Liên Hiệp Quốc từ chối điều tra về các vụ nổ Nord Stream — Bắc Kinh và Moscow phẫn nộ
Nga và Trung Quốc hiện đang phẫn nộ trước sự cự tuyệt của Liên Hiệp Quốc: Là Liên Hiệp Quốc không muốn, hay là không dám truy tìm kẻ chịu trách nhiệm cho các vụ tấn công khủng bố làm nổ đường ống Nord Stream?
Điện Kremlin vẫn tiếp tục cuộc điều tra quốc tế về vụ nổ Nord Stream 2, mặc dù Liên Hiệp Quốc đã bác bỏ dự thảo nghị quyết đề nghị điều tra của Nga hôm 27/03. Bình luận về việc cuộc điều tra bị cản trở, ông Vladimir Barbin, Đại sứ Nga tại Đan Mạch, cho biết: “Thay vì thúc đẩy cuộc chiến chống khủng bố và tội phạm quốc tế, Liên Hiệp Quốc lại thúc đẩy mất đoàn kết và từ bỏ các thỏa thuận chính trị.”
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã không phê chuẩn một cuộc điều tra đầy đủ về các vụ nổ Nord Stream. Chỉ có Brazil là nước duy nhất ủng hộ đề xướng nghị quyết Nga-Trung này, còn các nước khác đều phản đối.
Cả Moscow và Bắc Kinh đều tỏ ra không hài lòng. Hai nước dự kiến sẽ có những hành động tiếp theo.
Sẽ không ‘sớm’ có cuộc điều tra
Theo Đại sứ Barbin thì Nga đang chờ đợi hình thức điều tra nào? Toàn diện, minh bạch, và khách quan. Phái đoàn Nga nói rằng, Liên Hiệp Quốc có trách nhiệm phải điều tra hành động phá hoại này. Vì đây là một hành động khủng bố, nên thủ phạm phải bị truy tìm ngay lập tức.
Theo truyền thông nhà nước Nga, Moscow cũng không đồng tình với lý do Liên Hiệp Quốc đưa ra cho quyết định bác bỏ nghị quyết: “Còn quá sớm để tiến hành một cuộc điều tra toàn diện, trong khi các cuộc điều tra quốc gia vẫn đang tiếp diễn.”
Ông Barbin, nhà ngoại giao Nga, nói rằng thật vô lý khi cho rằng việc Nga đề xướng nghị quyết chung với Trung Quốc có thể cản trở các cuộc điều tra cấp quốc gia. Thay vào đó, có thể suy ra rằng những quốc gia hiện đang tiến hành các cuộc điều tra ở cấp quốc gia này không muốn Nga tham gia.
“Đức, Thụy Điển, và Đan Mạch không muốn chia sẻ thông tin về vụ việc với Nga. Moscow tin rằng các quốc gia phương Tây đang cố tình cản trở cuộc điều tra độc lập về sự cố đường ống dẫn khí này,” ông Barbin nói.
Bắc Kinh: ‘Xin hỏi Mỹ quốc, các vị sợ cái gì?’
Trung Quốc cũng đã kêu gọi thành lập một ủy ban điều tra quốc tế độc lập. Nước này cũng không nương tay với bất kỳ lời chỉ trích gay gắt nào sau khi đề nghị này bị từ chối. Bắc Kinh thất vọng vì Liên Hiệp Quốc “do Hoa Kỳ lãnh đạo không thực hiện nhiệm vụ bảo đảm hòa bình và an ninh quốc tế,” Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) đưa tin.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh (Mao Ning) đã nhấn mạnh trong tuyên bố của mình rằng bất chấp những trở ngại, chắc chắn sự thật sẽ được phơi bày và thế giới sẽ biết ai là thủ phạm đã cho nổ tung các đường ống. Theo bà Mao Ninh, Mỹ muốn “ngăn chặn một cách ngoạn mục bất cứ điều gì được đưa ra ánh sáng về Nord Stream.”
“Xin hỏi Mỹ quốc, các vị sợ cái gì?” bà Mao Ninh hỏi rất cụ thể, đồng thời cho biết thêm rằng Bắc Kinh sẽ làm việc để tìm ra kẻ đứng sau vụ tấn công khủng bố này. Thủ phạm phải bị đưa ra trước công lý, bà Mao nhấn mạnh.
Bà Thang Bội (Tang Bei), giáo sư phụ tá tại Đại học Ngoại ngữ Thượng Hải (SISU), gợi ý rằng Nga nên đệ trình một dự thảo nghị quyết khác. Lần này dự thảo nên được trình bày trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, nơi một nghị quyết có thể được thông qua bởi đa số thành viên có mặt và biểu quyết.
Mặc dù các nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc không có tính ràng buộc như các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, nhưng chúng vẫn có hiệu lực pháp lý quốc tế.
Moscow muốn tìm ra thủ phạm, và cũng mong được bồi thường
Thiệt hại về kinh tế là rất lớn: đường ống nối Nga và Đức dưới biển Baltic có khả năng xuất cảng tới 110 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm. Đó là nhiều hơn toàn bộ 101 tỷ mét khối khí đốt mà Nga đã xuất cảng vào năm ngoái (2022), theo bản tin của cổng thông tin kinh doanh VG.hu.
Theo hãng thông tấn RIA Novosti, Moscow thực sự có thể yêu cầu bồi thường về những thiệt hại đã xảy ra, theo ông Dmitry Birichevsky, người đứng đầu bộ phận hợp tác kinh tế tại Bộ Ngoại giao Nga, hồi cuối tháng Ba.
Hiện tại cũng chưa có kế hoạch nào để khôi phục lại các đường ống. Để có thể yêu cầu bồi thường, Nga trước hết phải tìm được ai đã làm ra sự việc này. Trong một cuộc họp báo hôm 27/03, phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết:
“Nếu đó là sự phá hoại của một hoặc nhiều quốc gia, thì việc bồi thường chắc chắn là hợp lý.”
Ông Peskov nói thêm rằng đó là một hành động phá hoại quy mô lớn và một cuộc tấn công khủng bố vào các cơ sở hạ tầng quan trọng. “Các bằng chứng cho đến nay cho thấy, điều này không thể thực hiện được nếu không có sự phối hợp toàn diện của nhiều quốc gia và nhiều cơ quan đặc biệt của chính phủ,” ông Peskov nói.
Do Mária S. Szentmagyari thực hiện
Mộc Miên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Tiếng Đức