Chuyên gia: Dù Hoa Kỳ có phát triển mạnh ở châu Phi thì nền dân chủ ở lục địa này vẫn suy tàn
‘Sự thoái trào [về dân chủ] ... là điều mà chúng ta chưa từng thấy trong nhiều thập niên, với các cuộc đảo chính, xung đột, bất ổn chính trị, và các cuộc bầu cử gian lận ở nhiều quốc gia.’
Người dân Phi Châu ít lạc quan hơn về dân chủ so với trước đây trong nhiều thập niên.
Trong các cuộc khảo sát năm nay, nhiều người châu Phi thậm chí còn cho biết họ sẽ từ bỏ quyền bầu cử để đổi lấy việc làm và nền quản trị tốt, theo Afrobarometer, một mạng lưới nghiên cứu độc lập đo lường thái độ của công chúng trên khắp lục địa này.
Giám đốc điều hành Afrobarometer Joseph Asunka nói với The Epoch Times rằng người dân Phi Châu vẫn mong muốn dân chủ, nhưng sự quản lý vô trách nhiệm mà nhiều người đang phải hứng chịu “khiến họ thất vọng sâu sắc.”
Ông nói rằng thật “đáng lo ngại” khi ngày càng có nhiều người châu Phi ủng hộ quân đội can thiệp nếu các nhà lãnh đạo dân cử lạm quyền.
Vào tháng 08/2022, Tổng thống Joe Biden đã trình bày chiến lược mới của chính phủ ông đối với khu vực châu Phi cận Sahara, nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và ảnh hưởng ở mức độ thấp hơn của Nga trên lục địa này.
Ông William Mpofu, một chuyên gia quản trị tại Đại học Wits ở Johannesburg, Nam Phi cho biết, “Tổng thống Biden cho biết trong tương lai Mỹ quốc sẽ hợp tác kinh doanh nhiều hơn với châu Phi và sẽ đầu tư hàng tỷ dollar vào lục địa này — nhưng ông ấy nói rõ rằng điều này sẽ chỉ tiến triển tốt đẹp với những quốc gia nào thúc đẩy các giá trị dân chủ và tôn trọng nhân quyền.”
“Nhưng vào năm 2023, chúng ta đã chứng kiến sự thoái trào dân chủ ở châu Phi với quy mô chưa từng thấy trong nhiều thập niên, với các cuộc đảo chính, xung đột, bất ổn chính trị, và các cuộc bầu cử gian lận xảy ra ở nhiều quốc gia.”
Nhắm mắt cho qua?
“Đâu là điều dẫn đến chính sách của Tổng thống Biden ở châu Phi? Phải chăng điều đó có nghĩa là chính phủ Hoa Kỳ sẽ chỉ hợp tác với một số nền dân chủ thực sự ở châu Phi vào năm 2024 và xa hơn nữa? Hay chính phủ chỉ đơn giản là nhắm mắt cho qua và phớt lờ những hành vi lạm dụng, giống như những gì mà Trung Quốc và Nga đang làm, để khẳng định [vị thế] của mình ở châu Phi?”
Ông Mpofu nói với The Epoch Times rằng ông sẽ ghi nhớ năm 2023 là “năm mà người dân Phi Châu mất niềm tin vào nền dân chủ.”
Ông cho biết ông không đổ lỗi cho họ, xét đến những gì mà năm nay đã mang lại: Chiến tranh và nạn diệt chủng ở Sudan. Xung đột ở Cộng hòa Dân chủ Congo (CHDC Congo) và Ethiopia, cùng những quốc gia khác. Các chiến binh thánh chiến đang khủng bố hàng triệu người trên khắp Sahel, trong khi binh lính nắm quyền bằng các cuộc đảo chính và tiếp quản quân sự. Các cuộc bầu cử bị cản trở bởi những bất thường, bao gồm ở CHDC Congo, Nigeria và Zimbabwe.
Ông Mpofu cho biết, nhiều quốc gia châu Phi không dân chủ vì giới tinh hoa sắc tộc và các phong trào giải phóng trước đây đã kiểm soát họ kể từ khi chủ nghĩa thực dân sụp đổ vào những năm 1950 và 1960, và trong trường hợp của các quốc gia Nam Phi, thì điều đó bắt đầu kể từ những năm 1980 và giữa những năm 1990.
“Ngay từ khi quân du kích và các nhà lãnh đạo chính trị của họ bước ra khỏi mớ bòng bong này, họ đã bị tâm lý nhà nước độc đảng chiếm hữu và mê hoặc, một trạng thái tâm lý mà họ sẽ không chấp nhận bất kỳ sự đối lập chính trị nào và họ sẽ sẵn sàng khai triển vũ lực và lừa đảo để buộc phải thắng cử.
“Và mọi thứ không thay đổi,” nhà phân tích này giải thích.
Ông Mpofu nói rằng bất chấp mọi lời bàn tán về “sự phục hưng của châu Phi,” và việc người châu Phi trở nên giàu có hơn, năm 2023 cho thấy rằng rất ít nhà lãnh đạo của lục địa này sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận to lớn từ nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào của châu Phi với người dân của họ.
