Kỳ 2: Long tộc, long mạch và sự hình thành triều đại
Rồng là một con vật thần thoại vô cùng phổ biến trong cả hai nền văn minh Đông và Tây. Nếu ở văn minh Tây Phương, rồng hiện thân cho cái ác, được xem như một loài quái vật thì ở Đông Phương rồng lại là một loài Thần thú cao quý, đứng đầu tứ linh, là hiện thân của Long vương, là biểu tượng của Thiên tử con Trời tại nhân gian.
Truyền thuyết về Rồng tại phương Đông có nhiều vô số, vậy thì con Rồng là có thật hay tưởng tượng? Và nếu Lạc Long Quân, vị khai tổ đáng kính của tộc Việt là vua Rồng, vậy thì long tộc của Ngài là dân tộc như thế nào, có thật hay không?
EpochTimes Tiếng Việt trân trọng giới thiệu chuyên đề lịch sử TRUYỀN KỲ VỀ LONG TỘC VÀ LONG MẠCH ĐẠI VIỆT. Thông qua sử liệu và các câu chuyện truyền thuyết, hy vọng sẽ mang đến cho quý độc giả góc nhìn toàn cảnh về nguồn gốc con Rồng cháu Tiên của dân tộc Việt.
Kỳ 1: Truyền kỳ về long tộc và long mạch Đại Việt
Long tộc và biểu tượng của chân mệnh Thiên tử
Tất cả các đời Hoàng đế Trung Hoa cũng như Việt Nam đều coi Rồng là biểu tượng cho uy quyền chí tôn vô thượng của mình. Vì sao họ lại chọn Rồng mà không phải bất kỳ một con vật nào khác. Bởi vì một triều đại ở phương Đông được khai sinh là do Thiên thượng quyết định, cùng với sự chuyển sinh của các thành viên long tộc thay nhau làm Thiên tử để nhận sự bảo hộ từ long tộc, thủ đắc năng lượng và phúc khí của long mạch. Không có đủ các yếu tố trên thì một triều đại sẽ không thể nào đản sinh. Vì Thiên tử do long tộc chuyển sinh, ứng vận sinh ra để trị vì nên Hoàng đế phải lấy Rồng làm biểu tượng cho mình. Do Rồng là bản mệnh của vị Thiên tử đó, huyết thống rồng trong thân thể ngài sẽ kích hoạt sự bảo hộ âm thầm của long tộc dành cho Vua và hoàng gia. Họ (Long tộc) sẽ trấn giữ ở kinh đồ, lăng tẩm hoàng triều để bảo vệ địa mạch cùng với sông lớn và biển cả quanh quốc gia đó cho đến khi vận số của triều đại suy vi.
Đến nay huyền thoại vẫn còn ghi lại chuyện Lạc Long Quân sau khi lập nên triều đại Hùng Vương, lúc cuối đời khi đã đắc Đạo quay về Long cung trị vì đã để lại bốn cái móng Rồng của mình nhắm trấn giữ cho thế nước Văn Lang vững bền. Một trong những cái móng Rồng đó đã được thần Kim Quy đem giúp vua An Dương xây thành Cổ Loa và gắn trên lẫy nỏ Liên châu cũng như sau này gắn trên mũ đâu mâu của Triệu Việt Vương giúp ông đánh thắng quân xâm lược. Như thế Đức Long quân vẫn ngự trị nơi Long cung để bảo vệ cho giang sơn người Việt đến hôm nay.
Thế nào là một triều đại được coi là chính thống?
Sau khi long tộc bảo hộ cho Thiên tử lên ngôi lập ra triều đại, thì mặc nhiên triều đại đó được coi là chính thống. Đây là tiêu chuẩn cao nhất và quan trọng nhất mà tất cả các triều đại đều muốn có được, đó là sự công nhận tính hợp pháp như đã nói bên trên. Chúng ta hoàn toàn có thể hiểu được nội hàm của hai chữ “chính thống” đó là gì thông qua lý thuyết của thuật số Âm Dương ngũ hành. Theo Thiên can địa chi trong 60 hoa giáp thì Rồng là địa chi Thìn mang ngũ hành Thổ, tức là đất ẩm. Ngày xưa coi Hoàng đế là Thánh nhân trị vì Thiên hạ, khi lên ngôi thường ngồi ở ngai vàng phương Bắc, ngoảnh về phương Nam đúng với điều Nho gia hay giảng là: “ Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ”. Thêm vào đó, phương hướng của la bàn phong thủy định rằng trục Tý Ngọ (Bắc Nam) là trục quan trọng nhất trong Tứ Chính (Tý Ngọ Mão Dậu chỉ trục Nam Bắc và Đông Tây), nó tượng trưng cho phương hướng của Đế vương, còn gọi là Trục Thần Đạo. Hướng Bắc Nam là hướng của ngai vàng, cửa chính Nam của Tử Cấm Thành gọi là Ngọ Môn (cửa Nam).
