Lưỡng đảng kêu gọi loại Nam Phi khỏi hiệp ước thương mại của Hoa Kỳ
JOHANNESBURG — Các chính trị gia quyền lực của Mỹ muốn Nam Phi, quốc gia có mức công nghiệp hóa cao nhất và là nền kinh tế lớn thứ hai của châu lục, bị loại khỏi thỏa thuận thương mại lớn nhất của Hoa Thịnh Đốn với châu Phi vì “tham gia vào các hoạt động làm suy yếu an ninh quốc gia hoặc chính sách ngoại giao phục vụ lợi ích của Hoa Kỳ.”
Nam Phi nằm dưới sự lãnh đạo của [đảng cầm quyền] Đại hội Dân tộc Phi (ANC), vốn xem Trung Quốc, Iran, và Nga là những “người bạn lớn nhất” của mình.
Trung Quốc và Liên Xô cũ đã ủng hộ cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc của ANC bằng vũ khí, tiền bạc, và huấn luyện quân sự.
Tuần trước (06-12/11), Nam Phi đã chủ trì diễn đàn thường niên về Đạo luật Cơ hội và Tăng trưởng Phi Châu (AGOA) tại Johannesburg.
Đạo luật này, do tổng thống Bill Clinton ký năm 2000, có nghĩa là 33 quốc gia đủ điều kiện ở khu vực châu Phi Hạ Sahara có thể xuất cảng hơn 1,800 loại mặt hàng — từ kim loại quý đến xe cộ, hoa, trái cây, và rau quả — sang Hoa Kỳ mà không phải trả thuế.
Năm 2022, theo chính phủ Hoa Kỳ, các nước AGOA đã xuất cảng lượng hàng hóa trị giá 10.2 tỷ USD sang thị trường Mỹ.
Cho đến nay, Nam Phi là nước hưởng lợi lớn nhất, thu về gần 3 tỷ USD — doanh thu mà nước này sẽ không có được nếu không tiếp cận được các lợi thế từ AGOA.
Số tiền này chủ yếu đến từ việc xuất cảng miễn thuế các mặt hàng kim loại, đồ trang sức, và xe cộ sang Hoa Kỳ.
Kể từ năm 1994, chính phủ ANC đã vướng phải các cáo buộc tham nhũng nghiêm trọng, với hết vụ bê bối này đến vụ bê bối khác liên quan đến các quan chức cao cấp tham ô quỹ công.
Người dân và các đảng đối lập cáo buộc chính phủ quản lý đất nước yếu kém, bằng chứng là các dịch vụ cơ bản giảm nhanh chóng và tỷ lệ thất nghiệp (35%) cao nhất thế giới.
Để đủ điều kiện tham gia AGOA, các quốc gia phải đáp ứng các điều kiện mà chính phủ Hoa Kỳ đặt ra.
Những điều kiện này bao gồm ủng hộ dân chủ; bảo vệ nhân quyền; dỡ bỏ các rào cản đối với thương mại và đầu tư của Hoa Kỳ; và không tham gia vào các hoạt động làm suy yếu an ninh quốc gia hoặc lợi ích chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ.
Ngay trước khi diễn đàn bắt đầu vào hôm 09/11, Tổng thống Biden đã chấm dứt tư cách thành viên của bốn quốc gia vì không đáp ứng đủ điều kiện, bao gồm: Cộng hòa Trung Phi, nơi có sự hiện diện dày đặc của tập đoàn lính đánh thuê Wagner của Nga và chế độ này bị cáo buộc vi phạm nhân quyền trắng trợn; Gabon và Niger, nơi xảy ra các cuộc đảo chính trong năm nay; và Uganda, năm nay đã thực hiện luật chống LGBT, bao gồm cả án tử hình đối với các hoạt động đồng tính luyến ái.
Giờ đây, các thành viên có ảnh hưởng của cả Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa đang kêu gọi Tổng thống Biden bổ sung Nam Phi vào danh sách này.
Thượng nghị sĩ Chris Coons (Dân Chủ-Delaware) đã soạn thảo một Dự luật để gia hạn AGOA — dự kiến sẽ hết hiệu lực vào ngày 30/09/2025 — trong 16 năm. Dự luật của ông cũng yêu cầu một cuộc đánh giá “ngoại lệ” ngay lập tức về khả năng đủ điều kiện tham gia AGOA của Nam Phi.
Đánh giá “ngoại lệ” được thực hiện khi phát sinh“các trường hợp đặc biệt” giữa các lần đánh giá thông thường hàng năm đối với tất cả những nước thụ hưởng từ AGOA.
