Lý do và ý nghĩa của việc các nhà đầu tư ngoại quốc rời khỏi Trung Quốc
Các nhà đầu tư ngoại quốc có ý định đầu tư vào chứng khoán Trung Quốc đã nhận ra rằng chứng khoán Trung Quốc hầu như không thay đổi trong 20 năm qua.
Các nhà đầu tư ngoại quốc đang đào thoát khỏi Trung Quốc. Dòng đầu tư tài chính chảy vào cổ phiếu và trái phiếu được giao dịch đã chuyển sang âm, đầu tư trực tiếp ngoại quốc (FDI) đổ vào việc xây dựng các nhà máy và doanh nghiệp cũng vậy.
Tại sao các nhà đầu tư đột nhiên trở nên tiêu cực về Trung Quốc? Điều này sẽ có tác động gì đến nền kinh tế Trung Quốc trong dài hạn?
Cho dù là các khoản đầu tư vào Trung Quốc hay nơi khác, không có một lý do duy nhất nào mà có rất nhiều lý do khiến một khoản đầu tư được thực hiện hoặc bị từ chối. Các nhà đầu tư, cho dù là nhà quản lý quỹ phòng hộ hay các tập đoàn đa quốc gia đang xây dựng nhà máy, đều có động cơ là lợi nhuận. Trong nhiều năm, thị trường Trung Quốc được xem là một nơi kiếm tiền tức thì, và thị trường này luôn nằm ngoài tầm với [của các nhà đầu tư].
Các công ty hoạt động ở Trung Quốc thường phải tham gia vào các liên doanh hoặc chuyển giao lợi thế cạnh tranh của họ, chẳng hạn như công nghệ, thứ mà nhiều người nhanh chóng nhận thấy là sẽ bị chuyển sang các công ty hoặc đối thủ cạnh tranh khác. Các ngân hàng ngoại quốc và các nhà quản lý tài sản luôn mong đợi trường lớn này mở cửa để họ có thể cạnh tranh kinh doanh, vốn là chuyện chưa bao giờ xảy ra. Các quan chức Trung Quốc rất giỏi trong việc đưa ra những lời đề nghị vừa đủ để thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp nhưng hiếm khi mang lại bất cứ điều gì thực chất. Các nhà đầu tư ngoại quốc có ý định đầu tư vào chứng khoán Trung Quốc đã học được một cách khó khăn rằng chứng khoán Trung Quốc hầu như không thay đổi trong 20 năm qua. Vấn đề đầu tiên mà Trung Quốc phải đối mặt là có quá nhiều nhà đầu tư bị thua lỗ ở Trung Quốc.
Chính trị đã góp phần vào nguyên nhân khiến các dòng tiền chảy ra ngoài. Trước khi ông Tập Cận Bình nhậm chức và kể cả trong những năm đầu cầm quyền của ông, các doanh nghiệp ngoại quốc hoạt động tại Trung Quốc đã kiếm đủ tiền để bù đắp cho những rủi ro và sự đánh đổi cần thiết này. Tuy nhiên, để đặt ra một đường phân chia rõ ràng, thì sau vụ giam giữ hai công dân Canada Michael Spavor và Michael Kovrig, cách tiếp cận đối với người ngoại quốc và doanh nghiệp ngoại quốc đã thay đổi.
Sau cuộc Khủng hoảng Tài chính Toàn cầu (2007-2008), đối với một quản lý cấp thấp đầy tham vọng tại tập đoàn đa quốc gia (MNC), kinh nghiệm làm việc tại Trung Quốc từng được xem như một đặc điểm được săn đón cho vị trí quản lý cao cấp. Thêm các gói lương hậu hĩnh vào đó, thì các doanh nghiệp và nhân viên đã nóng lòng đón những chuyến bay đầu tiên [tới Trung Quốc]. Nhưng với việc các doanh nghiệp được yêu cầu cung cấp cho Bắc Kinh quyền truy cập vào hầu hết mọi công nghệ, thư điện tử và mạng nội bộ, cùng với luật an ninh quốc gia hà khắc, và một thị trường được bảo vệ nghiêm ngặt, vô số rủi ro mà các doanh nghiệp ngoại quốc phải đối mặt đã khiến nhiều người cho rằng những khó khăn này là không đáng so với lợi nhuận tiềm năng.
Các doanh nghiệp ở Trung Quốc phải đối mặt với những hạn chế nghiêm trọng của nhà nước: một doanh nghiệp ở Trung Quốc sẽ mãi mãi là một doanh nghiệp ở Trung Quốc. Một công ty quốc tế quyết định nơi đầu tư, thuê ngoài, hoặc xây dựng giờ đây đang có nhiều lựa chọn, trong đó có Việt Nam, Ấn Độ, Đức, và Hoa Kỳ. Còn Trung Quốc thì hiện đang phải cạnh tranh để giành dòng vốn di động quốc tế mà, cho đến nay, dường như họ không quan tâm đến việc cạnh tranh.
