Bờ Đông.”
Theo một báo cáo từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang Dallas, hồi đầu năm 2023, Mexico đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ với tổng giá trị thương mại song phương giữa hai nước đạt 263 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm nay.
“Sự nổi lên của Mexico đã diễn ra theo sau mối quan hệ rạn nứt của Hoa Kỳ với Trung Quốc, vốn là quốc gia đã vượt qua Canada để đạt vị trí thương mại hàng đầu [với Hoa Kỳ] hồi năm 2014. [Tuy nhiên], động lực này đã thay đổi vào năm 2018 khi Hoa Kỳ áp đặt thuế quan đối với hàng hóa của Trung Quốc và sau đó sự gián đoạn chuỗi cung ứng trong thời kỳ đại dịch đã làm thay đổi dòng chảy đầu tư và thương mại quốc tế trên toàn thế giới,” Ngân hàng Dự trữ Liên bang Dallas cho biết. “Những thành tựu của Mexico phản ánh sự vươn lên của quốc gia này trong lĩnh vực sản xuất, với một lượng chủ yếu hàng hóa đang di chuyển giữa nước này và Hoa Kỳ. Trong bốn tháng đầu năm 2023, tổng thương mại hàng hóa sản xuất giữa Mexico và Hoa Kỳ đạt 234.2 tỷ USD.”
Báo cáo từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang Dallas tiếp tục tuyên bố rằng Mexico nhập cảng vào Hoa Kỳ tổng cộng 157 tỷ USD; Xuất cảng của Hoa Kỳ sang Mexico đạt 107 tỷ USD. Thương mại Mexico-Hoa Kỳ trong bốn tháng đầu năm 2023 chiếm 15.4% tổng số hàng hóa xuất cảng và nhập cảng của Hoa Kỳ; Canada-Hoa Kỳ chiếm 15.2%, và sau đó là Hoa Kỳ-Trung Quốc với 12.0%.
Hàng trăm công ty chuyển đến Mexico
Hồi năm 2022, chính phủ Mexico đã đưa ra một thông báo nổi bật rằng hàng trăm công ty đã bày tỏ sự quan tâm về việc chuyển đến Mexico sau khi đại dịch bộc lộ những lỗ hổng của chuỗi cung ứng toàn cầu hiện tại do Trung Quốc thống trị.
“Cuộc khủng hoảng sức khỏe do COVID-19 gây ra, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, và sự suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc đã ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất và phân phối nguyên liệu thô toàn cầu và sự việc này đã tác động tiêu cực đến thị trường toàn cầu,” Bộ trưởng Kinh tế Mexico Raquel Buenrostro cho biết. “Những thách thức do các sự kiện thế giới này gây ra đã thúc đẩy sự cần thiết tăng mạnh các thị trường khu vực và các chuỗi cung ứng trong các ngành kinh tế quan trọng của quốc gia chúng ta. Chính phủ Mexico đã có thể đối diện được với cuộc khủng hoảng do đại dịch gây ra.”
Bà Buenrostro tiếp tục tuyên bố rằng Mexico đã thu hút được sự chú ý của một số quốc gia Bắc Mỹ để di dời về phía nam biên giới Hoa Kỳ-Mexico do khả năng “vượt qua giai đoạn khó khăn” của quốc gia này.
“Hiện tại có hơn 400 công ty ở Bắc Mỹ có ý định thực hiện quá trình di dời từ châu Á sang Mexico. Đây là dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng của TMEC (Hiệp ước Mexico-Hoa Kỳ-Canada), một hiệp định thương mại giúp đẩy mạnh mối quan hệ với Hoa Kỳ và Canada, đồng thời thiết lập một khuôn khổ thể chế mang lại sự chắc chắn về mặt pháp lý cho các nhà đầu tư, doanh nhân, và người tiêu dùng trong khu vực.”
Theo các chuyên gia, diễn biến này là một sự chuyển đổi đối với Mexico mà cuối cùng có thể đưa quốc gia này thay thế Trung Quốc trở thành nhà xưởng của thế giới.
“Mexico thực sự đang trải qua cái mà một số người gọi là một ‘thời điểm Mexico’ mới với các khoản đầu tư về gần quê nhà và về quê nhà đã tăng lên khi các công ty Hoa Kỳ tìm cách đa dạng hóa và rút ngắn những chuỗi cung ứng của họ,” ông Andrew Rudman, giám đốc Viện Mexico của Trung tâm Wilson, nói với The Epoch Times. “COVID-19 đã cho thấy những rủi ro của việc phụ thuộc vào chuỗi cung ứng dài dựa trên một nhà cung cấp hoặc một địa điểm duy nhất. Ngoài ra, USMCA (Thỏa thuận Hoa Kỳ-Mexico-Canada) đã tạo ra một nền tảng mạnh mẽ, có thể dự đoán được để sản xuất cho thị trường Hoa Kỳ. Mexico đã chứng kiến dòng vốn đầu tư lớn, kể cả từ Trung Quốc, vào các hoạt động kho bãi và lắp ráp, đặc biệt là ở miền bắc Mexico. Đầu tư vào các nhà máy mới cũng đang diễn ra vào thời điểm này, từ châu Á, châu Âu, và từ Hoa Kỳ.”
Cuộc đua vi mạch bán dẫn
Mexico đang tìm cách kể cả tận dụng cuộc đua phát triển chất bán dẫn mang tới sức mạnh cho điện thoại di động, máy ảnh, micrô, và các thiết bị điện tử khác bằng cách thu hút nhiều doanh nghiệp công nghệ hơn đến với quốc gia này. Theo Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn, 80% chất bán dẫn của thế giới (pdf) được sản xuất ở châu Á.
Nhưng do căng thẳng địa chính trị gia tăng và sự gián đoạn chuỗi cung ứng, việc phụ thuộc vào châu Á để sản xuất hàng trăm bộ phận cần thiết nhằm tạo ra một thiết bị di động đã khiến Hoa Kỳ rơi vào một vị thế dễ bị tổn thương.
Trong một nỗ lực đạt được chủ quyền về vi mạch bán dẫn, Hoa Kỳ đã giải ngân 52 tỷ USD để tạo chuỗi cung ứng nội địa cho các sản phẩm thông minh thông qua Đạo luật Khoa học và Chips.
Tòa Bạch Ốc cho biết trong một thông cáo báo chí, “Đạo luật Khoa học và CHIPS cung cấp 52.7 tỷ usd cho nghiên cứu, phát triển, sản xuất, và phát triển lực lượng nhân sự bán dẫn của Mỹ. Số tiền này gồm có 39 tỷ USD khuyến khích sản xuất, trong đó 2 tỷ USD dành cho các vi mạch bán dẫn kế thừa được sử dụng trong xe hơi và hệ thống phòng thủ, 13.2 tỷ USD cho R&D và phát triển lực lượng nhân sự, và 500 triệu USD để cung cấp cho các hoạt động chuỗi cung ứng bán dẫn và an ninh công nghệ thông tin quốc tế.”
Mặc dù sản xuất toàn bộ các bộ phận đó trên lãnh thổ Hoa Kỳ sẽ là một yêu cầu khó khăn, đó là lý do tại sao mối quan hệ đối tác chiến lược với Mexico để sản xuất vi mạch bán dẫn có thể mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia. Mexico đã và đang xây dựng một “thung lũng silicon” mới mà từ đó họ hy vọng sẽ gây dựng được lĩnh vực vi mạch bán dẫn theo một hành lang từ Mexico City đến các thành phố dọc biên giới Hoa Kỳ.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times