Lời khuyên dành cho quý ông từ 65 tuổi trở lên
Bước đến tuổi cao niên bằng phong thái lịch thiệp và thiện chí sẽ gặt hái được nhiều phần thưởng
“Tuổi tác chỉ là một con số,” người bạn 72 tuổi của tôi chia sẻ về tuổi của mình. Ông và tôi đã cùng nhau tốt nghiệp đại học cách đây khoảng 600 mùa trăng.
Tuy nhiên, con số đó có nhiều ngã rẽ. Khi bạn chạm đến độ tuổi 55, bạn được hưởng mức chiết khấu dành cho người cao niên ở cửa hàng McDonald’s. Khi chúng ta tìm kiếm trực tuyến cho câu hỏi “Ở độ tuổi nào được xem là người cao niên?” thì nhìn chung, câu trả lời đều đồng ý là từ 65 tuổi trở lên. Một số người trong chúng ta có thể thích từ “luống tuổi” (old) hơn là từ “cao niên” (elderly), giống như tôi, và một số khác thì có thể hoàn toàn không thích đề cập đến hai chữ “tuổi già.” Nhưng trong bài viết “những quý ông cao niên” này sẽ chủ yếu nói về các quý ông ở độ tuổi 60 trở lên trên thang cuốn thời gian.
Khi bạn tìm kiếm trực tuyến lần nữa, lần này là với từ khóa “Tips for old guys” (Lời khuyên dành cho những người đàn ông cao niên), bạn sẽ tìm thấy một kho tàng gợi ý. Ăn thực phẩm lành mạnh, tập thể dục, và chăm sóc răng miệng là những lời khuyên mang tính máy móc hơn. Nhiều người khác thì đưa ra những chỉ dẫn về trang phục — với lời cảnh báo phổ biến là đừng cố để trông trẻ trung và tân thời — ngay cả khi hẹn hò. Lời khuyên của một cụ ông 80 tuổi rằng nên hát trong khi tắm là điều mà cá nhân tôi thấy thích nhất.
Những điều này vẫn rất tốt cho đến nay, nhưng tôi chợt nhớ ra một số lời khuyên nữa, góp nhặt được từ các cuộc trò chuyện để đời với những người đàn ông cao niên hơn và các trải nghiệm của riêng tôi giống như một trong số họ.
Hãy thoải mái với cơ thể của mình
Suy cho cùng thì, bạn đang đi loanh quanh trong một cỗ máy kỳ lạ — đó là cơ thể bạn, suốt hàng thập niên. Cỗ máy này chính là vậy đó. Nếu bạn cần đôi chút cảm hứng, thì hãy quan sát đứa trẻ 2 tuổi điển hình. Cậu bé bước đi chập chững mà không mặc áo, tã quấn ngang bụng, mặt mũi lem nhem việt quất, trên tóc dính những mẩu kẹo, và hai bàn tay nhớp nháp như tổ ong. Nếu anh chàng nhỏ bé này cảm thấy thoải mái với cơ thể của mình, thì bạn cũng có thể như vậy.
Cố gắng ăn mặc sang trọng nơi công cộng
Tạo bất ngờ cho bằng hữu và gia đình của bạn bằng cách ăn mặc chỉnh tề thay vì xuề xòa. Hãy để những bộ đồ thể thao và những chiếc quần ngắn ở nhà khi bạn đến nhà thờ. Hãy mặc áo khoác và thắt cà vạt cho bữa tiệc sinh nhật hoặc bữa ăn ngày lễ. Mang theo một cây gậy đi bộ hoặc một cây dù sẽ khiến bạn trở nên sang trọng và cũng có thể dùng được như một món vũ khí khi cần thiết.
Hành xử như một quý ông
Nếu bạn muốn giữ chút phẩm giá, thì hãy hành xử với tất cả phụ nữ bằng thái độ tôn trọng. Đừng nhìn chằm chằm vào một thiếu nữ đáng tuổi cháu gái mình, và đừng nhận xét bất nhã hoặc trêu đùa thất lễ với nữ nhân viên phục vụ. Hãy đối xử với tất cả phụ nữ như thể họ là những bông hoa trong công viên công cộng: Chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp của họ khi bạn đi ngang qua.