Ông nói: “Tôi không tài nào tưởng tượng nổi việc có một quốc gia châu Phi giàu khoáng sản mà đảng cầm quyền thực sự phân chia lại của cải cho người dân và sử dụng tiền để thực sự phát triển người dân của họ.”
“Ở Nigeria và Mozambique, giới tinh hoa chính trị sử dụng nguồn tiền từ dầu mỏ để làm giàu cho bản thân, trong khi hàng triệu người phải sống trong cảnh nghèo đói.”
“Ngay cả ở Nam Phi, quốc gia dân chủ nhất ở châu Phi trên danh nghĩa, giới cầm quyền vẫn sử dụng nguồn tiền từ vàng và bạch kim để làm giàu cho bản thân, thay vì dùng tiền để chấm dứt cuộc khủng hoảng thất nghiệp tồi tệ nhất thế giới và chấm dứt nạn đói.”
Hồi đầu tháng Mười hai, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc và các tổ chức khác đã công bố một báo cáo nói rằng một tỷ trong số 1.4 tỷ người ở châu Phi không thể có được một chế độ ăn uống lành mạnh trong năm 2023.
Ông Mpofu cho rằng khả năng lãnh đạo kém cỏi phần lớn là nguyên nhân gây ra các vấn đề của châu Phi.
“Tia hy vọng của người dân châu Phi đã vụt tắt. Chính sách của Hoa Kỳ ở châu Phi khá ổn định, nhưng chắc hẳn chính phủ ở Hoa Thịnh Đốn cũng thừa biết rằng chính giới tinh hoa chính trị tham nhũng ở châu Phi cuối cùng sẽ là bên được hưởng lợi từ các dự án của Hoa Kỳ ở châu Phi, chứ không phải người dân Phi Châu.”
“Những gì chúng ta có ở châu Phi kể từ khi chủ nghĩa thực dân được cho là đã kết thúc luôn là một thử nghiệm dân chủ chứ không phải tự do thực sự cho người dân Phi Châu.”
Bóc lột trên sự phát triển của chính quê hương mình
“Tầng lớp chính trị ở châu Phi vốn từng đấu tranh với giai cấp thuộc địa rồi sau này cũng trở đã thành phe thực dân,” ông Mpofu nói.
“Các giai cấp chính trị ở châu Phi không lên tiếng cho tiếng nói của những người dân chủ, hay của những người giải phóng, mà cho tiếng nói của một kẻ thực dân bản địa và đó là một tiếng nói đang truyền đạt với thế giới này rằng: ‘Hãy cho phép tôi có quyền bắt nạt chính người dân của mình để khai thác tài nguyên của đất nước tôi và dập tắt mọi sự chống đối vì tôi là người bản địa.’”
Ông Khabele Matlosa, người Lesotho, cựu quan chức cao cấp của Liên minh Phi Châu (AU), nói với The Epoch Times rằng ông kỳ vọng năm 2024 sẽ diễn ra theo mô hình tương tự như năm 2023: Xung đột, đảo chính, và những thay đổi vi hiến được thiết lập để duy trì quyền lực cho giới tinh hoa.
Ông Matlosa là tác giả của Hiến chương về Dân chủ, Bầu cử và Quản trị của Liên minh Phi Châu, vốn được thông qua vào năm 2007.
Tuy nhiên, kể từ đó, ông nói, giới tinh hoa và giới tướng lĩnh quân đội khao khát quyền lực, đôi khi được lính đánh thuê Nga hậu thuẫn, đã làm suy yếu những thành quả dân chủ mà châu Phi đạt được trong những năm 1990 và đầu những năm 2000.
Ông Matlosa nói, “Kể từ giữa những năm 2000, nền dân chủ đã suy thoái trên lục địa này và chúng ta vẫn đang chứng kiến một loạt các cuộc đảo chính quân sự. Xu hướng đó đang tiếp diễn.”
“Chúng tôi đã chứng kiến sự thay đổi vi hiến dưới hình thức các nguyên thủ quốc gia đương nhiệm bóp méo và sửa đổi hiến pháp để kéo dài nhiệm kỳ trong chính phủ. Điều này cũng đang tiếp diễn.”
‘Mục tiêu thực sự là nước Pháp’
Nhà sử học Kenya và chuyên gia quan hệ quốc tế Macharia Munene cho rằng năm 2023 chứng kiến sự trỗi dậy của những “kẻ mạnh” và độc tài ở châu Phi để đối đầu với cường quốc thuộc địa cũ là Pháp.
Ông lấy giới lãnh đạo chính quyền quân sự Burkina Faso, Mali, và Niger làm ví dụ.
Ông Munene nói với The Epoch Times, “Những gì chúng ta chứng kiến trong thời gian gần đây ở Tây Phi và vùng Sahel không phải là những cuộc đảo chính thông thường; đó là một cuộc cách mạng đang diễn ra. Và cuộc cách mạng này không thực sự nhắm vào các tổng thống và bộ trưởng.”