Khi Quốc hội bỏ phiếu về AGOA vào năm 2025, Nam Phi có thể bị loại khỏi chương trình này. Các nhà kinh tế Nam Phi cho rằng điều này sẽ dẫn đến hàng trăm ngàn việc làm bị mất và nhiều doanh nghiệp giải thể, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và xe hơi.
Đã có những lời kêu gọi trước hội nghị thượng đỉnh từ một số chính trị gia có ảnh hưởng tại Capitol Hill, trong đó có ông Coons và ông Jim Risch (Cộng Hòa-Idaho), thành viên hàng đầu của Đảng Cộng Hòa trong Ủy ban Ngoại giao Thượng viện, rằng phải ngăn không cho Nam Phi tổ chức sự kiện, vì lý do nước này có mối liên hệ chặt chẽ với Moscow, và bị cáo buộc xuất cảng vũ khí sang Nga.
Nhưng các quan chức của chính phủ Tổng thống Biden đã bác bỏ những lời kêu gọi này, liên tục tuyên bố rằng họ có “mối bang giao hữu hảo” với Nam Phi và không muốn hủy hoại những điều này.
Sau đó, ông Risch đã viết thư cho Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, chỉ trích chính phủ Hoa Kỳ đã cho phép chính phủ của Tổng thống Cyril Ramaphosa đăng cai hội nghị, và giữ Nam Phi ở trong danh sách tham gia AGOA.
Ông kêu gọi loại bỏ đất nước này khỏi danh sách, cả vì “mối bang giao thân thiết” với Moscow lẫn mối liên hệ của nước này với nhóm chiến binh Palestine, Hamas, và “nhà tài trợ chính” của Hamas là Iran.
Ông Risch đề cập đến cuộc gọi của Bộ trưởng Quan hệ Quốc tế của Nam Phi, bà Naledi Pandor, tới lãnh đạo Hamas, Ismail Haniyeh, ngay sau khi Hamas tấn công Israel hôm 07/10, cũng như chuyến thăm gần đây của bà tới Iran để gặp người đồng cấp của bà và Tổng thống Ebrahim Raisi.
Bà Pandor nói với The Epoch Times rằng các cuộc thảo luận của bà với cả hai nhà lãnh đạo nói trên đều tập trung vào việc đưa viện trợ nhân đạo vào Gaza, và không nên xem đó là “bất kỳ hình thức ủng hộ nào đối với những hành vi tàn bạo.”
Nhưng ông Risch cam kết rằng Quốc hội sẽ thực hiện “hành động khắc phục theo quá trình” vì chính phủ TT Biden đã “thất bại” trong việc thực hiện hành động đối với Nam Phi.
Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp nước này, ông Ebrahim Patel, nói với The Epoch Times rằng ông “hoàn toàn tin tưởng” rằng Nam Phi sẽ không bị loại khỏi AGOA.
“Tôi nghe nói rằng một số người muốn loại trừ chúng tôi vì một số khía cạnh trong chính sách ngoại giao của chúng tôi là mối đe dọa trực tiếp đến các lợi ích của Hoa Kỳ. Đó là một tiền đề sai lầm,” ông nói.
“Từ những cuộc thảo luận mà chúng tôi đã có với các quan chức Hoa Kỳ, họ hiểu rằng Nam Phi có chính sách ngoại giao độc lập và đôi khi chúng tôi sẽ có những điểm khác biệt. Chúng tôi muốn hợp tác kinh doanh với tất cả mọi người. Chúng tôi không thể không làm như thế được.”
“Tôi tin chắc rằng AGOA sẽ được gia hạn vào năm 2025 và Nam Phi sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ đạo luật này trong thời gian dài sắp tới.”
Ông Renai Moothilal, Giám đốc điều hành của Hiệp hội các Nhà Sản xuất Linh kiện Xe hơi và Đồng minh Quốc gia Nam Phi nói với The Epoch Times rằng việc mất tư cách thành viên của AGOA sẽ là “thảm họa” đối với ngành xe hơi của nước này.
Ông cho biết điều này có thể đe dọa khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất Nam Phi trên toàn cầu.
Ông Moothilal cho biết, “Ngành công nghiệp xe hơi đã được hưởng lợi rất lớn từ quyền tiếp cận ưu đãi vào thị trường rộng lớn của Hoa Kỳ. Năm 2022, chúng tôi đã xuất cảng xe hơi và linh kiện trị giá hơn 24 tỷ Rand (1.5 tỷ USD) sang Hoa Kỳ.”
