Mạng xã hội cũng khả dĩ, nhưng với bạn cũ thời trung học thì những cái ôm và gặp mặt trực tiếp vẫn tốt hơn
Nhiều người cho rằng các ứng dụng kết nối là “con dao hai lưỡi” cho những dịp hội ngộ
FALLON, Nevada—Bà Joann McGruder ở Idaho thiên về bảo tồn những giá trị truyền thống khi so sánh một nền tảng mạng xã hội phổ biến như FaceTime với một câu nói mà ngày xưa người ta thường nói trực tiếp với nhau, “A tôi nhớ ra cậu rồi!”
Bà McGruder cho biết, vô luận là thời đại và công nghệ kỹ thuật số có thay đổi không ngừng, mang đến những cách thức mới để mọi người giao lưu tiếp xúc với nhau trên mạng hay không gian ảo đi chăng nữa, thì vẫn không có gì có thể thay thế được một nụ cười ấm áp và một cái ôm thật chặt từ một người mà quý vị đã không gặp trong nhiều năm.
Vì điều đó, bà McGruder, 78 tuổi — một cựu học sinh của Khóa tốt nghiệp năm 1993 vốn đã ít người và ngày càng ít người hơn tại Trường Trung học Quận Churchill — đã thu dọn hành lý, lên xe, và sau đó lái xe gần 500 dặm (khoảng 804 km) đến Fallon, Nevada, để tham dự cuộc hội ngộ thường niên dành cho cộng đồng [cựu học sinh] toàn quận vào ngày 19/08 vừa qua.
“Tôi đã không đến đây trong bảy hoặc tám năm,” bà McGruder nói về quê hương cũ của mình, khi đang quan sát những vị khách đặt chân đến Công viên Oats đẹp như tranh vẽ ở Fallon — những gương mặt đã từng rất thân thương với bà khi xưa.
“Có rất nhiều người tôi chưa từng gặp. Có rất nhiều người cao niên ở đây. Và tôi nghĩ tôi biết vài người trong số họ.”
Vài người bạn cùng lớp, bà Patty Lewis, trông trẻ trung trong chiếc áo sơ mi ngắn tay và quần jean, và bà Kathy Weishaupt lúc nào cũng tươi cười vui vẻ, là những người bạn cùng thế hệ với bà.
Và còn có những người khác — khoảng 60 bạn cùng lớp — giảm khoảng 42 người so với sĩ số ban đầu của khóa là 108 người, một kết quả tất yếu của cuộc sống cũng như của thời gian.
Bà McGruder biết ơn mạng xã hội vì đã giúp ban tổ chức kết nối các bạn cùng lớp của bà lại với nhau trên tinh thần tình bạn.
Những cựu học sinh đã tốt nghiệp này cùng nhau tổ chức buổi tiệc tối họp lớp lần thứ 60 của họ vào đêm hôm trước.
“Tôi đã giữ liên lạc với một vài người bạn thời trung học của mình mà tôi sẽ không thể làm được [nếu không có mạng xã hội],” bà McGruder nói. “Vì vậy, đây là mặt tốt.”
Ảnh hưởng nguy hiểm
“Tôi có nghĩ mạng xã hội có hại hay không? Vâng, thưa ông. Nó rất có hại,” bà nói về mạng xã hội nói chung. “Mạng xã hội gây tổn hại cho trẻ nhỏ. Bọn trẻ sẽ chúi mũi vào [chiếc điện thoại di động] này, chúng sẽ đắm chìm vào các trò chơi.”
Một số học sinh đã tốt nghiệp thậm chí có thể quyết định không tham dự các cuộc tụ họp lớn như cuộc hội ngộ thường niên của thành phố Fallon, Quận Churchill, cũng như giữ liên lạc với các bạn cùng lớp của họ trên mạng xã hội.
Chỉ một vài người trong số 106 học sinh tốt nghiệp niên khóa 2013 tại trường Trung học Quận Churchill tham dự sự kiện toàn cộng đồng hôm 19/08.