Xem truyền hình ít hơn
Người cao niên thường xem truyền hình nhiều hơn so với nhóm người ở độ tuổi từ 25 đến 50, và việc dành thời gian xem truyền hình nhiều giờ mỗi ngày là hết sức có hại cho sức khỏe của bạn. Bên cạnh các vấn đề đó, việc xem truyền hình là vô cùng lãng phí cuộc sống. Vì vậy bạn hãy cắt giảm thời gian này lại. Hãy đọc một cuốn sách. Đi dạo. Gọi cho các cháu. Tham gia một câu lạc bộ nào đó. Ghé vào một quán cà phê và nhìn dòng người qua lại. Hãy ra ngoài và vẫy chào cuộc sống thực tế.
Tránh các cuộc thảo luận không có chủ đích về sức khỏe
Những người đàn ông luống tuổi thường so sánh tình trạng sức khỏe của mình với bạn hữu. Có người thì kể về chứng viêm khớp của mình trong khi người bạn hữu của ông lại phàn nàn về chứng huyết áp. Điều đó không sao cả. Tuy nhiên, trừ phi bạn vừa mới biết mình mắc bệnh phong, mà có một người không mấy quen thân hỏi bạn: “Ông có khỏe không?” thì chúng ta nên trả lời bằng thái độ cảm kích và nhã nhặn rằng: “Tôi khỏe. Còn ông thì sao?” Vâng, đó là một câu trả lời xã giao và thậm chí đôi khi không thật, nhưng không ai thực sự muốn nghe bạn nói về chứng đau lưng, đau gối, hoặc số lần bạn đi vệ sinh vào ban đêm.
Hãy sáng suốt: Tiết chế
Đây là ví dụ khác về việc cẩn trọng trong lời nói sẽ mang lại lợi ích cho bạn. Một số người liên hệ trí tuệ với tuổi tác. Để được nhìn nhận là một trong các đạo sư bậc thầy thì rất đơn giản: Nói ít và nghe nhiều. Cho dù lắng nghe cô con gái trưởng thành phàn nàn về các vấn đề trong công việc, hay cậu cháu trai ở lứa tuổi thanh thiếu niên thú nhận sự bối rối và những khổ tâm trong phương diện tình cảm đi nữa, thì bạn hãy kiềm chế mong muốn vội vàng bày tỏ ý kiến.
Điều này có thể sẽ khó khăn, vì như nhiều người phụ nữ từng nói với bạn rằng, đàn ông làm người giải quyết vấn đề tốt hơn là làm người lắng nghe. Nếu bạn buộc phải nói điều gì đó, thì thỉnh thoảng hãy xen thêm vào cuộc độc thoại của người khác bằng những câu nói kiểu như “Ôi trời!” hoặc “Thật vậy sao?” Thường thì những người đến xưng tội này sẽ tự thuyết phục bản thân về các giải pháp của chính họ. Tin tốt lành ư? Những người này sẽ khen ngợi vị thính giả cao niên trí huệ của họ.
Kể những câu chuyện
Hãy chia sẻ quá khứ của bạn với con cháu, và bạn hữu để giúp họ kết nối với quá khứ và từ đó đưa một phần câu chuyện của bạn vào tương lai của họ, nhưng cố gắng tránh những so sánh tiêu cực giữa hiện tại và “những ngày xưa tươi đẹp ấy.” Ngày xưa tươi đẹp của tôi cũng từng có nhiều điều tích cực, nhưng cũng có cả sự phân biệt chủng tộc, bệnh bại liệt, chiến tranh lạnh, các cộng đồng hippie, những chiếc áo khoác kiểu Nehru, và những chiếc máy đánh chữ. (Bạn cũng có thể gỡ chiếc máy điện toán xách tay khỏi tay tôi sau khi tôi qua đời!) Sau khi bạn rời khỏi trái đất này, mọi người sẽ nhớ đến bạn qua những câu chuyện này. Hãy dùng những câu chuyện về thời thanh xuân đó của bạn để truyền cảm hứng cho họ.