Ông mô tả AGOA là “một trong những nền tảng của ngành công nghiệp xe hơi Nam Phi trong thời kỳ hậu dân chủ,” và ngành công nghiệp xe hơi được xem là “ngọn hải đăng của niềm hy vọng công nghiệp” trong nền kinh tế trì trệ của đất nước này.
“Nhờ hiệu ứng cấp số nhân mạnh mẽ, hoạt động sản xuất có tác động to lớn đến việc làm và hoạt động kinh tế. Đó là lý do tại sao bất cứ điều gì có khả năng dẫn đến sự suy giảm trong hoạt động sản xuất của chúng tôi đều là nguyên nhân gây lo ngại,” ông Moothilal giải thích thêm.
Theo Hội đồng Xuất cảng Công nghiệp Xe hơi của Nam Phi, lĩnh vực này đóng góp 4.9% GDP của đất nước trong năm 2022 và chiếm 21.7% sản lượng sản xuất của đất nước và 12.4% trong rổ xuất cảng.
Ông Moothilal cho biết nhờ AGOA, Hoa Kỳ hiện là điểm đến xuất cảng lớn thứ hai của Nam Phi, sau châu Âu.
“Thị trường Hoa Kỳ vẫn cho thấy cơ hội tăng trưởng đáng kể vì quy mô của bản thân thị trường này. Mặc dù các sản phẩm của chúng tôi đạt đẳng cấp thế giới, nhưng sự thật là AGOA mang lại cho đất nước lợi thế trong thị trường xe hơi toàn cầu có tính cạnh tranh cao,” ông nhấn mạnh.
Ông Moothilal cho biết: “Việc mất quyền tiếp cận ưu đãi vào thị trường rộng lớn của Hoa Kỳ thông qua AGOA cũng sẽ gây ra một số tác động gián tiếp.”
“Sự tín nhiệm về mặt danh tiếng đến từ việc trở thành nhà cung cấp đáng tin cậy của các công ty Hoa Kỳ sẽ có sức nặng ở các thị trường khác, chẳng hạn như Liên minh Âu Châu (EU).
“Việc mất thị trường Hoa Kỳ chắc chắn có nghĩa là quy mô kinh tế sẽ bị giảm, có khả năng ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của ngành này tại EU và các thị trường khác.”
Ông cho biết, việc mất tư cách thành viên tham gia AGOA sẽ khiến hàng ngàn việc làm trong lĩnh vực xe hơi bị mất đi, một số nhà máy sản xuất linh kiện sẽ đóng cửa và điều này có thể châm ngòi cho một cuộc di cư của các công ty Mỹ ra khỏi Nam Phi.
“Chúng tôi có một số công ty Hoa Kỳ sản xuất xe hơi ở cả cấp độ sản xuất nguyên chiếc và linh kiện. Các nhà sản xuất đa quốc gia có trụ sở tại Hoa Kỳ có nhà máy ở đây có thể rời khỏi đất nước này nếu họ bị tổn thất về số lượng xe hơi do chúng tôi bị loại khỏi AGOA hoặc các hình thức áp lực chính trị khác phải gánh chịu.”
Ông Moothilal cho rằng Nam Phi sẽ không thể thay thế được một thị trường quan trọng như Hoa Kỳ.
“Theo thời gian, các nhà sản xuất xe hơi toàn cầu khác sẽ lấp đầy khoảng trống mà chúng tôi để lại. Có nhiều lý do thuyết phục để quốc gia này phải xem xét nghiêm túc mối đe dọa mất quyền tiếp cận ưu đãi vào thị trường Hoa Kỳ.
Ông nói: “Chúng ta không đủ khả năng để mạo hiểm sức khỏe của ngành xe hơi, một động cơ quan trọng trong hoạt động tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế.”
Trong một cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình Bloomberg hôm 10/11, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, bà Katherine Tai, cho biết chính phủ TT Biden đang tìm kiếm một “sự gia hạn liền mạch” cho AGOA.
Trước hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Biden cho biết ông ủng hộ mạnh mẽ việc tiếp tục cấp phép cho AGOA và kêu gọi Quốc hội hành động.
Tuy nhiên, nhà kinh tế học Dawie Roodt cho biết, việc tiếp tục đạo luật này không phải là một kết luận được định trước và tư cách của Nam Phi chắc chắn “đang ở trạng thái treo.”
“Chính phủ Nam Phi đang thực hiện một nỗ lực đặc biệt để thúc đẩy Quốc hội Hoa Kỳ đưa ra một số hành động trừng phạt đối với họ vì sự hợp tác chặt chẽ của nước này với các quốc gia và các tổ chức bị bài xích.”
Ngọc Mai biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times