Bà Kelsey Harriman, cựu học sinh niên khóa 2012, cho biết khi đang giúp bạn mình là bà Darcy Tedford dựng lều trại cho Khóa 2013: “Chỉ có sáu người có mặt — đúng vậy, thật đáng buồn.”
Như những gì bà Harriman đang chứng kiến, mọi người đều tất bật hối hả với cuộc sống và sự nghiệp của mình, cho nên mạng xã hội luôn giúp họ kịp thời cập nhật tình hình của mọi người hay mọi việc đang diễn ra ngoài kia.
Vấn đề là trong khi những sinh viên trẻ mới tốt nghiệp có thể “nghĩ rằng họ đang được kết nối” trên mạng xã hội, nhưng thực tế “họ chẳng kết nối gì cả.”
Phần thiếu sót trong phương trình này là sự kết nối thân thương đó — điều mà ca sĩ kiêm nhạc sĩ Bruce Springsteen gọi là “sự tiếp xúc giữa con người với nhau.” Mọi người vẫn muốn cười, bắt tay, ôm nhau, và hồi tưởng lại quá khứ khi họ đối diện với nhau.
Bà Harriman nói với The Epoch Times: “Tôi nghĩ khi chúng ta già đi, chúng ta sẽ muốn kết nối trực tiếp nhiều hơn chứ không phải kết nối từ phương diện mạng xã hội.”
“Mạng xã hội bây giờ rất tiện lợi, nhưng tôi không nghĩ việc duy trì các mối quan hệ trên đó là thực tế.”
Tuy nhiên, bất chấp sự xâm nhập của mạng xã hội và những trở ngại tạm thời như COVID-19 — vốn khiến nhiều buổi họp lớp của cựu học sinh bị hủy bỏ vào năm 2020 — truyền thống hội ngộ thường niên của trường trung học vẫn sẽ được duy trì. Tiến sĩ Markus Pfeiffer, giáo sư truyền thông kiêm nhà nghiên cứu mạng xã hội tại Đại học Regent ở Virginia, cho biết: “Tôi nghĩ sẽ luôn có những người nói rằng, ‘Tôi muốn được ôm các bạn cùng lớp của tôi thêm một lần. Tôi không muốn làm điều này qua tương tác ảo hoặc trực tuyến. Tôi muốn được khiêu vũ với họ. Tôi muốn hồi tưởng lại những kỷ niệm với họ — uống với họ, mặt đối mặt một lần nữa.”
Ông nói mạng xã hội cho phép các bạn cùng lớp giữ liên lạc với nhau trong không gian mạng, vượt qua thời gian, khoảng cách, nơi ăn chốn nghỉ, và các chi phí đi lại khác. Tiến sĩ Pfeiffer nói với The Epoch Times rằng phương tiện truyền thông xã hội cũng rất hữu ích trong việc tìm kiếm bạn cùng lớp ở một số khóa nhất định.
“Mạng xã hội đang trở thành một công cụ tìm kiếm — không chỉ Google. Mạng xã hội đang trở thành một công cụ tìm kiếm những người bạn cùng lớp đã mất liên lạc từ lâu và kết nối họ lại với nhau cũng như gửi lời mời đến họ,” ông nói.
“Họ được kết nối trên Facebook, Linked In, và Instagram. Họ gặp nhau hàng ngày hoặc hàng tuần [qua tương tác ảo hoặc trực tuyến], điều mà bạn cùng lớp sẽ làm nếu muốn giữ liên lạc với họ.”
‘Con dao hai lưỡi’
Tuy nhiên, Tiến sĩ Pfeiffer nói, kênh truyền thông xã hội có thể là con dao hai lưỡi.
Mặc dù truyền thông xã hội có thể gắn kết mọi người lại với nhau trong thực tế ảo, nhưng công cụ này có thể cho họ một lý do để không tham dự các sự kiện xã hội như các cuộc hội ngộ ở trường trung học.
Tiến sĩ Pfeiffer cho biết: “Sở thích của mọi người thay đổi. Các mối quan hệ của mọi người thay đổi. Những người bạn mà họ có ở trường trung học có thể đã dần dần không còn quan trọng nữa, và họ ít muốn gặp những người này hơn.”