Vậy tác động của việc đầu tư ngoại quốc rời khỏi Trung Quốc là gì?
Không có tác động nào trong số này là tốt cho Trung Quốc hay phần còn lại của thế giới.
Trung Quốc từng được hưởng lợi rất nhiều từ việc mở cửa thị trường. Từ những tác động lan tỏa có được từ việc các công ty và nguồn nhân lực địa phương tham gia cạnh tranh cũng như làm việc cho các công ty ngoại quốc, cho đến dòng chảy của công nghệ và các đồng ngoại tệ mạnh, Trung Quốc đã thu được lợi ích đáng kể từ việc tương tác trực tiếp với các doanh nghiệp ngoại quốc và tiến hành giao dịch ngoại thương.
Việc các doanh nghiệp và dòng đầu tư ngoại quốc đang tìm kiếm các điểm đến khác đang gây ra một số tác động rõ rệt. Đầu tiên, các công ty sẽ ít ủng hộ Trung Quốc hơn. Trên thực tế, Trung Quốc giao nhiều nỗ lực giống như là vận động hành lang các nền dân chủ cho các công ty và tổ chức [ngoại quốc hoạt động] ở Trung Quốc. Sẽ là khó khăn hơn nhiều để các doanh nghiệp vận động hành lang các đại diện của quốc gia họ hoặc các công ty khác khi họ chuyển đi nơi khác.
Thứ hai là sự tìm kiếm đầu tư và thương mại để đa dạng hóa khỏi Trung Quốc và chuyển sang các nước khác. Ấn Độ và Việt Nam cũng như các điểm đến khác ở Đông Nam Á đang được hưởng lợi từ việc các công ty rời khỏi Trung Quốc. Thương mại và đầu tư quốc tế không biến mất; các hoạt động này chỉ tìm kiếm những điểm đến mới mà thôi.
Thứ ba, dự kiến Trung Quốc sẽ trở nên ngày càng hạn chế hơn đối với các hoạt động kinh doanh và đầu tư hiện hữu, cả ở trong nước và quốc tế, dù đó là đầu tư vào hay thoái vốn rời đi. Mới đây Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã công bố các biện pháp xác minh đối với các giao dịch mua trên 50 triệu USD, áp dụng cho cả các doanh nghiệp nhà nước. Mặc dù nhiều người kỳ vọng Trung Quốc sẽ đảo ngược [đường hướng trước đây] và tìm kiếm dòng vốn quốc tế, nhưng kỳ vọng này chỉ đơn giản là không nắm bắt được bản chất tình hình ở Trung Quốc.
Thứ tư, dự kiến Trung Quốc sẽ tiếp tục có mức tăng trưởng năng suất yếu. Các doanh nghiệp ngoại quốc, và cả doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc, là những doanh nghiệp có năng suất và sáng tạo nhất ở Trung Quốc. Với việc các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp ngoại quốc ngừng hoạt động hoặc phải đối diện với những hạn chế nghiêm ngặt, thì bối cảnh này sẽ cản trở sự đổi mới và làm giảm tốc độ tăng trưởng năng suất vốn dĩ đã ở mức thấp. Tuy nhiên, đừng mong đợi Trung Quốc ngừng tăng trưởng, và cũng không nên kỳ vọng một nền kinh tế lành mạnh, năng động, và cạnh tranh.
Thứ năm, khi các nhà đầu tư rời đi, thì có thể Bắc Kinh sẽ thắt chặt các hạn chế đối với giao dịch ngoại hối. Người Trung Quốc đã đang sử dụng nhiều phương cách khác nhau để chuyển USD ra khỏi Trung Quốc hoặc bảo đảm dòng Mỹ kim này không bao giờ chảy vào, khiến các nhà quản lý ngoại hối Trung Quốc phải đau đầu. Trung Quốc rất cần USD để duy trì hoạt động thương mại quốc tế và tăng lượng tiền. Điều này có nghĩa là các nhà quản lý sẽ tiếp tục thắt chặt thương mại và dòng vốn để bảo đảm đạt được sự cân bằng mong muốn. Nếu họ không nhận được nhiều từ ngoại quốc, thì điều đó có nghĩa là họ phải ngừng việc để tiền chảy ra ngoại quốc. Xu hướng thắt chặt đó sẽ chỉ trở nên nghiêm trọng hơn.
Các nhà đầu tư đang không kiếm được tiền ở Trung Quốc, còn chính trị thì chỉ tăng thêm những rủi ro, mà chính trị thì lại khó mà thay đổi sớm. Khi dòng tiền tìm kiếm những điểm đến khác, thì hãy dự kiến sự thắt chặt và kém hiệu quả hơn khi Trung Quốc trở nên cứng rắn hơn.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times