Tý đứng đầu 12 địa chi, bản thân Tý là địa chi Dương thuộc Thủy lại ẩn chứa Quý cũng là nước; vì thế mà thế nước của Tý rất mạnh, là Đại Hồng Thủy, cũng tượng trưng cho các tai họa có thể hủy diệt quốc gia. Do đó từ Thời Thượng Cổ cho đến ngày nay, công việc trị thủy là công việc quan trọng nhất của toàn thiên hạ. Chính quyền nào trị thủy thành công mới có thể trị lý quốc gia giàu mạnh. Mà người đứng đầu chính quyền thời cổ là Hoàng đế, vậy cần có Hoàng đế ngự tại phương Tý trấn ngự Hồng thủy. Nhưng trên thực tế thì Hoàng đế lấy năng lực từ đâu, pháp thuật gì để có thể trị Thủy tai, hộ quốc an dân? Chính là dùng Thổ, thứ khắc chế Thủy, có thể ngăn chặn và có thể hấp thụ nước. Mà Thổ cũng lại là địa chi Thìn, biểu thị cho long tộc và năng lực khống chế nước của họ. Vì hoàng đế là có huyết thống long tộc, là rồng trong cõi người, thân mang Thiên mệnh. Nên tất cả vua đều lấy Rồng là biểu tượng cho mình, ngụ ý là mình khống chế được Hồng thủy, là người trị vì đem phúc cho thiên hạ. Trong lịch sử thì Đại Vũ là vị vua đầu tiên trị thủy thành công, bản thể của Ngài chính là một con Kim Long. Hoàng đế vì thế mà mặc áo Long bào màu vàng, vừa tượng trưng cho Kim Long, vừa mang ý nghĩa hành Thổ của địa chi Thìn ngồi ở phương Bắc để trấn Thủy tai cho quốc gia.
Bởi vậy Hoàng đế cần phải là chân mệnh Thiên tử, ứng với thiên ý mà sinh ra, là người của long tộc chuyển sinh, được long tộc bảo hộ mới có thể đem lại bình an cho xã tắc. Nếu còn chưa tin thì hãy đọc trong Sử Ký, có ghi lại rằng Tần Thủy Hoàng còn được gọi với tên là Tổ Long, nghĩa là thủy tổ của loài rồng. Ông ta là Hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa thống nhất sau mấy trăm năm loạn lạc, nên có lẽ là thành viên long tộc vai vế rất cao nên mới có biệt danh là Tổ Long chăng?
Những điều ở trên chính là nội hàm của câu “Quân quyền Thần thụ” cổ nhân hay nói. Vì thế mà những kẻ tiếm xưng đế hiệu thường sẽ đem lại rất nhiều tai họa cho dân gian. Ngôi vua do đó chỉ được Trời trao cho những người có đạo đức tốt, được Thiên thượng và long tộc công nhận. Đó là hàm nghĩa của từ “chính thống” của các triều đại cầm quyền xưa nay. Ý nghĩa cao nhất chính là ý thức trách nhiệm đối với thiên hạ mà nắm giữ ngôi cao, hoàn toàn không vì lợi ích bản thân hay dòng tộc.
Các hoàng triều khi được lập nên thảy đều đại diện để xiển dương tinh hoa của nền văn minh Thần truyền cho con người, đem đến cho nhân gian những giá trị vĩnh hằng, đặc biệt là các bài học về nghệ thuật và tinh thần lãnh đạo kiểu mẫu. Ngày nay các hoàng đế chỉ còn trong sách vở, nhưng nội hàm tinh thần họ để lại vẫn còn nguyên giá trị. Nếu những bậc chăn dân hiện nay có thể đạt được một phần như các đế vương cổ đại thì quả là phúc lành cho dân chúng vậy.
Đông Phong