“Theo năm tháng, sự quan tâm đó có phần mờ nhạt đi một chút. Nhưng những ai xem trọng những mối quan hệ này vẫn sẽ tiếp tục.”
“Tôi không nghĩ cuộc hội ngộ trung học này đã bị lãng quên, nhưng chắc chắn là mọi chuyện đang thay đổi liên quan đến sự ảnh hưởng của mạng xã hội. Mạng xã hội chắc chắn là một công cụ vớt vát cho sự suy giảm đó.”
Việc tham dự các cuộc hội ngộ cũng có thể đặt ra những thách thức về tình cảm, tài chính, và hậu cần.
Và có nhiều lý do để lảng tránh sự kiện này, từ ngoại hình già nua cho đến việc gặp lại những người bạn học cũ từng đối xử không tử tế với chúng ta ở trường trung học, cho đến việc chúng ta không đạt được ước mơ và kỳ vọng của mình.
Theo Psychology Today: “Mặt khác, những buổi hội ngộ của trường trung học có thể giúp mọi người mở mang tầm mắt. Càng nhiều tuổi thì chúng ta càng chín chắn và thông tuệ hơn.”
“Gặp lại các bạn học cũ và ôn lại những kỷ niệm xưa, dù hay dù dở, đều có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về con người hiện tại của mình và làm thế nào chúng ta đến được đây.”
Ông Fred Miller, cựu học sinh khóa 1978 tại trường trung học Quận Churchill, cười mấy bạn cùng lớp đã giơ tay ủng hộ ý tưởng rằng ông ấy rất có khả năng không sống tới 50 tuổi — “thế mà đến thứ Ba này là tôi tròn 63 tuổi đấy.”
Sinh ra và lớn lên ở Fallon, khi đang trò chuyện với các bạn học cũ dưới căn lều trại nhỏ của “Khóa 78” ở Công viên Oats, ông Miller nói: “Mỗi một ngày đều là một niềm hạnh phúc.”
Những lựa chọn trong cuộc sống
Chúng ta sẽ trở thành người như thế nào sau khi tốt nghiệp trung học chủ yếu là ở sự lựa chọn của chúng ta. Vì vậy, ông Fred Miller trở thành công nhân [sản xuất] tungsten carbide tại một nhà máy địa phương và làm việc ở đó suốt 39 năm cho đến khi ông nghỉ hưu ở tuổi 59.
Ông luôn xem trọng việc giữ liên lạc với các bạn học cũ trên mạng xã hội. Nhưng ông cũng thích gặp gỡ trực tiếp các bạn học cũ và cùng nhau ôn lại chuyện xưa.
Ông Miller nói với The Epoch Times: “Tất cả chúng tôi đều liên lạc với nhau trên mạng xã hội. Nhưng rồi, chúng tôi muốn gặp nhau ở đây và nhìn thấy mọi người. Điều đó quan trọng với chúng tôi.”
Năm nay, Khóa 78 đã trực tiếp tổ chức một buổi hội ngộ lần thứ 45. Cuộc hội ngộ toàn quận thường niên này là cơ hội để mọi người gặp gỡ và giao lưu qua nhiều thế hệ.
“Tôi thích những gì mà họ đang làm cho tất cả các khóa tốt nghiệp ở đây,” Ông Miller nói. “Chúng tôi có thể gặp những người mà chúng tôi không thể gặp. Bố tôi thuộc Khóa 60. Họ gặp nhau ở nơi khác vì hầu hết trong số họ đều lên giường ngủ lúc 6 giờ chiều.”
Ông Miller cũng tự hào vì mình không phải là một trong những bạn cùng lớp có thành tích “cao nhất” ở trường trung học.
“Tôi đạt đỉnh cao sau khi tốt nghiệp trung học. Tôi vẫn ở độ tuổi 20 khi bắt đầu thành thạo môn chạy việt dã. Tôi cũng nặng tới 140 pound (khoảng 63.5kg). Điều đó không còn xảy ra nữa.”