Đừng để lại mớ hỗn độn
Nếu bạn chưa sắp xếp gọn gàng ngôi nhà của mình, thì đã đến lúc làm điều đó — đôi khi theo đúng nghĩa đen. Một người đàn ông 70 tuổi sở hữu tầng hầm chất đầy một kho khổng lồ những thứ đồ linh tinh, từng chia sẻ với tôi rằng: “Tôi luôn nghĩ đến việc vứt bỏ đống rác này, nhưng có lẽ tôi sẽ để lại công việc đó cho các con mình.” Không, không, không. Hãy sắp xếp mọi việc ổn thỏa, tất cả mọi thứ, từ di chúc cho đến những bọc đồ và hộp đồ trong nhà xe. Bạn có thực sự muốn con cháu của mình gánh vác trách nhiệm đó không?
Biến lòng biết ơn thành ngọn đèn chỉ đường
Khi chúng ta về già, thi thoảng thời gian có thể giống như kẻ cắp. Những người bạn thân yêu và các thành viên trong gia đình qua đời hoặc rời đi; hoàn cảnh thực tế làm tiêu hao khoản tiền dành dụm của chúng ta; rồi thể lực và tinh lực của chúng ta cũng suy yếu đi. Nhưng cuộc sống luôn ban cho chúng ta những món quà bất ngờ, ngay cả với người đã lão niên. Nếu chúng ta có đôi mắt để nhìn và trái tim để đón nhận, thì tuổi già sẽ ban cho chúng ta thời gian để sống chậm lại và trân quý những báu vật đó.
Đừng băn khoăn về những giọt nước mắt
Một số nhà khoa học cho biết nam giới khóc nhiều hơn khi về già bởi vì sự thay đổi nội tiết tố. Những người khác thì cho rằng đó là vì họ ít quan tâm hơn đến việc che giấu cảm xúc của mình. Cả hai quan sát này đều có phần đúng, nhưng còn một lý do khác khiến trò đùa của đứa cháu, hoặc cảnh tình cảm trong một bộ phim có thể khiến chúng ta rơi lệ — là vì, cuối cùng thì chúng ta cũng thấu hiểu được sự mong manh, vẻ đẹp, và sự bí ẩn của cuộc sống. Khi đôi mắt của bạn ngấn lệ, đừng xấu hổ. Bạn đã nhận được những giọt nước mắt của niềm vui và nỗi buồn đó.
Chiêm nghiệm về cái chết
Chúng ta từng có thời gian để nhảy điệu valse, nhưng rồi mỗi năm trôi qua, chúng ta biết rằng bản nhạc đó sẽ sớm kết thúc. Những người đang nằm liệt giường hoặc đang chịu đựng nỗi đau thường sẽ đón chào cái chết, trong khi những người khác lại sợ hãi nó như bệnh dịch. Dù là trong trường hợp nào, nếu chúng ta chưa từng suy nghĩ sâu sắc về cái chết, thì chúng ta đã trì hoãn quá lâu để chiêm nghiệm sâu hơn về chủ đề này.
Trong phần cuối cuốn hồi ký “The Old Man and the Boy” (Ông Lão và Cậu Bé) của nhà văn Robert Ruark viết về người ông thân yêu, [trong đó] Ông Lão giải thích rằng mình sắp qua đời: “Cháu đã có những điều tốt đẹp nhất của ông, và từ nay trở đi cháu sẽ tự lập. Năm tới, cháu sẽ vào đại học, và trở thành một người đàn ông, với tất cả những vấn đề của một người đàn ông, và sẽ không còn Ông Lão nào ở bên cạnh để chỉ dẫn cho cháu nữa. Ông đã nuôi dạy cháu tốt nhất có thể và bây giờ cháu sẽ là “Ông Lão”, bởi vì ông đã mỏi mệt, và ông nghĩ mình sẽ ra đi.”
Đó là những lời của người đàn ông đã cống hiến hết mình cho cháu trai và cho cả cuộc đời của chính ông. Nếu chúng ta có thể làm điều tương tự, báo đáp tình yêu cho những người đã yêu thương và nuôi nấng chúng ta, cũng như cố gắng vượt qua những thử thách mà tất cả mọi người trên thế giới này đều phải đối diện, thì chúng ta cũng có thể được ban phúc để nói lời tạm biệt một cách tự nhiên và nhẹ nhàng yên nghỉ dưới mặt đất an lành này. Theo lời của nhà văn Robert Louis Stevenson thì: