PHÂN TÍCH: Bắc Kinh muốn dùng cách đối đãi phân biệt để gây sức ép lên các nhà ngoại giao Tây phương
Mới đây, Bắc Kinh đã hủy một chuyến thăm Trung Quốc của một nhà ngoại giao hàng đầu Âu Châu nhưng lại đón tiếp một nhà ngoại giao đồng cấp khác của EU. Một chuyên gia về Trung Quốc cho biết, những chiến thuật như thế này đều là để Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) buộc các cường quốc Tây phương phải khuất phục bằng cách ra dấu hiệu phản đối những nhà ngoại giao nào thảo luận về nhân quyền hoặc các chủ đề nhạy cảm khác với ĐCSTQ.
Hôm 04/07, nữ phát ngôn viên Ủy ban Âu Châu (EC) Nabila Massrali cho biết, Bắc Kinh đã gửi một thông báo cho Brussels, cho biết họ đã hủy một chuyến thăm dự kiến diễn ra hôm 10/07 của ông Josep Borrell, phó chủ tịch Ủy ban Âu Châu kiêm đại diện cao cấp về chính sách ngoại giao và an ninh.
Bà Massrali cho biết thông báo của Trung Quốc không đưa ra bất kỳ lý do nào cho việc hủy bỏ.
Hôm 02/07, Đại sứ EU tại Trung Quốc Jorge Toledo tiết lộ tại Diễn đàn Hòa bình Thế giới ở Bắc Kinh rằng ông Borrell dự kiến sẽ nêu ra “các vấn đề chiến lược” với Bắc Kinh, bao gồm những lo ngại của EU về hồ sơ nhân quyền của nước này và việc nước này ủng hộ cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine.
Trong khi đó, ông Frans Timmermans, một phó chủ tịch khác của Ủy ban Âu Châu và là trưởng đoàn đàm phán về các vấn đề khí hậu, đã đến thăm Trung Quốc và hôm 04/07 đã tổ chức “đối thoại cao cấp về môi trường và khí hậu” với phó thủ tướng Trung Quốc Đinh Tiết Tường.
Theo một bản tin từ Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận của nhà nước Trung Quốc, ông Timmermans cũng đã có một cuộc phỏng vấn ngắn sau cuộc đối thoại này.
Ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), cựu giáo sư tại Đại học Sư phạm Thủ đô ở Bắc Kinh, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times hôm 09/07 rằng hai quan chức hàng đầu của Ủy ban Âu Châu đã bị đối xử khác nhau khi họ bàn luận với ĐCSTQ về các chủ đề khác nhau.
Ông Lý cho hay, chắc chắn Bắc Kinh muốn né tránh các cuộc đàm phán với ông Borrell, vì nhân quyền là một điểm yếu chí tử của chế độ này.
Ông nói rằng “Bắc Kinh nhận thức rõ rằng EU không hài lòng [về việc nước này ủng hộ Nga trong cuộc chiến với Ukraine], và họ không thảo luận gì thêm vì họ không có ý định thực hiện bất kỳ thay đổi nào” về những vấn đề này.
Mặc dù các vấn đề về khí hậu không quan trọng đối với ĐCSTQ, nhưng ông Lý nói, “Bắc Kinh có thể dễ dàng cam kết [về khí hậu] rồi bỏ mặc không làm gì cả về vấn đề này,” như đã từng làm trước đây.
Sự phân biệt đối xử của Bắc Kinh dành cho các quan chức hàng đầu của EU diễn ra sau khi EU đưa ra chiến lược giảm thiểu rủi ro phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc hôm 20/06.
Châu Âu đang định hình lại mối quan hệ với Trung Quốc do phản ứng hà khắc của ĐCSTQ đối với COVID-19, các hành vi vi phạm nhân quyền gia tăng, vị thế quân sự, và các mối lo ngại về an ninh khác.
Bà Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy ban Âu Châu, cho biết vào ngày 30/03 rằng, “Cách Trung Quốc đáp ứng nghĩa vụ quốc tế về nhân quyền sẽ là một phép thử khác về cách thức — và mức độ chúng ta có thể hợp tác với Trung Quốc.”
Kể từ khi EU thay đổi chính sách, ĐCSTQ đã cố tình tỏ rõ một thái độ khác đối với các quan chức EU.
Ông Lý cho biết, “Việc hủy chuyến thăm Trung Quốc của một nhà ngoại giao có thể được xem là áp dụng một biện pháp gây áp lực nhằm cảnh báo EU không nên quá cứng rắn với ĐCSTQ, bằng không sẽ nhận lấy một bài học.”
Tuy nhiên, ông tin rằng các quốc gia thành viên EU sẽ không bị áp bức đến mức phải thay đổi chính sách của mình.
Ông nói: “Họ sẽ không thay đổi quan điểm của mình theo thái độ của Trung Quốc cộng sản và sẽ không trở nên thân cộng chỉ vì ĐCSTQ dành cho họ những ưu ái và sự đón tiếp chất lượng cao.”
Cách đối xử với bà Yellen và ông Blinken
Thuật ngoại giao phân biệt của Bắc Kinh không chỉ dành riêng cho các quan chức EU; Các quan chức Hoa Kỳ cũng đã nhận được thông điệp rõ ràng của chế độ này rằng họ chào đón những nhà ngoại giao như thế nào.
Ngày 09/07, Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen đã kết thúc chuyến thăm Trung Quốc kéo dài bốn ngày.
Bà Yellen đã gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, Phó Thủ tướng Hà Lập Phong, Giám đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Dị Cương (Yi Gang), bí thư đảng ủy ngân hàng Phan Công Thắng (Pan Gongsheng), và nguyên Phó Thủ tướng đã về hưu Lưu Hạc (Liu He).
Mặc dù bà Yellen đã chỉ trích ĐCSTQ, nhưng bà vẫn tiếp tục phong cách của các bài diễn văn trong nước của mình ở Hoa Kỳ, vốn phản đối việc Hoa Kỳ tách rời khỏi Trung Quốc.
Trong chuyến thăm Trung Quốc, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin về bà Yellen nồng nhiệt và thân thiện hơn.
Trong cuộc gặp với bà Yellen, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã nhắc đến việc vào ngày bà đến thăm, một cầu vồng đã xuất hiện trên bầu trời Bắc Kinh để ví von với mối bang giao Hoa Kỳ–Trung Quốc: “Sau cơn giông bão, quý vị sẽ thấy cầu vồng.”
Truyền thông nhà nước cũng bình luận về kỹ năng dùng đũa thành thạo của bà Yellen khi bà thưởng thức các món ăn Vân Nam.
Trái với trường hợp của bà Yellen, sự đón tiếp của Bắc Kinh dành cho Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken dường như là một minh chứng công khai về lập trường cứng rắn của họ đối với Hoa Kỳ.
Nhiều hãng truyền thông ngoại quốc lưu ý rằng khi ông Blinken bước xuống phi cơ ở Bắc Kinh hôm 18/06, không có thảm đỏ trải trên sàn phi trường, thậm chí thảm đỏ ở hành lang cũng bị dỡ bỏ.
Một bản tin từ The Washington Times cho biết, “Qua sự đón tiếp sơ sài của mình, Bắc Kinh có ý định gửi một thông điệp tới Hoa Thịnh Đốn.”
Những bức ảnh ghi lại khoảnh khắc ông Blinken bước trên vạch đỏ được vẽ trên sân của phi trường cũng làm dấy lên nhiều đồn đoán. Một bài đăng trên WeChat của phóng viên tên Liu Hong của Tân Hoa Xã, tuyên bố: “Phía Hoa Kỳ không biết ‘lằn ranh đỏ’ của Trung Quốc sao?”
Truyền thông nhà nước đưa tin về cuộc gặp kéo dài gần bảy tiếng đồng hồ giữa ông Blinken và người đồng cấp Tần Cương nhưng không đề cập đến những gì ông Blinken nói. Theo bản tin của Tân Hoa Xã, ông Tần nhấn mạnh rằng “hiện tại, các mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đang ở thời kỳ xuống thấp nhất kể từ khi thiết lập mối bang giao” và nhấn mạnh rằng “vấn đề Đài Loan là cốt lõi trong các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc” và là “nguy cơ nổi bật nhất.”
“ĐCSTQ biết rằng ông Blinken đến đó để truyền đạt lập trường của Hoa Kỳ cho ĐCSTQ,” ông Lý nói. “Khi ĐCSTQ không thể thay đổi một quyết định của Hoa Kỳ, thì chỉ đơn giản là họ bày ra cái mà họ gọi là một đường lối cứng rắn để thể hiện sự bất bình.”
Nhưng theo ông Lý, ĐCSTQ sẽ không dám cắt đứt mối bang giao với Hoa Kỳ. Ông nói: “ĐCSTQ không có năng lực, lòng can đảm, cũng như sức mạnh để đối đầu với Hoa Kỳ, vì vậy họ chỉ đang diễn trò.”
Ngoài ra, “việc đối đãi tốt hơn với bà Yellen có thể được sử dụng để đánh lừa người dân Trung Quốc: Nếu các quan chức Hoa Kỳ tỏ thiện chí với chúng tôi và thay đổi lập trường, thì chúng tôi sẽ dành cho họ một mức độ lịch sự nhất định,” ông Lý nói về chiến lược của Bắc Kinh.
Các triển vọng ngoại giao của ĐCSTQ
Theo ông Lý, ĐCSTQ sử dụng chiến thuật này trong ngoại giao — đối xử với các nhà ngoại giao khác nhau bằng các thái độ khác nhau — để cho công chúng thấy rõ mức độ không hài lòng của họ đối với từng nhà ngoại giao.
Về thái độ thô lỗ của ĐCSTQ đối với các nhà ngoại giao Tây phương, ông Lý cho biết điều đó nhấn mạnh sự bất lịch sự của ĐCSTQ khi họ đang ở trong tình trạng quá sa đà vào các vấn đề quốc tế mà bỏ qua các nghi thức ngoại giao cơ bản.
Bản tin có sự đóng góp của Kane Zhang and Reuters
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times