Giống như những con rùa biển quay trở lại nơi chúng sinh ra, nhiều học sinh tốt nghiệp trung học tại cuộc hội ngộ ở Fallon, Quận Churchill cần được gặp mặt và trò chuyện trực tiếp một lần nữa — biết đâu đó lại là lần cuối cùng.
Theo Fox Business, nhìn chung, một khóa tốt nghiệp trung học gồm 330 cựu học sinh sẽ mất đi 3 người sau 10 năm tái ngộ.
Con số này tăng lên 7 người vào dịp hội ngộ 20 năm, 15 người vào dịp hội ngộ 30 năm, và 70 người vào dịp hội ngộ đánh dấu 50 năm.
Rất lâu trước khi có cuộc hội ngộ toàn cộng đồng, các sinh viên tốt nghiệp của trường Trung học Quận Churchill, được xây dựng vào năm 1917, đã tổ chức các buổi họp lớp riêng biệt 5 hoặc 10 năm một lần.
Cộng đồng sau đó đã quyết định tổ chức một sự kiện đoàn tụ quy mô lớn hơn, đại diện cho nhiều khóa tốt nghiệp tại một địa điểm, nơi công chúng có thể đến thăm và tìm hiểu về lịch sử lâu đời và phong phú của trường Trung học Quận Churchill — quê hương của Greenwave.
Các cựu học sinh trứ danh bao gồm ông Harvey Dahl, tiền vệ bóng bầu dục của đội St. Louis Rams, và ông Alan Bible, một luật sư nổi tiếng đồng thời là Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ của Nevada từ năm 1954 đến năm 1974.
Ủy ban Hội ngộ Churchill chính là nguồn động lực đằng sau nỗ lực này, để tổ chức cuộc hội ngộ toàn cộng đồng đầu tiên vào năm 2014. Sự kiện này đã trở nên sống động hơn kể từ đó với các buổi biểu diễn nhạc sống, triển lãm xe hơi, và bữa sáng cho tất cả các khóa tham gia.
Ủy ban Hội ngộ đã điều hành sự kiện này trong vài năm, và sau đó, thành phố Fallon tiếp tục đảm nhận trách nhiệm.
Giá trị của mạng xã hội
Bà Theresa Guillen, cựu học sinh của Khóa 1984 kiêm chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Churchill, cho biết mạng xã hội rất quan trọng trong việc bảo đảm cho các cuộc hội ngộ hàng năm.
“Tôi nghĩ đó là một phương tiện kết nối tuyệt vời. Tôi giữ liên lạc tốt hơn với các bạn cùng lớp của mình,” bà Guillen nói với The Epoch Times. “Là một cộng đồng nhỏ, quý vị [có thể] hiểu rõ hơn về cha mẹ, ông bà, khóa trước, hoặc khóa sau.”
Bà Guillen nói: “Đáng buồn là khóa trước năm 1983 và các khóa dưới, chúng tôi không còn nhiều người đến dự nữa.”
Nhưng khi các bạn học cũ ngày càng già đi, “người ta lại càng trân quý những mối quan hệ đó và muốn đoàn tụ khi các bạn cùng lớp lần lượt ra đi. Thế là, chúng tôi cố gắng biến mong muốn này thành hiện thực.”
Bà Guillen cũng xem mạng xã hội như một công cụ để lập kế hoạch và tìm kiếm các bạn cùng lớp ở khắp nơi.
“Có một tinh thần cộng đồng tuyệt vời ở đây. Khá nhiều người cư ngụ ở địa phương, nhưng cũng có khá nhiều người thực hiện chuyến đi từ ngoài thị trấn,” bà nói. “Thành thật mà nói, về tổng thể thì mạng xã hội cũng giúp ích ít nhiều. Tôi không thích nói rằng mạng xã hội có thể thay thế việc đi ra ngoài [trực tiếp], gặp mặt trực tiếp.”
Bà Guillen cho biết, vào năm 2020, thành phố đã hủy bỏ cuộc hội ngộ toàn quận do COVID-19, nhưng “mọi người đã sẵn sàng ra ngoài” vào năm sau.
“Tôi tin rằng có một số người ở đây vẫn đeo khẩu trang. Nhưng phần lớn mọi người đã sẵn sàng bỏ tất cả những thứ này đi và tiếp tục quay trở lại cuộc sống ngày thường.”
Theo GroupTravel.com, tháng phổ biến nhất để tổ chức họp lớp là tháng Bảy ở mức 23%, tháng Tám ở mức 21%, còn tháng Sáu và tháng Mười ở mức 12%.
Công ty cho biết trên trang web của mình: “Đúng như mong đợi, mùa hè có số lần họp lớp cao nhất. Thời tiết đẹp hơn, đi lại dễ dàng hơn, và có thể lập kế hoạch cho các hoạt động ngoài trời.”
“Việc lập kế hoạch hội ngộ vào mùa hè cũng rất thiết thực đối với các bạn cùng lớp có gia đình vốn chỉ có thể đi nghỉ trong thời gian này.”
Công ty này lưu ý rằng hơn 60% bạn học cũ cư trú tại tiểu bang quê nhà, điều này giúp xác định vị trí của mọi người [dễ dàng hơn] khi lập kế hoạch họp lớp.
Tại cuộc hội ngộ Fallon, Quận Churchill hôm 19/08, các bạn học cũ đã ca ngợi các khóa tốt nghiệp từ trên xuống dưới, từ gần tới xa — từ những năm 1950 cho đến Khóa 2013.
Mỗi khóa đều có một chiếc lều được dựng lên và những chiếc bàn chứa đầy kỷ yếu cũng như những kỷ vật khác ghi lại mọi kỷ niệm đáng nhớ của năm học.
Ông Darcy Tedford, sinh viên khóa 2013, bay đến từ Texas và làm việc trong ngành giáo dục, cho biết: “Không khó để tôi đến được đây.”
Những cái ôm sẽ tốt hơn
Từ ngày còn trẻ, bà Tedford đã nhận thấy giá trị tích cực của cuộc hội ngộ thực tế ở trường trung học — gặp gỡ và chia sẻ với các bạn học cũ của mình trực tiếp thay vì thực tế ảo.
“Tôi không nghĩ [các cuộc hội ngộ sẽ dần biến mất] trong một cộng đồng như của chúng tôi,” bà nói với The Epoch Times. “Mọi người sẽ luôn muốn giữ liên lạc với nhau. Sẽ phải nỗ lực nhiều hơn để thu hút các nhóm trẻ tuổi hơn [tham dự].”
Đối với Khóa 1973 tại trường Trung học Quận Churchill, cuộc hội ngộ toàn quận ngày 19/08 là lúc để ôn lại các năm học, quay lại thời gian, và cùng nhau rơi những giọt nước mắt hồi tưởng về những ngày còn trẻ.
Cựu sinh viên Kathie Hull cho biết các bạn học cũ của bà gần đây đã tổ chức buổi hội ngộ lần thứ 50, sử dụng mạng xã hội để kết nối và tổ chức.
Bà Hull cho biết: “Chúng tôi sử dụng mạng xã hội để kết nối và gặp gỡ nhau từ nhiều khu vực, từ đó chúng tôi có thể lập kế hoạch. Chúng tôi sử dụng mạng xã hội như một công cụ lập kế hoạch để khoe các bức ảnh về các sự kiện của mình.”
“Thành phố ủng hộ mạng xã hội. Công cụ này kết nối cộng đồng của chúng tôi.”
Ủng hộ “100%” đối với những cuộc gặp mặt trực tiếp, bạn học cũ Don Ellis cho biết ông cảm thấy rằng mạng xã hội đã “làm mất đi” niềm vui được gặp mặt trực tiếp và ông không thích cách mạng xã hội ảnh hưởng đến thế hệ trẻ.
Ông Ellis vừa cười vừa nói: “Những đứa trẻ lớn lên sẽ không có kỹ năng xã hội ở bất cứ đâu. Tôi không biết nhắn tin — hãy gọi điện thoại cho tôi! Tôi muốn nói chuyện với ai đó.”
Bà Joan Johnson, một thành viên của trường Trung học Quận Churchill Khóa 1957, tin rằng không gì có thể thay thế được những nụ cười, những cái ôm, nụ hôn, và những cái bắt tay trong các buổi đoàn tụ.
“Chúng tôi tổ chức họp lớp 10 năm một lần. Và rồi, sau năm thứ 30, chúng tôi bắt đầu tổ chức 5 năm một lần.”
“Hóa ra cuộc hội ngộ thực sự quan trọng,” bà Johnson nói với The Epoch Times khi dừng lại để chào một người bạn cũ thời trung học.
“Xin chào, Rick. Ông khỏe không? Ông chỉ uống một cốc bia thôi à? Dòng chữ trên áo phông của ông nói vậy đó.”
Bà Joann McGruder, Khóa 1963, lái xe từ miền nam Idaho đến cuộc hội ngộ ở Fallon để ở bên các bạn học cũ khi bà vẫn còn có thể.
Ngoài ra, vé máy bay sẽ có giá cao hơn rất nhiều.
Bà McGruder nói: “Tôi không muốn tự mình lái xe. Nhưng tôi rất vui vì đã làm vậy.”
Bà hài lòng vì Khóa 63 đã được chọn làm khóa danh dự của năm nay, “nhưng nếu tôi có ‘sự lựa chọn’ thì tôi đã là thành viên của Khóa 61.
Còn nhớ chuyện ngày xưa không?
“Tôi rất tôn trọng khóa đó. Có một số nhà lãnh đạo trong khóa đó, điều đó thật tuyệt vời. Có những người lớn tuổi hơn mà chúng tôi ngưỡng mộ.”
Sau khi tốt nghiệp, bà McGruder có được việc làm tại một đại lý Chevy ở địa phương. Sau đó bà đi học đại học, trở lại Fallon và dạy trung học trong ba năm.
Năm 1975, bà chuyển đến Idaho và sống ở đó kể từ đó.
Nhưng, thật vui khi được gặp lại những người bạn thời thơ ấu cũng như bạn học cũ Patty Lewis và Kathy Weishaupt và nhớ lại mọi thứ đã từng như thế nào.
Bà có nhớ ông Eddie không? Bà McGruder hỏi.
“Ông ấy từng là một chàng trai khôi ngô tuấn tú phải vậy không?” Bà Lewis nói. “Ông ấy biết cách đối xử với phụ nữ.”
Bà Lewis, giống như bà McGruder, xem tác động rộng rãi của mạng xã hội là [có cả hai mặt] “tốt và xấu.”
Mặt xấu là nó “cắt đứt” quý vị khỏi niềm vui trong những cuộc gặp gỡ cá nhân.
Bà nói thêm: “Đôi khi, quý vị nghĩ vì mình đã nhìn thấy họ trên mạng xã hội, nên quý vị không cần phải đến thăm họ.”
“Chúng ta chưa từng nghĩ [mạng xã hội] sẽ xuất hiện, phải không?” Bà McGruder nói. “Chúng tôi thậm chí còn không có máy đánh chữ điện. Đó là máy đánh chữ thủ công, và người ta sẽ có cục tẩy dạng lỏng.”
Chia tay là nỗi buồn ngọt ngào
Bà McGruder cho biết trải nghiệm của bạn học cùng thời với bà đã trở nên gần gũi hơn — và đáng nhớ hơn.
Bà và các bạn học cũ đặc biệt nhớ đến thầy Bradley, giáo viên dạy nhạc yêu thích của họ, và họ đã bật khóc như thế nào khi biết thầy đã rời đi vào năm đó.
Tất nhiên, có những mối tình thời trung học giữa các bạn cùng lớp.
“Ồ, chúng tôi sẽ không nói điều đó!” bà Kathy Weishaupt nói, bảo đảm sự thận trọng.
Và nếu bất kỳ tình yêu nào trong số những tình yêu thuở xưa đó tình cờ có mặt trong cuộc hội ngộ toàn quận năm nay, thì đó chắc chắn sẽ là một điều tốt đẹp. Mặc dù chỉ cần nhận được những cái ôm từ các bạn học cũ của khóa danh dự năm 2023 là đủ.
Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times