“Mục tiêu thực sự là nước Pháp, quốc gia mà những quân nhân này xem là kẻ can thiệp vào các vấn đề châu Phi, và giật dây các chế độ bù nhìn do Paris kiểm soát. Nếu quý vị nhìn vào những người bị lật đổ trong các cuộc đảo chính, họ là con cháu của những người giải phóng, người kế thừa nhà nước thuộc địa.”
Vào năm 2024, 22 trong số 54 quốc gia ở Châu Phi sẽ lập kế hoạch tổ chức bầu cử.
Ông Matlosa dự đoán rằng cuộc bầu cử quan trọng nhất đối với châu Phi và Hoa Kỳ sẽ diễn ra vào tháng Năm tới.
Đó là khi Nam Phi, được Ngân hàng Thế giới dự đoán sẽ thay thế Nigeria trở thành nền kinh tế lớn nhất châu Phi vào năm 2024, sẽ tổ chức các cuộc bỏ phiếu.
Ông nói: “Nam Phi, dù quý vị có nói gì, thì cũng đang là pháo đài dân chủ ở châu Phi kể từ khi chế độ phân biệt chủng tộc chấm dứt vào năm 1994. Đó là vì đảng ANC (Đại hội Dân tộc Phi) không cần phải gian lận phiếu bầu để duy trì quyền lực.”
“Sẽ thực sự thú vị khi xem ANC hành xử như thế nào khi quyền lực của họ bị đe dọa và khi họ lo sợ bị truất ngôi.”
“Nếu đó là lần đầu tiên có bất kỳ lời xì xào nào về những bất thường trong bầu cử ở Nam Phi, điều đó sẽ gây ra chấn động khắp thế giới và là một tín hiệu nguy hiểm thực sự đối với phương Tây. Bởi vì điều đó về cơ bản sẽ báo hiệu với trục Trung Quốc-Nga rằng: Châu Phi đã nằm sẵn trên đĩa thức ăn của các vị đây, hãy đến và thưởng thức nào.”
Ông Matlosa cho biết ông “không còn nghi ngờ gì nữa” rằng khả năng nắm giữ quyền lực của ANC đang suy yếu.
“Quốc hội có thể không mất quyền quản lý sau cuộc bầu cử này; ông nói; họ có thể thành lập một chính phủ liên minh để giữ ngai vàng. Tuy nhiên, lần đầu tiên tỷ lệ phiếu bầu sẽ giảm xuống dưới 50%. Và điều đó sẽ có ảnh hưởng gì? Tôi không nhìn thấy là họ đang trở nên dân chủ hơn, mà tôi thấy điều ngược lại đang xảy ra.”
Luật trưng thu của ANC
Ông Mpofu đồng ý rằng “tất cả các dấu hiệu đều cho thấy ANC đang trở nên chuyên quyền hơn.”
Ông chỉ ra rằng đảng đã tận dụng những ngày cuối cùng của năm 2023 để thông qua đạo luật một “đáng ngờ,” gồm một dự luật cho phép chính phủ tiếp cận hiệu quả các quỹ hưu trí của công dân, và một dự luật khác cho phép chính phủ thu giữ đất tư nhân.
Ông Mpofu cho biết ANC đang sử dụng thế đa số trong quốc hội để “đẩy nhanh các luật dân túy” trong một nỗ lực dữ dội nhằm giành được sự ủng hộ trước cuộc bầu cử.
Ông nói: “ANC có nhiều lý do để hoảng sợ, bao gồm cả tình trạng tham nhũng và quản lý nền kinh tế yếu kém cũng như không cung cấp đầy đủ dịch vụ.”
Ba cuộc thăm dò dư luận độc lập, riêng biệt được công bố hồi tháng Mười cho thấy tỷ lệ ủng hộ đảng này chỉ ở mức hơn 40%.
Hai cuộc thăm dò cho thấy đảng ANC đang mất thế đa số ở hai tỉnh quan trọng: Gauteng, gồm trung tâm tài chính của Nam Phi, Johannesburg, và KwaZulu-Natal. Western Cape, gồm thành phố giàu có thứ hai đất nước và trung tâm du lịch, Cape Town, từ lâu đã được cai trị bởi đảng đối lập là đảng Liên minh Dân chủ.
Ba tỉnh này chiếm hơn một nửa dân số Nam Phi và chiếm gần ⅔ GDP của nước này.
“Vì vậy, ngay cả khi ANC bằng cách nào đó nắm giữ chính quyền quốc gia bằng cách thành lập liên minh với các đảng khác, nhưng nếu ANC mất quyền kiểm soát ở ba tỉnh lớn nhất của đất nước, thì đảng này có đang thực sự nắm quyền không?” ông Mpofu hỏi.
Châu Phi của năm 2023 đang “nói không đi đôi với làm,” ông nói. “Các nhà lãnh đạo của họ nói về hiện đại hóa và công nghiệp hóa, trong khi lục địa này phần lớn vẫn bị nhấn chìm trong nạn đói, chiến tranh, và bất ổn chính trị.”
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times